- 1Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Xây dựng 2014
- 3Luật Đầu tư 2014
- 4Luật Doanh nghiệp 2014
- 5Quyết định 941/QĐ-TTg năm 2015 thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 2059/QĐ-TTg năm 2015 về thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2360/QĐ-TTg năm 2015 Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
- 9Luật Quy hoạch 2017
- 10Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội
- 11Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Ban Chấp hàng Trung ương ban hành
- 13Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 14Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 do Chính phủ ban hành
- 15Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/CT-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2019 |
VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ
Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐ Bắc Bộ) gồm 07 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước; có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước, chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng KTTĐ, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31% của cả nước, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Ngành công nghiệp - xây dựng của vùng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng. Từ năm 2017, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đều có điều tiết về ngân sách trung ương, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của cả nước. Lũy kế đến hết năm 2018, toàn vùng có 44 khu công nghiệp, 02 khu kinh tế đang hoạt động và thu hút trên 8.444 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 91,061 tỷ USD, bằng 36,16% về số dự án và 26,8% tổng vốn đầu tư đăng ký so với cả nước.
Vùng KTTĐ Bắc Bộ có hệ thống giao thông khá hoàn thiện gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, cửa ngõ ra biển ở khu vực phía Bắc với các cảng biển quốc tế hiện đại và đồng bộ thông qua việc huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là theo hình thức đối tác công tư PPP, góp phần tăng cường thúc đẩy liên kết vùng, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, logistics,... Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển và là đầu mối kết nối vùng KTTĐ Bắc Bộ với các vùng khác trong cả nước và gắn kết chiến lược phát triển “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với nước bạn Trung Quốc. Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và xóa đói giảm nghèo cũng được các tỉnh, thành phố trong Vùng quan tâm.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Vùng KTTĐ Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: trình độ phát triển kinh tế còn chưa đồng đều giữa các địa phương trong Vùng. Thu ngân sách của một số địa phương còn chưa bền vững, phụ thuộc vào nguồn thu của một số dự án FDI quy mô lớn; việc tổ chức thực hiện định giá theo các phương pháp định giá đất hiện hành còn bất cập, làm ảnh hưởng đến việc tính thu nghĩa vụ tài chính cũng như quyền và lợi ích của người dân. Khu vực dịch vụ hiện đang là lợi thế nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững. Thu hút đầu tư trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Phát triển kinh tế - xã hội nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là sử dụng đất. Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Việc gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa có tính chất lan tỏa tích cực; phần lớn các dự án FDI thường tập trung vào các lĩnh vực, các ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ. Phát triển công nghiệp chưa đồng đều, phần lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng chưa cao. Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quả trị và hành chính công (PAPI) ở một số địa phương còn thấp, cấu trúc không gian phát triển của Vùng còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng. Tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng chậm so với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại một số đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác điều phối Vùng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, từ quy hoạch, kế hoạch đến cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Thỏa thuận hợp tác, liên kết giữa các địa phương chủ yếu còn mang tính hình thức, tự phát thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chưa đi vào thực chất, chưa xuất phát từ nhu cầu chung và sự chủ động của các tỉnh tham gia vào giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng KTTĐ Bắc Bộ phát huy các tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ Bắc Bộ (sau đây gọi tắt là các Bộ, ngành và địa phương) tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:
1. Vùng KTTĐ Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Xây dựng vùng KTTĐ Bắc Bộ trở thành một trong hai vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030.
2. Phát triển mạnh những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhất là các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ thông tin, du lịch và các ngành dịch vụ khác; gắn với phát triển đô thị thông minh, mang tầm cạnh tranh khu vực, quốc tế. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của Vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong Vùng thành một thể thống nhất.
3. Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng, ổn định và phù hợp với đặc thù của vùng KTTĐ Bắc Bộ để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, tác động lan tỏa đến các vùng khác trong cả nước.
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp theo hướng chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước; phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh hiệu quả hợp tác đầu tư trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV;
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô, trong đó có các chính sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô trình Chính phủ trong quý IV năm 2019;
- Xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2019;
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch hiện hành, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền;
- Khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ; đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
- Nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phương án phân vùng để làm cơ sở lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; nghiên cứu, xem xét việc mở rộng Vùng KTTĐ Bắc Bộ thêm một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tương đồng với các địa phương trong Vùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Bộ Xây dựng
- Nghiên cứu các quy định của pháp luật về xây dựng phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, trong đó tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Xây dựng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020;
- Nghiên cứu đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ Bắc Bộ; đề xuất các giải pháp từng bước triển khai thực hiện các mô hình phát triển đô thị, tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng năm;
- Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ để quản lý, kiểm soát hiệu quả quá trình phát triển đô thị nói chung và Vùng KTTĐ Bắc Bộ nói riêng.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Đề án điều tra, đánh giá thực trạng ô nhiễm đất và đề xuất giải pháp cải tạo, bồi bổ, tái tạo chất lượng đất, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2020;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng vùng giá trị phục vụ định giá đất hàng loạt nhằm đáp ứng nhu cầu xác định nghĩa vụ tài chính, bồi thường, giải phóng mặt bằng phù hợp với thị trường, khắc phục tình trạng thất thoát ngân sách khi giao đất, cho thuê đất, sắp xếp tài sản công và bảo đảm quyền lợi cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020;
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ Bắc Bộ
- Khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030; các Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015, số 2059/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2015 và số 2360/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo, Tổ điều phối và Quy chế phối hợp vùng KTTĐ; đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 12 năm 2019;
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện Kết luận số 22-KL/TW ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; thực hiện các nhiệm vụ được giao với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ Bắc Bộ quy định tại các Quyết định số 941/QĐ-TTg, số 2059/QĐ-TTg, số 2360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 1780/VPCP-KTTH ngày 24 tháng 02 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ;
- Có cơ chế đặc thù để khuyến khích một số doanh nghiệp tầm cỡ phát triển trở thành doanh nghiệp đầu tàu, có quy mô khu vực và quốc tế để tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp khác trong Vùng phát triển.
- Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa để có thể tham gia vào chuỗi giá trị các doanh nghiệp FDI trong vùng;
- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng; kịp thời đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện;
- Triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các Chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững. Kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh trên địa bàn;
- Có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao ý thức người dân, phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện phong trào nói không với rác thải nhựa;
- Thúc đẩy và tận dụng hiệu quả các cơ hội có được trong việc thực hiện chiến lược phát triển “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với Trung Quốc;
- Các địa phương tiếp giáp với Trung Quốc chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với giữ vững an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân giao thương với nước bạn.
2. Về liên kết các ngành, lĩnh vực
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó tập trung xây dựng Chương trình hỗ trợ DNNVV tăng cường liên kết doanh nghiệp theo vùng, đặc biệt là hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị trong những ngành, lĩnh vực có lợi thế của các vùng KTTĐ Bắc Bộ.
b) Bộ Giao thông vận tải
- Nghiên cứu triển khai lập quy hoạch hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2019;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phấn đấu khởi công dự án đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An trong năm 2020; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn vùng KTTĐ Bắc Bộ;
- Phối hợp với các địa phương kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kết cấu hạ tầng. Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan trong đầu tư hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị;
c) Bộ Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại tổng thể của Vùng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử; mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các địa phương vùng KTTĐ Bắc Bộ;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các hoạt động liên kết doanh nghiệp phân phối với nhà sản xuất nông nghiệp và liên kết giữa các doanh nghiệp phân phối;
- Ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics vùng KTTĐ Bắc Bộ trong đó xác định thành phố Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và việc gắn kết trục cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn với cảng Lạch Huyện làm trung tâm, phát triển lan tỏa ra các khu vực lân cận.
d) Bộ Xây dựng
- Hướng dẫn các địa phương rà soát các quy hoạch đô thị, điều chỉnh, bổ sung để nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển của Vùng KTTĐ Bắc Bộ; tập trung nghiên cứu, tổ chức lập Quy hoạch tổng thể đô thị và nông thôn quốc gia;
- Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;
- Tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở cho người có thu nhập thấp; thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc quy hoạch và khai thác, sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội tại một số địa bàn trọng điểm của Vùng.
đ) Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ có chọn lọc, đặc biệt là các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Vùng KTTĐ Bắc Bộ là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong Vùng.
e) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các địa phương có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, đặc biệt du lịch sinh thái, văn hóa, thể hiện tính đặc thù, độc đáo của Vùng; phấn đấu Vùng KTTĐ Bắc Bộ đi đầu trong khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch một cách hiệu quả, bền vững để du lịch thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn.
g) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Rà soát định hướng, kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp vùng KTTĐ Bắc Bộ gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản theo hướng thâm canh cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh gắn với phát triển công nghiệp chế biến;
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết doanh nghiệp phân phối với nhà sản xuất nông nghiệp và liên kết giữa các doanh nghiệp phân phối.
h) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong Vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển của Vùng và cả nước;
- Tăng cường công tác dạy nghề, phát triển kỹ năng cho người lao động, phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 và Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thiện các chính sách lao động việc làm và an sinh xã hội, trong đó chú ý chăm lo cải thiện phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là đối với lao động nhập cư.
i) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ Bắc Bộ
- Cấp ủy, lãnh đạo từng địa phương cần khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường và liên kết, phối hợp chặt chẽ, xác định rõ các yếu tố bứt phá để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng và của cả nước, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong Vùng;
- Chú trọng phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ cho công tác phân tích, dự báo, xây dựng, đánh giá chính sách; phối hợp tốt trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...;
- Đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo hướng cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế; hướng vào các đối tác giàu tiềm năng, nhất là các nước phát triển, đồng thời tiếp tục mở rộng mô hình đầu tư cho các đối tác đã đầu tư nhiều vào vùng với yêu cầu về chất lượng cao, công nghệ tiên tiến;
- Các địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất hơn nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao; trong đó chú trọng phát triển các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ; gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh để tạo động lực cho phát triển. Tuyên truyền, vận động người sử dụng đất thực hiện tập trung đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng đất;
- Kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các đô thị, các khu công nghiệp, các lưu vực sông. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là các khu vực gây bức xúc cho người dân; chủ động ứng phó tốt hơn biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai;
- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Phấn đấu giữ vững vị thế và nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI;
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Đảm bảo mọi người dân tiếp cận bình đẳng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, được tạo điều kiện phát triển toàn diện; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các nhóm dân cư yếu thế; giảm thiểu khoảng cách chênh lệch giàu nghèo;
- Khẩn trương xây dựng các đề án hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị; chủ động cân đối và bố trí kinh phí thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ DNNVV trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đề xuất các nội dung cần ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Đổi mới và nâng cao chất lượng các hình thức đối thoại chính sách: đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh/ thành phố hoặc các cơ chế đối thoại chuyên ngành (thuế, hải quan, ngân hàng),...;
- Tăng cường chia sẻ dữ liệu bằng phương thức điện tử giữa các Sở, ngành của địa phương để phục vụ hiệu quả cho công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước đối với tổ chức, cá nhân.
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công, phấn đấu khởi công các dự án đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An trong năm 2020;
- Nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện thể chế, chính sách về hình thức đầu tư PPP, có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những dự án quan trọng.
b) Bộ Tài chính
- Đề xuất cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết trong giai đoạn 2021-2025 cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc Vùng KTTĐ Bắc Bộ để tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2020;
- Phối hợp với các địa phương trong việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng các dự án lớn, trọng điểm, liên kết vùng theo đúng quy định của pháp luật.
c) Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, đề xuất việc bố trí nguồn lực để đầu tư, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng (các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối các cảng hàng không, cảng biển, hành lang vận tải quốc tế).
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ Bắc Bộ
- Cần huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường... Tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư theo các hình thức đối tác công tư, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Thực hiện hiệu quả chính sách đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là tại các khu đô thị để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội;
- Xây dựng danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
1. Các Bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ Bắc Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 hàng năm.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ Bắc Bộ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.
| THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 1100/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1101/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2019 về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2019 về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng miền Trung do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 200/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Xây dựng 2014
- 3Luật Đầu tư 2014
- 4Luật Doanh nghiệp 2014
- 5Quyết định 941/QĐ-TTg năm 2015 thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 2059/QĐ-TTg năm 2015 về thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2360/QĐ-TTg năm 2015 Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
- 9Luật Quy hoạch 2017
- 10Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội
- 11Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Ban Chấp hàng Trung ương ban hành
- 13Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 14Quyết định 1100/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 1101/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 do Chính phủ ban hành
- 17Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 18Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2019 về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2019 về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng miền Trung do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 20Thông báo 200/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2019 về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 25/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/10/2019
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/10/2019
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết