Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 1976 

 

CHỈ THỊ

BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ VIỆC ĐI LẠI GIỮA HAI MIỀN.

Từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng đến nay, ngành giao thông vận tải cùng Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, các Bộ, các ngành ở trung ương đã khắc phục nhiều khó khăn, giải quyết được cho trên 10 vạn người về thăm quê hương ở miền Nam. Đó là một cố gắng lớn. Tuy vậy, so với yêu cầu đi lại của cán bộ và nhân dân thì cũng chưa được là bao.

Trước yêu cầu của cán bộ và nhân dân và trước tình hình mới, nước nhà sắp được thống nhất về mặt Nhà nước, việc bình thường hóa đi lại giữa hai miền là cấp thiết và có nhiều ý nghĩa chính trị và tâm lý. Tuy nhiên phương tiện đi lại còn khó khăn, tình hình sản xuất, tình hình công tác ở cả hai miền không cho phép trong một lúc mà giải quyết được hết.

Để đáp ứng một phần nguyện vọng và yêu cầu của cán bộ và nhân dân, đồng thời để chấn chỉnh các khâu vận chuyển, phục vụ làm cơ sở vững chắc cho việc đi lại bình thường lâu dài giữa hai miền, Thủ tướng Chính phủ quy định và bổ sung một số điểm như sau:

1. Đối tượng: Ngoài những đối tượng đã quy định trong các chỉ thị số 234/TTg và 263-TTg của Thủ tướng Chính phủ nay quy định tiếp cho các trường hợp sau đây thuộc diện được xét cho phép vào miền Nam:

- Cán bộ, công nhân đã về hưu, về nghỉ vì mất sức lao động chuyển về ở hẳn trong Nam và những cán bộ chuyển công tác lâu dài về miền Nam thì được đem theo cả những người trong gia đình mà mình phải nuôi dưỡng;

- Cán bộ, công nhân, viên chức người miền Bắc đề nghị vào thăm cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, anh chị em ruột ở miền Nam;

- Nhân dân lao động người miền Bắc được chính quyền xã xác nhận là người tốt, làm ăn lương thiện, vào thăm cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, anh chị em ruột đang ở miền Nam;

Những cán bộ đã được đi phép thăm gia đình một lần thì tạm thời chưa được đi lại, trừ trường hợp có việc nhà cấp bách thì giải quyết theo chế độ nghỉ phép hàng năm của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước.

Để thuận tiện cho việc đi lại, không để nhân dân và cán bộ phải chờ đợi xếp hàng mua vé, việc cấp giấy phép và bán vé xe liên vận phải làm theo đúng chủ trương và kế hoạch như hiện nay (600 người/ngày đi đến Đà-nẵng và Sài-gòn); số giấy phép cấp ở mỗi Bộ, mỗi tỉnh, thành phố phải do Thủ trưởng các Bộ, các ngành hoặc Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên thư ký tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký và phù hợp với kế hoạch phân phối của Bộ giao thông vận tải, không được vượt quá số quy định. Trường hợp không đi hết thì phải báo lại cho giao thông biết để điều chỉnh kịp thời cho nơi khác.

2. Tổ chức vận chuyển: Bộ Giao thông vận tải bàn với giao thông miền Nam, Sài-gòn, Đà-nẵng, Huế để phân công phụ trách các tuyến vận chuyển hành khách từ Vinh đến Huế, Đà-nẵng, Sài-gòn cho phù hợp với tình hình mới, tổ chức việc bán vé khứ hồi cho hành khách đến Đà-nẵng để tránh gây phiền phức cho hành khách phải mua vé, đổi xe nhiều nơi, nhiều lần.

Từ nay, các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đình chỉ hẳn việc sử dụng ô-tô của cơ quan để đưa cán bộ đi thăm gia đình ở miền Nam. Trường hợp cá biệt thì có giấy phép của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ. Các trạm kiểm soát của công an cần tăng cường kiểm soát, lập biên bản và báo cáo về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ những trường hợp sử dụng xe sai nguyên tắc này.

Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với Bộ Quốc phòng (Tổng cục Hậu cần) tích cực tăng cường các biện pháp vượt sông để việc đi lại được thông suốt, nhanh chóng.

3. Tổ chức ăn nghỉ ở dọc đường:

Việc tổ chức ăn nghỉ ở dọc đường là rất quan trọng, để bảo đảm sức khỏe cho hành khách đi đường dài. Vì vậy trước mắt, cần củng cố các trạm ăn nghỉ của xe liên vận ở Vinh và Đồng-hới. Ủy ban hành chính các tỉnh Nghệ-tĩnh và Quảng-bình chịu trách nhiệm về việc tổ chức các trạm này và giao Ty thương nghiệp quản lý kinh doanh. Các Bộ Vật tư, Tài chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, kinh phí để xây dựng các trạm, trang bị ban đầu (giường, chiếu, chăn màn, dụng cụ nhà bếp, v.v...); Bộ Nội thương, Lương thực thực phẩm có trách nhiệm cung cấp lương thực, thực phẩm cho các trạm đó.

Ngoài ra Ủy ban hành chính các tỉnh cần chấn chỉnh các cửa hàng ăn quốc doanh hoặc của hợp tác xã ở các thị xã, thị trấn, bến phà trên đường quốc lộ số 1A để lúc nào khách qua lại cũng có ăn, tránh tình trạng như hiện nay, các cửa hàng chỉ bán hàng trong một số giờ nhất định.

4. Việc đổi tiền: Ngân hàng Nhà nước Việt-nam có trách nhiệm chấn chỉnh lại các thủ tục đổi tiền cho cán bộ và nhân dân đi thăm gia đình hoặc đi công tác ở miền Nam, bảo đảm vừa quản lý tốt tiền tệ, vừa tránh gây phiến phức cho cán bộ và nhân dân.

Tiếp được chỉ thị này, các Bộ, các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nghiên cứu thực hiện cho chu đáo, để bảo đảm việc đi lại giữa hai miền đạt được kết quả tốt.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

Nguyễn Duy Trinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ Thị 78-TTg năm 1976 Bổ sung một số điểm về việc đi lại giữa hai miền do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 78-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/02/1976
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản