Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 196-CT

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TRƯỚC MẮT QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG NHẰM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11-NQ/TW NGÀY 2-5-1988 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Thị trường xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh một số yếu tố tích cực mới xuất hiện lẻ tẻ, nhiều yếu tố tiêu cực đã và đang lây lan phổ biến khá nặng nề, cả trong khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trật tự trên thị trường bị đảo lộn, giá cả luôn luôn biến động; giá lương thực, thực phẩm tăng nhanh và lên cao chưa từng có, gây nhiều tác hại đối với sản xuất, lưu thông hàng hoá, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân lao động, nhất là của những người hưởng lương và làm trầm trọng thêm quá trình lạm phát... Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 2-5-1988 của Bộ Chính trị về các biện pháp cấp bách chống lạm phát đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quản lý thị trường kiên quyết trừng trị bọn đầu cơ, buôn lậu.

Tăng cường quản lý thị trường hiện nay, không phải là trở lại những việc làm không đúng như "cấm chợ, ngăn sông" gây trở ngại cho việc lưu thông hàng hoá ách tắc sản xuất, kinh doanh, mà phải đạt được những yêu cầu trước mắt sau đây:

- Kiểm soát được giá cả, giảm tốc độ tăng giá, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu (trong và ngoài khu vực kinh tế quốc doanh).

- Sắp xếp lại một bước trật tự trên thị trường, mở rộng lưu thông hàng hoá một cách có tổ chức, phục vụ tốt sản xuất và đời sống.

- NgHiêm trị bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn phá hoại, gây rối thị trường.

- Chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần tích cực chống lạm phát.

Để thực hiện được yêu cầu trên đây, phải đề cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp từ trung ương đến cơ sở, của cơ quan Nhà nước và các đoàn thể với sự kết hợp chặt chẽ các lực lượng của Nhà nước và của quần chúng, áp dụng đồng bộ các loại biện pháp kinh tế, hành chính, tư tưởng và tổ chức. Điều quan trọng là phải sắp xếp lại và tăng cường thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, nhất là về lực lượng hàng hoá, để thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chiếm lĩnh được tuyệt đại bộ phận bán buôn, chi phối được bán lẻ, trước hết đối với những mặt hàng thiết yếu.  

I. NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Trước mắt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp từ nay đến cuối năm 1988 làm ngay những việc sau đây:

A. Đối với khu vực kinh tế quốc doanh

1. Ngăn chặn ngay việc "tuồn" vật tư, hàng hoá của Nhà nước ra ngoài.

Các ngành sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, các địa phương và cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vật tư, hàng hoá trong tất cả các khâu, bảo đảm phân phối đúng đối tượng, đúng giá cả, sử dụng đúng mục đích, không được để hư hao quá mức cho phép và không để mất mát. Tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước và đơn vị lực lượng vũ trang nào để vật tư, hàng hoá của Nhà nước "tuồn" ra ngoài thì thủ trưởng các tổ chức, cơ quan, đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các đơn vị kinh tế quốc doanh sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư và thương nghiệp phải giao hàng theo đúng kế hoạch và hợp đồng, đúng giá và chiết khấu do cơ quan có thẩm quyền quyết định và phải thanh toán với nhau bằng chuyển khoản. Các đơn vị kinh tế quốc doanh bán hàng cho nhau không được đòi thanh toán bằng tiền mặt vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu có yêu cầu toạ chi tiền mặt thì thoả thuận với Ngân hàng về mức độ và thời gian. Ngân hàng phải giải quyết thoả đáng yêu cầu này của các đơn vị kinh tế quốc doanh.

Đối với số hàng hoá mua bán theo giá thoả thuận, nếu thuộc danh mục mặt hàng mà các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quy định giá bán lẻ tối đa hoặc khung giá bán lẻ, thì giá mua bán thoả thuận với nhau phải bảo đảm khi bán lẻ không đội mức giá tối đa, kể cả giá tối đa trong khung giá đó. Nếu xét thấy giá bán lẻ tối đa quy định không thích hợp thì kiến nghị với các cơ quan chỉ đạo giá xem xét điều chỉnh, không được vì vướng mắc về giá mà bán hàng ra thị trường tạo điều kiện cho tư thương đầu cơ, hoặc găm hàng lại không chịu giao.

Các đơn vị bán lẻ phải bán đúng đối tượng tiêu dùng, không được bán sang tay cho thương nhân. Các gian hàng trưởng, cửa hàng trưởng, các giám đốc công ty phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và pháp luật về những hoạt động vi phạm quy định này.

Các đơn vị vận tải phải tăng cường quản lý, chống phiền hà, cấm việc đòi chủ hàng chi thêm ngoài tiền cước, chống lấy cắp vật tư, hàng hoá trên đường vận chuyển, và phải chịu trách nhiệm vật chất với chủ hàng về những tổn thất do mình quản lý sơ hở, Bộ Giao thông vận tải cần rà soát lại các quy định về vận chuyển trên các tuyến đường sắt, đường biển, đường bộ, đường sông, bổ sung hoặc sửa đổi kịp thời những quy định không còn phù hợp nhằm bảo đảm cho vật tư, hàng hoá vận chuyển đến đúng địa điểm, thời gian theo hợp đồng và đúng giá cước Nhà nước quy định, không bị tổn thất.

2. Chấm dứt việc mua bán lòng vòng, ăn chênh lệch giá.

Nghiêm cấm việc mua bán sang tay nhau dưới bất kỳ hình thức nào nhằm ăn chênh lệch giá. Kế toán trưởng và thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm về những việc làm sai này. Phát hiện trường hợp nào vi phạm thì tịch thu xung vào công quỹ tất cả hàng, tiền của doanh vụ đó, đồng thời thi hành kỷ luật những người vi phạm. Người có công phát hiện sẽ được thưởng. Bộ Tài chính quy định mức thưởng này.

Thực hiện việc giao nhận, vận chuyển hàng hoá không qua những khâu trung gian vô ích, khâu nào thực tế không tham gia vào quá trình vận động của hàng hoá thì không được lấy thặng số hoặc chiết khấu thương nghiệp. Các Bộ quản lý lưu thông và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu rà soát và quy định ngay những khâu không được phép tính thặng số hoặc chiết khấu thương nghiệp đối với từng loại hàng cụ thể trên từng vùng.

Theo sự phân cấp quản lý giá, Uỷ ban vật giá Nhà nước cùng các Bộ quản lý ngành và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định mức giá tối đa hoặc khung giá những mặt hàng thông dụng thiết yếu, không để các đơn vị kinh doanh vì mua đi bán lại qua nhiều vòng mà tuỳ tiện định giá bán cao. Nghiêm cấm các đơn vị sản xuất lưu thông thông đồng với nhau tự ý nâng giá. Các Bộ trưởng quản lý sản xuất và lưu thông và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân có trách nhiệm quản lý việc này một cách chặt chẽ trong ngành, trong địa phương mình.

3. Cấm tranh mua, tranh bán đẩy giá lên, nhất là hàng xuất khẩu.

Các ngành, các địa phương thi hành nghiêm chỉnh các quy định của Hội đồng Bộ trưởng về việc chống tranh mua, tranh bán, nhất là hàng xuất khẩu có giá trị.

Các Bộ chủ quản cùng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xem xét ngay tình hình tổ chức thu mua những nông sản, lâm sản, thuỷ sản, hải sản ở các vùng sản xuất tập trung để sắp xếp lại các tổ chức thu mua cho hợp lý theo nguyên tắc không để nhiều tổ chức cùng mua một mặt hàng trên một địa bàn và bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố về việc thực hiện chính sách và kế hoạch mua trong phạm vi địa phương.

Các tổ chức kinh tế - xã hội không có chức năng kinh doanh thương nghiệp thì không được kinh doanh buôn bán.

Các tổ chức thương nghiệp quốc doanh thì được sử dụng thương nhân có tay nghề vào một số khâu kỹ thuật nghiệp vụ (chế biến, bảo quản hàng hoá ...) thì phải cân nhắc, chọn lọc kỹ, và tăng cường quản lý họ. Các tổ chức thương nghiệp quốc doanh phải vươn lên mua tận gốc, bán tận ngọn, không sử dụng tư thương làm thay để họ tuỳ tiện nâng giá.

Bộ Kinh tế đối ngoại chấn chỉnh ngay việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm các luật lệ của Nhà nước về xuất, nhập khẩu được thực hiện nghiêm chỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 182-CT ngày 14-6-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cấp bách trong công tác xuất, nhập khẩu.

B. Đối với khu vực ngoài kinh tế quốc doanh

1. Thực hiện nghiêm chế độ đăng ký kinh doanh và tích cực chống thất thu thuế công thương nghiệp.

Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào kinh doanh thương nghiệp cũng đều phải đăng ký, xin cấp giấy phép kinh doanh. Kinh doanh mà không đăng ký, không có giấy phép là kinh doanh trái phép, phải bị xử lý theo pháp luật.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện ráo riết để từ nay đến hết tháng 7 kiểm tra đăng ký và đăng ký bổ sung tất cả các tổ chức và cá nhân đang kinh doanh thương nghiệp, đăng ký đến đâu xét cấp giấy phép kinh doanh đến đấy. Sau đó việc đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh cho những tổ chức và cá nhân mới ra kinh doanh trong những ngành cho phép họ kinh doanh phải tiếp tục làm có nền nếp. Phải tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý những người kinh doanh không có giấy phép hoặc kinh doanh không đúng với nội dung được phép.

Các cơ quan có trách nhiệm cấp giấy phép kinh doanh không cấp giấy cho tư nhân kinh doanh những mặt hàng Nhà nước đã cấm kinh doanh trong Luật hình sự và những vật tư chiến lược chỉ có Nhà nước sản xuất hoặc xuất hoặc nhập khẩu (trước tiên là xăng dầu, phân đạm, xi măng...) Các ngành lưu thông vật tư và thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải vươn lên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hợp lý của xã hội về các loại hàng này.

Bộ Tài chính hướng dẫn và kiểm tra các địa phương thu đủ thuế theo đúng pháp lệnh. Tổ chức tốt việc thu và nộp thuế, Các hộ kinh doanh có môn bài loại 1, 2, 3, nộp thuế qua Ngân hàng. Kết hợp với việc đăng ký kinh doanh và thanh tra tài chính, tiến hành truy thu thuế đối với những hộ vừa qua trốn thuế. Bộ Tài chính hướng dẫn và tổ chức ngay việc kiểm tra thu, nộp thuế thương nghiệp, trưng dụng một số cán bộ, nhân viên trong các cơ quan hành chính ở Trung ương và địa phương để kiểm tra việc đăng ký kinh doanh và thu nộp thuế.

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế siêu ngạch và tiến hành thu thuế siêu ngạch đối với một số hộ kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ lớn, trước hết ở một số thị trường trọng điểm (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng).

2. Thực hiện kiểm soát việc kinh doanh những mặt hàng chỉ có Nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu;

Trước mắt, từ tháng 7 năm 1988, thực hiện kiểm soát 3 mặt hàng xăng dầu, phân đạm, xi-măng, loại trừ việc kinh doanh của tư nhân đối với 3 mặt hàng đó.

Các Bộ Vật tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chịu trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện chủ trương này đối với mặt hàng thuộc phạm vi phụ trách.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm soát giá cả trên thị trường.

Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Uỷ ban Thanh tra Nhà nước ban hành ngay các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thanh tra, kiểm soát giá cả. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tổ chức tốt sự phối hợp hoạt động của các cơ quan chức năng của Nhà nước với các đoàn thể quần chúng, kể cả các tổ chức thanh tra nhân dân, tiến hành thường xuyên và có nề nếp công tác thanh tra, kiểm soát việc chấp hành kỷ luật giá cả trên thị trường của tất cả các thành phần kinh tế, bất kể thuộc ngành hoặc cấp nào quản lý. Đối với tư thương, trước tiên yêu cầu họ phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

4. Bài trừ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả.

Trước hết, phải đề cao kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa và lực lượng vũ trang trong kinh doanh, quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa và quản lý đội ngũ cán bộ, công nhân viên, không để sơ hở làm thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa, không để những phần tử xấu đục khoét tài sản xã hội chủ nghĩa và đưa hàng gian, hàng giả vào cửa hàng hoặc kho Nhà nước.

Các cơ quan chuyên chính và quản lý thị trường kết hợp biện pháp nghiệp vụ với phát động quần chúng phát hiện và đánh trúng bọn cầm đầu các tổ chức đầu cơ, buôn lậu, lũng đoạn thị trường. Trọng điểm là các thành phố lớn, các cảng và vùng biên giới.

Các cơ quan có trách nhiệm đưa ra truy tố ngay và xét xử nghiêm khắc một số vụ lớn về đầu cơ, buôn lậu và làm hàng giả đã bắt được.

II. VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Tất cả các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ Trưởng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trong phạm vi chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mình căn cứ vào Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị này, xác định những việc cần phải làm và lập kế hoạch quản lý thị trường, quản lý giá cả, với bước đi thích hợp, chỉ đạo thực hiện trong ngành và địa phương một cách đồng bộ và liên tục; tiến hành kiểm tra tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hành chính, sự nghiệp trong ngành và địa phương, phát huy những việc làm đúng, ngăn chặn, xử lý những việc làm sai, chấn chỉnh và đưa công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả đi dần vào nề nếp.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp hoạt động của các cơ quan chức năng tại địa phương và các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng đề ra các phương án, các biện pháp cụ thể nhằm tập trung vào một số việc quan trọng cần làm trước. Đối với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và Tổng cục phải tăng cường phối hợp, giúp đỡ hai thành phố triển khai thực hiện tốt các phương án và biện pháp cụ thể về quản lý thị trường. Ban quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cần được củng cố để làm tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân điều hoà, phối hợp hoạt động của các ngành không làm thay chức trách của các ngành.

Củng cố ngay các lực lượng quản lý thị trường chuyên nghiệp (công an, thuế vụ, thương nghiệp v.v...) trên các địa bàn nhất là những địa bàn trọng điểm; đồng thời tổ chức các đội thanh tra nhân dân trên từng khu vực để thanh tra, kiểm tra các mặt về quản lý thị trường tại chỗ.

Bộ Thông tin hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương giải thích đúng Chỉ thị này, kịp thời biểu dương những gương tốt và phê phán những lệch lạc trong việc chấp hành chỉ thị. Bộ thông tin phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng hướng dẫn các đài, báo đưa những bài và tin, kể cả bài phỏng vấn hoặc điều tra về giá, về lương, về tiền tệ và thị trường v.v... phải thể hiện đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và các quyết định, chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng. Coi trọng việc giữ bí mật kinh tế. Các kiến nghị bổ sung, sửa dổi chính sách hoặc điều chỉnh những quy định cụ thể về những vấn đề trên thì chuyển thẳng tới các Bộ hoặc cơ quan trực tiếp liên quan nghiên cứu xử lý.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân thấu suốt tinh thần và nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị, thấy rõ tình hình cấp bách và nghiêm trọng hiện nay, đề cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước dân, đoàn kết nhất trí, phấn đấu quyết liệt, phát động toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt chỉ thị này, nhằm góp phần làm chuyển biến tình hình hiện nay.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 196-CT năm 1988 một số biện pháp cấp bách trước mắt quản lý thị trường thực hiện nghị quyết 11-NQ/TW về các biện pháp cấp bách chống lạm phát do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 196-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/06/1988
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 06/07/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản