Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59-TTg/CN

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1967 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT CÁC MẶT HÀNG PHỤ BẰNG NGUYÊN LIỆU, VẬT LIỆU LOẠI RA TRONG CÁC XÍ NGHIỆP 

Hiện nay trong các xí nghiệp công nghiệp, những nguyên liệu, vật liệu loại ra có nhiều nhưng chưa được tận dụng hợp lý. Một số ít nguyên liệu, vật liệu loại ra như sắt vụn, gỗ vụn, vải, giấy vụn, v.v… đã được Công ty phế phẩm phế liệu thu mua để cung cấp cho các cơ sở công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp dùng lại trong sản xuất. Một số nguyên liệu, vật liệu loại khác tuy đã được sử dụng nhưng chưa tận dụng vào sản xuất, đem vứt bỏ lãng phí. Trong các loại nguyên liệu, vật liệu loại ra chưa được sử dụng hợp lý hoặc còn bị vứt bỏ lãng phí này, có nhiều loại còn có giá trị sử dụng tốt như sắt thép vụn, gỗ vụn, bông, vải, sợi vụn, mảnh da và các loại bã thải khác, v.v… nếu được tận dụng hợp lý thì còn có thể sản xuất được nhiều loại mặt hàng cần thiết. Tình hình trên đây là một thiếu sót trong việc quản lý sản xuất, một chỗ yếu kém trong việc quản lý kỹ thuật, đồng thời cũng là một sự tổn thất cho Nhà nước cần phải ra sức khắc phục. Đặc biệt trong điều kiện chiến tranh hiện nay, nguyên liệu, vật liệu khan hiếm và hàng hóa thiếu thốn thì tình hình lãng phí như trên lại càng không thể cho phép tồn tại được.

Căn cứ vào tình hình nói trên, đồng thời để đáp ứng nhu cầu của sản xuất và chiến đấu hiện nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị này nhằm xác định rõ trách nhiệm của các ngành và cơ sở sản xuất trong việc tận dụng hơn nữa các loại nguyên liệu, vật liệu loại ra để sản xuất các mặt hàng cần thiết cho nhân dân, đồng thời quy định tạm thời một số chế độ cần thiết nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi trong việc tận dụng các loại nguyên liệu, vật liệu để sản xuất các mặt hàng phụ trong các xí nghiệp.

I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH VÀ ĐƠN VỊ SẢN XUẤT CÓ NGUYÊN LIỆU, VẬT LIỆU LOẠI RA

1. Các ngành và đơn vị sản xuất có nguyên liệu, vật liệu loại ra (bao gồm cả các loại nguyên liệu, vật liệu loại ra sau quá trình sản xuất, các loại sản phẩm hoặc nửa thành phẩm không đủ quy cách, không sửa chữa được, không tiêu thụ được và các loại nguyên liệu hỏng không đủ tiêu chuẩn dùng vào sản xuất các mặt hàng chính) đều có trách nhiệm tận dụng đến mức cao nhất những nguyên liệu, vật liệu loại ra đó để sản xuất ra các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Trong trường hợp các ngành và cơ sở sản xuất không có khả năng tận dụng được những nguyên liệu, vật liệu loại ra để sản xuất thành những mặt hàng hoàn chỉnh thì cũng phải có trách nhiệm đặt quan hệ hợp tác sản xuất với các xí nghiệp khác hoặc ngành khác để tận dụng được các nguyên liệu, vật liệu loại ra.

2. Đối với những loại nguyên liệu, vật liệu loại ra còn dùng được vào sản xuất nhưng cơ sở sản xuất không có điều kiện tận dụng, thì cơ sở sản xuất có trách nhiệm phân loại để lọc ra những thứ còn dùng được và giao cho ngành nội thương thu mua theo đúng như các quyết định và chỉ thị số 63-CP ngày 14-11-1960 và số 03-TTg ngày 08-01-1962 của Thủ tướng Chính phủ (hoặc nếu cơ quan thương nghiệp không tổ chức thu mua được thì phải giao cho các cơ quan quản lý công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp tận dụng vào sản xuất). Tuyệt đối không được vứt bỏ lộn xộn, bừa bãi hoặc đem bán cho tư nhân ở thị trường tự do. Giá bán nguyên liệu loại ra cho các cơ sở sản xuất phải tùy theo chất lượng và quy cách mà định cho hợp lý trên tinh thần hạn chế việc sinh ra nguyên liệu, vật liệu thải và khuyến khích các cơ sở sản xuất tận dụng nguyên liệu vật liệu loại ra, nhưng cũng không được định giá quá rẻ.

3. Đối với số nguyên liệu, vật liệu loại ra trước đây đã được coi là nguồn cung cấp nguyên liệu thường xuyên cho các cơ sở sản xuất khác (kể cả cơ sở công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp) thì nay vẫn phải cung cấp như cũ, không được vì sản xuất các mặt hàng phụ của xí nghiệp mình mà cắt nguồn cung cấp những nguyên liệu, vật liệu loại ra cho cơ sở sản xuất khác. Trong trường hợp có sự tranh chấp về sử dụng nguyên liệu loại ra giữa các xí nghiệp hoặc giữa các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mà các ngành và địa phương không giải quyết được thì phải báo cáo lên Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng giải quyết theo nguyên tắc bảo đảm hiệu quả kinh tế cao nhất của sản xuất (nơi nào sản xuất có hiệu quả kinh tế hơn thì giao cho nơi đó sản xuất), đồng thời có chiếu cố đến công ăn việc làm của thợ thủ công.

4. Các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và giúp đỡ các điều kiện cho các xí nghiệp tận dụng được các nguyên liệu, vật liệu loại ra để sản xuất các mặt hàng phụ (như giúp đỡ thêm thiết bị, cán bộ kỹ thuật, thiết kế các loại sản phẩm v.v…) đồng thời có trách nhiệm tổ chức phân công hợp tác sản xuất giữa các xí nghiệp và điều chỉnh nguyên liệu loại ra giữa các xí nghiệp trong ngành để tận dụng được những nguyên liệu, vật liệu loại ra trong ngành mình đến mức cao nhất và hợp lý nhất.

5. Trong việc tận dụng các nguyên liệu, vật liệu loại ra để sản xuất các mặt hàng phụ, các ngành và xí nghiệp phải cố gắng tận dụng những thiết bị và phân công sẵn có, không được vì lý do tăng thêm mặt hàng phụ mà sử dụng lãng phí nhân lực và thiết bị.

Trong trường hợp xét thấy cần phải bỏ vốn đầu tư lớn để lợi dụng triệt để nguyên liệu, vật liệu thì các ngành và cơ sở sản xuất phải làm đề án kinh tế kỹ thuật để trình Chính phủ xét duyệt.

II. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ TẠM THỜI NHẰM KHUYẾN KHÍCH VIỆC SẢN XUẤT CÁC MẶT HÀNG PHỤ BẰNG NGUYÊN LIỆU, VẬT LIỆU LOẠI RA

Để giải quyết những khó khăn mắc mứu, đồng thời để khuyến khích các ngành và xí nghiệp tận dụng những nguyên liệu, vật liệu loại ra để sản xuất các mặt hàng phụ. Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành một số chế độ tạm thời sau đây:

1. Đối với các mặt hàng sản xuất bằng nguyên liệu loại ra trong các xí nghiệp, nếu sản xuất chưa ổn định hoặc số lượng không nhiều, thì không ghi vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, nhưng vẫn được coi là giá trị sản lượng của xí nghiệp thực hiện được. Khi tính giá trị sản lượng của xí nghiệp, giá trị được thực hiện bằng các mặt hàng phụ phải tính vào một mục riêng, không được tính lẫn lộn với các sản phẩm chính.

2. Những hợp đồng kinh tế ký kết về việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng phụ sản xuất bằng nguyên liệu loại ra, mặc dù không nằm trong kế hoạch Nhà nước cũng vẫn có giá trị pháp lý.

3. Các xí nghiệp tận dụng nguyên liệu, vật liệu loại ra để sản xuất các mặt hàng phụ, có thể xin Nhà nước cấp thêm thiết bị để đẩy mạnh sản xuất sau khi đã tận dụng năng lực thiết bị sẵn có.

4. Các xí nghiệp có thể dùng số nhân công tiết kiệm được trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã giao cho xí nghiệp để sản xuất các mặt hàng phụ. Đối với những công việc đơn giản không cần thiết phải tổ chức thêm lao động trong xí nghiệp, xí nghiệp có thể tổ chức gia công ở bên ngoài để làm một phần công việc sản xuất các mặt hàng phụ. Trong trường hợp cần mở rộng sản xuất mặt hàng phụ, xí nghiệp có thể đề nghị với cấp trên tổ chức thêm những phân xưởng phụ. Tùy theo tình hình sản xuất của các phân xưởng phụ này, Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Thống kê có thể cho tính giá trị sản lượng và hạch toán chung với xí nghiệp hoặc tính riêng.

5. Đối với lợi nhuận (lợi nhuận nói đây phải tính theo đúng chế độ quản lý tài chính, nghĩa là số tiền thu được sau khi đã tính đủ các yếu tố của giá thành sản xuất như giá trị nguyên liệu, kể cả nguyên liệu loại ra đem dùng lại, nhân công, động lực, khấu hao thiết bị, quản lý phí v.v…, tuyệt đối không được coi toàn bộ số tiền bán sản phẩm phụ là lợi nhuận) thu được trong việc sản xuất các mặt hàng phụ, nếu là những mặt hàng hoàn toàn do xí nghiệp tận dụng nguyên liệu, vật liệu loại ra và thiết bị có sẵn, không xin cung cấp thêm vật tư, thiết bị của Nhà nước, thì xí nghiệp có thể sử dụng toàn bộ lợi nhuận thu được vào việc đầu tư cho sản xuất hoặc bổ sung vào quỹ xí nghiệp hàng năm. Nếu được Nhà nước cấp thêm một phần trang bị và nguyên liệu, vật liệu tốt thì xí nghiệp phải nộp cho Nhà nước một phần lợi nhuận thu được theo tỷ lệ thích đáng với số thiết bị và vật tư Nhà nước cấp thêm. Tỷ lệ này do Bộ Tài chính cùng với các Bộ, Tổng cục chủ quản quy định. Nếu việc sản xuất mặt hàng phụ được Nhà nước trang bị thành một hệ thống sản xuất hoàn chỉnh và coi như một trong những phân xưởng chính của xí nghiệp, thì việc sử dụng lợi nhuận thu được vẫn theo như chế độ trích lập quỹ xí nghiệp hiện hành.

III. QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ CÁC MẶT HÀNG PHỤ CỦA XÍ NGHIỆP

Việc sản xuất các mặt hàng phụ bằng nguyên liệu, vật liệu loại ra cần được quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa tình trạng tham ô, lãng phí, làm bừa, làm ẩu, hoặc gây ảnh hưởng không tốt tới thị trường. Vì vậy cần phải theo đúng các điều quy định sau đây:

1. Việc sản xuất các mặt hàng phụ bằng nguyên liệu, vật liệu loại ra trong các xí nghiệp phải báo cáo với Bộ chủ quản (nếu là xí nghiệp trực thuộc Bộ) và báo cáo với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (nếu là xí nghiệp của địa phương), đồng thời báo cáo lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng.

2. Đối với các loại nguyên liệu hiếm, quý mà Nhà nước đã quy định phải thu hồi hoặc phải chế biến lại để dùng vào việc sản xuất những sản phẩm chính, thì nói chung không được dùng vào việc sản xuất các mặt hàng phụ, trừ trường hợp dùng những nguyên liệu này vào việc sản xuất tư liệu sản xuất như dao cụ, các phụ kiện quan trọng của máy móc, v.v… và phải được Bộ chủ quản đồng ý.

3. Phải thực hiện đúng chế độ hạch toán kinh tế, chế độ quản lý tài chính và chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành, bất cứ là mặt hàng có ghi hay không ghi vào chỉ tiêu kế hoạch.

4. Phải theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà Nhà nước hoặc các Bộ đã ban hành. Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn ban hành thì phải tôn trọng các tiêu chuẩn chất lượng ghi trong hợp đồng kinh tế, không được làm bừa, làm ẩu.

5. Những mặt hàng sản xuất ra chỉ được bán cho các đối tượng sau đây:

- Cho cơ quan thương nghiệp Nhà nước, nếu là hàng tiêu dùng hoặc các tư liệu sản xuất thông dụng;

- Cho các xí nghiệp và cơ quan Nhà nước, nếu là các bán thành phẩm hoặc dụng cụ chuyên dùng cho các cơ quan, xí nghiệp đó.

Riêng đối với các mặt hàng nông cụ, nếu số lượng không nhiều thì xí nghiệp có thể bán thẳng cho các công ty tư liệu sản xuất nông nghiệp cấp 2 ở địa phương, hoặc cho các hợp tác xã mua bán ở gần, nếu số lượng quá ít.

Giá bán những sản phẩm chế biến bằng nguyên liệu, vật liệu vừa bảo dảm mức lãi thích đáng cho cơ sở sản xuất, vừa bảo đảm phí lưu thông và mức lãi thương nghiệp đồng thời phải tương xứng với chất lượng và giá trị sử dụng của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

6. Bộ Tài chính và các Bộ chủ quản có trách nhiệm quy định các chế độ cần thiết để đẩy mạnh việc sản xuất các mặt hàng phụ bằng nguyên liệu, vật liệu loại ra và để quản lý tốt việc sản xuất mặt hàng phụ trong các xí nghiệp, công nghiệp.

7. Bộ Nội thương có trách nhiệm bàn bạc với các Bộ, các Tổng cục để hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong việc sản xuất ra các mặt hàng phụ nhằm đáp ứng đúng các nhu cầu hiện nay ở từng vùng đồng thời có trách nhiệm tổ chức giới thiệu các mặt hàng mới và tổ chức tiêu thụ những mặt hàng sản xuất ra trên tinh thần khuyến khích việc tận dụng những nguyên liệu, vật liệu loại ra.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 

Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 59-TTg/CN năm 1967 về đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phụ bằng nguyên liệu, vật liệu loại ra trong các xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 59-TTg/CN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/04/1967
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản