Hệ thống pháp luật

BAN DÂN VẬN TRUNG ƯƠNG - BAN CÁN SỰ ĐẢNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79-CTr/BDVTW-BCSĐCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2016

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

GIỮA BAN DÂN VẬN TRUNG ƯƠNG VÀ BAN CÁN SỰ ĐẢNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN, GIAI ĐOẠN 2016 - 2021

- Căn cứ Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị;

- Căn cứ Quyết định số 78-QĐ/TW, ngày 10/4/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Dân vận Trung ương;

- Căn cứ Quy định số 172-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương;

Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ thống nhất ban hành Chương trình phối hợp về triển khai, thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”, Chương trình hành động số 31-CTr/BDVTW, ngày 18/5/2016 của Ban Dân vận Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác dân vận, Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Nghị quyết số 64/NQ-CP, ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

2. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác dân vận, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, gần dân; củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

3. Quá trình thực hiện Chương trình phối hợp đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được phân công của từng cơ quan; các nội dung Chương trình được xây dựng và triển khai thực hiện phù hợp với thực tế, thiết thực và hiệu quả.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Phối hợp nghiên cứu, tham mưu xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận (bao gồm: công tác Mặt trận, các đoàn thể nhân dân; công tác dân tộc; công tác tôn giáo; công tác vận động các giai cấp, các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài) và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời phối hợp hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện và kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân1.

2. Thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng quyền, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nhất là các chính sách đối với từng đối tượng cụ thể (công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài).

3. Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ và cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó, tập trung thực hiện cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

4. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức cho Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên trao đổi thông tin về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; nắm sát tình hình Nhân dân, nhất là những bức xúc trong Nhân dân và những kiến nghị của cử tri; tình hình và dự báo biến đổi cơ cấu xã hội, các giai cấp, tầng lớp nhân dân; việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến các “điểm nóng”, khiếu kiện đông người để kịp thời tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng có chủ trương, biện pháp giải quyết; xây dựng cơ chế nắm tình hình và tham mưu giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng của Nhân dân.

5. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

6. Phối hợp tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền theo quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”.

7. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về nhận thức và kỹ năng công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ được phân công phụ trách công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, những cán bộ thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân vận Trung ương có trách nhiệm

1.1. Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận...của Đảng về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kiến nghị, đề xuất với Trung ương về những chủ trương, giải pháp, chính sách mới đối với công tác dân vận trong từng thời kỳ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng.

1.2. Hướng dẫn Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng, ký kết chương trình phối hợp và triển khai thực hiện có hiệu quả ở các cấp.

1.3. Hàng năm, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể Chương trình phối hợp đã được hai bên thống nhất.

1.4. Tham gia ý kiến trong việc thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Đảng về công tác dân vận và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tham gia thẩm định các đề án của các cơ quan nhà nước liên quan mật thiết đến công tác dân vận trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

1.5. Phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về nhận thức, kỹ năng công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

1.6. Chỉ đạo, hướng dẫn các vụ, đơn vị thuộc Ban Dân vận Trung ương tham mưu triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

2. Ban cán sự đảng Chính phủ có trách nhiệm

2.1. Hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể Chương trình phối hợp đã được hai bên thống nhất; chỉ đạo Chính phủ cụ thể hóa các nội dung chương trình phối hợp để thực hiện. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; chỉ đạo nghiên cứu đưa nội dung thực hiện công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vào tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan nhà nước.

2.2. Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các chủ trương của Đảng về công tác dân vận các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Trung ương về những chủ trương, giải pháp, chính sách mới đối với công tác dân vận trong từng thời kỳ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước.

2.3. Chỉ đạo Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; định kỳ hằng năm, báo cáo kết quả và kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2.4. Chỉ đạo Chính phủ thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nhất là các chính sách đối với từng đối tượng cụ thể (công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài).

2.5. Chỉ đạo Chính phủ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế để nắm tình hình Nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị, đề xuất chính đáng của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tình hình mới. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

2.6. Chỉ đạo Chính phủ phối hợp, tạo điều kiện, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW.

2.7. Chỉ đạo Chính phủ lãnh đạo tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp về nhận thức, kỹ năng công tác dân vận, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

2.8. Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền về công tác dân vận, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, các tin, bài viết tuyên truyền, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, về thực hiện quy chế dân chủ và các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

3. Phân công bộ phận giúp việc

3.1. Ban Dân vận Trung ương giao Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban cán sự đảng Chính phủ giao Văn phòng Ban cán đảng Chính phủ là hai bộ phận thường trực, tham mưu giúp việc.

3.2. Các bộ phận giúp việc có trách nhiệm phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ về kế hoạch, nội dung, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện hằng năm; tham mưu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hàng năm, sơ kết, tổng kết và chuẩn bị nội dung các kỳ họp.

4. Chế độ thông tin, giao ban

4.1. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo hai chiều về kết quả công tác dân vận các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp 6 tháng, một năm. Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ có trách nhiệm cung cấp cho nhau thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hội quần chúng, người Việt Nam ở nước ngoài thuộc phạm vi, trách nhiệm của đơn vị mình.

4.2. Hàng năm, Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất kế hoạch triển khai năm tới. Khi có những nội dung quan trọng cần tổ chức hội nghị, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ thống nhất để thực hiện.

Quá trình thực hiện Chương trình phối hợp, nếu có vấn đề chưa phù hợp hoặc cần bổ sung, Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ cùng trao đổi để thống nhất điều chỉnh khi cần thiết./.

 

TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TRUNG ƯƠNG




Trương Thị Mai

BÍ THƯ BAN CÁN SỰ ĐẢNG CHÍNH PHỦ




Nguyễn Xuân Phúc


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị (b/c)
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (b/c),
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Văn phòng Trung ương Đảng và các ban đảng Trung ương,
- Văn phòng Tổng Bí thư,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chính phủ,
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội TW
và Ban Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,
- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- Ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ,
- Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận TW,
- Văn phòng Ban cán sự Đảng Chính phủ,
- Các vụ, đơn vị trực thuộc Ban Dân vận TW,
- Lưu: VT BDVTW (3b), VT VPCP (3b). 305 

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Chương trình phối hợp số 79-CTr/BDVTW-BCSĐCP ngày 11/10/2016)

Trọng tâm là:

1. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

2. Các chỉ thị:

2.1. Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”;

2.2. Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”;

2.3. Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng”.

3. Các quyết định:

3.1. Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”;

3.2. Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”;

3.3. Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

4. Các kết luận:

4.1. Kết luận số 03-KL/TW, ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”;

4.2. Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”;

4.3. Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”;

4.4. Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo”;

4.5. Kết luận số 101-KL/TW, ngày 03/9/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về chủ trương công tác đối với đạo Tin lành”;

4.6. Kết luận số 08-KL/TW, ngày 02/8/2011 và Kết luận số 150-KL/TW, ngày 25/12/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về xây dựng cốt cán trong tôn giáo”;

4.7. Kết luận số 78-KL/TW, ngày 16/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp”.

5. Pháp lệnh, nghị định:

5.1. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH 11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

5.2. Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

5.3. Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.



1 Xem phụ lục, trang 6, trang 7

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình phối hợp 79-CTr/BDVTW-BCSĐCP năm 2016 về công tác dân vận, giai đoạn 2016-2021 do Ban dân vận Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 79-CTr/BDVTW-BCSĐCP
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/10/2016
  • Nơi ban hành: Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc, Trương Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản