Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

Số: 122-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1979

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, THU MUA, TIÊU THỤ MÀU

A.  Để thực hiện nghị quyết số 229-CP ngày 15/9/1978 của Hội đồng Chính phủ về phát triển màu trong hai năm 1979 – 1980 và bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất màu trong năm 1979, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành tiến hành ngay các công việc sau đây.

1. Bộ Nông nghiệp, Bộ lương thực  và thực phẩm và các địa phương phải nắm lại tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, chế biến, thu mua… màu năm 1979; nếu có chỉ tiêu kế hoạch nào không đạt hoặc có triển vọng khó đạt vì một lý do nào đó (kể cả lý do có chiến sự), phải phấn đấu bù lại bằng loại màu khác đang còn thời vụ gieo trồng và tăng cường chăm bón, tăng năng suất các diện tích đã có. Đồng thời, phải chuẩn bị cho kế hoạch phát triển màu trong các vụ tới và kế hoạch hoàn chỉnh các vùng màu tập trung.

2. Đối với cây cao lương là một loại cây màu có khả năng phát triển sản xuất nhanh ngay trong năm 1979, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc đang cần bù lại diện tích màu không gieo trồng được do có chiến sự. Bộ nông nghiệp phải cung cấp đủ giống kịp thời vụ cho các địa phương còn khả năng trồng loại màu này. Bộ nông nghiệp cần bàn với Bộ lương thực và thực phẩm tổ chức thu mua số giống cao lương cần thiết đảm bảo mở rộng diện tích trồng trong năm tới.

3. Đối với giống khoai tây cho vụ đông 1979 – 1980, Bộ nông nghiệp và các địa phương cần nắm cụ thể số lượng khoai tây có thể dành làm giống, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị số lượng giống cao nhất. Các ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp phải công bố ngay cho xã viên biết quy định của hợp tác xã về vật tư, công điểm đầu tư cho việc để giống khoai tây, tỷ lệ khoán về số giống phải giao cho hợp tác xã,v.v…

Các tỉnh phải phấn đấu bảo đảm chi tiêu kế hoạch diện tích và sản lượng khoai tây vụ đông 1979 – 1980. Nếu không đủ giống để trồng theo kế hoạch đã định thì phải chuẩn bị trồng bù bằng khoai lang hoặc các cây màu vụ đông khác.

4. Bộ lương thực và thực phẩm phải chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn giúp đỡ thiết thực cho các tỉnh có nhiều sắn tăng cường chế biến sắn lát khô thành bột mịn để dễ chuyên chở, Bộ phải giúp các tỉnh Tây nguyên và miền Đông Nam bộ giải quyết vấn đề sấy ngô để bảo đảm phát triển ngô có năng suất cao trong mùa mưa.

5.Ủy ban kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan (Bộ vật tư, Bộ cơ khí và luyện kim, Bộ Giao thông vận tải, Bộ tài chính v.v…) cần bổ sung vào kế hoạch đầu tư của ngành mình về vốn, vật tư, trang thiết bị, ô-tô, v.v… cho việc chế biến, thu mua màu ở các địa phương theo như công văn số 1201-VP2 ngày 21/3/1978 của Phủ Thủ tướng đã nêu cụ thể.

Bộ Nông nghiệp phải khẩn trương tính toán và làm việc cụ thể với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ vật tư và các ngành liên quan khác để bổ sung cho các chỉ tiêu về đầu tư vốn và vật tư cho việc sản xuất màu.

B. Nhằm khuyến khích việc tăng gia sản xuất màu và lương thực nói chung, trước mắt, Chính phủ cho áp dụng một số chính sách cụ thể sau đây:

1. Đối với những người trong diện hiện nay đang được Nhà nước cung cấp lương thực, Bộ lương thực và thực phẩm được phép trích trong khoản tiền bù lỗ về kinh doanh lương thực để trả tiền khuyến khích cho phần lương thực do họ tự sản xuất được không phải mua của Nhà nước nữa. Khoản tiền khuyến khích này bằng số chênh lệch giữa giá mua thóc hay màu (giá mua khuyến khích không quá gấp đôi giá chỉ đạo mua trong kế hoạch) quy ra gạo hay màu chế biến, và giá cung cấp gạo hay màu (tươi và chế biến) tại địa phương, Bộ lương thực và thực phẩm hướng dẫn cụ thể cho các Ủy ban nhân dân tỉnh về cách tính toán mức trả và diện được trả tiền khuyến khích này ở từng địa phương trên tinh thần có khuyến khích sản xuất một cách thoả đáng, đồng thời có quy định rõ ràng, chặt chẽ để tránh lợi dụng trả tiền khuyến khích một cách tràn làn, làm thiệt hại đến công quỹ.

Số lương thực Nhà nước không phải cung cấp do ngành lương thực đã trả tiền khuyến khích sản xuất nói trên được tính vào số lương thực đã huy động được ở địa phương (theo giá mua khuyến khích ngoài kế hoạch) và số lương thực đã cung cấp.

2. Đối với các nông trường chuyên sản xuất lúa màu hoặc vừa trồng cây công nghiệp hay chăn nuôi, vừa được giao nhiệm vụ trồng thêm lương thực để giải quyết nhu cầu tại chỗ, Bộ nông nghiệp bàn với Bộ Tài chính, Ủy ban vật giá Nhà nước để quy định phương pháp tính giá thành hợp lý và giá giao nộp sản phẩm cho Nhà nước trên tinh thần bảo đảm cho họ có lãi hoặc ít ra cũng không lỗ trong sản xuất lương thực ở những nơi điều kiện sản xuất có khó khăn.

3. Để khuyến khích nhân dân những vùng trồng màu tập trung tiêu thụ nhiều màu tươi tại chỗ nhằm giảm chi phí chế biến và vận chuyển, trong quy hoạch sản xuất màu phải dành một số diện tích thích đáng cho việc phát triển các loại đậu đỗ, lạc, vừng, phát triển chăn nuôi, sản xuất đường, mạch nha,v.v… tạo điều kiện cho người sản xuất và người được cung cấp ăn kèm với màu, bảo đảm cơ cấu dinh dưỡng hợp lý. Cần nhanh chóng xây dựng các vùng chuyên canh cây đậu đỗ ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ… để góp phần giải quyết vấn đề màu cho các địa phương khác.

4. Bộ lương thực và thực phẩm chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc sơ  biến màu trong phạm vi cần thiết cho việc thu mua màu để bảo đảm chỉ tiêu về số lượng và chất lượng đã quy định. Đặc biệt, cần đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên một khoản vốn để cấp không hoặc ứng trước cho một số đồng bào dân tộc ít người một số công cụ cải tiến để sơ chế sắn nhằm khuyến khích việc sơ chế và bán sắn cho Nhà nước ở các vùng nói trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành Trung ương có liên quan chậm nhất là ngày 01 tháng 05 năm 1979 có thông tư hướng dẫn địa phương và cơ sở trực thuộc thực hiện cụ thể quyết định này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Võ Chí Công