Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9656/CTPH-BNNPTNT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2015

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÔNG TÁC

GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỚI BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN "NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG" ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng";

Để tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" (Sau đây gọi tắt là Đề án) đối với người khuyết tật như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Tạo cơ chế phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ Trung ương đến địa phương nhằm hướng dẫn các tỉnh, thành phố hỗ trợ người khuyết tật tham gia hiệu quả các hoạt động của Đề án tại cộng đồng; đảm bảo người khuyết tật được nâng cao nhận thức và tham gia mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; góp phần thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực thực hiện hiệu quả các hoạt động của Đề án.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Phối hợp nâng cao năng lực cho người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật tại các cấp trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

a) Khuyến khích, hỗ trợ người khuyết tật, đại diện tổ chức xã hội của người khuyết tật và vì người khuyết tật tham gia cơ cấu tổ chức thực hiện Đề án tại các cấp, đặc biệt trong đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng kế hoạch của Đề án tại địa phương; theo dõi và đánh giá việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai;

b) Hỗ trợ người khuyết tật tham gia diễn tập phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng;

c) Đảm bảo khả năng tiếp cận của người khuyết tật trong các hoạt động truyền thông, thông tin cảnh báo sớm thiên tai và các công trình quy mô nhỏ phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng;

d) Phối hợp nhân rộng các mô hình hiệu quả về hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên phạm vi cả nước.

2. Phối hợp thực hiện tập huấn chuyên môn, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức

a) Lồng ghép nội dung về hòa nhập người khuyết tật trong các lớp tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trực tiếp làm công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng;

b) Lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ tổ chức xã hội của người khuyết tật tại các cấp, các hoạt động truyền thông cho người khuyết tật trong khuôn khổ Đề án;

c) Nâng cao kỹ năng, phương pháp tập huấn và làm việc người khuyết tật cho các tập huấn viên, hướng dẫn viên và cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

d) Hướng dẫn các địa phương hỗ trợ người khuyết tật tham gia hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông trong khuôn khổ Đề án do địa phương tổ chức thực hiện;

đ) Cử người có năng lực chuyên môn làm tập huấn viên, hướng dẫn viên tại các khóa tập huấn theo yêu cầu của mỗi bên.

3. Phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng hoặc chỉnh biên các tài liệu về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có lồng ghép nội dung hòa nhập người khuyết tật

a) Lồng ghép các nội dung hòa nhập người khuyết tật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn, tài liệu đào tạo, tập huấn, truyền thông về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại các cấp và được sử dụng trong trong khuôn khổ Đề án và phục vụ hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến người khuyết tật.

b) Lồng ghép các nội dung phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn, tài liệu đào tạo, tập huấn, truyền thông tại các cấp;

c) Phối hợp xây dựng công cụ đào tạo, tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai cho người khuyết tật, đặc biệt với người khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn và khuyết tật vận động.

4. Chia sẻ thông tin và kết quả các hoạt động về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

a) Chia sẻ các số liệu, dữ liệu liên quan đến người khuyết tật tại các địa phương thực hiện Đề án;

b) Chia sẻ thông tin, số liệu và kết quả hòa nhập người khuyết tật trong các hoạt động của Đề án;

c) Phối hợp chia sẻ thông tin, số liệu phục vụ theo dõi và đánh giá, xây dựng báo cáo định kỳ việc thực hiện Đề án;

d) Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm, mô hình tham gia hiệu quả của người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

5. Phối hợp hoạt động trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực

a) Huy động các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật nhằm hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động của Đề án; khuyến khích người khuyết tật tham gia các hoạt động tập huấn, tuyên truyền lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong nâng cao nhận thức, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

b) Huy động các nguồn tài chính, trang thiết bị từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện hoạt động hòa nhập người khuyết tật trong các hoạt động của Đề án;

c) Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Đề án trong các lĩnh vực liên quan đến người khuyết tật;

d) Khuyến khích sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động của Đề án có lồng ghép hòa nhập người khuyết tật.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

1. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chuyên môn từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc lồng ghép nội dung người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật tham gia trong các hoạt động của Đề án.

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị chuyên môn từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và hỗ trợ người khuyết tật tham gia trong các hoạt động của Đề án.

2. Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện

a) Phối hợp xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai một số nội dung ưu tiên về hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai được lồng ghép vào các hoạt động của Đề án hoặc vào các chương trình, dự án, đề án liên quan do mỗi bộ quản lý;

b) Hoạt động kiểm tra, theo dõi các hoạt động lồng ghép hòa nhập người khuyết tật vào các hoạt động của Đề án sẽ theo kế hoạch theo dõi và đánh giá hàng năm việc thực hiện Đề án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và thực hiện;

Các nội dung ưu tiên được lồng ghép vào chương trình, dự án, đề án do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý sẽ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, theo dõi và chia sẻ thông tin cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ báo cáo định kỳ thực hiện Đề án.

3. Trao đổi thông tin, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình

a) Tổ chức giao ban luân phiên giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp và đề xuất hoạt động tiếp theo:

- Giao ban giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo định kỳ 01 năm/lần;

- Giao ban giữa Tổng cục Thủy lợi (Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai) và Cục Bảo trợ xã hội theo định kỳ 06 tháng/lần.

- Giao ban giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Lao động - Thương binh và Xã theo định kỳ 01 năm/lần;

b) Định kỳ hàng năm luân phiên tổ chức đánh giá quá trình thực hiện Chương trình phối hợp. Hoạt động này có thể kết hợp nội dung trong các hoạt động tổng kết hàng năm của mỗi bên hoặc tổng kết hàng năm việc thực hiện Đề án.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Lồng ghép các hoạt động tại Đề án và các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan do hai Bộ đang quản lý, triển khai.

2. Từ nguồn hỗ trợ hợp pháp của các tổ chức trong và ngoài nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chương trình phối hợp được triển khai thực hiện kể từ ngày ký.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy lợi (Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Cục Bảo trợ xã hội thành lập nhóm công tác làm đầu mối triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này.

3. Chương trình phối hợp được triển khai tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; từng đơn vị căn cứ vào điều kiện cụ thể để hướng dẫn việc thực hiện ở địa phương, cơ sở trực thuộc.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có sửa đổi, bổ sung phải được hai bộ thỏa thuận, thống nhất./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để chỉ đạo thực hiện)
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để chỉ đạo thực hiện)
- Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để chỉ đạo thực hiện)
- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ-TB&XH;
- Cổng TTĐT Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH;
- Lưu: VT Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục TL (Trung tâm PT&GNTT), Cục Bảo trợ xã hội.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 9656/CTPH-BNNPTNT-BLĐTBXH năm 2015 phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong hoạt động triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" đối với người khuyết tật

  • Số hiệu: 9656/CTPH-BNNPTNT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/11/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm, Hoàng Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản