Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 388-CT

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG CHỐNG BUÔN LẬU

Chấp hành chỉ trương của Đảng và Nhà nước về bài trừ tệ nạn nhập lậu hàng hoá, đến nay các ngành, các cấp, các tổ chức đặc nhiệm đã thu được một số kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình, hoan nghênh.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng biểu dương những cố gắng đó và yêu cầu các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đặc nhiệm chống buôn lậu tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi mới trên mặt trận phức tạp và quyết liệt này, góp phần thiết lập trật tự và ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Để có cơ sở giải quyết kịp thời những vấn để mới phát sinh, tăng cường chống buôn lậu, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị thêm một số chủ trương và biện pháp sau đây:

A- HƯỚNG GIẢI QUYẾT ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU:

1- Từ ngày ban hành Chỉ thị này trở đi, những lô hàng hoá của các tổ chức kinh tế nước ta nhập bằng đường mậu dịch về tới cửa khẩu (từ đây khái niệm cửa khẩu được dùng để chỉ cửa khẩu tại cảng, sân bay, đường biên giới đất liền) mà không có hạn ngạch (quota) hoặc không có kế hoạch đã đăng ký và không có giấy phép nhập khẩu chuyến, không có hợp đồng thì đều bị coi là hàng nhập lậu; hải quan làm các thủ tục cần thiết để tịch thu những hàng hoá đó.

Ban Đặc nhiệm chống buôn lậu đôn đốc các ngành chức năng khẩn trương xử lý số hàng nhập lậu đó và các vấn đề liên quan theo đúng pháp luật. Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm chủ trì tổ chức bán số hàng nhập lậu tịch thu được để đưa vào ngân sách Nhà nước. Cá nhân hoặc tổ chức sử dụng trái phép những hàng hoá đó dưới bất kỳ hình thức nào cũng phải bị nghiêm trị, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tập thể hoặc cá nhân có những hành vi nhằm hợp thức hoá thủ tục nhập khẩu hoặc tẩu tán số hàng hoá đó đều bị coi là phạm tội tiếp tay, đồng loã, dung túng cho bọn buôn lậu phải bị nghiêm trị theo pháp luật.

Những lô hàng hoá đã nhập về tới cửa khẩu trước ngày ban hành Chỉ thị này, kể cả số hàng đã nhập về trước ngày 27 tháng 9 năm 1990 mà có hạn ngạch (quota) hoặc có kế hoạch đã đăng ký, có hợp đồng và giấy phép nhập khẩu chuyến (riêng giấy phép nhập khẩu chuyến có sau khi hàng về một thời hạn như thông lệ trước đây) thì chủ hàng tiếp tục hoàn thành các thủ tục cần thiết để nhận những lô hàng hoá đó.

2- Để thực hiện chính sách tiêu dùng hợp lý trong điều kiện hiện nay, bảo hộ sản xuất trong nước và tiết kiệm ngoại tế, Bộ Thương nghiệp soát xét lại và thông báo để thực hiện ngay trong năm nay việc không cho phép nhập một số hàng hoá và hạn chế nhập một số hàng hoá khác.

- Riêng đối với ô tô du lịch từ 15 chỗ ngồi trở xuống và xe hai bánh gắn máy thì tạm ngừng nhập khẩu từ ngày 19 tháng 10 năm 1990 và cả năm 1991 theo Chỉ thị số 369-CT ngày 19 tháng 10 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Những lô hàng có hạn ngạch (quota) nhập khẩu năm 1990 cấp trước ngày 19 tháng 10 năm 1990, có giấy phép nhập khẩu chuyến, có hợp đồng và đã mở L/C hoặc một hình thức thanh toán nào khác với nước ngoài cũng trước ngày đó thì khi hàng về tới cửa khẩu mới được chấp nhận là hàng nhập khẩu hợp pháp. Những lô hàng nhập về cửa khẩu không có những điều kiện đó đều bị coi là hàng nhập lậu và bị xử lý theo đúng pháp luật. Tập thể hoặc cá nhân có hành vi nhằm hợp thức hoá thủ tục nhập khẩu hoặc cho vào kho tạm nhập tái xuất hoặc tẩu tán những lô hàng nhập lậu đều phải bị nghiêm trị.

Nghiêm cấm việc mua ô-tô du lịch từ 15 chỗ ngồi trở xuống và xe 2 bánh gắn máy từ nước ngoài đưa vào nước ta qua đường trao đổi tiểu ngạch hoặc mua gom từ biên giới.

Từ kế hoạch năm 1991, các tổ chức trong nước chỉ được nhận theo các chương trình, dự án viện trợ từ nước ngoài các loại ô-tô du lịch từ 15 chỗ ngồi trở xuống và xe hai bánh gắn máy đã ghi trong chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các tổ chức và công trình hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết với nước ngoài không được nhập khẩu hai mặt hàng này vào nước ta để bán hoặc để tặng, nhưng thực chất là để bán một cách phi pháp. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư với nước ngoài cùng Bộ Thương nghiệp phối hợp thực hiện nghiêm túc chủ trương này.

- Đối với nhu cầu của các cơ quan và người nước ngoài có thân phận ngoại giao và đại diện của các tổ chức quốc tế ở nước ta thì Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan, trong tháng 11 năm 1990 trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131-HĐBT ngày 27 tháng 8 năm 1987. Trước mắt, vẫn tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành. Riêng đối với ô-tô du lịch và xe gắn máy, cần có ý kiến của Bộ Ngoại giao, và trên cơ sở đó Bộ Thương nghiệp xem xét cấp giấy phép nhập với số lượng đủ để cơ quan sử dụng, không được bán lại.

Mặt khác, cho phép những đơn vị kinh doanh có điều kiện xuất khẩu những ô-tô và xe hai bánh gắn máy đã đăng ký lưu hành mà nay không sử dụng ở trong nước, hoặc đã nhập khẩu nhưng nay kinh doanh không có lợi hoặc không phù hợp với tập quán của ta (ví dụ xe hơi có tay lái nghịch). Bộ Thương nghiệp cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể bảo đảm các khoản thuế khi nhập và khi xuất không để việc này bị lợi dụng biến thành việc tẩu tán những lô hàng đã nhập lậu.

Việc nhập khẩu những hàng tiêu dùng thiết yếu (ví dụ đường, vải...) phải được Bộ quản lý sản xuất chịu trách nhiệm cân đối giữa sản xuất với nhu cầu, đề xuất số lượng cần nhập khẩu trong từng thời gian, được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cân đối chung và Hội đồng Bộ trưởng quyết định mức hạn ngạch, Bộ Thương nghiệp cấp hạn ngạch và giấy phép theo đúng thủ tục.

- Đối với những mặt hàng cũ là máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất hoặc dùng trong thí nghiệm khoa học thì đơn vị muốn nhập phải được Bộ chủ quản xem xét và chấp thuận để bảo đảm hàng nhập về phát huy được tác dụng thực sự, nhưng kỹ thuật và công nghệ không lạc hậu so với thế giới và đáp ứng được nhu cầu phát triển của nước ta. Bộ Thương nghiệp chỉ cho nhập khi đã có đề nghị chính thức của Bộ chủ quản đơn vị xin nhập.

- Đối với một số hàng tiêu dùng cũ là hàng may mặc sẵn, ti vi, vidéo, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, đồ điện gia dụng thì không cho nhập theo đường mậu dịch và hạn chế nhập theo đường phi mậu dịch.

3- Để hạn chế mức độ bất lợi cho phía ta do buộc phải xuất hàng (nhất là hàng nông sản) theo giá thấp khi trả nợ hoặc do biến động của thị trường tiền tệ quốc tế từ khi nhập hàng đến khi trả nợ hoặc khi nợ đến hạn trả mà chưa thành toán được phải bị nước ngoài phạt với lãi suất cao và để thực hiện một bước đưa việc thanh toán hàng xuất - nhập khẩu vào trật tự, từ ngày ký Chỉ thị này trở đi đình chỉ việc nhập hàng tiêu dùng thanh toán bằng hình thức trả chậm cho đến khi có chủ trương mới. Bất kỳ tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu nào không chứng minh được khả năng thanh toán sẵn có đều không được phép nhập hàng tiêu dùng (trường hợp nhập hàng tiêu dùng về làm tư liệu sản xuất thì đơn vị nhập khẩu phải có phương án sử dụng cụ thể với địa chỉ rõ ràng và phải được Bộ chủ quản chính thức xác nhận trước khi xin nhập khẩu). Bộ Thương nghiệp bàn với Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Hải quan phối hợp các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện chủ trương đó.

4- Nhằm hạn chế việc nhập những hàng hoá mà trong nước đã sản xuất được và khắc phục tình trạng lợi dụng nhập hàng phi mậu dịch để buôn bán, các nhà kinh doanh người nước ngoài và nhà kinh doanh là Việt kiều khi nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài hành lý và đồ dùng cá nhân (như quy định của Tổng cục Hải quan theo tập quán quốc tế), được mang theo hoặc gửi chậm một lượng hàng phi mậu dịch nhưng không thuộc những mặt hàng cấm nhập, hàng quản lý nhập bằng hạn ngạch, hàng nhập có điều kiện và hàng hạn chế nhập trong từng thời gian cụ thể. Nếu có những mặt hàng chịu thuế thì phải nộp thuế theo luật định.

5- Bộ Thương nghiệp chủ trì cùng các ngành có liên quan bàn với các cơ quan tương ứng của hai nước Cam-pu-chia và Lào nhằm phối hợp thực hiện các biện pháp chống buôn lậu qua biên giới nước ta với hai nước bạn. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho những Công ty Trung ương có chức năng chuyên trao đổi hàng hoá với Cam-pu-chia và với Lào làm nòng cốt trong việc tổ chức Hiệp hội hoặc liên doanh, liên kết, với các đơn vị kinh doanh khác, chủ yếu với các đơn vị ở những địa phương giáp biên giới để tổ chức việc trao đổi hàng hoá với hai nước bạn một cách có kế hoạch, theo hợp đồng.

Nghiêm cấm việc lợi dụng xuất nhập khẩu uỷ thác cho bạn để tiến hành những hoạt động xuất nhập khẩu lậu và nghiêm cấm việc lợi dụng vận chuyển quá cảnh để tuồn hàng lậu, hàng trốn thuế vào thị trường nước ta hoặc đưa trái phép hàng của nước ta ra nước ngoài.

Đặc biệt đối với ba mặt hàng: cao-su, sắt phế liệu, gỗ tròn trao đổi qua biên giới nước ta và Cam-pu-chia thì xử lý như sau:

- Những lô hàng có hợp đồng giữa tổ chức kinh doanh phía ta mua của tổ chức kinh doanh phía bạn, có sự xác nhận của cấp có thẩm quyền của Bộ Thương nghiệp Cam-pu-chia và có xác nhận của Hải quan cửa khẩu hai nước thì cho xuất khẩu.

- Những lô hàng không có những điều kiện trên thì hoặc là để tiêu thụ trong nước hoặc chỉ cho xuất khẩu theo quy chế xuất khẩu hàng hoá sản xuất tại nước ta. Bộ Thương nghiệp xem xét nguồn gốc và hồ sơ hàng hoá để xử lý từng trường hợp cụ thể.

- Nghiêm trị những kẻ làm giấy tờ khống, giấy tờ giả để lấy hàng của nước ta xuất khẩu dưới danh nghĩa hàng của Cam-pu-chia.

6- Các ngành, các cấp quản lý Nhà nước, trước hết là Bộ Thương nghiệp, phải kiểm tra và chấn chỉnh tổ chức, kể cả bố trí lại nhân sự những bộ phận trực tiếp làm công tác quản lý xuất nhập khẩu, bảo đảm chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xuất - nhập khẩu được thực hiện nghiêm chỉnh.

Ban Đặc nhiệm chống buôn lậu phía Nam và phía Bắc phải kiểm tra, phát hiện và đôn đốc các ngành, các cấp xử lý những tổ chức hoặc cá nhân làm trái Chỉ thị này. Cơ quan nào làm trái thì Thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

B- HƯỚNG GIẢI QUYẾT VIỆC VẬN CHUYỂN, CHỨA CHẤP, TÀNG TRỮ HÀNG LẬU

1- Nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị lợi dụng các phương tiện vận tải, kho tàng, bến bãi, cửa hàng, công sở, nhà ở... để vận chuyển và chứa chấp, tàng trữ hàng lậu. Các hành vi vi phạm lệnh cấm này thì ngoài việc bị tịch thu số hàng lậu, còn bị xử lý như sau:

a) Những tổ chức kinh tế và hộ kinh doanh, không phân biện thành phần kinh tế, cố ý sử dụng ô-tô, xe máy, xuồng máy và phương tiện vận tải thô sơ làm phương tiện, công cụ chuyên chở hàng lậu thì phương tiện vận tải đó đều bị tịch thu.

Trường hợp phương tiện đó đang chở hành khách thì khi làm xong thủ tục xử lý, người điều khiển phương tiện được phép đưa hàng khách về bến. Ngay sau khi trả khách xong, người điều khiển phương tiện phải đem nộp phương tiện vận tải cho cơ quan Công an gần nhất. Cơ quan Công an nhận phương tiện thì thông báo ngay cho cơ quan xử lý vụ việc đó biết. Nếu chủ phương tiện không chấp hành quy định này thì ngoài việc bị tịch thu phương tiện, còn bị bồi thường mọi chi phí cho cơ quan xử lý phải truy tìm phương tiện.

b) Những cơ quan hành chính sự nghiệp, quốc phòng, nội vụ, đoàn thể... lợi dụng phương tiện của Nhà nước do mình quản lý để chở hàng lậu thì phải bị phạt tiền bằng 3 lần trị giá hàng lậu và tuỳ theo mức độ vi phạm, thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý và người điều khiển phương tiện phải bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu cơ quan quản lý phương tiện chưa nộp đủ tiền phạt thì cơ quan xử lý tạm giữ phương tiện cho tới khi hoàn thành việc nộp phạt.

Cơ quan quản lý phương tiện bị phạt thì phải trích trong số kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị để nộp phạt, không được xin cấp bù thiếu hụt do bị phạt gây ra.

c) Những tập thể điều khiển vận hành các phương tiện lớn như xe lửa, máy bay, tầu thuỷ, sà lan sông, biển nếu lợi dụng phương tiện để chuyên chở hàng lậu, thì tập thể đó, kể cả người chỉ huy phương tiện bị phạt tiền gấp 3 lần trị giá hàng lậu. Nếu số hàng lậu lớn hoặc tái phạm thì tập thể điều hành, kể cả người chỉ huy phương tiện và thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý phương tiện còn có thể bị cách chức, buộc thôi việc hoặc bị truy tố trước pháp luật.

d) Hành khách mang hàng lậu thì ngoài số hàng lậu đó bị tịch thu, còn bị phạt tiền bằng 3 lần giá trị hàng lậu, và tuỳ theo mức độ vi phạm, mà bị các hình thức phạt hành chính khác hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Những tổ chức, cá nhân có kho tàng, công sở, nhà trường, nhà ở... chứa chấp hàng lậu phải bị phạt tiền gấp 3 lần trị giá hàng lậu. Nếu tổ chức đó là cơ quan hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, nội vụ, đoàn thể... thì tiền nộp phạt phải trích trong kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị, không được xin cấp bù thiếu hụt do bị phạt gây ra; những người tham gia cất trữ hàng lậu và thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải bị xem xét kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

C- MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG PHÁT HIỆN VÀ BẮT GIỮ HÀNG LẬU.

1- Mỗi lần tịch thu hàng lậu, bất kỳ cơ quan chức năng nào cũng đều phải lập biên bản và xử lý theo đúng các quy định hiện hành. Phải thu ngay tiền phạt các vụ vi phạm. Cho áp dụng mức cao nhất trong khung tỷ lệ thưởng của Pháp lệnh xử phạt hành chính là 15% (riêng thuốc lá, bia, rượu, pháo nhập lậu và buôn bán lậu kim loại màu và xăng dầu là 30%) trên tổng trị giá hàng hoá tịch thu và tiền phạt để khen thưởng cho nhân hoặc tổ chức có công phát hiện, tố giác, truy tìm và bắt giữ; số còn lại thì đưa vào ngân sách: cấp nào tịch thu được thì ngân sách cấp đó được hưởng, đặc biệt chú ý cấp xã, phường để bổ sung quỹ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Nghiêm cấm việc sử dụng trái phép số hàng lậu tịch thu được.

Trong tổng số tiền thưởng thì 80% chi thưởng những người có công trực tiếp, 20% nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để thưởng những người có công gián tiếp trong việc phạt hiện, bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm và để chi dùng vào việc truy bắt các vụ vi phạm.

2- Các tầng lớp nhân dân, nhất là ở xã, phường cần tích cực tham gia chống buôn lậu, không làm thuê cho bọn buôn lậu; tích cực phát hiện, tố giác và bắt giữ hàng lậu.

Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm bí mật và an toàn cho những người tham gia phát hiện, tố cáo hoặc bắt giữ hàng lậu. Những người tham gia chống buôn lậu mà bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì được hưởng các chế độ như thương binh, liệt sĩ. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn ngay việc thi hành chế độ này.

Trên đây là một số chủ trương và biện pháp bổ sung; tạo cơ sở cho các ngành, các cấp giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, tăng cường chống buôn lậu.

Các Bộ Thương nghiệp, Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải và Bưu điện, Lao động - Thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Hải quan phải soát xét lại, khẩn trương điều chỉnh và bổ sung các biện pháp cụ thể, hướng dẫn việc thi hành nghiêm chỉnh Chị thị này.

Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng Ban Đặc nhiệm chống buôn lậu phía Bắc và phía Nam, các Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 388-CT năm 1990 về một số chủ trương và biện pháp tăng cường chống buôn lậu do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 388-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/11/1990
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản