Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 25/2007/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT LUẬT SƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Luật sư và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, thay thế Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Ngày 26 tháng 02 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư và ngày 25 tháng 4 năm 2007, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2007/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư.

Để việc triển khai thực hiện Luật Luật sư, Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư 02/2007/TT-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tư pháp đạt hiệu quả, Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Sở Tư pháp

a) Giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố; kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền;

b) Xây dựng và chuẩn hoá các biểu mẫu, trình tự thủ tục, quy trình xử lý công việc liên quan đến việc đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

c) Chủ trì, phối hợp với Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư tham mưu, đề xuất cho Uỷ ban nhân dân thành phố các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư trên địa bàn thành phố;

d) Tham mưu, trình Uỷ ban nhân dân thành phố đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi những quy định, quyết định và nghị quyết của Đoàn Luật sư trái với quy định của Luật Luật sư;

đ) Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn, Cục Thuế thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư và trong việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư định kỳ hàng năm hoặc đột xuất;

e) Công khai danh sách các tổ chức hành nghề luật sư đã đăng ký hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh trên trang Web của Sở Tư pháp;

g) Hướng dẫn chế độ báo cáo và mẫu báo cáo định kỳ của tổ chức và chi nhánh hành nghề luật sư (trong nước và nước ngoài), luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;

h) Phối hợp với các báo, đài tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Luật Luật sư, những nội dung cơ bản của Luật Luật sư và các văn bản liên quan.

i) Tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đoàn Luật sư

a) Thực hiện việc thu hồi Thẻ luật sư tập sự của các luật sư tập sự tại Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh được cấp theo Pháp lệnh luật sư năm 2001 không còn giá trị;

b) Thực hiện và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, đề cao trách nhiệm của luật sư đối với khách hàng, nhắc nhở và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm;

c) Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư khi tham gia tố tụng;

d) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động luật sư theo quy định và trong việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư;

đ) Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Lập danh sách các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 gửi Sở Tư pháp thành phố trước ngày 31 tháng 12 năm 2007;

b) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 làm thủ tục đăng ký hoạt động theo hình thức tổ chức hành nghề luật sư được quy định tại Luật Luật sư; nếu không làm thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Luật sư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp này phải chấm dứt kinh doanh dịch vụ pháp lý;

c) Không giải quyết cho các doanh nghiệp đăng ký với tên gọi có thể gây nhầm lẫn với các tổ chức hành nghề luật sư.

4. Cục Thuế thành phố

a) Hướng dẫn các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về thuế.

b) Định kỳ hàng năm thông báo cho Sở Tư pháp về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức hành nghề luật sư. Thông báo kịp thời cho Sở Tư pháp về những hành vi vi phạm pháp luật về thuế (nếu có) của các tổ chức hành nghề luật sư;

c) Cung cấp thông tin về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức hành nghề luật sư xin tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động.

5. Uỷ ban nhân dân quận - huyện

a) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc quản lý hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn và thực hiện kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo kế hoạch của Sở Tư pháp;

b) Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định đối với những hành vi vi phạm của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương;

c) Tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề luật sư tại địa phương.

6. Uỷ ban nhân dân phường - xã, thị trấn theo dõi, rà soát các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn; kịp thời phát hiện các cá nhân, tổ chức có hoạt động dịch vụ pháp lý bất hợp pháp và báo cáo cho Uỷ ban nhân dân quận - huyện để xử lý theo quy định.

7. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999

a) Tổ chức có đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt kinh doanh dịch vụ pháp lý; nếu muốn tiếp tục thực hiện dịch vụ pháp lý thì phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo một trong các hình thức tổ chức hành nghề luật sư được quy định tại Luật Luật sư;

b) Cá nhân kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp muốn tiếp tục thực hiện dịch vụ pháp lý thì phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập một Đoàn Luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ pháp lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, báo cáo việc triển khai thực hiện cho Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân thành phố.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:                    
           
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT/TU, TT.HĐND/TP, TT/UB;
- VP Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- Uỷ ban MTTQ và các Đoàn thể TP;
- VP/TU và các Ban Thành uỷ;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Các Sở - ban - ngành thành phố;
- UBND các Q-H, phường-xã, thị trấn;
- VPHĐ-UB: CPVP; Các Phòng CV;
- Các Trung tâm thuộc VP;
- Phòng PC-NC (PC: 01b; NC: 02b);
- Lưu: VT, (NC-K) D.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 25/2007/CT-UBND thi hành Luật Luật sư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

  • Số hiệu: 25/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/09/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 61
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản