Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2005/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 11 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NGĂN CHẬN DỊCH CÚM GIA CẦM ( H5N1 ) VÀ ĐẠI DỊCH CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI

Bệnh cúm gia cầm chủng H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ cao gây ra đại dịch cúm A ( H5N1 ) ở người. Trong lịch sử, vi rút cúm gia cầm đã từng gây ra đại dịch ở nhiều nước trên thế giới. Từ 2004, khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở nước ta, UBND tỉnh Bình Dương căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) trên người.

Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, tổ chức phòng ngừa, trong 2 đợt dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2004 và đầu năm 2005, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp của tỉnh phốp hợp thực hiện và đạt kết quả khả quan, dịch cúm gia cầm sớm được khống chế và đẩy lùi, không bùng phát trên diện rộng.

Tuy nhiên, hiện nay dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) trên người.

Trước tình hình khẩn cấp và nguy hiểm trên, ngày 15/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, Ban Bí thư - Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 53CT/TW ngày 28/10/2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chận dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người và ngày 04/11/2005, Chính phủ ra Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP về các biện pháp cập bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người. Nhằm cụ thể hoá và triển khai thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã Thủ Dầu Một, các xã, phường, thị trấn, các đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị thuộc các ngành Trung ương trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện các nội dung sau :

1/ Căn cứ vào Kế hoạch “ Hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm ( H5N1) và đại dịch cúm ở người” của Tỉnh cụ thể hóa thành Chương trình hành động của ngành mình, địa phương mình.

Việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp của các sở, ngành, các đơn vị, địa phương phải được coi là một nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm của mọi công dân và phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện.

2/. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thị, xã, phường, thị trấn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp, nội dung phòng chống dịch cúm do Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh đề ra. Kiên quyết tập trung sức lực toàn dân, toàn quân trong phòng chống dịch, không để dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp người nhiễm vi rút cúm A (H5N1), không để đại dịch cúm ở người xảy ra tiến đến khống chế cơ bản dịch cúm trên địa bàn tỉnh.

3/ Sở Văn hóa - Thông tin, UBND các huyện, thị phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Mặt trận tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng đơn vị cơ sở, từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cán bộ, đảng viên và đoàn thể nhân dân để mọi người hiểu rõ về tính chất nguy hiểm, khả năng lây nhiễm và diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm hiện nay trên thế giới và trong nước, về nguy cơ và khả năng có thể xảy đại dịch cúm A trên người trong thời gian tới để toàn dân tích cực, chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tự bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cho cộng đồng.

Tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân không giết mổ gia cầm hoặc ăn, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, chưa qua kiểm dịch.

4/ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kết hợp với các Sở Khoa học- Công nghệ, sở Thương mại - Du lịch chỉ đạo thực hiện đồng bộ giữa công tác phòng chống dịch cúm gia cầm với công tác qui hoạch, tổ chức sắp xếp lại ngành chăn nuôi, hệ thống giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm, có chính sách hỗ trợ thoả đáng cho người chăn nuôi nhằm huy động toàn dân tham gia phòng, chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả.

Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại các chợ nội ô thị xã, các chợ thị trấn chỉ được buôn bán gia cầm sau khi đã giết mổ hoặc chế biến và nghiêm cấm buôn bán gia cầm sống hoặc giết mổ gia cầm tại các chợ, các điểm không đúng theo quy định của pháp luật về thú y.

5/. Sở Y tế chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về thuốc men, trang thiết bị, giường bệnh và huy động toàn ngành tham gia phòng chống khi có dịch cúm xảy ra.

6/. Trung tâm y tế dự phòng, Chi cục Thú y và các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc phát hiện sớm để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, có kế hoạch để điều hành các hoạt động khi phát hiện có ca bệnh đầu tiên từ cơ sở.

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm phổ biến Chỉ thị này đến từng đơn vị trực thuộc để triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận :
- Chính phủ
- Đoàn ĐBQH
- TTTU-TTHĐNH
- Các ban Đảng
- Các sở,ban, ngành, MT, Đoàn thể
- Các huyện, thị
- LĐVP, CV
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Kim Vân