Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 439/2000/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2000 

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC VẬN TẢI PHỤC VỤ TẾT TÂN TỴ (2001)

Tết Tân Tỵ năm nay nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân sẽ tăng cao hơn mức bình thường trong năm. Để bảo đảm thoản mãn nhu cầu vận chuyển bình ổn cho sản xuất, phục vụ việc đi lại của nhân dân được an toàn, thuận tiện trong dịp Tết và thực hiện Chỉ thị số 33/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải chỉ thị Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và quản lý CLCTGT, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt Nam, các Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính , Tổng giám đốc Tổng công ty, công ty làm nhiệm vụ quản lý và sửa chữa công trình giao thông, các Công ty kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hoá trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức và thực hiện tốt những việc sau:

1 - Tiến hành kiểm tra ngay tình trạng an toàn của các công trình giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển, phát hiện và ngăn chặn những vi phạm hành lang an toàn giao thông có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời. Đặc biệt các vi phạm đe doạ đến an toàn vận tải phải được xử lý và khắc phục ngay, chú ý đến chất lượng an toàn của các công trình giao thông bị hư hỏng trong mùa mưa bão mới được khôi phục, các cầu yếu trên đường bộ.

Bổ sung đủ các báo hiệu giao thông theo đúng quy định trên các tuyến đường bộ, đường sông nhất là các tuyến có mật độ phương tiện qua lại cao, mới cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đưa vào sử dụng, các tuyến sông có tầu cao tốc hoạt động.

2 - Có biện pháp kiểm tra và đề phòng tai nạn giao thông có thể xẩy ra tại các điểm thường hay xẩy ra tai nạn giao thông trên đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đặc biệt ở khu vực có nhiều đèo dốc nguy hiểm trên đường bộ, mật độ phương tiện lớn trên đường sông, tuyến sông có nhiều đò ngang, đông người đi lại trong mùa lễ hội, nơi có đông dân cư sinh sống ven đường sắt. Có phương án, giải pháp đề phòng, ngăn ngừa, khắc phục khi sự cố xẩy ra, không để ách tắc giao thông trên các nút trên tuyến đường giao thông tại các đô thị lớn đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện, Nghiêm cấm việc đưa phương tiện vận tải không đủ tiêu chuẩn an toàn tham gia giao thông.

3 - Các bến tầu, bến xe, nhà ga, bến phà phải được chỉnh trang sạch đẹp, phục vụ chu đáo khách khi chờ đợi, thuận tiện khi mua vé, không để hành khách phải chờ đợi qua giao thừa ở các bến tầu, bên xe, nhà ga, phối hợp với các lực lượng liên quan làm tốt công tác bảo vệ trật tự trị an, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng bến dù, bến cóc, xe vòng vo đón khách, bán khách dọc đường. Nghiêm cấm việc tự ý tăng giá vé, giá cước vận chuyển hàng hoá trong dịp Tết.

4 - Tất cả các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, kinh doanh vận tải phải kiểm tra lại số lượng, chất lượng của phương tiện, người lái, người phục vụ, tổ chức vận tải theo hướng sau :

a - Liên hiệp đường sắt Việt Nan tăng số đôi tàu, bố trí giờ tầu hợp lý trên các tuyến Bắc - Nam, tuyến Hà Nội - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.

Phối hợp với các đơn vị vận tải khác tổ chức liên vận phục vụ cho hành khách khi cần chuyển tiếp phương tiện.

b - Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính tập trung chỉ đạo vận tải khách bằng ô tô trên các tuyến chính sau:

1 - Hà Nội đi Điện Biên Phủ và ngược lại

2 - Hà Nội - Hà giang nt

3 - Hà Nội - Cao Bằng nt

4 - Hà Nội - Đà Nẵng ''

5 - Quảng Ninh - Vinh ''

6 - Đà Nẵng - Kon Tum ''

7 - Đà Nẵng - Nha Trang ''

8 - Qui Nhơn Pleiku ''

9 - Nha Trang đi Buôn Ma Thuột ''

10 - Kon tum - Đà Lạt ''

11 - TP Hồ Chí Minh - Kon Tum nt

12 - TP Hồ Chí Minh - Đồng Xoài ''

13 - TP Hồ Chí Minh - Nha Trang ''

14 - TP Hồ Chí Minh - Cà Mau ''

15 - TP Hồ Chí Minh - Rạch giá ''

16 - TP Hồ Chí Minh - Đồng Tháp ''

17 - TP Hồ Chí Minh - Trà Vinh ''

18 - Vũng Tàu đi Đà Lạt nt

19 - Vũng Tàu đi Nha Trang nt

Trên 19 tuyến vận tải kể trên cục Đường bộ Việt Nam chủ trì họp với các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính trên tuyến đó và cho các doanh nghiệp vận tải đăng kí xe chạy, các xe tham gia phải bảo đảm tiêu chuẩn về tuổi, về chất lượng an toàn của xe, trình độ người lái, có lịch vận hành trên tuyến, có giá cước công khai và có qui chế quản lý trên từng tuyến do các doanh nghiệp thoả thuận và giao cho doanh nghiệp có số xe lớn nhất trên tuyến chỉ đạo thực hiện.

Nếu các địa phương trên tuyến không đủ xe thì có thể bố trí xe của các địa phương khác tham gia. Nếu không đăng kí tham gia mà tự động chạy xe gây hỗn loạn các địa phương trên tuyến có quyền xử lý theo quy định của Nghị định số 36/CP của Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 5 năm1995 và Nghị định số 49/CP của Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 7 năm 1995.

Các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính cần chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp tốt với Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự đô thị kiểm tra tại bến và trên đường, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp: lái xe tranh giành khách, ép giá khách, sang bán khách trên đường, xe không vào bến đón trả khách; chở quá khách so với số ghế; chở hàng hoá lẫn hành khách, đặc biệt là hàng rễ cháy nổ.

c - Cục Đường sông Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị vận tải khách bằng tầu khách thường và tầu khách cao tốc tại các đầu mối Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Châu Đốc bảo đảm an toàn, trật tự phục vụ hành khách; phối hợp kiểm tra phương tiện; trang bị an toàn trên phương tiện, không để chở khách quá ghế hoặc chở hàng với khách quá tải cho phép.

5 - Các Sở giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính họp với các chủ xe ở địa phương bố trí đủ xe phục vụ vận chuyển khách nôị tỉnh và tuyến liên tỉnh liền kề, không để các loại xe công nông, xe lôi tuỳ tiện chở khách. Tăng cường quản lý, kiểm tra các chủ phương tiện thuỷ chở khách, đò ngang phải đảm bảo chất lượng, có đủ phao cứu sinh, không được chở quá tải, quá số lượng khách được phép. Các bến đò có lượng khách qua lại lớn phải có cán bộ phụ trách điều hành.

Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện chỉ thị này, Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết phải báo cáo kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để xem xét giải quyết.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành có liên quan, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, phố hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải bảo đảm tốt việc vận chuyển hành khách, hàng hoá để nhân dân đón Tết.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP để báo cáo;
- Văn phòng CP, Uỷ Ban ATGTQG;
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
- Uỷ ban ND các tỉnh và thành phố
trực thuôc Trung ương;
- Các Cục ĐB, ĐS, CHH, Cục giám
đinh và QLCLCTBT, Liên hiệp ĐSVN;
- Các Sở GTVT, Sở GTCC;
- Lưu:VP, PCVT.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT
THỨ TRƯỞNG



 
Phạm Thế Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 439/2000/CT-BGTVT về tổ chức vận tải phục vụ

  • Số hiệu: 439/2000/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/12/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Phạm Thế Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/12/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản