Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - CÔNG ĐOÀN
GIAO THÔNG VẬ
N TẢI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CTLT-BGTVT-CĐGTVTVN

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

CHỈ THỊ LIÊN TỊCH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30 CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ban Thường vụ Công đoàn GTVT Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Ban Thường vụ (Ban Chấp hành) công đoàn các cấp trong ngành GTVT thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp

a) Tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ và Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Văn bản số 488/TLĐ ngày 07/4/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Công đoàn đồng cấp chuẩn bị tốt kế hoạch, nội dung tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định, trong đó:

b) Các cơ quan hành chính cần tập trung đi sâu vào nội dung việc cải cách thủ tục hành chính, vận hành theo cơ chế một cửa; thực hiện tốt các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn; hoàn thiện các quy chế nội bộ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động được dân chủ tham gia đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát... cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động phát huy tính chủ động sáng tạo, góp phần xây dựng cơ quan vững mạnh; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng và lãng phí.

c) Các đơn vị sự nghiệp cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình gắn với việc thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về việc Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

d) Kiện toàn và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010; Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Hướng dẫn số 1271/HD-TLĐ ngày 07/8/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định tại Nghị định số 159/2016/NĐ-CP.

đ) Thời gian tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức: các cơ quan, đơn vị hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

2. Đối với công ty TNHH, công ty cổ phần

a) Tổ chức Hội nghị người lao động theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Người sử dụng lao động (hoặc đại diện người sử dụng lao động các doanh nghiệp), phối hợp với tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới Quy chế tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, Quy chế tổ chức Hội nghị người lao động, Thỏa ước lao động tập thể; xây dựng và ban hành Kế hoạch chỉ đạo tổ chức Hội nghị người lao động, bố trí địa điểm, thời gian, các điều kiện vật chất cần thiết và tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất (theo yêu cầu của mỗi bên) tại doanh nghiệp.

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thực hiện hiệu quả quyền dân chủ được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát, kiểm tra những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động trong Hội nghị người lao động. Thông qua thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại Hội nghị người lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần hạn chế tranh chấp lao động, đình công để phát triển doanh nghiệp.

c) Trong quá trình tham gia chỉ đạo tổ chức Hội nghị, Ban Chấp hành Công đoàn các doanh nghiệp chủ động phối hợp với Tổng giám đốc (Giám đốc) chuẩn bị tốt kế hoạch, nội dung, xây dựng Quy chế tổ chức Hội nghị người lao động và tổ chức Hội nghị người lao động, Quy chế đối thoại và phối hợp tổ chức đối thoại theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.

d) Khuyến khích công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động cấp tập đoàn, tổng công ty.

đ) Những kiến nghị của người lao động tại Hội nghị người lao động ở cấp nào thì cấp đó tập hợp, nghiên cứu trả lời theo thẩm quyền, công khai trước Hội nghị. Đối với những vấn đề phức tạp, có thể xin ý kiến Hội nghị để nghiên cứu trả lời sau, vào thời gian cụ thể. Những kiến nghị vượt thẩm quyền thì tập hợp, gửi về Bộ GTVT và Công đoàn GTVT Việt Nam để tổng hợp và nghiên cứu có hướng chỉ đạo giải quyết.

e) Thời gian tổ chức Hội nghị người lao động: Đối với các công ty TNHH, Hội nghị người lao động nên tổ chức trong quý I hàng năm; đối với công ty cổ phần, Hội nghị người lao động nên tổ chức trước Đại Hội đồng cổ đông.

3. Tổ chức thực hiện

a) Hàng năm, Thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan đơn vị, Người sử dụng lao động, công đoàn các cấp tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo kết quả theo quy định.

b) Công đoàn GTVT Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn, theo dõi việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

TM. BTV CÔNG ĐOÀN
GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM
CHỦ TỊCH




Đỗ Nga Việt

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Sang


Nơi nhận:
- Ban Cán sự đảng Bộ GTVT (để b/cáo);
- Tổng Liên đoàn Lao động VN (để b/cáo);
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Đoàn Thanh niên CS HCM Bộ GTVT;
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ (để t/hiện);
- CĐ cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc CĐ GTVTVN (để t/hiện);
- Lưu: VT, TCCB (Bộ GTVT), CĐGTVT VN.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị liên tịch 09/CTLT-BGTVT-CĐGTVTVN năm 2021 về tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Hội nghị người lao động ở các doanh nghiệp trong ngành Giao thông Vận tải do Bộ Giao thông Vận tải - Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 09/CTLT-BGTVT-CĐGTVTVN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/11/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Nga Việt, Nguyễn Xuân Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản