Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/1998/CT-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 12 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC THÚC ĐẨY TIẾN TRÌNH CỔ PHẦN HÓA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ
Tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của thành phố, đến nay đã tổ chức triển khai cho trên 50 doanh nghiệp xây dựng đề án cổ phần hóa, nhưng tiến độ vẫn còn chậm, chủ yếu do một số vướng mắc về thủ tục xác lập, chuyển giao sở hữu và xác định tỷ lệ còn lại của nhà xưởng, vật kiến trúc tại doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa. Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau :
1. Về thủ tục xác lập sở hữu Nhà nước và chuyển giao tài sản cố định là nhà xưởng vật kiến trúc tại các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa :
Nguyên tắc lập hồ sơ thủ tục xác lập sở hữu nhà nước tài sản cố định cho các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa (sau đây gọi là doanh nghiệp) theo trình tự và nội dung như sau :
- Văn bản giải trình nguồn gốc tài sản khi tiếp nhận (cải tạo, hiến, vắng chủ,...)
- Diện tích đất, nhà, địa chỉ.
- Những tồn tại có liên quan tài sản (nếu có).
- Những giấy tờ khác có liên quan đến tài sản mà doanh nghiệp còn lưu giữ (nếu có).
a) Đối với nhà xưởng vật kiến trúc do các doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa đang sử dụng, nhưng chưa có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố cho xác lập sở hữu nhà nước, hoặc tuy đã có quyết định Ủy ban nhân dân thành phố cho xác lập sở hữu nhà nước nhưng chưa có quyết định chuyển giao chính thức cho doanh nghiệp.
Tất cả các loại tài sản trong trường hợp nêu trên cần nhanh chóng lập tất cả các hồ sơ pháp lý, giảm tối đa các thủ tục và một số công đoạn rườm rà kéo dài thời gian không cần thiết, để thiết lập và sớm chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp để xây dựng đề án cổ phần hóa.
Tài sản có thể tồn tại từ bất kỳ nguồn gốc nào, như :
1. Tài sản do tiếp nhận của các đơn vị giải thể chuyển qua,
2. Tài sản đó mua lại của các tổ chức kinh tế, hay tư nhân,
3. Tài sản do doanh nghiệp tự xây cất trên phần đất trống hoặc xây lên trên công trình đang thuê của cơ quan nhà đất,
4. Tài sản đó đang thuê của cơ quan quản lý nhà Nhà nước,
5.......
Các tài sản nêu trên hoặc có giá trị hoặc chưa có giá trị trong sổ sách kế toán, doanh nghiệp đã hạch toán vào tài sản cố định hoặc chưa hạch toán vào tài sản cố định của doanh nghiệp; đều phải sưu lục đầy đủ hồ sơ, lập bản đồ địa chính, vẽ lại bản vẽ hiện trạng và xác định tỷ lệ còn lại được sử dụng từng loại tài sản đó.
Các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa, có các tài sản trong diện này cần lập đầy đủ hồ sơ (quan hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ này) và chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan chủ quản doanh nghiệp (Sở Ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện) để lập tờ trình báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định xác lập sở hữu nhà nước, đối với tài sản chưa có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố cho xác lập sở hữu nhà nước. Sau đó, giao cho Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra toàn bộ hồ sơ của từng tài sản do doanh nghiệp chuyển lên, lập tờ trình cho Ủy ban nhân dân thành phố để quyết định chuyển giao chính thức cho doanh nghiệp.
Phần tài sản khi chuyển giao, đã được định giá lại đúng như những quy định tại Thông tư 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, nên phần giá trị tài sản này khi đã được quyết định chuyển giao cho doanh nghiệp, không cần phải xác định lại giá trị, mà được đưa ngay vào phần tính giá trị doanh nghiệp để xây dựng đề án cổ phần hóa.
b) Đối với nhà xưởng vật kiến trúc đang do doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa sử dụng chung với các doanh nghiệp nhà nước hoặc cá nhân khác.
Doanh nghiệp báo cáo xin chuyển giao tài sản với Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thành phố, để Cục xem xét và có ý kiến giải quyết cho từng trường hợp cụ thể trình Ủy ban nhân dân thành phố.
Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thành phố khi thực hiện công tác chuyển giao tài sản cho các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, được trực tiếp giải quyết không cần phải thành lập Hội đồng như trường hợp chuyển giao tài sản đối với các doanh nghiệp nhà nước khác.
Trường hợp chuyển giao tài sản cho thuê có phát sinh giá trị đầu tư thêm của doanh nghiệp đi thuê, các bên thực hiện theo quy định tại điểm 3.1.6 khoản 3 mục II phần thứ hai về những quy định cụ thể của Thông tư 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
2. Ngoài các tài sản đã được chuyển giao, đối với nhà xưởng mà doanh nghiệp vẫn có nhu sử dụng vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp được thuê của Công ty Quản lý nhà nhà hoặc kho bãi của Nhà nước, theo giá thuê như đối với DNNN trước khi cổ phần hóa.
3. Về việc xác định giá trị tài sản cố định là nhà xưởng vật kiến trúc tại các DNNN tiến hành cổ phần hóa.
Do số lượng DNNN tiến hành cổ phần hóa ngày càng nhiều, và để đảm bảo kế hoạch tiến độ thực hiện việc xác định giá trị nhà xưởng, vật kiến trúc được áp giá theo quy định tại quyết định số 5184/QĐ-UB-KT ngày 09/11/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố và nhân với tỷ lệ còn lại của nhà xưởng vật kiến trúc do tổ chuyên viên của hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước thành phố cổ phần hóa xác lập.
Trường hợp doanh nghiệp có nhiều nhà xưởng, vật kiến trúc phức tạp và chưa thống nhất ý kiến về tỷ lệ còn lại giữa tổ chuyên viên (Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố) và doanh nghiệp thì doanh nghiệp được ký hợp đồng với Công ty tư vấn thiết kế xây dựng của Nhà nước để xác định tỷ lệ còn lại đối với nhà xưởng, vật kiến trúc.
Các tài liệu gồm bản vẽ hiện trạng và biên bản xác định chất lượng tỷ lệ sử dụng còn lại đối với tài sản cố định là bất động sản (nhà, xưởng, vật kiến trúc) nói trên là cơ sở giúp Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp làm căn cứ khi thẩm tra để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
4. Về việc thẩm định giá trị các DNNN tiến hành cổ phần hóa
Để thúc đẩy nhanh được tiến độ thực hiện quy trình cổ phần hóa, trong đó có bước thẩm định kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm trước khi cổ phần hóa, Ban đổi mới Quản lý của doanh nghiệp (trước đây là Ban cổ phần hóa của doanh nghiệp) khi Hội đồng kiểm kê tài sản do Giám đốc DNNN thành lập đã kiểm kê, xác định xong giá trị doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn của Thông tư 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 và công văn 3138/TC/TCDN ngày 19/8/1998 của Bộ Tài chính, gởi ngay kết quả (kèm theo toàn bộ các bảng biểu kiểm kê và biên bản kiểm toán, nếu có) về cho Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp của thành phố (được thành lập tại quyết định số 5421/QĐ-UB-KT ngày 15/10/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố) để Hội đồng kịp thời tiến hành thẩm tra, không cần phải chờ xây dựng xong toàn bộ đề án cổ phần hóa.
Sau đó, Ban Đổi mới quản lý của doanh nghiệp tiếp tục hoàn thành các phần còn lại của đề án cổ phần hóa theo mẫu của Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương đã ban hành thống nhất.
Ban Đổi mới quản lý của doanh nghiệp có trách nhiệm :
a) Trình Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố để phê duyệt phương án cổ phần hóa và quyết định chuyển thể doanh nghiệp thành công ty cổ phần, đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa có giá trị thuộc phần vốn Nhà nước trên sổ sách kế toán từ 10 tỷ đồng trở xuống.
b) Báo cáo Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố để trình Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và quyết định chuyển thể doanh nghiệp thành công ty cổ phần, đối với những doanh nghiệp cổ phần hóa có giá trị thuộc phần vốn Nhà nước trên sổ sách kế toán trên 10 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cổ phần hóa và các cơ quan có liên quan cần thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện, khó khăn vướng mắc và các đề xuất về Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố, để trình Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo giải quyết, nhằm đẩy nhanh được công tác chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần theo đúng Nghị định của Chính phủ./.
Nơi nhận : | T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 1918/QĐ-UBND năm 2015 bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 332/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2015
- 3Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 1918/QĐ-UBND năm 2015 bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 332/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2015
- 3Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chỉ thị 48/1998/CT-UB-KT về việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 48/1998/CT-UB-KT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/12/1998
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trần Thành Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/12/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra