Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 239-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG MỚI .

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá IX, Chính phủ đã ban hành chế độ tiền lương mới. Đây là một chính sách quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và quan hệ mật thiết với việc cải cách nền kinh tế hành chính quốc gia.

Để triển khai có kết quả chế độ tiền lương mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, các địa phương phải tập trung thực hiện tốt những việc sau đây:

1. Chuyển xếp lương đúng quy định và quản lý chặt chẽ biên chế, quỹ lương và quỹ trợ cấp các đối tượng chính sách xã hội.

a) Tiếp theo việc thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị cơ sở phải đích thân điều hành Ban này, tiến hành ngay việc sắp sếp lại tổ chức, bộ máy, rà soát biên chế hành chính. Kiên quyết loại bỏ các trường hợp tuyển dụng biên chế trái phép. Việc chuyển xếp lương mới nhất thiết phải theo đúng quy định của Nhà nước, tổ chức tốt việc đánh giá lại công chức, viên chức, không kết hợp nâng bậc lương, để đưa vào các ngành bậc lương hợp lý, hợp tình, đảm bảo công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phấn khởi, hăng hái phấn đấu nâng cao hiệu suất công tác và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

b) Các cơ quan tài chính và lao động phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng quỹ tiền lương và bảo hiểm xã hội ở các ngành, các cấp theo đúng kế hoạch được duyệt. Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng các Bộ, ngành cần phải rà soát lại các văn bản, bãi bỏ các quy định về tiền lương, trợ cấp trái với chế độ tiền lương mới.

c) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì cùng với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các địa phương cần tiến hành rà soát lại, nắm chắc các đối tượng hưởng chính sách xã hội, kiểm tra việc chấp hành ở cơ sở, bảo đảm việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội đến các đối tượng được hưởng một cách thuận lợi, và xử lý kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, trong khuôn khổ ngân sách Nhà nước đã bố trí.

d) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, khẩn trương trình Chính phủ quy chế quản lý thống nhát biên chế công chức, viên chức và tổ chức bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước. Trước mắt có biện pháp kiên quyết ngăn ngừa việc tăng biên chế trái phép và tuỳ tiện lập thêm tổ chức trong các cơ quan hành chính ở các ngành, các cấp; chấm dứt việc giao chỉ tiêu biên chế và chỉ tiêu quỹ lương lấy từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế.

2. Bảo đảm vững chắc nguồn chi trả lương và trợ cấp xã hội.

a) Các Bộ, ngành và các địa phương phải hết sức coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của mình để bảo đảm vững chắc nguồn chi trả lương và trợ cấp xã hội và bảo đảm các yêu cầu chi khác của Nhà nước theo kế hoạch đã bố trí. Bộ Tài chính phải tăng cường đôn đốc các ngành và địa phương xử lý ngay tình trạng nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, kiên quyết chống thất thu và phải tận thu cho ngân sách Nhà nước.

Việc chi tiêu ngân sách Nhà nước phải thực hiện theo đúng định mức và nhiệm vụ kế hoạch, nghiên cấm chi tiêu tuỳ tiện, lãng phí, kiên quyết cắt giảm những nhu cầu chi chưa thực sự cần thiết, nhất là chi hội họp, liên hoan v.v...

Bộ Xây dựng phải tổ chức bộ máy để thu ngay tiền thuê nhà đối với công nhân viên chức đang thuê nhà ở của Nhà nước; sớm đưa vào nề nếp việc quản lý, cho thuê nhà ở đảm bảo nguồn thu ngân sách trong lĩnh vực này.

b) Bộ Tài chính phải chỉ đạo ngành tài chính bảo đảm nguồn chi trả đầy đủ, kịp thời và đúng nhu cầu về lương, trợ cấp xã hội của các cơ quan và đơn vị đã được ban chỉ đạo xếp lương phê duyệt. Trước mắt phải thực hiện ngay một số công việc sau:

- Soát, xét lại các định mức chi tiêu tài chính theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và không trùng lặp. Các khoản chi ngân sách có liên quan đến tiền lương như tiền làm thêm giờ, tiền thuê mướn lao động tạm thời, công tác phí... Phải được kiểm tra chặt chẽ; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp vi phạm chế độ chi tiêu để có biện pháp xử lý thích đáng. Việc cấp phát chi trả quỹ tiền lương, quỹ trợ cấp xã hội phải dựa trên cơ sở dự toán theo phương án của từng ngành, từng địa phương đã được xét duyệt đúng quy định, giao sổ kiểm tra về quỹ lương và quỹ trợ cấp xã hội để các tổ công tác liên ngành có cơ sở rà soát trước khi cho phép thực hiện; phối hợp với ngân hàng Nhà nước để có kế hoạch cấp phát và đáp ứng việc chi trả, kể cả chi về truy lĩnh tiền lương mới.

- Rà soát, cân đối lại ngân sách Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách, biện pháp mới nhằm tăng thu, tiết kiệm chi và cân đối tích cực. Trước mắt, hướng dẫn thực hiện các chính sách đã ban hành , tập trung ngay vào ngân sách Nhà nước các khoản thu về học phí, lệ phí, viện phí, tiền thuê nhà theo giá mới, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các luật thuế và các mức thuế mới bổ sung, sửa đổi.

Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp phải tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả, làm đầy đủ nghĩa vụ cho Nhà nước và có nguồn vững chắc để bảo đảm việc trả lương cho công nhân viên chức theo quy định mới.

3. Cân đối cung cầu, điều hoà lưu thông hàng hoá và tiền tệ, bảo đảm ổn định giá cả trên thị trường.

a) Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Thương mại và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ liên quan, tiến hành ngay việc soát, xét lại, cân đối cung cầu, điều hoà thông suốt việc lưu thông hàng hoá và tiền tệ trong cả nước, trên từng vùng, nhất là các nơi trọng điểm, ngăn ngừa tăng giá đột biến.

b) Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương tăng cường đôn đốc các ngành, các cấp, kiểm tra chấp hành các quy định của Chính phủ về quản lý và kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, đầu cơ, bảo đảm lưu thông hàng hoá không bị ách tắc và giá cả ổn định.

c) Ban vật giá Chính phủ và Tổng cục Thống kê thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến giá cả trên cả nước, nhất là những thị trường trọng điểm; báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần xử lý khi xuất hiện những diễn biến không bình thường trên thị trường, kể cả giá vàng và tỷ giá ngoại tệ.

d) Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính soát xét lại kế hoạch, đáp ứng đủ tiền cho sản xuất kinh doanh và trả lương mới và trợ cấp xã hội. Phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng, điều chỉnh lãi suất, linh hoạt, thu hút tiền trong xã hội về ngân hàng để chủ động đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Theo chủ trương của Chính phủ, ngân hàng chuẩn bị đầy đủ lực lượng, sẵn sàng can thiệp giữ ổn định giá vàng, tỷ giá ngoại tệ.

4. Kiềm chế lạm phát và tăng cường quản lý kinh tế tài chính.

- Hội đồng Tài chính - tiền tệ Nhà nước giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi triển khai các biện pháp kinh tế tài chính đồng bộ ở các Bộ, ngành, các địa phương bảo đảm kiềm chế lạm phát khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

- Các Bộ, ngành và địa phương tăng cường trách nhiệm kiểm soát về tình hình giá cả, thị trường, tài chính, tiền tệ thuộc ngành, địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những diễn biến không bình thường xuất hiện để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Các Bộ, ngành và địa phương trong phạm vi của mình, tiến hành rà soát các văn bản để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ quản lý kinh tế Tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển, giá cả bình ổn, bảo đảm tiền lương thực tế và đời sống của công chức, viên chức, người hưởng trợ cấp xã hội và nhân dân.

- Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xử lý nghiêm minh theo pháp luật các vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý biên chế, quỹ lương, quỹ trợ cấp, về chấp hành nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mình quản lý.

Căn cứ Chỉ thị này và nhiệm vụ được phân công, Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả chế độ tiền lương mới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)