Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 1962

 

CHỈ THỊ

 

VỀ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG HÀNG CÔNG NGHIỆP

 

Mấy năm nay nhờ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển, công cuộc cải tạo theo xã hội chủ nghĩa đối với những thành phần kinh tế cá thể được đẩy mạnh, và mậu dịch quốc doanh phát triển nhanh chóng, việc phân phối và lưu thông hàng hóa ngày càng được mở rộng và đi vào chỗ có tổ chức, có kế hoạch. Giá cả được ổn định hơn trước. Do đó, đã có tác dụng tốt đối với sản xuất và đời sống nhân dân.
Nhưng trong thời gian gần đây, trước tình hình nhu cầu hàng hóa tăng nhanh so với khả năng cung cấp, thị trường công nghiệp phẩm đã có những diễn biến phức tạp. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và mô số thị xã khác nhiều người đổ xô ra buôn bán hàng công nghiệp – Giá một số mặt hàng công nghiệp mấy lâu nay ổn định, nay trên thị trường tự do đã tăng lên rất nhiều. Nhiều thứ hàng do Mậu dịch quốc doanh trực tiếp phụ trách việc phân phối cũng được mua đi bán lại với giá cao. Số người buôn bán tự do tăng lên khá nhiều. Phần đông họ là những người lao động, đời sống có khó khăn, công ăn việc làm chưa ổn định, nhưng cũng có nhiều người đã có công ăn việc làm, một số trước đây là tiểu thương đã được tổ chức vào các tổ hợp tác tiểu thương, hoặc chuyển vào sản xuất, nay vì thấy buôn bán có nhiều lãi, họ bỏ sản xuất và tổ hợp tác đi buôn bán tự do.
Nguồn cung cấp hàng hóa của họ một phần là do các hợp tác xã thủ công và thủ công gia đình sử dụng nguyên liệu địa phương, hoặc tận dụng phế liệu phế phẩm sản xuất ra những mặt hàng cần thiết cho nhu cầu và hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động của họ rõ ràng là có tác dụng bổ sung và hỗ trợ cho Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán trong việc mở rộng lưu thông hàng hóa. Nhưng một phần quan trọng nguồn cung cấp của họ là những hàng hóa mà Mậu dịch quốc doanh trực tiếp phụ trách việc phân phối như những sản phẩm do các xí nghiệp quốc doanh sản xuất, những hàng nhập khẩu, những mặt hàng do Mậu dịch quốc doanh nắm nguyên liệu gia công đặt hàng cho các hợp tác xã thủ công.
Trước tình hình cung cấp hàng hóa không theo kịp nhu cầu, họ đã tìm mọi cách và nhờ những người khác tranh mua những mặt hàng khan hiếm, rút hàng của mậu dịch, giữ lại để bán vớig ía cao, có khi gấp rưỡi gấp hai giá quy định. Một số người đã chạy đi các tỉnh về các cửa hàng nông thôn mua những mặt hàng mà Nhà nước đã phân phối cho các tỉnh và các vùng nông thôn, miền núi đưa về các thành phố lớn. Một số hợp tác xã thủ công hoặc thủ công gia đình đã bớt xén nguyên liệu hoặc sản xuất hàng không đủ quy cách để mậu dịch trả lại đem bán nguyên liệu hoặc hàng hóa đó ở thị trường tự do với giá cao. Một phần không nhỏ nguồn cung cấp hàng hóa và nguyên liệu để sản xuất hàng công nghiệp, cho thị trường tự do là những hàng hóa và nguyên liệu bị mất cắp trên các công trường kiến thiết cơ bản, trong các xí nghiệp quốc doanh, các cửa hàng mậu dịch, các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra một số hàng thì do nguồn buôn lậu đem lại.
Tình hình trên đây đã trở ngại lớn đến kế hoạch phân phối và lưu thông hàng hóa của Nhà nước. Một phần hàng hóa quan trọng bị đọng lại trong tay những người buôn bán làm cho hàng hóa đã thiếu càng thêm căng thẳng, gây ra tình trạng một số mặt hàng công nghiệp chạy ngược từ miền núi về miền xuôi, từ nông thôn về thành phố, gây nhiều khó khăn cho việc quản lý nguyên liệu, quản lý sản xuất và nắm nguồn hàng trong tay Nhà nước. Một mặt khác tình hình trên đây đã ảnh hưởng không tốt đến việc củng cố các cơ sở sản xuất và tiểu thương sau khi đã được cải tạo, và gây nhiều khó khăn trong việc quản lý thị trường, ổn định giá cả.
Trong thời gian qua, thị trường công nghiệp phẩm có những diễn biến phức tạp, một phần là do khả năng cung cấp hàng công nghiệp phẩm chưa theo kịp nhu cầu, và do đời sống của một số gia đình cán bộ, công nhân, xã viên hợp tác xã thủ công và tổ tiểu thương còn có khó khăn, nhưng nguyên nhân chủ yếu là vì chúng ta có nhiều khuyết điểm trong việc quản lý thị trường công nghiệp phẩm.
Tình hình cung cấp không kịp nhu cầu hàng hóa là khó khăn khách quan còn phải khắc phục trong một thời gian dài. Trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, nhưng chưa thể trong một lúc mà có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của nhân dân, trong chừng mực nhất định, chúng ta còn phải chịu thiếu một phần. Trong điều kiện đó, để đảm bảo nền kinh tế quốc dân phát triển nhịp nhàng cân đối, với tốc độ nhanh, để đảm bảo yêu cầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, việc lưu thông và phân phối sản phẩm của xã hội phải dần dần đi vào kế hoạch, thị trường và giá cả phải được ổn định.
Tình hình thị trường công nghiệp phẩm trên đây rõ ràng là không có lợi cho sản xuất, cho đời sống nhân dân.
Đến nay tình hình trên đây đã xảy ra ở những thành phố lớn và một số thị xã, và tập trung vào một số mặt hàng chủ yếu như may mặc, xe đạp và phụ tùng, đồ cao su, một số đồ dùng gia đình… Nếu không có biện pháp có hiệu lực và kịp thời ngăn chặn thì có thể phát triển một cách nhanh chóng và sẽ dẫn tối những hậu quả xấu hơn.
Biện pháp căn bản để khắc phục tình trạng đó là phải ra sức đẩy mạnh sản xuất, đồng thời phải hết sức tiết kiệm tiêu dùng, một mặt khác phải thực hiện tốt công tác lưu thông và phân phối hàng hóa, cải biến tình trạng không hợp lý trên thị trường công nghiệp phẩm hiện nay. Đó là một công tác khá phức tạp, cần phải có kế hoạch thực hiện được tốt. Trước hết phải nhận rằng, đây là một phần của công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể và cải tạo thị trường còn phải tiếp tục. Phải ra sức đảm bảo yêu cầu cải tạo được tốt, một mặt khác phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân lao động. Phải có biện pháp tích cực giúp đỡ và củng cố các cơ sở sản xuất thủ công và tiểu thương đã được cải tạo.
Đối với những người hiện nay còn buôn bán tự do, phải có kế hoạch từng bước sắp xếp và sử dụng khả năng của họ vào sản xuất và lưu thông hàng hóa. Phải hết sức khuyến khích và hướng dẫn họ sản xuất và lưu thông những mặt hàng Mậu dịch quốc doanh không quản lý, và một phần có thể sử dụng họ là ủy thác thu mua hoặc bán lẻ một số mặt hàng cho Mậu dịch quốc doanh. Thông qua việc giúp đỡ và hướng dẫn họ trong việc sản xuất và kinh doanh mua bán và giúp đỡ họ giải quyết công ăn việc làm, giảm bớt những khó khăn trong đời sống, một mặt khác tạo điều kiện để có thể tổ chức hợp lý việc lưu thông và phân phối hàng hóa.
Cần phải kết hợp chặt chẽ việc giáo dục chính sách cho cán bộ và cho nhân dân, với những biện pháp kinh tế nói trên, làm cho mọi người thấy rằng đứng về lâu dài thì làm như vậy là có lợi chung cho xã hội cũng như cho bản thân mỗi người. Cần phải sử dụng đúng đắn những thể lệ về quản lý thị trường, những thể lệ về hành chính thương nghiệp hiện nay nhằm đưa việc quản lý thị trường càng đi vào nề nếp, ngăn chặn những hành vi buôn lậu, đầu cơ tích trữ.
Nhằm mục đích nói trên, Hội đồng Chính phủ đề ra một số chủ trương và biện pháp cụ thể sau đây:
1. Trước hết, cần phân biệt những loại hàng nhân dân được sản xuất và lưu thông tự do và các loại hàng Nhà nước phải quản lý chặt chẽ:
Những hàng hóa do các hợp tác xã thủ công nghiệp và thủ công gia đình dùng nguyên liệu không do Nhà nước quản lý, hoặc dùng phế liệu, phế phẩm để sản xuất ra, (trừ những loại phế liệu, phế phẩm, nguyên vật liệu cũ mà Nhà nước thống nhất quản lý như đồng, chì, nhôm, thiếc v.v…) những sản phẩm nghề phụ của nông dân, đều được tự do lưu thông. Những người buôn phải theo luật lệ về mặt thuế khóa và quản lý hành chính thương nghiệp của Nhà nước. Trong phạm vi cần thiết Mậu dịch quốc doanh có thể kinh doanh một phần những hàng hóa trên, nhưng không quy định giá mua và giá bán, mà ký hợp đồng mua với các cơ sở sản xuất theo giá cả do hai bên thương lượng. Mậu dịch quốc doanh lãnh đạo giá cả thị trường bằng những biện pháp mua vào hoặc bán ra nhằm giữ quan hệ giá cả hợp lý để có thể bảo vệ lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, nhưng không thể bằng mệnh lệnh hành chính.
Trừ những loại hàng nói trên mà nhân dân được tự do buôn bán, tất cả những hàng hóa khác như hàng hóa do các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh sản xuất ra, tất cả những nguyên liệu và hàng hóa nhập khẩu, những hàng hóa do các hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp dùng nguyên liệu do Nhà nước cung cấp (dưới hình thức gia công hay bán nguyên liệu bao tiêu sản phẩm), đều do Nhà nước thống nhất quản lý phân phối. Những tổ chức bán hàng trong màng lưới của thương nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã mua bán, hợp tác tiểu thương, và những người được Mậu dịch quốc doanh ủy thác trực tiếp bán lẻ cho người tiêu dùng những loại hàng nói trên theo đúng giá Nhà nước quy định. Những thương nhân tự do không được kinh doanh những mặt hàng trên đây.
2. Đối với những loại nguyên liệu và hàng hóa do Nhà nước thống nhất phân phối, cần tiến hành quản lý như sau:
a) Về mặt quản lý nguyên liệu:
Những loại nguyên liệu, máy móc và phụ tùng máy do Nhà nước cung cấp ra nhất thiết không ai được buôn đi bán lại kiếm lời trên thị trường, không được phá thành phẩm ra làm nguyên liệu để sản xuất những thứ hàngk hác. Trong các xí nghiệp, công trường, cần tăng cường việc giáo dục thường xuyên cho cán bộ, công nhân, viên chức nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ của công, chống mất cắp mất trộm, kiên quyết đấu tranh chống mọi hiện tượng tham ô tài sản Nhà nước.
Các Bộ, các cơ quan, các công trường, xí nghiệp cần nghiêm chỉnh chấp hành chế độ quản lý hàng thiếu tiêu chuẩn và phế phẩm, phế liệu theo Thông tư số 63-CP ngày 14-11-60 của Hội đồng Chính phủ. Các xí nghiệp quốc doanh có hàng hóa tiêu dùng theo tiêu chuẩn, nhất thiết không được tự tiện bán cho cán bộ, công nhân ngành mình, đơn vị mình, hoặc bán ra thị trường mà phải giao cho Mậu dịch quốc doanh tổ chức việc phân phối. Đối với phế phẩm, phế liệu, các xí nghiệp, công trường cần tận dụng để sản xuất ra hàng hóa hoặc dùng vào việc xây dựng, nếu không dùng hết các Bộ chủ quản có thể điều động cho xí nghiệp, công trường khác để dùng vào sản xuất, trong trường hợp cần thiết có thể cung cấp cho các cơ sở sản xuất thủ công, nhưng phải theo kế hoạch và sự phân công giữa Nội thương với các ngành trong việc cung cấp nguyên liệu và nắm nguồn hàng đối với sản xuất thủ công. Khi cần bán ra thị trường, thì nhất thiết phải giao cho Mậu dịch quốc doanh tiêu thụ.
Đối với những phế phẩm, phế liệu, đồ cũ trong nhân dân Mậu dịch quốc doanh cần tích cực tổ chức việc thu mua và phân phối cho tốt, mặt khác cần hướng dẫn cho các cơ sở hợp tác xã thủ công tự tổ chức thu nhặt để giải quyết vấn đề nguyên liệu cho sản xuất (từ những thứ do Nhà nước thống nhất quản lý).
b) Trong việc quản lý sản xuất, nắm nguồn hàng, các cơ quan có tráchn hiệm cần đặc biệt coi trọng việc điều tra, nắm tình hình nhu cầu xã hội để đặt kế hoạch sản xuất cho thích hợp với yêu cầu của nhân dân. Cần giúp đỡ các cơ sở sản xuất thủ công về các mặt cung cấp nguyên liệu, cải tiến kỹ thuật, khuyến khích họ tìm kiếm nguyên liệu thay thế và tận dụng phế phẩm, phế liệu để sản xuất thêm mặt hàng mới phù hợp với yêu cầu thị trường, phẩm châấ tốt, giá thành hạ, trên cơ sở đó, mà nâng cao thu nhập của xí nghiệp và giải quyết thêm công ăn việc làm cho lao động phụ của gia đình xí nghiệp và những người lao động khác.
Cần khuyến khích các cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, để tiện kiểm soát việc lưu thông trên thị trường theo tinh thần Nghị định số 175-TTg ngày 03-4-1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định thể lệ dùng nhãn hiệu thương phẩm.
Ngành thương nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý công nghiệp địa phương, hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã thủ công nghiệp cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, và tiến hành ký kết hợp đồng cụ thể với hợp tác xã thủ công nghiệp trong việc cung cấp nguyên liệu, mua thành phẩm, hoặc gia công sản xuất, bảo đảm nắm chắc nguồn hàng. Trong quan hệ đối với các cơ sở sản xuất, cần phải ra sức phát huy tính chủ động, tích cực của các hợp tác xã, mặt khác phải quản lý chặt chẽ, bảo đảm phẩm chất hàng hóa, ngăn chặn tình trạng bớt xén nguyên liệu, đồng thời có chế độ khuyến khích, khen thưởng đối với những cơ sở sản xuất tốt, cải tiến và tăng thêm mặt hàng mới, tiết kiệm được nguyên liệu.
c) Về mặt quản lý phân phối:
Trong điều kiện hàng công nghiệp còn có khó khăn, cần phải có kế hoạch phân phối hợp lý cho các nhu cầu của nông thôn và thành thị, miền ngược và miền xuôi, Nhà nước và nhân dân, nhằm phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Các cơ quan thương nghiệp quốc doanh cần thường xuyên nắm vững khả năng và lực lượng hàng hóa và nhu cầu của nhân dân để đặt kế hoạch phân phối cho sát, tránh tình trạng hàng đã thiếu mà vẫn có nơi để ứ đọng hoặc để hàng hóa chạy ngược chiều. Đối với những loại hàng trung ương thống nhất quản lý phân phối, nơi nào được phân phối mà không tiêu thụ hết phải báo cáo về Bộ Nội thương để điều chỉnh theo kế hoạch, nhất thiết không để ứ đọng hoặc tự động đưa đến những địa phương khác đổi lấy những hàng hóa khác.
Đối với thương nhân buôn chuyến, các cơ quan thương nghiệp, thuế vụ, công an cần phối hợp tăng cường kiểm soát không cho buôn chuyến những loại hàng công nghiệp nói trên.
Về mặt tổ chức phân phối, cần phải có biện pháp bán ra thích hợp, bảo đảm cung cấp với tay người tiêu dùng không để cho tư thương đầu cơ lợi dụng. Một mặt phải chấn chỉnh việc bán theo phiếu cho đối với những mặt hàng (như vải, lụa, hàng may mặc, xe đạp và một số phụ tùng xe đạp, đường, sữa, thịt ở thành phố…). Những người được cấp phiếu, nếu không dùng hết thì giữ lại cho Mậu dịch nhất thiết không được dùng phiếu cung cấp làm phương tiện buôn bán kiếm lời trên thị trường. Đối với một số mặt hàng khan hiếm mà nhu cầu có tính chất thời vụ (ví dụ hàng rét, hàng tết), hay thuộc một số đối tượng nhất định, thì tùy tình hình cung cấp từng lúc, mà Mậu dịch quốc doanh có thể dùng hình thức phân phối trực tiếp thông qua các tổ chức cơ sở (công đoàn, khu phố…) cho cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân, không nhất thiết bày bán ở cửa hàng. Để việc phân phối hàng hóa thuận tiện cho nhân dân, cần cải tiến tổ chức bán hàng, bố trí màng lưới thương nghiệp xã hội, sử dụng hợp lý các cơ sở của Mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán, cửa hàng công tư hợp doanh và tổ hợp tác xã tiểu thương. Đối với những người buôn bán tự do cần tổ chức sắp xếp họ vào những khu vực nhất định: hướng họ vào sản xuất và kinh doanh buôn bán những thứ hàng Nhà nước không quản lý, không để hàng rong vỉa hè phát triển như hiện nay.
Đối với nhân viên bán hàng của Mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán, cần thường xuyên giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh thể lệ và phương thức phân phối, chính sách giá cả của Nhà nước, giữ gìn bí mật kinh tế. Phải xử trí nghiêm khắc đối với những người tham ô, thông đồng với tư thương và làm lộ bí mật của Nhà nước. Đối với những cơ sở thương nghiệp đã cải tạo, cần tăng cường quản lý và giáo dục cho tốt, thường xuyên kiểm tra việc bán ra đề phòng họ nâng giá trái phép, hoặc giữ hàng lại để bán cho thương nhân tự do lấy nhiều lời.
d) Về quản lý thị trường:
Yêu cầu của việc quản lý thị trường hàng công nghiệp là phải hết sức chặt chẽ, trong một thời gian nhất định phải đi tới chỗ những nguyên liệu và hàng hóa do Nhà nước quản lý đều thống nhất phân phối qua màng lưới thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán, cửa hàng công tư hợp doanh, tổ hợp tác tiểu thương và những người được Mậu dịch quốc doanh ủy thác bán. Mặt khác, phải hướng dẫn, lãnh đạo việc lưu thông tự do những loại hàng không do Nhà nước quản lý, ngăn ngừa có hiệu quả những hành vi đầu cơ tích trữ và buôn lậu.
Hiện nay, thị trường tự do về những mặt hàng công nghiệp do Nhà nước quản lý còn khá rộng, chưa thể trong một thời gian ngắn mà giải quyết hết được. Việc quản lý thị trường công nghiệp phẩm phải đi đôi với việc tổ chức hướng dẫn giúp đỡ những người buôn bán tự do hiện nay chuyển vào sản xuất hoặc kinh doanh những mặt hàng Nhà nước không quản lý. Do đó phải làm từng bước và bắt đầu từ những mặt hàng chủ yếu, cung cầu đang căng thẳng (như vải, đồ may mặc, xe đạp và một số phụ tùng chính về xe đạp, một số vật tư kỹ thuật), rồi mở rộng dần đến các mặt khác.
Đối với những người buôn bán hàng công nghiệp mà Nhà nước phải quản lý chặt chẽ, hướng giải quyết như sau:
- Đối với những người đã có công ăn việc làm, là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã thủ công hay tổ hợp tác tiểu thương, hoặc là tư sản đã cải tạo, nay vì làm lợi bỏ ra buôn bán tự do, thì giải thích, giáo dục và đưa họ về cơ sở cũ.
- Đối với những người chưa có công ăn việc làm thì hướng dẫn giúp đỡ họ sản xuất hoặc kinh doanh những mặt hàng khác không thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước.
- Đối với những người vẫn buôn bán hàng công nghiệp từ trước tới nay, thì coi như đối tượng cần tiếp tục cải tạo, có kế hoạch sắp xếp, tổ chức họ vào những hình thức hợp, quy định mặt hàng kinh doanh và khu vực buôn bán cho họ và có biện pháp chuyển dần một số người có điều kiện sang sản xuất, hoặc kinh doanh những thứ hàng không do Nhà nước thống nhất quản lý.
Nói chung, đối với những người cần chuyển sang nghề khác, hoặc buôn bán những mặt hàng khác, cần quy định cho họ một thời gian bán hết hàng. Sau thời gian đó thì kiên quyết không để họ tiếp tục buôn những hàng do Nhà nước thống nhất quản lý, nếu còn hàng thì Mậu dịch quốc doanh sẽ mua lại với giá quy định của Nhà nước.
Các cơ quan hải quan, công an, thuế vụ, thương nghiệp cần phối hợp chặt chẽ chống buôn lậu hiện đang xảy ra một số nơi, dựa vào quần chúng phát hiện kịp thời những vụ đầu cơ tích trữ hàng hóa, nhất là những loại hàng thiết yếu cho sản xuất, và đời sống nhân dân, để có biện pháp xử trí thích đáng theo sắc luật chống đầu cơ.
3. Để bảo đảm các mặt quản lý trên đây tiến hành thuận lợi và có kết quả, điều cốt yếu là phải làm tốt công tác tuyên truyền giải thích trong các cơ quan, xí nghiệp, công trường, trong các đơn vị sản xuất và kinh doanh của quần chúng, trong các khu phố làm cho cán bộ và nhân dân thông suốt chính sách để chấp hành cho tốt. Đặc biệt đối với những người hiện nay đang buôn bán những hàng công nghiệp và gia đình của họ, càng phải làm cho họ hiểu rõ chính sách, phải kết hợp tốt việc giáo dục chính sách với việc giúp đỡ thiết thực cho họ giải quyết những khó khăn trong đời sống, làm cho họ thấy rõ lợi ích chung, lợi ích lâu dài, ra sức khắc phục mọi khó khăn để tự giác chấp hành chính sách của Đảng của Nhà nước.
Cần làm cho cán bộ và nhân viên trong các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp, công trường nhất là các cơ quan quản lý sản xuất và kinh doanh, thấy hết sự cần thiết phải làm tốt công tác quản lý sản xuất và lưu thông hàng công nghiệp, nắm vững phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ trong khi thi hành những chủ trương và biện pháp nói trên. Nhằm mục đích đó, cơ quan tuyên truyền báo chí các cấp có trách nhiệm đặt kế hoạch tuyên truyền, giáo dục trong từng thời gian, tùy theo từng đối tượng, từng địa phương cho thích hợp.

Trên đây là những chủ trương, biện pháp tăng cường quản lý sản xuất, nắm nguồn hàng, quản lý phân phối và quản lý thị trường hàng công nghiệp hiện nay, nhằm ổn định thị trường và giá cả hàng công nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Vấn đề này khá phức tạp, đòi hỏi các Bộ có liên quan và các Ủy ban hàng hóa địa phương chỉ đạo thật sát và cụ thể, phối hợp chặt chẽ hoạt động của nhiều ngành mới giải quyết tốt được.
Về mặt sản xuất, Bộ Nội thương cần phối hợp với Bộ Công nghiệp nhẹ tăng cường công tác quản lý nguyên liệu, quản lý sản xuất, nhất là đối với các hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp, bảo đảm Nhà nước nắm chắc được nguồn hàng công nghiệp chủ yếu, đồng thời chấn chỉnh việc quản lý phân phối hàng hóa cho chặt chẽ và hợp lý.
Về mặt quản lý thị trường, Bộ Nội thương cần phối hợp với các Bộ, các ngành có liên quan như Công nghiệp nhẹ, Tài chính, Lao động, Công an, Tuyên huấn, với các tổ chức công đoàn, phụ nữ, đề ra những biện pháp quản lý thích hợp đối với từng mặt hàng cụ thể, đặt kế hoạch thực hiện từng bước, và hướng dẫn chu đáo cho các địa phương thi hành.
Các Ủy ban hàng hóa thành phố, khu, tỉnh cần điều tra nắm vững tình hình sản xuất, phân phối và thị trường hàng công nghiệp trong địa phương mình, căn cứ vào chủ trương, biện pháp Hội đồng Chính phủ đã đề ra, và sự hướng dẫn của Bộ Nội thương, đặt kế hoạch thi hành cho thích hợp.
Trong quá trình thi hành chỉ thị này, các Ủy ban hàng hóa thành phố, khu, tỉnh cần sơ kết từng bước ngắn để rút kinh nghiệm và thường xuyên báo cáo kết quả về Phủ Thủ tướng và Bộ Nội thương, kịp thời phản ảnh nhửng khó khăn trở ngại để xin ý kiến giải quyết.

 

 

T.M. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG


Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03-TTg năm 1962 về chủ trương và biện pháp quản lý thị trường hàng công nghiệp do Thủ tướng chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 03-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/01/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 23/01/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản