UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2009/CT-UBND | Vinh, ngày 09 tháng 10 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TUÝ TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 9/10/2001 của Tỉnh uỷ về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống ma tuý, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án cai nghiện, dạy nghề tạo việc làm sau cai cho người nghiện ma tuý. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp đã đạt được kết quả nhất định, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ban, ngành; phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý nói chung, cai nghiện phục hồi nói riêng; góp phần hạn chế những hậu quả do tệ nạn ma tuý gây ra, từng bước kìm giữ tốc độ gia tăng người nghiện mới và giảm dần tỷ lệ tái nghiện.
Tuy nhiên, tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện vẫn chưa giảm, một số địa phương còn gia tăng cả về số lượng và địa bàn. Tính đến ngày 31/06/2009 trên địa bàn toàn tỉnh còn 3.876 người nghiện ma tuý đang sống ở cộng đồng và 2.148 người đang cai nghiện tại các Trung tâm Giáo dục lao động xã hội và phạm tội bị giam, giữ tại các trại giam, trại tạm giam; 20/20 huyện, thành phố, thị xã và 262/480 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma tuý trong đó có 29 xã, phường, thị trấn có trên 40 người nghiện. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tại cộng đồng mới dừng lại ở giai đoạn cắt cơn từ 10-15 ngày, việc quản lý người nghiện sau điều trị cắt cơn tại gia đình và cộng đồng còn lỏng lẻo, kết quả của công tác dạy nghề, tạo việc làm còn nhiều hạn chế nên tỷ lệ tái nghiện còn cao, có nơi trên 90%.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương nhất là xã, phường, thị trấn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; chưa triển khai thực hiện nghiêm túc công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, dạy nghề và tạo việc làm sau cai; chưa phát huy được sự tham gia phối hợp của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma tuý trong quá trình cai nghiện phục hồi. Đặc biệt, các gia đình, dòng họ còn thiếu trách nhiệm trong việc quản lý người nghiện ma tuý sau cai.
Để khắc phục tình trạng trên và tạo nên phong trào toàn dân, gia đình, dòng họ và hệ thống chính trị các cấp tham gia tích cực vào công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể các cấp cần nhận thức một cách đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng là một trong những biện pháp hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống ma tuý nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì và kiên quyết.
2. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác cai nghiện ở cấp tỉnh và huyện, Tổ cai nghiện tại cấp xã, phường, thị trấn, lấy lực lượng công an làm nòng cốt. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và cá nhân theo dõi trực tiếp, chỉ đạo công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở từng địa phương, địa bàn.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng chống ma tuý nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng cho mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Từ đó, để mọi người thấy được thực trạng và hậu quả của tệ nạn ma tuý nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình, dòng họ và chính bản thân người nghiện ma tuý trong công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
4. Khuyến khích cá nhân, gia đình tự nguyện tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng đối với người nghiện ma tuý không tự nguyện cai nghiện; cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền cấp xã trong việc tổ chức cai nghiện, quản lý, giáo dục, dạy nghề tạo việc làm sau cai cho người nghiện ma tuý nhằm chống tái nghiện cho người cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực cai nghiện phục hồi trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo, hướng dẫn công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và dạy nghề sau cai cho người nghiện ma tuý.
6. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện tăng cường đấu tranh, triệt xoá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm bán lẻ tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; tổ chức đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm Giáo dục lao động xã hội; phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng; tham gia quản lý, giáo dục và hỗ trợ người nghiện ma tuý sau cai tái hoà nhập cộng đồng.
7. Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế cấp xã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức điều trị cắt cơn cho người nghiện, lập sổ theo dõi sức khỏe người cai nghiện ma tuý trong quá trình cai nghiện; hướng dẫn áp dụng phác đồ điều trị nghiện ma tuý; chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn.
8. Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Tư pháp phối hợp Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ và các tổ chức chính trị, các đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng. Từ đó, phát động phong trào toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An cần bố trí chuyên mục dành riêng cho công tác phòng, chống ma tuý nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng. Biểu dương các cá nhân điển hình và mô hình làm tốt công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
10. Sở Nội vụ, Sở Tài chính căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành có trách nhiệm bố trí cán bộ, nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho người nghiện ma tuý.
11. Các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo các ngành dọc ở các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng; làm tốt công tác tham mưu, tư vấn, hỗ trợ các phương pháp, biện pháp cai nghiện và nâng cao hiệu quả cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; chỉ đạo tổ chức đoàn thể cấp xã có trách nhiệm phối hợp với gia đình có người nghiện ma tuý quản lý, giúp đỡ, cảm hóa, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm người nghiện ma tuý sau cai là thành viên nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện.
12. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có người nghiện tiếp tục điều tra, phát hiện và mở hồ sơ quản lý hết số người nghiện ma tuý mới. Tiếp tục rà soát, phân loại đối tượng thuộc diện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tại các Cơ sở chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội; trên cơ sở đó lập kế hoạch tổ chức cai nghiện, phòng chống tái nghiện tại địa phương và tăng cường nguồn lực cho công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng;
13. Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm các cấp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đôn đốc công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; làm tốt công tác thi đua, kịp thời động viên khen thưởng đối với đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc cũng như phê bình, khiển trách, kỷ luật nghiêm những đơn vị, cá nhân không quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc và định kỳ báo cáo UBND tỉnh (qua Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh) để theo dõi và chỉ đạo./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 01/2013/CT-UBND tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình cộng đồng và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 2Chỉ thị 03/2015/CT-UBND tăng cường thực hiện biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3Quyết định 17/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại các Trung tâm có chức năng cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 4Quyết định 05/2024/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 1Chỉ thị 01/2013/CT-UBND tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình cộng đồng và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 2Chỉ thị 03/2015/CT-UBND tăng cường thực hiện biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3Quyết định 17/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại các Trung tâm có chức năng cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Chỉ thị 27/2009/CT-UBND về tăng cường công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu: 27/2009/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/10/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Nguyễn Xuân Đường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/10/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực