Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2786/TB-BTS

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2005 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VIỆT THẮNG TẠI CUỘC HỌP BAN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI BỘ THUỶ SẢN NGÀY 23/11/2005

Ngày 23/11/2005, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đã chủ trì cuộc họp Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người Bộ Thuỷ sản (sau đây gọi là Ban công tác) thành lập theo Quyết định số 1267/QĐ-BTS ngày 02/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.

Đây là phiên họp đầu tiên để triển khai công tác. Sau khi nghe Phó Ban thường trực báo cáo Dự thảo “Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người” của Bộ Thuỷ sản, nghe các thành viên dự họp tham gia ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng - Trưởng Ban công tác đã kết luận như sau:

1. Phê bình 03 thành viên của Ban công tác đã không bố trí dự cuộc họp này.

2. Xác định Ban công tác có nhiệm vụ và trách nhiệm trong toàn ngành Thủy sản.

3. Giao Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản là cơ quan thường trực của Bộ Thuỷ sản về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và Đại dịch cúm ở người. Nhiệm vụ này được cụ thể hoá trong kế hoạch hành động; tuy nhiên Thứ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề sau:

- Cục chuẩn bị và gửi cho Bộ trưởng, các thành viên của Ban công tác một bộ hồ sơ đủ tài liệu cần thiết để làm việc.

- Cơ bản nhất trí Dự thảo kế hoạch hành động như ông Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản – Phó Ban thường trực công tác trình bày về quan điểm hành động và tổ chức hành động cụ thể; song Dự thảo cần sửa đổi và bổ sung một số vấn đề về nội dung kế hoạch như sau:

+ Quan điểm hành động của ngành Thủy sản là bám sát chương trình kế hoạch hành động chung của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người để xây dựng hành động của ngành Thủy sản, chủ động chuẩn bị điều kiện để tham gia thực hiện những nhiệm vụ cụ thể khi được Ban chỉ đạo Quốc gia phân công với quyết tâm không để xảy ra đại dịch cúm ở người.

+ Cơ quan thường trực, Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản lập báo cáo thống kê khả năng dụng cụ trang thiết bị (PCR) tham gia hỗ trợ xét nghiệm vi rút cúm gia cầm (H5N1), kế hoạch tổ chức đào tạo gấp người làm xét nghiệm kèm theo dự trù kinh phí đào tạo gửi Bộ và Ban công tác. Phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính đảm bảo kinh phí cho Ban công tác hoạt động. Cập nhật dịch bệnh toàn quốc để theo dõi. Căn cứ vào các giai đoạn phòng chống dịch đã nêu trong kế hoạch, đúng tần suất kế hoạch quy định, báo cáo Bộ trưởng và Ban công tác về tình hình dịch bệnh trong toàn quốc, toàn ngành và 03 tỉnh Bộ trưởng được Chính phủ phân công phụ trách. Báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia 10 ngày/lần đối với giai đoạn 1, 05 ngày/lần đối với giai đoạn 2 và hàng ngày đối với giai đoạn 3.

+ Kế hoạch này phải được gửi đến các đơn vị trong toàn Ngành.

+ Cục cần thành lập Tổ công tác thường trực và thông báo tới các đơn vị trong toàn Ngành và các cơ quan liên quan số máy điện thoại, máy fax của thường trực để tiện liên hệ.

+ Ban công tác sẽ hoạt động theo tinh thần và phương thức như Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của ngành. Sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đến các địa phương cơ sở khi cần thiết.

+ Giao cho Văn phòng Bộ, Trung tâm Tin học, Tạp chí Thủy sản, Công đoàn Thủy sản Việt Nam chủ động tuyên truyền và phối hợp khi cần thiết tuyên truyền trong toàn Ngành về vấn đề này.

+ Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, ngoài việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và theo sự phân công của Ban công tác còn có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch hành động riêng của đơn vị mình trong đó chú trọng việc phổ biến đến toàn thể cán bộ công nhân viên Chỉ thị số 53/CT-TW ngày 28/10/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người. Chú trọng phát hiện sớm người bị bệnh kịp thời tổ chức cấp cứu hoặc đưa đi điều trị. Tổ chức tẩy trùng, tiêu độc các phòng làm việc của cơ quan, khu tập thể do cơ quan quản lý có sự hướng dẫn của y tế. Các đơn vị phải thành lập Ban công tác phòng chống dịch của đơn vị. Ban công tác phòng chống dịch cúm của Văn phòng sẽ đảm nhiệm về liên hệ cơ sở y tế thuận tiện nhất để có thể đưa cán bộ công chức các Vụ, Thanh tra, Văn phòng đến cấp cứu trong giờ làm việc và tổ chức tẩy trùng các phòng làm việc khi cần thiết.

4. Đề nghị Hội đồng Quỹ nhân đạo Nghề cá nghiên cứu để có thể hỗ trợ theo khả năng của Quỹ đối với các đối tượng trong ngành bị nhiễm dịch cúm A-H5N1.

5. Các đơn vị trong ngành coi thực hiện công tác này là một chỉ tiêu thi đua thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và của Ngành.

Văn phòng Bộ xin thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đến các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện.

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG

PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Đinh Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 2786/TB-BTS về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng tại cuộc họp Ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người Bộ thuỷ sản ngày 23/11/2005 do Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 2786/TB-BTS
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 24/11/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Đinh Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản