Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 353/KH-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2020-2021 VÀ PHÒNG, CHỐNG HẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Công văn số 8832/BNN-TCTL ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2020-2021, để chủ động trong công tác phòng, chống hạn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2020-2021 và phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm chủ động phòng ngừa hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác và đề ra các giải pháp ứng phó khi có hạn xảy ra góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về sản xuất và sinh hoạt của người dân do hạn hán gây ra.

- Huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác chống hạn khi xảy ra hạn hán và tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn.

2. Yêu cầu

- Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ tình hình diễn biến thời tiết khô hạn, thiếu nước trong mùa khô để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và chuyển đổi cây trồng cạn có nhu cầu nước tưới ít.

- Thường xuyên kiểm kê, theo dõi nguồn nước ở các công trình thủy lợi để có giải pháp điều tiết nước phù hợp; điều tiết vận hành các công trình thủy lợi và phân phối nước hợp lý.

- Kịp thời sửa chữa, nạo vét, phát dọn kênh mương tránh tình trạng thất thoát nước và đảm bảo nước tưới.

- Chuẩn bị các biện pháp tưới bổ sung cho những diện tích cây trồng có khả năng thiếu nước và các phương án cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng nông thôn khi xảy ra thiếu nước.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN

1. Đánh giá hiện trạng nguồn nước

a) Công trình thủy lợi

- Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 595 công trình thủy lợi. Trong đó, 85 hồ chứa nước, 08 trạm bơm và 502 đập dâng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý kết cấu hạ tầng 178 công trình (73 hồ chứa, 98 đập dâng và 07 trạm bơm) và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý 417 công trình (12 hồ chứa, 404 đập dâng và 01 công trình trạm bơm gồm 04 trạm bơm).

- Nguồn nước hiện nay của 85 hồ chứa trên địa bàn tỉnh có dung tích trữ đạt từ 75% dung tích thiết kế trở lên, qua tính toán, nguồn nước trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo phục vụ tưới vụ Đông xuân năm 2020-2021. Tuy nhiên, có một số hồ diện tích tưới tương đối lớn nhưng dung tích trữ còn thiếu hụt so với dung tích thiết kế (Hồ chứa Đăk Nui 3, Hồ chứa Hố Chè, Hồ chứa Tân Điền, Hồ chứa C19) có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước ở cuối vụ.

- Nguồn nước đến của 502 đập dâng và mực nước sông, suối của 08 trạm bơm đến thời điểm hiện tại đảm bảo phục vụ tưới. Tuy nhiên, đối với các đập dâng không có khả năng điều tiết mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước đến nên khả năng hạn cục bộ ở một số công trình trên địa bàn tỉnh.

b) Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

- Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 368 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý 362 công trình; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 05 công trình và Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế quản lý 01 công trình.

- Theo số liệu Báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 368 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn (trong đó có 170 công trình đảm bảo khả năng cấp nước thường xuyên trong năm, 198 công trình có khả năng không đảm bảo cung cấp nước thường xuyên trong năm) cung cấp nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho khoảng 22.355 hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các công trình cấp nước tập trung nông thôn quy mô lớn do các đơn vị sự nghiệp quản lý vận hành (Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đăk La, huyện Đăk Hà công suất 1.400 m3/ngày-đêm; Công trình cấp nước sinh hoạt cụm xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà công suất 1.600 m3/ngày-đêm; Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ia Chim, thành phố Kon Tum công suất 402 m3/ngày-đêm; Công trình cấp nước sinh hoạt xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum công suất 350 m3/ngày-đêm; Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi công suất 4.800 m3/ngày-đêm) đảm bảo cung cấp nước cho các hộ dân trên địa bàn.

2. Về thủy văn:

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum tại Bản tin số 06/2020/BTM-ĐKT ngày 16 tháng 12 năm 2020, thời kǶ nửa cuối tháng 12 năm 2020 đến tháng 1 và tháng 2 năm 2021 phổ biến các khu vực trong tỉnh ít mưa. Tháng 3, tháng 4 xuất hiện các trận mưa trái mùa và mưa chuyển mùa, lượng mưa có xu thế tăng dần. Khu vực thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi có tổng lượng mưa trong hai tháng 3 và 4/2021 khả năng đạt từ 100-150mm; khu vực các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông khả năng đạt 50-100mm. Tháng 5, tháng 6 là những tháng đầu của thời kỳ mùa mưa, mưa xuất hiện trên diện rộng, tổng lượng mưa đạt 300- 500mm ở khu vực phía Tây, Tây Nam tỉnh; khu vực phía Đông, Đông bắc tỉnh đạt 150- 300mm. Từ tháng 3 đến tháng 4, khô hạn, thiếu nước cục bộ có khả năng xảy ra ở thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy. Nắng nóng xuất hiện ở thành phố Kon Tum, các huyện Kon Rẫy, Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi.

2. Các giải pháp phòng, chống hạn

2.1. Đối với các công trình thủy lợi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý kết cấu hạ tầng:

a) Giải pháp công trình:

- Rà soát các hạng mục công trình bị hư hỏng tổ chức khắc phục sửa chữa hoàn thành đầu vụ để phục vụ sản xuất.

- Tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, cửa lấy nước hoàn thành đầu vụ để dẫn nước phục vụ tưới.

- Tổ chức bảo dưỡng máy móc, thiết bị vận hành và các máy bơm dự phòng để phục vụ chống hạn.

- Tổ chức thi công sửa chữa nâng cấp các công trình hồ chứa nước nhưng tuyệt đối không ảnh hưởng đến dung tích chứa của hồ.

b) Giải pháp quản lý, vận hành công trình:

- Thường xuyên kiểm tra nguồn nước, quan trắc mực nước hồ, quản lý hệ thống tưới để chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết tưới phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tưới luân phiên, tưới tiết kiệm, tổ chức tưới tập trung vào ban ngày đóng nước vào ban đêm...

- Chủ động điều tiết nước cho các công trình trên cùng một hệ thống cụ thể: (i) Huyện Sa Thầy:  Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Sia 1, đập Đăk Sia 2, đập Đăk Car; (ii) Thành phố Kon Tum: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Yên, đập Đăk Tía, hồ chứa Tân Điền và Trạm Bơm Vinh Quang, Trạm bơm chuyền Tân Điền; Hệ thống hồ chứa Đăk Loy, hồ chứa Đăk Phát 1, đập Đăk Phát 2; (iii) Huyện Đăk Hà: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Uy, hồ chứa Cà Sâm, đập Đăk Căm, đập Ông Phiêu và hệ thống công trình hồ chứa Đăk Loh, đập Kon Trang Kla, đập Bà Tri, đập Cà Ha; (iv) Huyện Đăk Tô: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Hố Chè, hồ chứa C19, đập Tà Cang; (v) Huyện Ngọc Hồi: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Đăk Kan, đập Đăk Long.

c) Giải pháp, chống hạn:

Căn cứ vào tình hình thực tế nguồn nước còn lại của hồ chứa, sông suối và điều kiện cây trồng của các công trình và các biện pháp chống hạn đã triển khai thực hiện các năm trước, giải pháp, phương án phòng, chống hạn cụ thể như sau:

- Đối với công trình hồ chứa: Tổ chức nạo vét cửa vào cống lấy nước đầu mối, báo cáo cấp thẩm quyền sử dụng dung tích chết của hồ chứa để bơm nước từ hồ vào cống lấy nước chống hạn.

- Đối với công trình đập dâng: Nạo vét trước ngưỡng tràn, bố trí máy bơm, đào đắp kênh dẫn dòng tập trung nước để bơm nước chống hạn. Một số công trình

hệ thống kênh tưới xa sông, suối ngoài việc lắp đặt các máy bơm nước thì được lắp đặt thêm đường ống để bơm dẫn nước chống hạn vào hệ thống kênh tưới.

- Đối với trạm bơm: Làm kè tạm bằng cây gỗ, phên nứa để dâng mực nước sông vào kênh dẫn của các trạm bơm, bảo đảm cột nước để bơm tưới; thường xuyên theo dõi, rà soát số công trình có khả năng bị hạn vào cuối vụ Đông Xuân 2020-2021 để áp dụng các biện pháp sử dụng bơm điện chống hạn hiệu quả.

2.2. Đối với các công trình thủy lợi do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý kết cấu hạ tầng:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình khô hạn trong mùa khô năm 2021 để xây dựng kế hoạch chi tiết phòng, chống hạn trên địa bàn do đơn vị quản lý và triển khai các giải pháp phòng, chống hạn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2020-2021 trên địa bàn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 6486/UBND-NNTN ngày 21 tháng 12 năm 2020, đồng thời cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Kiểm tra, tu sửa cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo nguồn nước không bị rò rỉ, thất thoát.

- Tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để thất thoát nước.

- Có kế hoạch điều tiết nước các công trình thủy lợi, nhằm đảm bảo tưới ổn định và có nguồn nước để chống hạn khi hạn xảy ra.

- Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước, tưới khu gần đầu mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau.

- Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.

- Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để hỗ trợ một số vật tư chống hạn (Rọ đá, ống nước..) cho người dân để kịp thời đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.

- Hỗ trợ và huy động người dân sử dụng các máy bơm và đường ống của các hộ dân để bơm nước từ các khe suối, ao, hồ để kịp thời khắc phục khi có hạn hán xảy ra.

2.3. Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý công trình chỉ đạo các xã, phường, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt trên địa bàn để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình.

- Vận động Nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ, nước chảy tràn gây thất thoát nước.

- Tuyên truyền vận động Nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như: Bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước ... để dự trữ nước sinh hoạt.

- Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến.

3. Giải pháp đảm bảo nguồn nước vụ Đông Xuân 2020-2021

- Căn cứ thông tin dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, các thông tin liên quan để dự báo, vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế đáp ứng yêu cầu sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập; vận hành theo đúng quy trình vận hành hồ chứa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là vận hành điều tiết giữ mực nước hồ trong mùa kiệt.

- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hồ chứa nước để lập phương án điều hòa, phân phối, sử dụng nước. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước phải bảo đảm ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của sản xuất nông nghiệp và thực hiện các giải pháp sau:

Đối với công trình hồ chứa: Tổ chức nạo vét cửa vào cống lấy nước đầu mối, báo cáo cấp thẩm quyền sử dụng dung tích chết của hồ chứa để bơm nước từ hồ vào cống lấy nước chống hạn.

Đối với công trình đập dâng: Nạo vét trước ngưỡng tràn, bố trí máy bơm, đào đắp kênh dẫn dòng tập trung nước để bơm nước chống hạn. Một số công trình hệ thống kênh tưới xa sông, suối ngoài việc lắp đặt các máy bơm nước thì được lắp đặt thêm đường ống để bơm dẫn nước chống hạn vào hệ thống kênh tưới.

Đối với trạm bơm: Làm kè tạm bằng cây gỗ, phên nứa để dâng mực nước sông vào kênh dẫn của các trạm bơm, bảo đảm cột nước để bơm tưới.

- Rà soát diện tích gieo trồng vụ Đông xuân trên địa bàn và đăng ký diện tích tưới từ công trình thủy lợi;

- Tổ chức gieo, cấy đồng loạt theo đúng lịch thời vụ, lấy nước theo đúng lịch tưới, cơ cấu cây trồng cho phù hợp, chủ động chuyển đổi trồng cây có khả năng chịu hạn ở những vùng không đảm bảo nước tưới nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước trữ, nước đến của các công trình để thực hiện kế hoạch gieo trồng, giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo;

- Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất;

- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ nước cho các nhu cầu thiết yếu trong cả mùa khô;

- Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kǶ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao;

- Rà soát các hạng mục công trình bị hư hỏng tổ chức khắc phục sửa chữa, tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, cửa lấy nước hoàn thành đầu vụ để phục vụ sản xuất;

- Tổ chức bảo dưỡng máy móc, thiết bị; vận hành thử các máy bơm dự phòng để phục vụ chống hạn khi xảy ra;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt trên địa bàn để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình;

- Vận động Nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ, nước chảy tràn gây thất thoát nước; tuyên truyền vận động Nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như: Bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước ... để dự trữ nước sinh hoạt;

- Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến;

- Xây dựng cụ thể kế hoạch chống hạn và phương án cấp nước cho sản xuất, dân sinh trên địa bàn do đơn vị quản lý;

- Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách của đơn vị và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả.

2. Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi cần triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Trên cơ sở lịch thời vụ đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tại Hướng dẫn số 02/HD-SNN ngày 22 tháng 10 năm 2020, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi xây dựng lịch cấp nước theo các đợt tưới nhằm tập trung lấy nước sản xuất với phương án tiết kiệm nước.

- Chỉ đạo các trạm thủy nông thường xuyên kiểm tra nguồn nước, quan trắc mực nước hồ, quản lý hệ thống tưới để chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết tưới phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tưới luân phiên, tưới tiết kiệm, tổ chức tưới tập trung vào ban ngày đóng nước vào ban đêm....

- Phối hợp có hiệu quả với chính quyền địa phương và hộ dùng nước để điều tiết nước hiệu quả. Hạn chế mức thấp nhất việc thiếu nước tưới vào cuối vụ của các công trình do đơn vị quản lý.

- Rà soát lại toàn bộ vật tư dự phòng phòng, chống hạn của đơn vị để sử dụng phục vụ công tác chống hạn mùa khô năm 2020-2021. Hướng dẫn, thông báo lịch tưới của các công trình do đơn vị quản lý khai thác.

- Chủ động điều tiết nước cho các công trình trên cùng một hệ thống cụ thể: (i) Huyện Sa Thầy: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Sia 1, đập Đăk Sia 2, đập Đăk Car; (ii) Thành phố Kon Tum: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Yên, đập Đăk Tía, hồ chứa Tân Điền và Trạm Bơm Vinh Quang, Trạm bơm chuyền Tân Điền; Hệ thống hồ chứa Đăk Loy, hồ chứa Đăk Phát 1, đập Đăk Phát 2; (ii) Huyện Đăk Hà: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Uy, hồ chứa Cà Sâm, đập Đăk Căm, đập Ông Phiêu và hệ thống công trình hồ chứa Đăk Loh, đập Kon Trang Kla, đập Bà Tri, đập Cà Ha; (iii) Huyện Đăk Tô: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Hố Chè, hồ chứa C19, đập Tà Cang; (iv) Huyện Ngọc Hồi: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Đăk Kan, đập Đăk Long.

3. Sở Công Thương

- Thường xuyên, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thủy văn, nguồn nước tại các hồ thủy điện, đề nghị các chủ đập thủy điện có kế hoạch điều tiết, vận hành các hồ thủy điện, bảo đảm nguồn nước phòng, chống hạn hán cho hạ du, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng của đơn vị và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng cần ưu tiên sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thiết yếu khác theo quy định của Luật Thủy lợi.

- Đề nghị Công ty Điện lực Kon Tum ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tưới, đặc biệt trong các thời kǶ khô hạn cần tăng cường hoạt động cấp nước theo kế hoạch sản xuất của Nhân dân.

4. Sở Tài nguyên và Môi Trường

- Theo dõi, đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum thực hiện việc quan trắc, dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến khô hạn, thiếu nước, cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan;

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các chủ hồ thủy điện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Phương án điều tiết nước cho hạ du các hồ thủy điện trên lưu vực sông Sê San trong trường hợp xảy ra hạn hán thiếu nước và đảm bảo theo quy định tại Quy trình vận hành hồ chứa liên hồ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở hạ du.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định sát tình hình hạn hán, thiếu nước, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng phương án điều tiết, sử dụng nước hợp lý, chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

- Theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; nghiên cứu, sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước. Đồng thời, tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

- Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch sử dụng nước của các công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp kịp thời tình hình hạn hán, thiếu nước ở các địa phương, kịp thời tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp chống hạn và cấp nước sinh hoạt ở các công trình khi xảy ra hạn hán, thiếu nước.

6. Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ cho Nhân dân trên địa bàn quản lý, đặc biệt khi hạn hán xảy ra ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.

7. Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Kon Tum: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước, thông báo kịp thời cho các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan và Nhân dân biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất có hiệu quả.

10. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh: Phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời đưa tin về tình hình thời tiết, diễn biến mực nước trên các sông, suối, hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước, các biện pháp chỉ đạo ứng phó của các cấp chính quyền để người dân biết, chủ động thực hiện và triển khai lấy nước đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Trên đây là Kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2020-2021 và phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban ngành và đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2020-2021 và phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum; Đài Phát thanh truyền hình;
- Đài Khí tượng thủy văn Kon Tum;
- Ban QLKT các CTTL Kon Tum;
- Chi cục Thủy lợi ;
- Trung tâm NS và VSMTNT;
- Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum;
- VP UBND tỉnh: CVP, PVPKSX;
- Lưu: VT, NNTN.NVH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 353/KH-UBND năm 2021 về sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2020-2021 và phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 353/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản