Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 252/2000/CT-BGTVT | Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2000 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ HÀNH LANG BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ
Thực hiện Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông được Nhà nước ban hành ngày 10 tháng 12 năm 1994; Nghị định 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, Bộ Giao thông vận tải đã có Thông tư số 314/ĐBVN ngày 21 tháng 11 năm 1995 hướng dẫn việc cắm mốc lộ giới và mốc giải toả giai đoạn 1 hành lang bảo vệ đường bộ (BVĐB) nhằm đảm bảo an toàn công trình đường bộ và trật tự an toàn giao thông; Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT (Sở GTCC), các đơn vị quản lý đường bộ trong toàn ngành đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện có kết quả các quy định của Nhà nước trong việc cắm, quản lý, bảo vệ mốc lộ giới, bảo vệ hành lang, BVĐB góp phần thực hiện tốt Nghị định 36/CP của Chính phủ.
Hầu hết các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện đã được các đơn vị quản lý đường cắm mốc lộ giới và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nhiều đơn vị quản lý đường bộ đã phối hợp tốt với địa phương trong quản lý, bảo vệ mốc lộ giới, bảo vệ hành lang BVĐB; kịp thời ngăn chặn, giải toả những hiện tượng tái lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ, giữ được đường thông, hè thoáng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương, ô tuyến đường mà đơn vị quản lý.
Tuy nhiên qua kiểm tra một số tuyến quốc lộ, một số đơn vị quản lý đường bộ cho thấy:
Việc cắm mốc lộ giới chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, một số đoạn quốc lộ quan trọng như quôc lộ 1 cũng chưa được cắm mốc lộ giới đầy đủ.
- Việc quản lý, duy tu sửa chữa chưa được tiến hành thường xuyên, chưa coi mốc lộ giới là một hạng mục công trình giao thông đường bộ phải được bảo vệ theo Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông. Do đó cho đến nay, mốc lộ giới ở một số tuyến đường đã bị mất, hư hại nhiều nhưng đơn vị quản lý đường chưa bổ sung, sửa chữa kịp thời.
Quản lý hành lang bảo vệ đường bộ còn chưa tốt, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang BVĐB. Do đó việc tái lấn chiếm, vi phạm hành lang BVĐB còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Để khắc phục những yếu kém nêu trên, tăng cường công tác bảo vệ hành lang BVĐB, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ chỉ thị Cục Đường bộ Việt nam, các Sở GTVT (Sở GTCC), các Khu quản lý đường bộ, các đơn vị quản lý đường bộ cần triển khai ngay một số việc sau:
1- Tổ chức, cho cán bộ chủ chốt các đơn vị quản lý đường bộ từ hạt trưởng, hạt phó trở lên học tập, nghiên cứu kỹ pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông, Nghị định 172/1999/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 314/ĐBVN, Thông tư 213/2000/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải để nắm vững và thực hiện tốt các văn bản pháp qui trên.
2- Đơn vị quản lý đường bộ cần tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên, phát hiện kịp thời các vi phạm, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang BVĐB.
3- Các Sở GTVT (GTCC), Khu QLĐB chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, rà soát lại hệ thống mốc lộ giới, cắm đủ mốc lộ giới ở các quốc lộ, đường tỉnh trong năm 2000 theo đúng quy định của Bộ GTVT.
4- Các đơn vị quản lý đường và địa phương phải xây dựng được qui chế phối hợp trong việc bảo vệ công trình giao thông, mà lực lượng nòng cốt là chính quyền xã (phường), đơn vị quản lý đường, thanh tra giao thông địa phương và thanh tra giao thông các khu QLĐB.
5- Cần sắp xếp, củng cố lại lực lượng thanh tra giao thông các Khu QLĐB, các Sở GTVT (GTCC) đúng Nghị định 80/CP của Chính phủ và quy định của Bộ để có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
6- Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT (GTCC), các Khu QLĐB, các đơn vị quản lý đường bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cần xem xét lại những việc đã làm tốt để phát huy, những tồn tại yếu kém cần khắc phục, xem xét, xử lý nghiêm túc những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu Cục trưởng Cục Đường bộ Việt nam, các Giám đốc Sở GTVT (GTCC), các Tổng giám đốc Khu QLĐB, các thủ trưởng đơn vị quản lý đường bộ cần khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Kết quả thực hiện phải gửi về Bộ Giao thông vận tải (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 31 tháng 12 năm 2000.
| Lê Ngọc Hoàn (Đã ký) |
- 1Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông năm 1994
- 2Nghị định 36-CP năm 1995 về việc bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị
- 3Nghị định 172/1999/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ
- 4Thông tư 213/2000/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 172/1999/NĐ-CP quy định thi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Chỉ thị 252/2000/CT-BGTVT về việc tăng cường bảo vệ hành lang bảo vệ dường bộ do Bộ giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 252/2000/CT-BGTVT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/06/2000
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Lê Ngọc Hoàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra