Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 243-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 1978 

  

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO NĂM 1978

Năm 1977, bão lớn đã tràn vào các tỉnh miền Bắc, có mưa và lũ lớn ở một số tỉnh miền Trung, nhiều địa phương đã có cố gắng trong việc phòng, chống và nhanh chóng khắc phục hậu quả do lũ, bão gây ra. Tuy nhiên, có nơi, có lúc còn chủ quan, thiếu chủ động sẵn sàng trong việc phòng, chống lụt, bão nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, về tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Một số tuyến đê, trong năm qua lại xuất hiện nhiều vết nứt ở thân đê và trong phạm vi lưu thông của đê, uy hiếp nghiêm trọng đối với đê, kè, cống, các địa phương đã phải huy động hàng chục vạn ngày công để xử lý, song vẫn là mối đe dọa khi có mưa to, gió lớn.

Vì vậy, công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai năm nay hết sức quan trọng, nhưng đến nay việc thực hiện kế hoạch đắp đê, làm kè, cống năm 1978 mới đạt khoảng 50% kế hoạch; đặc biệt công tác giải phóng lòng sông ở các tỉnh miền Bắc thực hiện chưa được bao nhiêu so với yêu cầu; việc phòng, tránh lũ ở các tỉnh miền Nam mới được đặt ra ở mức độ thấp, cơ sở vật chất và kỹ thuật đối với công tác này còn thiếu nhiều.

Từ tình hình nói trên, để chủ động trong công tác phòng, chống bão, lũ và thiên tai, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và thủ trưởng các ngành ở trung ương, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải khẩn trương và tích cực thực hiện thật chu đáo những công tác chủ yếu sau đây:

- Tăng cường giáo dục tư tưởng cho cán bộ và nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng mới giải phóng, làm cho mọi người nhận thức đúng đắn về tính chất quan trọng của công tác phòng, tránh và chống thiên tai, kiên quyết khắc phục tư tưởng chủ quan, ngại khó, đề cao ý thức tự lực cánh sinh, chủ động và sáng tạo của từng địa phương, của mỗi ngành, mỗi người trong công tác phòng, chống lụt, bão….

- Chuẩn bị đầy đủ về tổ chức cơ sở vật chất và kỹ thuật để chủ động đối phó với bão, lũ, bảo vệ đê điều và các công trình xây dựng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, của tập thể và của Nhà nước, nhanh chóng khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức cao nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. Các cấp, các ngành từ trung ương cho đến các huyện, xã, các đơn vị cơ sở và từng gia đình phải căn cứ vào nhiệm vụ chung và đặc điểm cụ thể ở mỗi nơi để xây dựng phương án phòng, tránh và chống lụt, bão của mình cho thiết thực, đầy đủ và toàn diện.

- Tập trung sức khẩn trương hoàn thành kế hoạch đắp đê, làm kè, cống trước mùa mưa, lũ. Tiến hành kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời những nơi bị hư hỏng, đặc biệt chú trọng việc hoàn thành xử lý những nơi đê bị rạn nứt trong năm qua. Những nơi trọng điểm phải chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, vật liệu dự trữ tại chỗ và bố trí người theo dõi thường xuyên trong mùa mưa, bão.

- Đẩy mạnh công tác giải phóng lòng sông, đảm bảo việc thoát lũ được nhanh. Đặc biệt chú trọng tháo gỡ, trục vớt, di chuyển các chướng ngại vật ở cầu, cống trên tuyến đường quốc lộ số 1 và đường sắt Bắc-Nam, trên sông Hồng và sông Đáy.

2. Mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm thời tiết, tình hình sông ngòi, tập quán và kinh nghiệm sẵn có của địa phương để xây dựng các đội hộ đê, canh gác đê, lực lượng xung kích cứu tài sản, sơ tán dân…khi xảy ra lũ, bão. Mỗi tổ chức đều được phân công trách nhiệm cụ thể và được huấn luyện, thực tập thành thạo, được trang bị phương tiện vật liệu, dụng cụ cần thiết đủ khả năng giải quyết phần việc được phân công. Những nơi không có đê, hàng năm thường bị lũ tràn qua đều phải có kế hoạch cụ thể hướng dẫn nhân dân phòng, tránh nhằm hạn chế thiệt hại do lũ, lụt gây ra. Đồng thời, với các việc nói trên, các địa phương phải chuẩn bị mọi điều kiện để nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau bão, lụt…

- Các xã, hợp tác xã, công, nông, lâm trường, xí nghiệp…phải kiểm tra vật tư, hàng hóa, nhà cửa, kho hàng…để có kế hoạch bảo vệ chu đáo, điểm nào xét thấy không đảm bảo an toàn khi có bão, lũ… phải có kế hoạch sơ tán người và tài sản đi nơi khác để tránh hư hỏng, mất mát hoặc nước cuốn trôi khi có lụt, bão; phải quán triệt phương châm dựa vào lực lượng nhân dân, sử dụng phương tiện, vật liệu ở địa phương là chủ yếu.

3. Các ngành có liên quan ở trung ương như Bộ Thủy lợi, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Vật tư…cần khắc phục khó khăn, đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn những việc thuộc ngành mình phụ trách và đôn đốc các cơ sở thuộc ngành dọc phục vụ kịp thời các yêu cầu của công tác phòng, chống bão, lụt, lũ. Các lực lượng vũ trang, các đơn vị trực thuộc các cơ quan trung ương đóng ở các địa phương có trách nhiệm phối hợp và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Ban chỉ huy chống lụt, chống bão và Ủy ban nhân dân địa phương giao cho đơn vị mình về công tác này.

- Ngành khí tượng-thủy văn phải tăng cường công tác dự báo khí tượng-thủy văn để dự báo được dài ngày và chính xác

- Ngành bưu điện (có sự phối hợp với lực lượng thông tin của quân đội, tăng cường mạng lưới thông tin phục vụ công tác chống bão, lũ, lụt…); bảo đảm việc báo tin, truyền tin được thông suốt, kịp thời.

- Bộ Quốc phòng chỉ thị cho các quân khu, các binh chủng hải quân, thông tin tích cực tham gia công tác phòng, chống lụt, bão; dành một số phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết; bố trí một số đơn vị công binh phụ trách việc nổ mìn ở các công trình phân lũ theo hợp đồng với Bộ Thủy lợi.

4. Tăng cường Ban chỉ huy chống lụt, chống bão từ trung ương đến các cơ sở, nhằm giúp Ủy ban nhân dân các cấp điều hành công tác phòng, chống lụt, bão; các thành viên Ban chỉ huy chống lụt, chống bão và cán bộ lãnh đạo các cấp, ngoài trách nhiệm chung phải được phân công phụ trách một số công việc cụ thể và phụ trách toàn bộ công việc phòng, chống bão, lụt…ở một khu vực nhất định; bộ phận thường trực phải được tăng cường các đồng chí có năng lực và được giao quyền giải quyết công việc hàng ngày trong mùa lụt, bão; thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo định kỳ lên Ban chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương.

Lũ, bão ở nước ta diễn biến rất phức tạp, khó có thể lường trước được hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp nêu cao quyết tâm và tinh thần trách nhiệm hoàn thành thắng lợi công tác chống lụt, chống bão năm 1978.

Ban chỉ huy chống bão, chống lụt trung ương phải có kế hoạch kiểm tra đôn đốc kịp thời việc thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị này và những chỉ thị, nghị quyết đã có trước đây về công tác phòng chống bão, lụt

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 243-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 243-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/1978
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 30/04/1978
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 13/05/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản