Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/CT-UBND

Nghệ An, ngày 22 tháng 11 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT VỤ XUÂN NĂM 2023

Sản xuất trồng trọt vụ Xuân là vụ sản xuất nông nghiệp chính trong năm, quyết định trên 60% mục tiêu sản lượng lương thực cả năm; Nhưng, sản xuất trồng trọt vụ Xuân thường chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, vụ Xuân năm 2023 được dự báo không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm, nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, thời điểm rét đậm, rét hại có thể trùng với thời gian ra mạ, gieo cấy. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn một số sâu, bệnh hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, sản lượng cây trồng. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn đang ở mức cao, trong khi giá cả nông sản vẫn bấp bênh sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức, triển khai chỉ đạo sản xuất.

Để sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2023 (vụ xuân năm 2023) giành thắng lợi, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Trên cơ sở Đề án vụ Xuân năm 2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT, xây dựng và triển khai đề án sản xuất vụ xuân năm 2023 của địa phương phù hợp với tình hình và đạt kết quả cao nhất.

- Thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ Xuân cấp huyện; phân công phụ trách chỉ đạo và chịu trách nhiệm cụ thể từng xã, cụm xã, phường, thị trấn. Phát động phong trào ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ giữ nước, làm đất sớm (làm dầm, làm ải), tổ chức diệt chuột, chuẩn bị tốt ruộng làm mạ.

- Tổ chức chỉ đạo sản xuất một cách quyết liệt. Đặc biệt là chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm về lịch thời vụ đối với cây lúa theo từng nhóm thời gian sinh trưởng của giống, gieo mạ có che phủ ni lon 100% diện tích để chống rét. Tránh tình trạng người dân ra mạ và cấy cùng một lịch thời vụ cho các nhóm giống có thời gian sinh trưởng khác nhau. Trong thời gian rét đậm, rét hại không bón thúc đạm cho mạ, hạn chế tối đa việc gieo thẳng lúa để hạn chế chết rét. Tuyệt đối không gieo trồng vào những ngày có nhiệt độ xuống dưới 15°C (rét đậm, rét hại).

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở để nông dân biết và thực hiện nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống và áp dụng các giải pháp kỹ thuật hợp lý để lúa trổ trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trên địa bàn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo và tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời hiệu quả các đối tượng dịch hại.

- Rà soát lại diện tích trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 theo đúng quy định tại Luật Trồng trọt và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- Tăng cường mở rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng (IPHM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao,... bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy mô hàng hóa, theo chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng giống, các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cung ứng các loại vật tư không đảm bảo chất lượng để đảm bảo tốt quyền lợi của người nông dân.

- Phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan để hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc cấp mã số vùng trồng; sử dụng thêm phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm kết nối, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng các giải pháp cụ thể để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tổ chức sản xuất trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Trong quá trình chỉ đạo triển khai, nếu có những khó khăn, vướng mắc, phát sinh các địa phương tổng hợp báo cáo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo, xử lý kịp thời.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất, phương án phòng trừ dịch hại cây trồng, phương án chống hạn để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.

- Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã để thực hiện tốt công tác quản lý vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; ngăn chặn tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho sản xuất.

- Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo các đơn vị chuyên môn và phòng chuyên môn thuộc Sở để phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nội dung Đề án vụ Xuân năm 2023, xử lý các vướng mắc, khó khăn ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cho người nông dân trong đầu tư sản xuất.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và hệ thống truyền thanh, truyền hình các địa phương, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Nghệ An... xây dựng các chương trình hướng dẫn, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại do cơ quan chuyên môn đề ra.

- Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ để theo dõi, nắm tình hình diễn biến của thời tiết, nhất là tình hình rét đậm rét hại và các diễn biến bất thường khác ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tham mưu, chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ... để phục vụ tốt cho sản xuất, tránh tình trạng khan hiếm, đội giá vật tư nông nghiệp khi nhu cầu người dân tăng cao.

- Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp tình hình và kết quả sản xuất vụ Xuân năm 2023 báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ kịp thời kinh phí cho các địa phương về các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo quy định hiện hành.

4. Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh điều tiết xả nước phù hợp, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ Xuân năm 2023.

- Hỗ trợ kết nối tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đã khẳng định có hiệu quả tại Nghệ An, đồng thời tiếp tục tổ chức nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất.

6. Đề nghị các đoàn thể chính trị-xã hội: Vận động các cấp Hội và hội viên thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp kỹ thuật trong sản xuất vụ Xuân năm 2023; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để người nông dân chuyển biến nhận thức và thay đổi tư duy trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao, sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, từng bước thực hiện mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tăng cường thời lượng và thời điểm phát sóng thích hợp để tuyên truyền cho nông dân nắm bắt kịp thời diễn biến của thời tiết bất thường, lịch thời vụ và các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng vụ xuân, ... giúp người dân chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra

- Xây dựng các phóng sự về những mô hình sản xuất nông nghiệp mới ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn; kịp thời đưa tin biểu dương những địa phương đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất, các tổ chức, cá nhân điển hình trong sản xuất; đồng thời có những phản ánh đối với những địa phương làm chưa tốt để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, nhằm đạt và vượt mục tiêu sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Trồng trọt;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An;
- Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ;
- CVP, PVP (KT) VPUBND tỉnh;
- Lưu VT, NN (D.Hùng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đệ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 30/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2023 do tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 30/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/11/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Văn Đệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản