Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 182-CT | Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1988 |
CHỈ THỊ
I. VỀ XUẤT KHẨU
1. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước điều chỉnh lại các chỉ tiêu giao nộp hàng xuất khẩu năm 1988 và chuẩn bị giao chỉ tiêu năm 1989 cho các địa phương, các ngành phải phù hợp với năng lực sản xuất và sản lượng khai thác sản phẩm xuất khẩu của mỗi nơi; tránh tình trạng giao quá khả năng sản xuất để địa phương, ngành đi tranh mua ở địa phương, ngành khác.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước dành đủ quỹ vật tư nhập khẩu và sản xuất trong nước (bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hoá...) để đáp ứng các mục tiêu sau đây:
- Vật tư trả cho sản xuất theo định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng nhóm hàng, mặt hàng.
- Vật tư bán hỗ trợ cho địa phương (ứng trước hàng cho sản xuất) hoặc để trả theo phương thức uỷ thác xuất khẩu đối với những mặt hàng chủ lực khi Trung ương huy động hàng ngoài kế hoạch của địa phương để xuất khẩu.
Quỹ vật tư nói trên phải được bảo đảm cân đối với phần kim ngạch xuất khẩu mà các tổ chức xuất, nhập khẩu khai thác từ các xí nghiệp quốc doanh của địa phương, kinh tế tập thể và cá thể để thực hiện các Hiệp định với nước ngoài.
Bộ Kinh tế đối ngoại và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tính toán, cân đối đủ quỹ vật tư nói trên trong kế hoạch sử dụng vật tư hàng năm.
2. Đối với những mặt hàng xuất khẩu thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước thì Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng có trách nhiệm cân đối đủ và kịp thời (vật tư, hàng hoá, tiền mặt...) cho sản xuất và mua hàng xuất khẩu theo định mức kinh tế - kỹ thuật và khung giá chỉ đạo của Nhà nước trên nguyên tắc tổ chức kinh tế nào được giao kế hoạch sản xuất hay mua hàng xuất khẩu đồng thời phải được cân đối đủ các yêu cầu vật chất tương ứng, bảo đảm thực hiện kế hoạch.
Trường hợp các đơn vị xuất, nhập khẩu chuyên ngành không được bảo đảm các điều kiện vật chất để nắm hàng theo hợp đồng thì các tổ chức kinh tế có các sản phẩm đó được trực tiếp xuất khẩu (nếu được phép) hoặc uỷ thác xuất khẩu; nếu Nhà nước huy động các mặt hàng này để xuất sang khu vực xã hội chủ nghĩa thì các tổ chức kinh tế được nhận lại vật tư, hàng hoá theo phương thức uỷ thác.
Đối với một số mặt hàng xuất khẩu thuộc Hiệp định trao đổi hàng hoá với các nước, nếu xét thấy việc giao trọn vẹn mặt hàng đó cho địa phương đảm nhận có hiệu quả hơn, Bộ Kinh tế đối ngoại cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành hữu quan xem xét, quyết định có sự cam kết của địa phương.
Khuyến khích mở rộng việc xuất khẩu hàng hoá ngoài Hiệp định trao đổi hàng hoá với các nước xã hội chủ nghĩa, bằng những phương thức thích hợp dưới sự hướng dẫn, quản lý Nhà nước của Bộ Kinh tế đối ngoại.
3. Chấn chỉnh ngay tình trạng lộn xộn trong hoạt động xuất khẩu:
- Nghiêm cấm việc mua hàng xuất khẩu vượt mức giá quy định của Nhà nước hoặc khung giá hướng dẫn đối với từng loại sản phẩm ở từng vùng do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cụ thể hoá theo Quyết định số 90-HĐBT ngày 24-5-1988 của Hội đồng Bộ trưởng.
Bộ Kinh tế đối ngoại chỉ cho phép các tổ chức sản xuất, nhập khẩu địa phương xuất khẩu các mặt hàng là sản phẩm của địa phương; hoặc sản phẩm có được do liên doanh, liên kết; hoặc do có hợp đồng mua, bán hàng xuất khẩu giữa các địa phương (được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chuẩn y theo mức giá hay khung giá của Nhà nước). Các địa phương, các ngành có sản phẩm đó được xuất, nhập khẩu thích hợp để uỷ thác xuất khẩu.
Bộ Kinh tế đối ngoại không cấp giấy phép xuất khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu mua vượt mức giá hoặc khung giá Nhà nước quy định dưới mọi hình thức; các sản phẩm này sẽ được xử lý theo điều lệ quản lý thị trường và pháp luật Nhà nước.
- Việc mua, bán hàng xuất khẩu giữa các tổ chức xuất nhập khẩu của ngành, địa phương phải thông qua hợp đồng kinh tế với các cơ sở sản xuất hoặc tập thể, tư nhân sản xuất hàng xuất khẩu theo các phương thức:
Trực tiếp trao đổi vật tư, hàng hoá để nắm nông sản xuất khẩu theo mức giá hoặc tỷ giá công - nông nghiệp chỉ đạo của Nhà nước.
Đầu tư trực tiếp vào vùng sản xuất để nắm hàng xuất khẩu.
Có quỹ vật tư ứng trước cho người sản xuất cho kịp vụ sản xuất để nắm sản phẩm xuất khẩu.
Thanh toán tiền hàng ngay trong quan hệ mua, bán hàng xuất khẩu theo mức giá ký trong hợp đồng.
- Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Kinh tế đối ngoại và các ngành hữu quan rà xét ngay cơ cấu, danh mục những mặt hàng xuất khẩu tạm thời phải bù lỗ; hạn chế mức thấp nhất giới hạn bù lỗ đã được xác định đối với từng mặt hàng, nhóm hàng; xem xét, dành quỹ vật tư, hàng hoá cần thiết bán theo giá kinh doanh để chuyển ngân sách chi cho việc bù lỗ. Xem xét, loại bỏ những mặt hàng xuất khẩu không có hiệu quả không thuộc diện trả nợ nước ngoài để cân đối cho nhu cầu nội tiêu.
4. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kinh tế đối ngoại lập kế hoạch trả nợ nước ngoài (nợ xuất khẩu, nợ vay nhập khẩu, nợ vận tải), phối hợp với các ngành hữu quan trong việc chỉ đạo tạo nguồn hàng, tiền trả nợ.
II. VỀ NHẬP KHẨU
1. Các Tổng Công ty xuất, nhập khẩu trung ương cũng như các tổ chức xuất, nhập khẩu chuyên ngành hay của địa phương chỉ được phép nhập khẩu thiết bị, vật tư, nguyên liệu, các loại linh kiện lắp ráp, gia công... để phục vụ trực tiếp cho sản xuất theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước hoặc trong phạm vi được Nhà nước quy định cho từng ngành, từng địa phương.
2. Việc nhập hàng tiêu dùng, giao trách nhiệm cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Kinh tế đối ngoại và các ngành liên quan tính toán cân đối và quy định những tổ chức kinh doanh xuất, nhập khẩu được phép nhập hàng tiêu dùng để giải quyết quan hệ hàng - tiền trong phạm vi cả nước.
Các Tổng Công ty chuyên doanh ngành hàng thuộc các Bộ sản xuất cũng như các tổ chức xuất, nhập khẩu địa phương không được nhập hàng tiêu dùng. Trừ những trường hợp đặc biệt cần thiết phải giải quyết thì việc nhập hàng tiêu dùng không quá 5 - 10% giá trị ngoại tệ xuất khẩu thu được, nhưng số tiền mặt thu được do bán hàng tiêu dùng nhập về phải được cân đối để mua hàng xuất khẩu của ngành hàng đó. (Nếu phải nhập lương thực thì không tính trong phần trăm này).
Bộ Kinh tế đối ngoại cùng các ngành liên quan rà soát lại cơ cấu hàng nhập; chỉ cho phép nhập những mặt hàng tiêu dùng mà trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu; đối với hàng tiêu dùng cao cấp như xe máy, viđêô, ô-tô con, tủ lạnh, điều hoà nhiệt độ, rượu, thuốc lá hết sức hạn chế nhập và chỉ được phép nhập trong phạm vi kế hoạch Nhà nước.
Các Bộ chủ quản, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ giá mua hàng xuất (như đã nói trên), giá bán hàng nhập và sử dụng các biện pháp kinh tế và hành chính để sớm chấm dứt tình trạng tuỳ tiện nhập hàng tiêu dùng cao cấp, xa xỉ.
III. VỀ QUẢN LÝ XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ QUẢN LÝ NGOẠI TỆ
Đối với một số mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các cam kết quốc tế, đến sản xuất và đời sống trong cả nước, Bộ Kinh tế đối ngoại chủ trì bàn với các ngành, các Bộ liên quan khi xét duyệt hạn ngạch xuất, nhập khẩu.
Đối với những sản phẩm xuất khẩu thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước mà chưa hoàn thành các Hiệp định đã ký kết thì tuỳ theo từng loại mặt hàng, Bộ Kinh tế đối ngoại điều hành cụ thể việc xuất khẩu giữa hai khu vực xã hội chủ nghĩa và ngoài xã hội chủ nghĩa, nhằm đảm bảo hoàn thành các Hiệp định với nước ngoài và kinh doanh có lợi.
2. Bộ Kinh tế đối ngoại cùng các ngành hữu quan cần có những quy định cụ thể để phát triển và mở rộng quan hệ trao đổi hàng hoá với hai nước Lào và Cam-pu-chia một cách có hiệu quả thiết thực.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Tài chính và các ngành liên quan khác tính toán, xác định sớm tỷ giá dùng để thanh toán trong hoạt động xuất, nhập khẩu phù hợp với yêu cầu thực tế từng thời gian, có gắn với xuất khẩu và kinh doanh xuất, nhập khẩu.
Toàn bộ ngoại tệ trong kinh doanh xuất, nhập khẩu và trong các dịch vụ thu ngoại tệ phải được thanh toán qua Ngân hàng Ngoại thương. Chấm dứt việc mua, bán thanh toán ngoại tệ bằng tiền mặt giữa các đơn vị và tổ chức kinh tế trong nước. Những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng ngoại tệ trong quan hệ trao đổi, liên kết kinh tế đều phải thông qua Ngân hàng Ngoại thương.
Để thực hiện chế độ mua, bán ngoại tệ qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và bỏ chế độ kết hối ngoại tệ theo Nghị quyết Bộ Chính trị số 11-NQ/TƯ ngày 2-5-1988, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính chuẩn bị ngay chính sách mua, bán ngoại tệ cho các tổ chức kinh tế theo yêu cầu Trung ương thống nhất quản lý ngoại tệ để sử dụng có kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của cả nước, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng và nhu cầu ngoại tệ cho tái sản xuất mở rộng và kinh doanh không bị lỗ của các cơ sở, các tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu và kinh doanh xuất, nhập khẩu.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính, ngân hàng Nhà nước tính toán, bảo đảm các điều kiện về ngân sách, tiền mặt, vật tư để thực hiện được chế độ mua, bán toàn bộ ngoại tệ từ ngày 1 tháng 1 năm 1989. Trước mắt, trong năm 1988 đối với số ngoại tệ do các ngành, các địa phương và cơ sở (kể cả quốc doanh và ngoài quốc doanh) tự tạo ra bằng xuất khẩu thì Ngân hàng Ngoại thương tổ chức mua lại 30% theo tỷ giá thích hợp đối với từng nhóm hàng xuất, bảo đảm cho các đơn vị kinh tế sản xuất không bị lỗ. Số ngoại tệ 70% còn lại được dùng để nhập vật tư, hàng hoá theo giấy phép; nếu chưa sử dụng thì ký gửi vào tài khoản tại Ngân hàng Ngoại thương, có lãi, khi cần các tổ chức kinh tế có quyền rút ra hoặc bán lại cho Ngân hàng Ngoại thương theo mức tỷ giá mua, bán ngoại tệ thông qua xuất, nhập khẩu do Ngân hàng Nhà nước công bố theo nguyên tắc:
- Nếu hàng xuất khẩu được đối lưu bằng nguồn vật tư, nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu thì theo mức tỷ giá nhập khẩu.
- Nếu hàng xuất khẩu mua bằng tiền trong nước thì tỷ giá được xác định theo mức giá quy định của Nhà nước hoặc khung giá quy định của Uỷ ban Vật giá Nhà nước được uỷ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đảm bảo cho ngành, địa phương và cơ sở không phải bù lỗ. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính bố trí kế hoạch, bảo đảm phần ngân sách để mua đủ 30% ngoại tệ nói trên và khả năng mua thêm phần 70% của các ngành, địa phương.
Thi hành nghiêm Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và Pháp lệnh thuế hàng hoá nhập khẩu.
Bộ Tài chính cùng Bộ Kinh tế đối ngoại, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan và các ngành liên quan khác có trách nhiệm chỉ đạo việc thi hành Luật thế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết những vấn đề tồn tại nhằm đảm bảo yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết, bảo hộ sản xuất trong nước, loại trừ các mặt tiêu cực trong kinh doanh xuất, nhập khẩu.
4. Chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống tổ chức kinh doanh xuất, nhập khẩu theo hướng gọn nhẹ, bảo đảm thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Trong khi chưa có những quy định mới, các ngành, các địa phương vẫn giữ các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu như hiện nay, không thành lập thêm tổ chức mới, trừ những tổ chức được thành lập theo quy định tại Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng.
Trước mắt, Bộ Kinh tế đối ngoại phối hợp với các ngành chủ quản và các Bộ liên quan khác chỉ đạo làm thử mô hình tổ chức xuất, nhập khẩu gắn chặt với các liên hiệp xí nghiệp và địa phương sản xuất hàng xuất khẩu theo hình thức liên đoàn xuất, nhập khẩu vài, ba mặt hàng quan trọng như cà - phê, tôm, dầu dừa, thủ công mỹ nghệ... Tổ chức liên đoàn xuất, nhập khẩu này xuyên suốt trong cả nước hoặc từng khu vực, từ sản xuất, mua hàng đến chế biến, xuất khẩu; không trực thuộc Bộ và Uỷ ban Nhân dân cùng cấp về chỉ đạo kinh doanh xuất, nhập khẩu mà chỉ chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ chức năng và Uỷ ban Nhân dân về quản lý hành chính - kinh tế; mọi thành viên tham gia liên đoàn đều bình đẳng về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ, tự bầu Hội đồng quản trị để chỉ đạo hoạt động liên doanh.
5. Bộ Kinh tế đối ngoại cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các ngành, các địa phương kiểm điểm việc xây dựng và thực hiện chương trình xuất khẩu, đề ra những biện pháp cần thiết để tiếp tục triển khai theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 6 năm 1988.
Các ngành, các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 56-CT ngày 5-3-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, triển khai thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhằm không ngừng tăng thêm năng lực xuất khẩu.
Chỉ thị này được phổ biến đến các đơn vị kinh tế cơ sở, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Bộ Kinh tế đối ngoại, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngành liên quan khác trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao, có kế hoạch chỉ đạo và ban hành những thông tư hướng dẫn thi hành Chỉ thị này có kết quả.
Hàng tháng, Bộ Kinh tế đối ngoại báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về kết quả thi hành Chỉ thị này và những khó khăn, trở ngại cần giải quyết; chuẩn bị xây dựng cơ chế xuất, nhập khẩu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào cuối quý IV năm 1988.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|
- 1Quyết định 217-HĐBT năm 1987 ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh Xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh của Hội đồng Bộ trưởng
- 2Chỉ thị 56-CT năm 1988 tăng cường quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Chỉ thị 196-CT năm 1988 một số biện pháp cấp bách trước mắt quản lý thị trường thực hiện nghị quyết 11-NQ/TW về các biện pháp cấp bách chống lạm phát do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Quyết định 78-TTg điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1994 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 752-TTg năm 1994 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất -nhập khẩu năm 1995 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông tư 3771/TM-XNK-1995 hướng dẫn chính sách mặt hàng và điều hành công tác Xuất nhập khẩu năm 1995 do Bộ Thương mại ban hành
- 7Thông tư 03TM/XNK-1996 hướng dẫn Quyết định 864/TTg năm 1995 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1996 do Bộ thương mại ban hành
- 8Thông tư 1-TM/XNK-1997 hướng dẫn Quyết định 28/TTg-1997 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu trong năm 1997 do Bộ Thương mại ban hành
- 1Quyết định 217-HĐBT năm 1987 ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh Xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh của Hội đồng Bộ trưởng
- 2Chỉ thị 56-CT năm 1988 tăng cường quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 90-HĐBT năm 1988 ban hành danh mục sản phẩm do nhà nước định giá của Hội đồng Bộ trưởng
- 4Chỉ thị 196-CT năm 1988 một số biện pháp cấp bách trước mắt quản lý thị trường thực hiện nghị quyết 11-NQ/TW về các biện pháp cấp bách chống lạm phát do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 5Quyết định 78-TTg điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1994 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 752-TTg năm 1994 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất -nhập khẩu năm 1995 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Thông tư 3771/TM-XNK-1995 hướng dẫn chính sách mặt hàng và điều hành công tác Xuất nhập khẩu năm 1995 do Bộ Thương mại ban hành
- 8Thông tư 03TM/XNK-1996 hướng dẫn Quyết định 864/TTg năm 1995 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1996 do Bộ thương mại ban hành
- 9Thông tư 1-TM/XNK-1997 hướng dẫn Quyết định 28/TTg-1997 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu trong năm 1997 do Bộ Thương mại ban hành
Chỉ thị 182-CT năm 1988 một số vấn đề cấp bách trong công tác xuất, nhập khẩu do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 182-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/06/1988
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra