Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 234-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 1975 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐI LẠI THĂM HỎI GIA ĐÌNH TRONG VÙNG MỚI GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cán bộ và đồng bào ở cả hai miền đều muốn được gặp nhau, thăm hỏi nhau sau hàng chục năm xa cách. Đó là nguyện vọng và yêu cầu tình cảm rất chính đáng. Các Bộ, các ngành, các cấp cần quan tâm giúp đỡ cán bộ và nhân dân trong việc đi lại thăm hỏi gia đình.

Tuy nhiên hiện nay vì khó khăn về phương tiện đi lại, công tác ở miền Bắc cũng như ở miền Nam đang bận rộn, nên mọi người không thể giải quyết được trong một lúc. Việc đi lại thăm hỏi gia đình do đó cần phải thực hiện từng bước, phải có sự bố trí sắp xếp chu đáo để vừa đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, đồng thời bảo đảm sản xuất và công tác thường xuyên ở miền Bắc và không gây khó khăn cho chính quyền và bà con ở những vùng mới giải phóng.

Thủ tướng Chính phủ quy định việc đi lại thăm hỏi gia đình trong vùng mới giải phóng miền Nam như sau.

1. Đối tượng :

Nói chung tất cả mọi cán bộ, công nhân viên và đồng bào miền Nam có gia đình ở miền Nam đều trước sau lần lượt được về miền Nam thăm gia đình. Nhưng trong khi sắp xếp cho đi, do khả năng phương tiện đi lại còn hạn chế cần ưu tiên giải quyết cho những cán bộ, công nhân viên, bộ đội, thương binh, bệnh binh đã về hưu, về nghỉ vì mất sức lao động, có vợ, chồng hoặc con ở miền Nam ; những cán bộ, công nhân viên, thương binh, bệnh binh có vợ hoặc chồng, bố mẹ ở miền Nam hoặc có con, anh chị em ruột. Còn các đối tượng khác thì giải quyết dần, tùy theo công việc và khả năng vận tải. Những người bị tù mới được tha, những người đang bị quản chế, cải tạo, những người có liên quan đến các vụ án thì chưa được phép đi.

2. Một số quy định cụ thể :

1. Việc cho đi thăm gia đình ở miền Nam do những cơ quan sau đây quyết định và cấp giấy phép:

a) Đối với những người về hưu, về nghỉ việc vì mất sức lao động và đồng bào miền Nam về sản xuất ở các địa phương thì Ủy ban hành chính huyện hoặc cấp tương đương quyết định ;

b) Cán bộ, công nhân viên thuộc quyền quản lý của khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì do chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố quyết định ;

c) Cán bộ, công nhân viên thuộc quyền quản lý của các Bộ, các ngành, các đoàn thể trung ương thì do thứ trưởng các Bộ, các ngành, các đoàn thể quyết định.

2. Người được phép đi thăm gia đình ở miền Nam cần mang theo giấy phép và chứng minh hoặc giấy chứng nhận căn cước.

3. Cán bộ, công nhân viên, bộ đội, thương binh, bệnh binh về hưu, về nghỉ vì mất sức lao động về thăm gia đình trong một thời gian thì được lĩnh tiền trợ cấp của một quý ; trường hợp xin về ở hẳn với gia đình tại miền Nam thì được lĩnh trước tiền trợ cấp của hai quý và được ủy quyền cho thân nhân ở miền Bắc tiếp tục nhận trợ cấp cho đến khi có chế độ mới.

Anh chị em về thăm lần này được cấp tiền tàu xe đi, về.

4. Cán bộ, công nhân viên đang công tác về thăm gia đình trong một thời gian thì được hưởng mọi quyền lợi theo chế độ nghỉ hàng năm hiện hành. Nhưng để chiếu cố hoàn cảnh xa cách nhau lâu ngày nên riêng lần này anh chị em được nghỉ hai mươi (20) ngày và trường hợp cá biệt thì được nghỉ ba mươi ngày (30), không kể ngày đi đường.

3. Trách nhiệm của các ngành, các cấp :

1. Bộ giao thông vận tải cần tổ chức và tăng cường các tuyến vận chuyển bằng ô-tô, đường biển tạo điều kiện cho anh chị em về thăm gia đình, bảo đảm dần dần ai cũng được về thăm ; Bộ Nội thương và Bộ Y tế tổ chức việc ăn uống, bảo vệ sức khỏe cho anh chị em trên các tuyến đường.

2. Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan như hải quan, quân cảnh, quy định việc kiểm soát để đề phòng hành động lợi dụng cơ hội buôn lậu, phá rối trật tự trị an, đồng thời tránh tình trạng bắt giữ lung tung gây căng thẳng không cần thiết.

3. Ngân hàng và Nhà nước Việt-nam cần quy định và hướng dẫn việc mang tiền, đổi tiền khi vào miền Nam.

4. Bộ tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn việc thanh toán tiền tầu xe và các khoản phụ cấp cho anh chị em đi về miền Nam.

5. Các Bộ, các ngành, các đoàn thể trung ương, Ủy ban hành chính các cấp, các cơ quan đơn vị có cán bộ và đồng bào miền Nam, cần cố gắng sắp xếp cho anh chị em miền Nam lần lượt được phép, đồng thời bảo đảm công tác thường xuyên ; cần giải thích cho mọi người có ý thức tự giác nhường cho những người cần trước, đi trước, những người chưa đi lo gánh thêm công việc của người vắng mặt.

Đối với những người được đi thì cần phổ biến cho anh chị em những điều cần thiết về chính sách ở vùng mới giải phóng, thái độ đối với các tầng lớp nhân dân trong ấy, giữ gìn thái độ, tư cách và tác phong của người cán bộ xã hội chủ nghĩa.

6. Bộ quốc phòng căn cứ tinh thần chỉ thị này mà hướng dẫn việc thi hành trong Quân đội.

Ủy ban Thống nhất có trách nhiệm thông báo chủ trương này cho miền Nam, theo dõi, kiểm tra việc thi hành chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, những vấn đề mới cần phải giải quyết.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 



Hoàng Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 234-TTg năm 1975 về việc đi lại thăm hỏi gia đình trong vùng mới giải phóng miền Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 234-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/06/1975
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản