Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 263-TTg

Hà Nội , ngày 02 tháng 08 năm 1975 

 

CHỈ THỊ

BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ VIỆC ĐI THĂM VIẾNG GIA ĐÌNH Ở HAI MIỀN NAM BẮC.

Thi hành chỉ thị số 234-TTg ngày 21-06-1975 về việc đi lại thăm viếng gia đình ở miền Nam, các ngành, các địa phương đã cố gắng sắp xếp cho cán bộ và đồng bào về quê thăm viếng; các Bộ Giao thông vận tải, Nội thương, Y tế, Ngân hàng v.v…đang cố gắng tăng thêm điều kiện vật chất phục vụ đi lại, ăn nghỉ…của cán bộ và đồng bào. Tuy nhiên việc tổ chức cho đồng bào và cán bộ về Nam thăm viếng vừa qua đã có những thiếu sót cần được sửa chữa như sau:

1. Trong điều kiện khả năng vận chuyển và tổ chức ăn ở dọc đường còn nhiều khó khăn, việc cấp giấy cho đi phép ở nhiều ngành và địa phương lại quá rộng rãi, không đúng đối tượng; số lượng người được cấp giấy đi phép vượt xa khả năng về phương tiện vận chuyển hành khác và tổ chức ăn nghỉ dọc đường; gây tình trạng ứ đọng người đi phép ở các đầu mối giao thông, nơi ăn nghỉ dọc đường; vừa gây khó khăn tốn kém cho bản thân người đi phép, lại gây khó khăn thêm cho Nhà nước.

2. Việc tổ chức vận chuyển, bố trí phương tiện chở khách và ăn nghỉ còn nhiều thiếu sót và sơ hở: xe, tàu chở quá tải; nhiều người không có giấy phép vẫn đi được; có hiện tượng nâng giá vé và gây nhiều khó khăn phiền phức cho hành khách…

3. Việc giải thích, phổ biến chính sách trong vùng mới giải phóng cho cán bộ, đồng bào đi phép làm không tốt, một số người đã không giữ đúng thái độ, phẩm chất của người cán bộ xã hội chủ nghĩa, đã có những hành động hoặc phát ngôn không đúng, gây nhiều khó khăn cho các địa phương ở miền Nam.

Để tổ chức tốt việc đi lại thăm viếng của cán bộ và đồng bào, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành và các địa phương làm tốt một số việc cụ thể như sau:

1. Chấn chỉnh việc cấp giấy phép theo đúng tinh thần và nội dung chỉ thị số 234-TTg ngày 21-06-1975.

Hiện nay giao thông vận tải đang phải giải quyết nhiều việc cấp bách phục vụ sản xuất và đời sống; phương tiện vận chuyển khác phải dành chủ yếu cho cán bộ có công tác thật cần thiết phải đi vào miền Nam. Cho nên việc đi phép thăm gia đình trước mắt phải rất hạn chế. Đối với cán bộ về hưu thì thu xếp về dần, tránh giải quyết ồ ạt. Nhất thiết không được cấp giấy cho những người không thuộc diện đã quy định.

Đến nay số vé đã bán ra phải sang đầu tháng 9 mới giải quyết xong. Từ nay, để khỏi mất nhiều thì giờ chờ đợi và phiền phức cho người mua vé, việc phân phối vé cho tháng 9 trở đi sẽ thực hiện như sau:

Mỗi Bộ và tỉnh, thành phố nắm lại các giấy phép đã cấp (mà chưa mua được vé), kiểm tra lại có thật đúng đối tưởng không, xếp lại thứ tự ưu tiên như nói trên và gửi danh sách cho Bộ Giao thông vận tải; ngành nội vụ phải giúp lãnh đạo trong việc này.

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào khả năng và yêu cầu từng đợt giao vé cho các Bộ và các Ủy ban hành chính tỉnh, thành để các đồng chí Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố phân phối cho các đối tượng cần đi.

2. Tăng cường tổ chức quản lý việc vận chuyển hành khách, bảo đảm việc đi lại thăm viếng của cán bộ, đồng bào, bảo đảm việc ăn nghỉ dọc đường. Với phương tiện sẵn có của Bộ Giao thông vận tải, của các địa phương cần phải thống nhất kế hoạch cung độ vận chuyển, bảo đảm ăn khớp trong việc tiếp chuyển, ăn nghỉ dọc đường.

Các ngành có phương tiện vận chuyển dành để đưa cán bộ đi phép, phải thống nhất kế hoạch với kế hoạch vận chuyển chung do Bộ Giao thông vận tải  quản lý, nhằm bảo đảm việc tổ chức ăn nghỉ dọc đường và tiếp chuyển được ăn khớp.

Phải bảo đảm tốt trật tự và kỷ luật giao thông, trật tự và kỷ luật trên xe, tàu vận chuyển hành khách, bảo đảm thuận lợi, an toàn và sức khoẻ cho hành khách.

Bộ Giao thông vận tải phải ra sức tăng cường phương tiện, sử dụng hợp lý phương tiện giao thông đường sắt, đường bộ, đường biển để phục vụ được tốt hơn và được nhiều hành khách cả đi vào và đi ra. Đây là một công tác lâu dài, không những phải bảo đảm tốt việc đi lại thăm viếng trước mắt, mà phải bảo đảm việc đi lại bình thường giữa hai miền từ nay về sau.

3. Đi đôi với việc bảo đảm vận chuyển hành khách, với sự giúp đỡ của Bộ Nội thương và các ngành có tráhc nhiệm, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí và tổ chức việc ăn uống, nghỉ ngơi dọc đường cho hành khách. Bộ Giao thông vận tải cần làm việc cụ thể với các địa phương ở cả hai miền để bố trí cụ thể kế hoạch vận chuyển và tổ chức việc ăn uống nghỉ ngơi dọc đường; có biện pháp và kế hoạch giúp các địa phương bảo đảm tốt việc vận chuyển và ăn nghỉ của cán bộ và đồng bào. Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm và Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và hết sức giúp đỡ Bộ Giao thông vận tải tổ chức ăn uống và bảo vệ sức khoẻ cho hành khách.

4. Phải ra sức tăng cường giải thích kỹ những điều quy định của Đảng và Chính phủ về vấn đề này cho cán bộ hiểu rõ:

Việc đi lại thăm viếng gia đình sau bao nhiêu năm xa cách, là yêu cầu rất chính đáng. Nhưng trong lúc ở cả hai miền Nam, Bắc, đang có rất nhiều việc cấp bách phải làm và khả năng phương tiện còn có hạn, khả năng tiếp nhận nhiều địa phương miền Nam còn hạn chế vì vậy, yêu cần đối với mỗi người phải có ý thức tự giác; người cần gấp đi trước, người chưa đi làm thêm việc thay cho người vắng mặt…

Phổ biến cho cán bộ và đồng bào đi phép hiểu rõ chính sách ở vùng mới giải phóng và nêu rõ yêu cầu đối với mỗi người là phải ra sức ủng hộ chủ trương và chính sách của Đảng, của Nhà nước, ủng hộ chính quyền địa phương. Một việc làm, một lời nói của cán bộ và đồng bào về phép có thể giúp đỡ làm giảm bớt khó khăn cho cán bộ và chính quyền địa phương; và cũng có thể gây thêm khó khăn cho cán bộ, cho chính quyền địa phương. Vì vậy, yêu cầu đối với mỗi người phải giữ đúng phẩm chất và thái độ đúng đắn của người cán bộ xã hội chủ nghĩa. Đối với những người xét ra có thể có những thái độ, tư cách và hành động không có lợi cho cán bộ và chính quyền địa phương trong Nam, thì trước mắt chưa nên cấp giấy phép.

Hạn chế việc đưa tiền miền Bắc vào, tránh tung tiền miền Bắc ra thị trường ở miền Nam.

5. Đi đôi với việc tổ chức cho cán bộ và đồng bào thăm viếng gia đình ở miền Nam, đến nay đã có một số đồng bào và cán bộ ở miền Nam ra thăm viếng gia đình ở miền Bắc. Để bảo đảm những thuận lợi cần thiết cho cán bộ và đồng bào, đồng thời bảo đảm quản lý việc đi lại, ăn ở…cần phải làm tốt một số việc cụ thể như:

Những cán bộ và đồng bào miền Nam ra thăm viếng gia đình ở miền Bắc, cần mang theo đầy đủ giấy tờ do các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam cấp phát.

Các gia đình ở miền Bắc có bà con ở miền Nam ra thăm viếng và ở lại trong nhà, phải đăng ký hộ khẩu theo chế độ hiện hành.

Trong thời gian ở lại thăm viếng ở miền Bắc, cán bộ và đồng bào được mua lương thực, thực phẩm do Nhà nước cung cấp.

6. Văn phòng Phủ thủ tướng cùng Ủy ban Thống nhất chủ trì phối hợp với các ngành và các địa phương thống nhất quản lý việc thực hiện chỉ thị về đi thăm viếng gia đình. Các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các đoàn thể trung ương và các đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố cần tăng cường chỉ đạo việc tổ chức cho cán bộ, đồng bào đi vào thăm hỏi gia đình, đặc biệt hết sức coi trọng việc giáo dục tư tưởng, việc kiểm tra mọi mặt công tác và thường xuyên báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ theo chế độ báo cáo đã quy định (141-CP).

  

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 263-TTg năm 1975 về việc đi thăm viếng gia đình ở hai miền Nam Bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 263-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/08/1975
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản