Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
******

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
********

Số: 53/CT-TW

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NGĂN CHẶN DỊCH CÚM GIA CẦM (H5N1) VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nước ta từ cuối năm 2003 với 2 đợt dịch cao điểm vào các tháng đầu năm 2004 và đầu năm 2005, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi gia cầm và thiệt hại lớn về người, với 91 người mắc bệnh, trong đó 41 trường hợp đã tử vong.

Ngay sau khi dịch cúm gia cầm xảy ra, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 06-02-2004 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) trên người.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã có nhiều biện pháp tích cực trong phòng, chống dịch và đã thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm đang bộc phát ở nhiều nước trên thế giới theo chiều hướng rất đáng lo ngại. Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học đac cảnh báo về khả năng có thể xảy ra một đại dịch cúm A (H5N1) trên người làm hàng triệu người tử vong. Trên bản đồ dịch cúm gia cầm của thế giới, nước ta là một điểm nóng vì đã trải qua gần 2 năm có dịch cúm gia cầm, mầm bệnh vẫn còn khả năng tái phát dịch rất cao.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg, ngày 15-10-2005 về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương làm tốt công việc sau :

1. Bí thư cấp uỷ phải đích thân lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch do Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đề ra; kiên quyết không để dịch cúm gia cầm (H5N1) tái phát trên quy mô rộng trong vụ đông xuân 2005 - 2006, tiến đến khống chế cơ bản dịch cúm gia cầm ở nước ta, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp người nhiễm vi-rút cúm A (h5N1); không để đại dịch cúm ở người xảy ra.

2. Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc về tính chất nguy hiểm và diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm hiện nay trong nước và trên thế giới và về nguy cơ có thể xảy ra đại dịch cúm trên người trong thời gian tới để toàn dân tích cức, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và sức khoẻ cho chính mình.

Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm phải thực hiện đồng bộ với công tác quy hoạch, tổ chức, sắp xếp lại ngành chăn nuôi, hệ thống giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm, có chính sách hỗ trợ thoả đáng đối với người chăn nuôi nhằm huy động toàn dân tham gia phòng, chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm tham gia, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân về khả năng xảy ra đại dịch cúm ở người; động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực để ngăn chặn dịch cúm gia cầm tái phát và không để đại dịch cúm A (H5N1) xảy ra trên người ở nước ta; tham gia kiểm tra, giám sát công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; phát hiện và báo cáo kịp thời trường hợp dịch bệnh xảy ra; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nhân lực, vật lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch khi xảy ra đại dịch cúm ở người.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

 

 

TM. BAN BÍ THƯ



 
 Phan Diễn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 53/CT-TW năm 2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 53/CT-TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/10/2005
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Phan Diễn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/10/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản