Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/1999/CT-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
Sau một thời gian thực hiện các Nghị định của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhìn chung tình hình trật tự an toàn giao thông trong cả nước đã có những chuyển biến rõ nét, ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên. Đó là kết quả của sự chuyển biến trong nhận thức của mọi người tham gia giao thông, của sự quyết tâm, kiên trì lập lại trật tự an toàn giao thông của các cơ quan, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng các cấp.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây lòng đường, vỉa hè ở các đô thị, hành lang bảo vệ công trình giao thông ở một số nơi bị lấn chiếm trở lại, nhân dân hai bên đường sắt tự mở nhiều đường ngang trái phép, hiện tượng đăng đáy hoặc khai thác vật liệu xây dựng lấn chiếm luồng chạy tàu, thuyền vẫn tồn tại trên một số tuyến vận tải thủy, v.v... Mặt khác, trình độ điều khiển phương tiện của nhiều người lái xe cơ giới chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao do mật độ giao thông tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc buông lỏng một số khâu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở một số ngành, địa phương; các phương tiện thông tin đại chúng thiếu quan tâm đến việc tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; công tác kiểm tra, kiểm soát còn có nơi, có lúc bị buông lỏng hoặc xử lý vi phạm chưa đúng người và thiếu nghiêm túc. Thực trạng đó đã dẫn đến số vụ tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng, gây ra ùn tắc giao thông đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 10/1999/NQ-CP ngày 27 tháng 8 năm 1999 chỉ rõ một số vấn đề cấp bách về trật tư an toàn giao thông. Trách nhiệm chính trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông thuộc về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, để tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác này nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 10/1999/NQ-CP ngày 27 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2000 là năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện ngay những công việc sau đây:
1. Bộ Giao thông vận tải cần tập trung thực hiện gấp những công việc trọng tâm sau trong thời gian nhanh nhất :
a) Thống kê kịp thời những điểm và khu vực hay xảy ra tai nạn trên các tuyến đường bộ có mật độ giao thông cao, ở những điểm giao nhau với đường sắt, ở những đoạn sông có luồng hẹp hoặc nguy hiểm; thực hiện ngay các biện pháp khắc phục phù hợp với từng điểm, từng khu vực cụ thể;
b) Phối hợp với Bộ Công an, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, và ủy ban nhân dân các tỉnh dọc tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 51 trong phạm vi trách nhiệm của mình nghiên cứu tổ chức phân luồng, phân tuyến và thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
c) Tổng kiểm tra các đường ngang qua đường sắt nhằm cải tạo, bổ sung trang thiết bị an toàn tại các đường ngang được phép xây dựng đúng quy định; phối hợp với các địa phương lập dự án quy hoạch mạng lưới đường ngang theo hướng xây dựng các đường gom để tiến tới xóa bỏ các đường ngang do dân tự mở;
d) Bổ sung, thay thế kịp thời phao tiêu, báo hiệu trên các tuyến sông có mật độ vận tải cao, và ở những trọng điểm uy hiếp an toàn giao thông đường thủy. Thường xuyên kiểm tra việc cấp phép sử dụng mặt nước để khai thác vật liệu xây dựng trên một số tuyến sông;
đ) Cần có các biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, lái tàu, nhất là những người điều khiển phương tiện chở khách. Thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời công tác cấp bằng lái, giấy phép lái xe, lái tàu sông và công tác kiểm định các loại phương tiện tham gia giao thông.
2. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng cảnh sát tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Việc xử lý vi phạm phải tuân theo các quy định của pháp luật, phải căn cứ vào lỗi của người vi phạm dù đối tượng vi phạm là người đi bộ, người điều khiển phương tiện thô sơ hay cơ giới, không được bỏ qua hành vi vi phạm hoặc giảm nhẹ mức xử lý với lý do không chính đáng. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng cảnh sát thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 21/1998/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 1998.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn chỉnh chương trình giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường, sớm đưa vào giảng dạy chính khóa ở tất cả các cấp học, giao trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường cho hiệu trưởng các trường ven đường giao thông, kiên quyết xử lý thật nghiêm minh những học sinh, sinh viên tham gia hoặc cổ vũ đua xe trái phép.
4. Bộ Tài chính bố trí và cấp phát kịp thời kinh phí cho hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông được duyệt hàng năm phù hợp với nhu cầu sử dụng thường xuyên; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm khắc phục tình trạng sử dụng sai mục đích.
6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan thực hiện những nhiệm vụ sau :
a) Thực hiện các biện pháp có hiệu quả và kiên quyết hơn nhằm chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; huy động các lực lượng tại chỗ giải tỏa ngay những nơi bị tái lấn chiếm hoặc đang bị lấn chiếm. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác này ở các quận, huyện, thị xã, phường, xã; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị để xử lý thích đáng;
b) Đề xuất với Bộ Giao thông vận tải trong việc tập trung các đường ngang do dân tự mở vượt qua đường sắt vào một số điểm nhất định có trang bị đầy đủ cọc tiêu, biển báo hiệu để hướng dẫn nhân dân qua lại; kiên quyết xóa ngay các điểm vượt qua đường sắt không phù hợp với quy định hiện hành;
c) Hạn chế tối đa việc hình thành các cụm dân cư mới kéo dài theo các tuyến giao thông đường sắt, đường bộ; cần xem xét kỹ khía cạnh bảo đảm an toàn giao thông khi cấp phép xây dựng mới nhà ở dọc các tuyến giao thông;
d) Các thành phố lớn phải khẩn trương phối hợp với Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trên các tuyến phố vào những giờ cao điểm;
đ) Dành kinh phí thích đáng cho cấp cơ sở (quận, huyện, phường, xã) thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thường xuyên kiểm tra việc sử dụng kinh phí này ở các cơ sở.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương cần mở các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các quy định cụ thể của pháp luật về an toàn giao thông. Nội dung tuyên truyền cần thiết thực, gắn với các tình huống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày để mọi tầng lớp nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ để vận dụng. Đồng thời, cần cung cấp các thông tin cần thiết về tình hình thực tế, hướng dẫn dư luận xã hội vào những vấn đề cấp bách cần quan tâm trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông.
8. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có trách nhiệm phối hợp hoạt động của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện những nhiệm vụ trên; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này ở các Bộ, ngành và các địa phương.
Yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện ngay Chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện và những vướng mắc phát sinh.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Thông tư 03/2002/TT-BGTVT hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển khách, hàng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Chỉ thị 22-CT/TW năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Chỉ thị 21/1998/CT-TTg về chấm dứt việc tuỳ tiện dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 4Thông báo 113/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2003 về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 106/2004/TT-BTC về việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách trung ương cấp do Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 03/2002/TT-BGTVT hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển khách, hàng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Chỉ thị 22-CT/TW năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Chỉ thị 21/1998/CT-TTg về chấm dứt việc tuỳ tiện dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 4Chỉ thị 03/2000/CT-BYT về việc tăng cường công tác cấp cứu tai nạn giao thông do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 5Thông báo 113/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2003 về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông tư 106/2004/TT-BTC về việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách trung ương cấp do Bộ Tài chính ban hành
Chỉ thị 33/1999/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 33/1999/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/12/1999
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra