Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4/CT-UBND

Gia Lai, ngày 12 tháng 04 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRONG MÙA MƯA, LŨ NĂM 2022

Thực hiện Chỉ thị số 1652/CT-BNN-TCTL ngày 18/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022.

Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ sắp tới, chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 2247/KH-UBND ngày 09/10/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, đơn vị quản lý công trình, bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành. Thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực đảm bảo ứng phó khi có sự cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.

- Khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn của công trình, lập kế hoạch và bố trí kinh phí sửa chữa ngay các hư hỏng ở các đập, hồ chứa nước xung yếu trước mùa mưa lũ năm 2022, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho đập và vùng hạ du công trình.

- Tổ chức kiểm tra việc vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát, đánh giá khả năng thoát lũ sau tràn xả lũ của các hồ chứa trên địa bàn. Kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm làm ách tắc, co hẹp hành lang thoát lũ các hồ chứa thủy lợi.

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du. Bổ sung các kịch bản ứng phó thiên tai trong điều kiện xảy ra mưa lớn, cực đoan và đảm bảo phòng chống dịch. Tổ chức diễn tập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu, khu vực hạ du có đông dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng.

- Rà soát, đánh giá năng lực của các tổ chức được giao khai thác vận hành các đập, hồ chứa nước, đảm bảo năng lực tối thiểu theo yêu cầu tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Tuyệt đối không giao cho tổ chức, cá nhân không có đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu giao các tổ chức không đủ năng lực để quản lý, khai thác dẫn đến mất an toàn hoặc sự cố công trình.

- Đôn đốc kiểm tra các công trình đang thi công, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa lũ. Chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trên địa bàn.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn công trình, vận động nhân dân tham gia bảo vệ công trình; nâng cao nhận thức, năng lực tự ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập.

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ. Kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định nói trên.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi;

- Tổ chức kiểm tra hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2022 và hiện trạng an toàn công trình sau mùa mưa lũ, phương án khắc phục hư hỏng đảm bảo an toàn công trình. Báo cáo kết quả kiểm tra về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh theo thời gian quy định.

2. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình, vận hành thử thiết bị cơ khí cửa van xả lũ, cống lấy nước; sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công trình chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hồ chứa. Củng cố lực lượng quản lý hồ chứa có đủ năng lực chuyên môn nhằm tổ chức tốt việc quản lý, vận hành và phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình đế có biện pháp xử lý kịp thời; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng, bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

- Thường xuyên kiểm tra công trình (kể cả khi không có mưa lũ); trực ban và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình. Thực hiện việc giải tỏa vật cản, phát quang phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

- Tăng cường theo dõi, cập nhật bản tin dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ điều tiết hồ chứa thủy lợi phục vụ chỉ đạo, vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập, hồ chứa nước.

- Đối với các hồ chứa có cửa van điều tiết lũ: Phải quan trắc 4 lần một ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi (địa chỉ: http://www.thuyloivietnam.vn).

- Tổ chức vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước. Bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân vùng hạ du khi xả lũ các hồ chứa.

3. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai

- Bố trí kinh phí trong tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ; kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công thực hiện đúng tiến độ thi công đã được duyệt, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn trong mùa mưa, lũ năm 2022 và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra sự cố công trình.

- Khẩn trương xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (hoặc rà soát, điều chỉnh Phương án đã được duyệt cho phù hợp với tình hình thực tế thi công) đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

- Tổ chức lập, phê duyệt và thực hiện phương án ứng phó thiên tai theo quy định tại Điều 22 Luật phòng, chống thiên tai.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về thủy lợi. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định việc tích nước, điều tiết vận hành các hồ chứa nước do tỉnh quản lý. Tổng hợp, đề xuất công trình, hạng mục công trình cần sửa chữa nâng cấp bảo đảm an toàn trong mùa mưa, lũ năm 2022 và các năm tiếp theo.

- Đôn đốc, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 2247/KH-UBND ngày 09/10/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.

- Tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước trước mùa mưa lũ, báo cáo về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước ngày 15/4/2022. Sau mùa mưa lũ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng công trình, đề xuất phương án sửa chữa khắc phục hư hỏng, báo cáo về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/12/2022.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và đơn vị liên quan, tham mưu đề xuất kinh phí để thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022 và các năm tiếp theo.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Tổng cục Thủy lợi (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, KH&ĐT; TC;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Ban QL các DA ĐTXD tỉnh Gia Lai;
- Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi;
- Các chủ hồ, đập thủy lợi (Sở NN &PTNT sao gửi)
- Lưu VT, NL, CNXD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kpă Thuyên