Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/1999/CT-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔNG KẾT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, TRỢ CẤP XÃ HỘI

Chế độ tiền lương và trợ cấp xã hội được thực hiện theo đề án cải cách chính sách tiền lương Nhà nước do Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10 thông qua, về cơ bản đã tiền tệ hóa các khoản phân phối gián tiếp ngoài lương từ ngân sách Nhà nước cho người lao động, khắc phục một bước quan trọng tính bình quân trong chế độ tiền lương trước đây, tạo điều kiện cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng bậc cho cán bộ, công chức trong từng ngành, từng lĩnh vực. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm thực hiện, chế độ tiền lương và trợ cấp xã hội vẫn còn nhiều tồn tại: tiền lương thực tế bị giảm sút không đủ trang trải cho các nhu cầu thiết yếu của người hưởng lương; chưa có cơ chế tiền lương và trợ cấp thích hợp đối với khu vực sự nghiệp (dịch vụ công) và đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội; việc thiết kế tiền lương còn có những bất hợp lý.

Để đánh giá đúng thực trạng tiền lương và trợ cấp xã hội hiện hành, làm cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc sau đây:

I. TIẾN HÀNH TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG VÀ TRỢ CẤP XÃ HỘI TỪ NĂM 1993 ĐẾN NAY THEO NHỮNG NỘI DUNG SAU ĐÂY:

1. Về mục tiêu tổng kết:

Phân tích những ưu, nhược điểm của chế độ tiền lương và trợ cấp xã hội trong mối quan hệ với các chính sách kinh tế - xã hội khác; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội trong những năm tới.

2. Về nội dung tổng kết:

a) Đánh giá thực hiện các yêu cầu, nguyên tắc đã được nêu tại các Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 15 tháng 5 năm 1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo thực hiện chế độ lương mới và Chỉ thị số 239/TTg ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai chế độ tiền lương mới; các nguyên tắc quy định tại Điều 8 Quyết định số 69/QĐ-TW ngày 17 tháng 5 năm 1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của cán bộ, công nhân viên cơ quan Đảng, đoàn thể; Điều 10 Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993; Điều 8 Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ.

b) Tổng kết, đánh giá các văn bản hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với việc triển khai thực hiện chế độ tiền lương và trợ cấp xã hội ở Trung ương, địa phương.

c) Phân tích, đánh giá nội dung chế độ tiền lương và trợ cấp xã hội thực hiện từ ngày 01 tháng 4 năm 1993 đến nay, bao gồm các nội dung sau đây:

- Quy định mức tiền lương tối thiểu giữa đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

- Thang lương, bảng lương, ngạch, bậc lương, hệ số mức lương, quan hệ tiền lương của cán bộ dân cử, bầu cử; công chức ngành tòa án, kiểm sát; hành chính sự nghiệp; đảng, đoàn thể; công nhân viên chức trong các doanh nghiệp và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang.

- Chế độ phụ cấp lương áp dụng chung và các chế độ phụ cấp, trợ cấp đặc thù áp dụng cho một số ngành, nghề.

- Về quản lý tiền lương và thu nhập đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (quản lý biên chế, quỹ tiền lương, nâng ngạch, nâng bậc lương, các khoản thu nhập ngoài lương); đối với các doanh nghiệp nhà nước (quản lý định mức lao động, đơn giá tiền lương, tiền ăn giữa ca, bồi dưỡng hiện vật, sử dụng quỹ khen thưởng và phúc lợi); đối với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Phân tích, đánh giá các chế độ sau trong mối quan hệ với chế độ tiền lương của cán bộ, công chức: chế độ sinh hoạt phí đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ, chế độ ăn của lực lượng vũ trang; chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn; chế độ bảo hiểm xã hội; chế độ trợ cấp xã hội đối với người có công.

3. Đánh giá quan hệ giữa thực hiện chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội với các chính sách: giải quyết việc làm; tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, giá cả, tiền tệ; nhà ở, học tập, khám chữa bệnh; vấn đề cải cách hành chính và tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

4. Kế hoạch thực hiện tổng kết:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thành và gửi báo cáo về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước chậm nhất vào cuối tháng 12 năm 1999.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và cơ quan Trung ương của các đoàn thể, thực hiện tổng kết theo các nội dung nêu trên đối với các cơ quan đảng, đoàn thể.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2000.

II. THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THƯỜNG XUYÊN VỀ TIỀN LƯƠNG VÀ THU NHẬP

Để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chế độ tiền lương và trợ cấp xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các cơ quan đơn vị theo danh mục đính kèm Chỉ thị này có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm số liệu thực hiện về tiền lương và thu nhập, cụ thể như sau:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có tên trong danh mục đính kèm lập báo cáo theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng:

a) Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp lập báo cáo gửi về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

b) Đối với các doanh nghiệp Nhà nước lập báo cáo gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Đồng Nai, mỗi nơi chọn 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 3 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, lập báo cáo định kỳ gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Số liệu báo cáo 6 tháng lấy theo số thực hiện đến ngày 30 tháng 6 hàng năm và phải báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 7 hàng năm; số liệu báo cáo cả năm được lấy theo số thực hiện đến 31 tháng 12 hàng năm và phải báo cáo chậm nhất vào cuối quý I của năm sau.

3. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn mẫu báo cáo về tiền lương và thu nhập; tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu và đề xuất kiến nghị giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ 6 tháng vào cuối quý III và cả năm vào đầu quý II năm sau.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này, kể cả việc báo cáo tình hình thực hiện tiền lương và thu nhập của các đơn vị trong năm 1999 .

DANH MỤC

CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP VÀ CÁC DOANH NGHIỆP BÁO CÁO SỐ LIỆU VỀ TIỀN LƯƠNG VÀ THU NHẬP

(Kèm theo Chỉ thị số 28/1999/CT-TTg ngày 24 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ)

A. CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP GỒM 35 ĐƠN VỊ SAU:

I. CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, GỒM 10 ĐƠN VỊ SAU:

1. Tổng cục Hải quan (toàn ngành),

2. Tổng cục Thuế (toàn ngành),

3. Kho bạc Nhà nước (toàn ngành),

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (toàn ngành),

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

7. Bộ Giao thông vận tải,

8. Tổng cục Bưu điện,

9. Bộ Công an,

10. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

II. CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, GỒM 25 ĐƠN VỊ SAU:

1. Học viện Hành chính Quốc gia,

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,

3. Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội,

4. Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội,

5. Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh,

6. Trường Đại học Y Hà Nội,

7. Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương II,

8. Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Nam Định),

9. Bệnh viện Bạch Mai,

10. Bệnh viện Việt Đức,

11. Bệnh viện Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh,

12. Bệnh viện Trung ương Huế,

13. Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Nguyên,

14. Nhà hát kịch Việt Nam,

15. Liên đoàn xiếc Việt Nam,

16. Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam,

17. Viện Quy hoạch xây dựng thuộc Bộ Xây dựng,

18. Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

19. Viện Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Giao thông vận tải,

20. Viện Toán thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia,

21. Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn,

22. Thông tấn xã Việt Nam,

23. Đài Truyền hình Việt Nam,

24. Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh,

25. Đài Tiếng nói Việt Nam.

B. CÁC DOANH NGHIỆP GỒM 85 DOANH NGHIỆP SAU:

I. CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, GỒM 55 ĐƠN VỊ, SAU:

ư1. Tổng công ty Điện lực Việt Nam,

2. Tổng công ty Than Việt Nam,

3. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam,

4. Tổng công ty Xi măng Việt Nam,

5. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam,

6. Tổng công ty Hàng không Việt Nam,

7. Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam,

8. Tổng công ty Cao su Việt Nam,

9. Tổng công ty Thép Việt Nam,

10. Tổng công ty Cà phê Việt Nam,

11. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam,

12. Tổng công ty Giấy Việt Nam,

13. Tổng công ty Dệt - May Việt Nam,

14. Tổng công ty Lương thực miền Bắc,

15. Tổng công ty Lương thực miền Nam,

16. Tổng công ty Hóa chất Việt Nam,

17. Tổng công ty Công nghiệp tầu thủy Việt Nam,

18. Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam,

19. Tổng công ty Rượu bia và Nước giải khát Việt Nam,

20. Tổng công ty Điện tử tin học Việt Nam,

21. Tổng công ty Nhựa Việt Nam,

22. Tổng công ty Da - Giầy Việt Nam,

23. Tổng công ty Xây dựng số 1,

24. Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1,

25. Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam,

26. Tổng công ty Thủy sản Việt Nam,

27. Liên hiệp Đường sắt Việt Nam,

28. Tổng công ty Đường sông miền Bắc,

29. Tổng công ty Xây dựng đường thủy,

30. Tổng công ty Xây dựng cầu Thăng Long,

31. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam,

32. Tổng công ty Muối,

33. Tổng công ty Xuất nhập khẩu Nông sản và Thực phẩm chế biến,

34. Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam,

35. Tổng công ty Chè Việt Nam,

36. Tổng công ty Rau quả Việt Nam,

37. Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam,

38. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam,

39. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam,

40. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam,

41. Ngân hàng Công thương Việt Nam,

42. Tổng công ty Vàng bạc và Đá quý Việt Nam,

43. Nhà máy in tiền Quốc gia,

44. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam,

45. Tổng công ty Máy và Phụ tùng,

46. Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam,

47. Cụm cảng hàng không sân bay miền Bắc,

48. Cụm cảng hàng không sân bay miền Trung,

49. Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam,

50. Tổng công ty Thiết bị y tế,

51. Tổng công ty Dược Việt Nam,

52. Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam,

53. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn,

54. Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn,

55. Tổng công ty Sản xuất vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh.

II. CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN (TỔNG SỐ 30 DOANH NGHIỆP, TRONG ĐÓ 15 DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ 15 DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN):

Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai: Mỗi địa phương chọn cố định 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 3 doanh nghiệp tư nhân đã hoạt động ổn định, có mức tiền lương bình quân đầu người đạt:

- Dưới 700.000 đồng/tháng;

- Từ 700.000 đồng đến dưới 1.500.000 đồng/tháng;

- Từ 1.500.000 đồng/tháng trở lên.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 28/1999/CT-TTg về tổng kết thực hiện chính sách tiền lương, trợ cấp xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 28/1999/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/09/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 41
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản