Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 405-CT | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ VIỆC TRAO ĐỔI HÀNG HOÁ QUA BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG
Những quy định trong các Chỉ thị số 32-CT ngày 21 tháng 2 năm 1989, số 84-CT ngày 10 tháng 4 năm 1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về quản lý việc trao đổi hàng hoá qua biên giới Việt - Trung được nhân dân ta đồng tình, ủng hộ và nhiều ngành, nhiều địa phương tích cực thực hiện. Việc thực hiện các Chỉ thị đó đã thiết thực góp phần mở rộng giao lưu hàng hoá, khuyến khích đồng bào các dân tộc một số vùng phát triển chăn nuôi, khai thác lâm, thổ sản và thuỷ sản, thúc đẩy một số xí nghiệp công nghiệp cải tiến sản xuất, giải quyết được một phần khó khăn về vật tư phục vụ sản xuất, góp phần cân đối hàng - tiền và góp phần nâng cao mức sống nhân dân hai bên biên giới Việt - Trung. Song việc quản lý và kiểm soát của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn nhiều sơ hở, thiếu sót, tình trạng buôn lậu và trốn thuế nghiêm trọng làm cho nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp bị hàng hoá của nước ngoài chèn ép, gặp thêm khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, ngân sách Nhà nước bị thất thu nhiều, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, an ninh chính trị vùng biên giới.
Việc trao đổi hàng hoá với Trung Quốc là một nhu cầu thực tế khách quan đối với cả hai bên. Trong hoàn cảnh quốc tế hiện nay, mở rộng trao đổi hàng hoá với Trung Quốc lại càng cần thiết. Trong khi ta và Trung Quốc chưa lập lại quan hệ chính thức giữa hai Nhà nước về kinh tế và thương mại thì việc tổ chức mậu dịch địa phương qua biên giới giữa hai nước là một hướng quan trọng của ta để đẩy mạnh xuất những thứ ta cần xuất và tranh thủ nhập những thứ ta cần nhập tạo điều kiện thúc đẩy việc khôi phục quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước trên cơ sở mới.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhấn mạnh và xác định thêm một số chủ trương và biện pháp để tiếp tục chấn chỉnh quản lý việc trao đổi hàng hoá qua biên giới Việt - Trung như sau:
1- Về chính sách mặt hàng trao đổi qua biên giới.
Chỉ trừ những mặt hàng Nhà nước cấm xuất, cấm nhập đối với bất cứ thị trường nước ngoài nào, còn những mặt hàng khác thì xử lý đối với thị trường Trung Quốc cũng như với các thị trường khác. Mặt hàng nào Nhà nước quản lý hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu thì trong mậu dịch địa phương với Trung Quốc, các đơn vị kinh doanh cũng phải tuân theo sự quản lý ấy. Trong trường hợp xét thấy xuất, nhập mặt hàng nào đó (trong danh mục mặt hàng quản lý hạn ngạch) sang Trung Quốc là có lợi hơn so với thị trường khác thì ưu tiên phân bổ hạn mức xuất khẩu hay nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp ban hành danh mục các loại mặt hàng cấm, hạn chế và khuyến khích xuất, nhập khẩu và chỉ đạo thực hiện chính sách mặt hàng xuất, nhập qua biên giới Việt - Trung một cách linh hoạt, nhạy bén với tình hình biến động về cung - cầu trên thị trường để có lợi nhất cho sản xuất và đời sống nhân dân.
2- Về đối tượng được phép xuất, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới.
a) Công dân Việt Nam cư trú ở các xã dọc biên giới được trực tiếp trao đổi với cư dân bên kia biên giới theo phong tục và tập quán của mỗi bên những sản phẩm do mình sản xuất để mua về những thứ cho mình dùng. Trong trường hợp này không phải nộp thuế. Nếu mua hàng để buôn bán thì phải nộp đủ thuế theo Luật định. Cơ quan Hải quan với sự phối hợp của bộ đội biên phòng, nhất là với chính quyền và đoàn thể xã sở tại vận động nhân dân thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
b) Tổ chức và quản lý tốt các chợ ở đường biên trên đất liền và một số điểm trao đổi hàng hoá trên đảo để qua đó mà xuất khẩu tại chỗ qua biên giới những hàng ta khuyến khích xuất và nhập sang ta những mặt hàng cần thiết, đồng thời có điều kiện để kiểm tra, kiểm soát việc qua lại và trao đổi hàng hoá qua biên giới. Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp cùng Bộ Nội vụ, bộ đội biên phòng, Hải quan xác định các địa điểm này. Kinh phí để xây dựng các chợ chủ yếu do ngân sách địa phương đài thọ, trích từ các khoản thu đúng pháp luật trong việc trao đổi hàng hoá qua biên giới.
c) Trước mắt, mỗi tỉnh biên giới và thành phố Hải Phòng được phép chỉ định và tổ chức một đơn vị kinh tế quốc doanh để quan hệ trực tiếp với các tổ chức kinh tế quốc doanh ở bên kia biên giới, không dùng thương nhân làm trung gian giữa hai bên, để nâng cao hiệu quả trong trao đổi hàng hoá hợp pháp và hạn chế tệ buôn lậu qua biên giới. Cần có những tổ chức liên doanh, liên kết hoặc Hiệp hội giữa các đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu của Trung ương và địa phương, kể cả các địa phương không phải ở biên giới để phát triển mậu dịch địa phương với các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Tổ chức kinh tế quốc doanh được phép quan hệ buôn bán với phía Trung Quốc có thể lựa chọn, sử dụng một số thương nhân làm cho mình một số nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh. Bộ Thương nghiệp cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới chỉ đạo việc thành lập và quản lý tổ chức xuất, nhập khẩu qua biên giới theo chủ trương nói trên.
d) Các tổ chức kinh doanh của các ngành ở trung ương và ở các tỉnh, thành phố không phải ở biên giới không có giấy phép của Bộ Thương nghiệp thì không được trực tiếp xuất, nhập khẩu qua biên giới, kể cả việc xuất, nhập khẩu từng chuyến hàng. Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm báo cho tỉnh biên giới biết các chuyến hàng mà Bộ cho phép các tỉnh khác trực tiếp xuất, nhập khẩu. Nếu có nhu cầu thì uỷ thác xuất, nhập khẩu hoặc liên doanh với tổ chức đã được cấp quyền trực tiếp xuất, nhập khẩu qua biên giới. Những hàng hoá của các tổ chức vi phạm điều quy định này phải được xử lý như hàng buôn lậu. Hải quan cửa khẩu có trách nhiệm kiểm tra giấy phép, thu thuế và xử lý hàng lậu theo Luật định.
e) Uỷ ban nhân dân tỉnh có biên giới phải quản lý chặt chẽ các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá ở vùng biên giới. Những người ở các tỉnh phía sau lên làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá ở vùng biên giới phải được Uỷ ban nhân dân huyện nơi họ cư trú giới thiệu và phải được Uỷ ban nhân dân huyện nơi họ cư trú giới thiệu và phải được Sở Công an tỉnh có biên giới cho đăng ký tạm trú, Sở Giao thông vận tải và Bưu điện tỉnh có biên giới cho đăng ký hành nghề và phải tuân thủ các quy định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở tỉnh về hành nghề vận chuyển hàng hoá vùng biên giới.
3- Về chính sách thuế.
- Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức quốc doanh, được phép trực tiếp xuất, nhập khẩu qua biên giới Việt - Trung thì áp dụng thống nhất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch với khung thuế suất tối thiểu.
- Đối với những mặt hàng không có trong danh mục biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch và biểu thuế hàng hoá xuất, nhập khẩu phi mậu dịch thì Tổng cục Hải quan cùng Bộ Tài chính trình ngay biện pháp xử lý lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để kịp thời chỉ đạo thi hành.
- Thống nhất việc thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch và thuế hàng hoá xuất, nhập khẩu phi mậu dịch qua biên giới vào một tổ chức là Hải quan.
Tổng cục Hải quan phải tổ chức lại các đơn vị Hải quan cửa khẩu ở dọc biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu để đủ sức làm công tác chống buôn lậu và thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Để tạo thuận tiện cho việc nộp thuế xuất khẩu, Tổng cục Hải quan có thể lập các điểm thu thuế xuất khẩu tại các huyện lỵ, thị trấn biên giới.
4- Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng chính sách đối với tiền Trung Quốc, tỷ giá trao đổi và tổ chức việc đổi tiền ở các điểm thuận tiện cho việc trao đổi hàng hoá qua biên giới.
5- Về kiểm tra, kiểm soát.
a) Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có biên giới, khẩn trương xây dựng và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế mới về biên giới Việt - Trung.
b) Bộ đội biên phòng, hải quan, công an và các tổ chức đặc nhiệm chống buôn lậu được phép tăng cường lực lượng, đặc biệt là phải tăng cường chất lượng các lực lượng kiểm tra, kiểm soát vùng biên giới. Trang bị cho các lực lượng này các phương tiện cần thiết để hoạt động.
Ban Đặc nhiệm chống buôn lậu ở các tỉnh phía Bắc tổ chức sự phối hợp hoạt động của các lực lượng này cho chặt chẽ.
c) Trên những đường chính ra vào vùng biên giới, nếu cần lập thêm trạm kiểm soát cố định hay tổ kiểm soát lưu động liên ngành thì Uỷ ban nhân dân tỉnh bàn thống nhất với Ban chỉ đạo quản lý thị trường trung ương để quyết định.
d) Các tỉnh, thành phố phía sau cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn mình làm cho mọi tổ chức và cá nhân phải kinh doanh theo đúng pháp luật. Việc vận chuyển và buôn bán hàng từ biên giới về, nếu không có đủ giấy tờ chứng mình là đã hoàn thủ tục hải quan và nộp thuế nhập khẩu, đều bị coi là nhập lậu và xử lý như hàng nhập lậu, kể cả người buôn bán và phương tiện vận chuyển cũng phải bị xử lý theo Chỉ thị số 388-CT ngày 10 tháng 11 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
đ) Các cơ quan Nhà nước và đoàn thể nhân dân chú ý phổ biến rộng rãi pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo hộ sản xuất trong nước và tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu.
Để khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm, cho phép áp dụng mức cao nhất trong khung tỷ lệ tiền thưởng của Pháp lệnh xử phạt hành chính là 15% (riêng mặt hàng thuốc lá, bia, rượu ngoại nhập, pháo nhập lậu và buôn bán lậu kim loại màu và xăng dầu là 30%) trên tổng trị giá hàng hoá tịch thu và tiền phạt hành chính làm tiền thưởng. Trong tổng số tiền thưởng, được để lại 80% chi thưởng cho những người có công trực tiếp; 20% nộp cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để thưởng cho những người có công gián tiếp trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm và để chi dùng vào việc truy bắt các vụ vi phạm.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 32-CT ngày 21 tháng 2 năm 1989 và Chỉ thị số 84-CT ngày 10 tháng 4 năm 1989. Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Trưởng ban chỉ đạo quản lý thị trưởng Trung ương và Trưởng ban Đặc nhiệm chống buôn lậu phía Bắc đôn đốc và kiểm tra các cơ quan chức năng của Nhà nước hướng dẫn và có kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Hàng tháng Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, Ban Đặc nhiệm chống buôn lậu phía Bắc, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp, Tổng cục Hải quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc báo cáo tình hình thực hiện lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, gặp khó khăn, trở ngại gì trong quá trình thực hiện thì phải báo cáo ngay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tình hình và kiến nghị biện pháp xử lý.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 388-CT năm 1990 về một số chủ trương và biện pháp tăng cường chống buôn lậu do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Quyết định 180-TTg năm 1992 về việc lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 94-CT về tổ chức và quản lý thị trường vùng biên giới Việt - Trung trong tình hình mới do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Thông tư 05-TMDL/QLTT năm 1992 hướng dẫn Chỉ thị 94/CT 1992 về tổ chức và quản lý thị trường vùng biên giới Việt- Trung trong tình hình mới do Bộ Thương mại và Du lịch ban hành
- 1Chỉ thị 388-CT năm 1990 về một số chủ trương và biện pháp tăng cường chống buôn lậu do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 94-CT về tổ chức và quản lý thị trường vùng biên giới Việt - Trung trong tình hình mới do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Thông tư 05-TMDL/QLTT năm 1992 hướng dẫn Chỉ thị 94/CT 1992 về tổ chức và quản lý thị trường vùng biên giới Việt- Trung trong tình hình mới do Bộ Thương mại và Du lịch ban hành
Chỉ thị 405-CT năm 1990 về chấn chỉnh quản lý việc trao đổi hàng hoá qua biên giới Việt - Trung do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 405-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/11/1990
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra