Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN -
ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CTPH-BNNPTNT-UBND

Cần Thơ, ngày 25 tháng 7 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG, LÂM, THỦY SẢN GIAO THƯƠNG GIỮA THÀNH PHỐ CẦN THƠ VÀ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2022-2025

I. MỤC TIÊU

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy giao thương giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

II. CÁC CHỈ TIÊU CẦN ĐẠT

1. Số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của thành phố Cần Thơ với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng ít nhất 10%/năm.

2. Số chuỗi giá trị ngành hàng thực phẩm nông, lâm, thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh, thành phố trong cả nước đạt chuẩn mực quốc tế ít nhất 5%/tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN TRIỂN KHAI

1. Đối tượng: các sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

2. Phạm vi: thành phố Cần Thơ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố giao thương với thành phố Cần Thơ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Thời gian triển khai: giai đoạn 2022 - 2025.

IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Gia tăng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc

a) Củng cố, nâng cấp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã/tổ hợp tác/trang trại...(liên kết ngang) gắn sản xuất và tiêu thụ (liên kết dọc) theo chuỗi cung ứng bền vững.

b) Phổ biến, tập huấn về xây dựng và vận hành hệ thống tự kiểm soát an toàn thực phẩm tại từng khâu và truy xuất nguồn gốc điện tử, giám sát cộng đồng theo chuỗi; hỗ trợ ứng dụng, chứng nhận quy phạm thực hành tốt VietGAP (hoặc tương đương), chuẩn mực quốc tế như GAP, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, ISO, HACCP,…

c) Phát triển, nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố tích hợp với cổng truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia.

2. Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; nâng cấp chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị ngành hàng bền vững

a) Chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

b) Đề xuất xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù về liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng.

c) Nâng cấp chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế (chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến tại từng khâu tương ứng như GAP, HACCP/ ISO 22000 hoặc tương đương; được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu; được truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước...). Ưu tiên xây dựng chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Cần Thơ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.

d) Khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ các chuỗi giá trị gắn kết với vùng sản xuất, cơ sở đóng gói được cấp mã số phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

3. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại sản phẩm trong và ngoài nước

a) Tư vấn, hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chứng nhận an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, thương hiệu quốc gia, quốc tế.

b) Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền, tập huấn, quảng bá cho các cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn; nhận diện sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn qua phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin, thương mại điện tử, các ấn phẩm truyền thông,...

c) Tổ chức các hội nghị, hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn. Hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử nông, lâm, thủy sản, triển lãm nông nghiệp thực tế ảo (Virtual Exhibition).

V. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, điều phối thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố liên kết triển khai hiệu quả Chương trình. Lồng ghép trong các chương trình, dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hỗ trợ các nội dung Chương trình. Phê duyệt kế hoạch triển khai Chương trình hàng năm.

b) Hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy sản theo chuẩn mực quốc tế; tư vấn cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn và nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

c) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ToT) cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố liên kết tham gia thực hiện Chương trình.

d) Chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết và tổng kết kết quả triển khai hàng năm và cả giai đoạn 2022-2025.

2. Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ

a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và tổ chức thực hiện.

b) Chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì nghiên cứu, đề xuất: tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại thúc đẩy ký kết, tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm; thúc đẩy, khuyến khích ứng dụng xây dựng sàn giao dịch điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thế mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm để các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện theo đúng quy định.

c) Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hàng năm tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

d) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết kết quả triển khai hàng năm và cả giai đoạn 2022-2025.

đ) Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên địa bàn thành phố Cần Thơ; phối hợp kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết kết quả triển khai hàng năm và cả giai đoạn 2022-2025.

3. UBND các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình

a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Chương trình này tại địa phương; phối hợp tổ chức triển khai trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

b) Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hàng năm tại địa phương.

c) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện hàng năm và cả giai đoạn 2022-2025.

VI. KINH PHÍ

1. Kinh phí thực hiện Chương trình phối hợp được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước của các địa phương theo quy định hiện hành và kinh phí từ các đề án, chương trình, dự án của Trung ương và địa phương.

2. Hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xây dựng dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan thường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Cơ quan thường trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ), định kỳ hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và tổ chức thực hiện..

2. Định kỳ hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp và thông qua kế hoạch năm tiếp theo.

3. Các bên thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả thực hiện Chương trình, kịp thời trao đổi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

4. Kết thúc Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp và đề xuất triển khai giai đoạn tiếp theo./.

 

TM. UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thực Hiện

TM. BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam


Nơi nhận:
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Y tế;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Cục: TT, BVTV, CN, TY, CB&PTTTNS; KTHT&PTNT; VP NTM trung ương;
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia;
- Lưu: VT, QLCL.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình phối hợp 05/CTPH-BNNPTNT-UBND năm 2022 về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 05/CTPH-BNNPTNT-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/07/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Thanh Nam, Nguyễn Thực Hiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản