Hệ thống pháp luật

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 65-KL/TW

Hà Nội, ngày 4 tháng 3 năm 2010

 

KẾT LUẬN

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA VIII) VỀ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ

Sau khi xem xét báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận như sau:

I. Tình hình thực hiện Chỉ thị

1. Những kết quả đạt được:

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các các cấp đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, triển khai sâu rộng, làm chuyển biến tích cực về nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.

Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp quy về thực hiện Quy chế dân chủ cho một số loại hình cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở đã tích cực xây dựng quy chế, quy định; thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước thực hiện dân chủ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở được gắn với phát triển kinh tế- xã hội, cải cách thủ thục hành chính, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các phong trào, các hoạt động văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhân dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Dân chủ và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhất là dân chủ trực tiếp của nhân dân tiếp tục được coi trọng, tăng cường.

Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận, các đoàn thể nhân dân; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; chống lại các âm mưu lợi dựng dân chủ, dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đạt được những kết quả nói trên là do chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở là đúng đắn, hợp lòng dân, đáp ứng được yêu câu của giai đoạn cách mạng mới. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện; ban hành các văn bản pháp quy để quy định và hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình, các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết, chỉ đạo kịp thời. Hệ thống chính sách, pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng, nhà nước tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Ban chỉ đạo ở các cấp được chú ý kiện toàn, hoạt động thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân ở các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Khuyết điểm, hạn chế:

Nhìn chung, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai tích cực ở loại hình xã, phường, thị trấn; các loại hình cơ sở khác kết quả còn hạn chế.

Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước không ít nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao, chưa thành nền nếp. Một số xã, phường, thị trấn chưa làm tốt việc công khai, dân chủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá cả đền bù khi chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tái định cư. Không ít cơ quan thiếu công khai, dân chủ về quản lý thu, chi tài chính công, nâng lương, quy hoạch đào tạo, đề bạt cán bộ. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở dịch vụ ngoài công lập và một số doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn chưa xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thiếu công khai, dân chủ về sản xuất, kinh doanh, tiền lương, tiền thưởng và thực hiện chế độ bảo hiểm đối với người lao động.

Một số nơi nội bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền mất đoàn kết; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời; tình hình khiếu kiện của nông dân, đình công, bãi công của công nhân diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên là do: Nhận thức về dân chủ và trách nhiệm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức chưa đầy đủ, phong cách làm việc quan liêu, mất dân chủ, thiếu tôn trọng dân còn khá phổ biến trong cán bộ các cấp, các ngành.

Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, của người đứng đầu chưa đầy đủ; không ít nơi chưa có ban chỉ đạo, chưa có người theo dõi kiểm tra, sơ kết, tổng kết, chỉ đạo thường xuyên; việc hướng dẫn, kiểm tra theo hệ thống ngành dọc chưa được coi trọng.

Việc rà soát, ban hành, bổ sung chính sách, cơ chế chưa đồng bộ, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra, nhất là những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân như: Giá đền bù đất khi giải phóng mặt bằng, tái định cư, tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhà ở của công nhân các khu công nghiệp...Một số văn bản pháp quy quy định về quy chế dân chủ cho một số loại hình, một số lĩnh vực còn thiếu, chưa kịp thời, chưa sát với thực tế, chậm được rà soát, bổ sung.

Mặt trận, các đoàn thể nhân dân một số nơi còn chậm đổi mới phương thức hoạt động, còn có xu hướng hành chính hóa; chưa thực sự đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân; chưa tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.

II. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở

1. Tiếp tục quán triệt, không ngừng nâng cao nhận thức; xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội; của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về những quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở.

2. Tăng cường việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về dân chủ xã hội chủ nghĩa trong các quy định của pháp luật, chính sách cụ thể. Tổng kết, rà soát, bổ sung các văn bản đã ban hành; sớm nghiên cứu, ban hành pháp lệnh về xây dựng và thực hiện dân chủ cho các loại hình doanh nghiệp. Các cơ sở, các loại hình cần rà soát, bổ sung, xây dựng quy chế thực hiện dân chủ (xây dựng thành quy định, nguyên tắc, quy trình thực hiện dân chủ) trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể của địa phương, đơn vị mình, nhất là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân.

3. Gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; cải cách hành chính; cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; các phong trào thi đua yêu nước nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

4. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính tri, phát huy cao vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn, tiêu cực ở cơ sở; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội.

5. Phát huy vai trò của ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn, đôn đốc, tham mưu cho cấp ủy kiểm tra, chỉ đạo thường xuyên; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn; coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, công chức về ý thức, trách nhiệm, phong cách, năng lực thực hiện dân chủ ở cơ sở và dân chủ với nhân dân.

6. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; trách nhiệm của chính quyền, của người đứng đầu về thực hiện quy chế dân chủ; tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" ở cơ sở. Phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền và giám sát việc thực hiện; vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cơ sở.

III. Tổ chức thực hiện

- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ nội dung Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng để cụ thể hóa thành chương trình công tác của cấp ủy, chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc quán triệt, tổ chức thực hiện Kết luận này.

- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, ban hành pháp lệnh về thực hiện dân chủ trong hoạt động của các loại hình doanh nghiệp; chỉ đạo các cơ quan liên quan của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các địa phương, đơn vị.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc tổng kết các nghị định của Chính phủ đã ban hành về quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp quy về xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, các lĩnh vực hoạt động xã hội; nhất là những loại hình, lĩnh vực hoạt động ở cơ sở thực hiện Quy chế dân chủ còn yếu, như trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ ngoài công lập, các doanh nghiệp tư nhân...

- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hệ thống ngành dọc.

- Giao Ban Dân vận Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện Kết luận này.

- Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương định kỳ báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị và kết luận này về Ban Bí thư Trung ương Đảng qua Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở Trung ương; định kỳ 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết một lần.

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Trương Tấn Sang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 65-KL/TW năm 2010 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở do Ban Bí thư ban hành

  • Số hiệu: 65-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/03/2010
  • Nơi ban hành: Ban Bí thư
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản