CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 154-CT | Hà Nội, ngày 30 tháng 04 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT, BÃO NĂM 1985
Tình hình thời tiết, khí hậu và bão lụt của nhiều vùng trên thế giới trong mấy năm qua diễn ra không bình thường. Ở nước ta, thời gian qua bão lụt và những khác thường về khí hậu như mưa rất lớn, gió xoáy.. đã xảy ra trên diện tương đối rộng. Nhiều cơn bão đã đổ vào miền Trung sớm hơn, ngoài tác hại do gió, đã gây mưa lớn và mức nước của nhiều con sông ở vùng này vượt lũ lịch sử. Trận lũ năm 1984 ở đồng bằng sông Cửu Long xấp xỉ đỉnh lũ năm 1978. Vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa qua chưa bị lũ bão lớn, nhưng những trận mưa lớn, gây úng trên diện rộng làm thiệt hại mùa màng khá nặng. Nói chung lụt, bão, mưa úng… vừa qua đã gây ra cho chúng ta những tổn thất khá lớn về người, tài sản, mùa màng, và các công trình văn hoá, xã hội khác.
Trong tình hình hiện nay, thời tiết và bão lụt có những diễn biến phức tạp, không lường trước được; công tác dự báo bão, lụt chưa bảo đảm chính xác; các công trình phòng chống lụt bão chưa được tăng cường đúng mức; hệ thống đê điều, nhất là đê sông Hồng 14 năm nay chưa được thử thách với lũ lớn và công trình thủy điện Hoà Bình chưa tham gia điều tiết lũ cho vùng hạ lưu, thậm chí có thể có những biến cố đột xuất trong mùa mưa bão mà không tính trước được; vật tư, phương tiện, tiền vốn đều bị hạn chế; mặt khác, phải cảnh giác với sự phá hoại của bọn phản động trong mùa mưa bão.
Trước tình hình đó, để bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, và các hoạt động kinh tế khác, các mặt về văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng… công tác phòng chống bão lụt năm 1985 phải được đặt ra sớm, nghiêm túc, cụ thể, thiết thực, với tinh thần trách nhiệm cao để đối phó có hiệu quả với bão, lụt, mưa úng với mức cao nhất vào bất cứ lúc nào. Theo tinh thần đó, ngoài những công việc thường xuyên và định kỳ đối với công tác phòng chống lụt bão, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị khẩn trương thực hiện nghiêm túc một số việc sau đây:
1. Các ngành, các địa phương và cơ sở phải kiểm điểm, tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 1984 của ngành, của địa phương và cơ sở mình. Đánh giá cho được những ưu điểm, khuyết điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm của công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão trong năm qua, trên cơ sở đó mà xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt việc phòng chống lụt bão năm 1985 một cách tích cực, chủ động, có hiệu quả nhất trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản nhà nước và của nhân dân.
2. Có kế hoạch sử dụng tốt các công trình phòng chống lụt bão hiện có, nhất là hệ thống đê điều. Thực hiện tốt phương châm nhân dân và Nhà nước cùng làm, mà huy động mọi khả năng của địa phương và cơ sở nhanh chóng hoàn thành kế hoạch tu bổ đê, kè, cống trước thời gian quy định.
Phải kiểm tra kỹ chất lượng đê, kè, cống. Công trình nào, đoạn nào yếu phải kịp thời gia cố, tu bổ thêm.
Phát động quần chúng tìm diệt các tổ mối trong đê. Ngăn chặn mọi hiện tượng vi phạm điều lệ bảo vệ đê điều, xử lý nghiêm khắc những hành động làm hại đến đê, kè, cống và các phương tiện quản lý bảo vệ đê điều như lấy cắp dây điện thoại, đá, kè, vật tư dự phòng chống bão lụt…
Phải có phương án hộ đê cụ thể và được cấp có thẩm quyền xét duyệt trước thời gian quy định. Trên cơ sở đó mà chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng để xử lý ngay từ đầu khi xảy ra sự cố. Tổ chức tập huấn tốt cho ban chỉ huy các tuyến, các cụm, và huấn luyện cho lực lượng hộ đê. Phân công cụ thể cho từng xã bảo vệ từng đoạn đê, phân công người chỉ huy và thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, đặc biệt là kiểm tra đê điều, các hồ đập chứa nước và công trình thủy lợi.
Việc chuẩn bị tốt các mặt phòng chống lụt bão năm 1985 phải lấy mục tiêu là giữ vững hệ thống đê sông chính, nhất là đê sông Hồng với mức lũ bằng mức lũ lớn nhất đã xảy ra, giữ vững hệ thống đê biển quan trọng, bảo vệ an toàn các hồ chứa nước lớn, vừa, nhỏ. Các đê sông con, đê bối chỉ được giữ đến mức quy định. Khi lũ vượt qua chủ động để nước vào, không được cố giữ để vỡ bị động, gây tác hại cho đê chính và thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
3. Các ngành, các địa phương hữu quan phải chuẩn bị chu đáo các công trình phâm chậm lũ như Bộ Thủy lợi chuẩn bị tốt công trình đầu mối; Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng nổ mìn như các năm trước; Ủy ban nhân dân các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, và thành phố Hà Nội có kế hoạch bảo vệ tốt vùng phân chậm lũ, và tổ chức hộ đê sông Đáy và sông Tích Giang.
Các địa phương có hồ chứa nước cần thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng hồ, đập chứa nước trong mùa mưa lũ để có kế hoạch điều tiết nước cho hợp lý, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân công trình và công trình hạ lưu, vừa giữ được nước tưới, phát điện và quản lý nguồn lợi thuỷ sản trong hồ.
Các công trình lớn đang xây dựng, nhất là công trình xây dựng trên sông phải được bố trí tiến độ xây dựng thích hợp để phòng lũ bão sớm và mưa lũ vượt tần suất thiết kế.
4. Các tỉnh ven biển, nhất là ven biển miền Bắc đến miền Trung phải có phương án phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới và phòng tránh lũ, bão bảo vệ dân ven biển và cửa sông và vùng trũng, bảo vệ tàu thuyền và ngư dân. Có biện pháp phòng ngừa và khai thông đường sá, cầu cống nhằm bảo vệ giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ.
5. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ tuỳ theo mùa vụ sản xuất của từng vùng mà tổ chức và huy động nhân dân củng cố, đắp, giữ bờ bao chống lũ đầu vụ, bảo vệ lúa hè thu thu hoạch trong tháng 8, có kế hoạch tháo nước hợp ký để thau chua, rửa phèn, đẩy mặn. Có kế hoạch phòng tránh lũ chu đáo, lấy mức lũ cao nhất đã diễn ra trước đây và tình hình lũ diễn ra trong mùa lũ năm 1984 để rút kinh nghiệm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, nhất là các kho thóc, kho hàng, các khu kinh tế mới, có biện pháp củng cố đê biển phòng ngừa gió chướng bảo vệ thu hoạch tốt mùa màng.
6. Tất cả các tỉnh và các ngành đều coi trọng công tác bảo vệ hậu phương, bảo vệ con người và tài sản và phải có kế hoạch khôi phục sản xuất, đặc biệt là khôi phục sản xuất nông nghiệp sau khi bão lụt. Khi mưa lớn, vùng có đê phải có kế hoạch đề phòng vỡ đê hoặc chống ngập úng. Có kế hoạch chuyển dân vùng bãi, vùng đê bối và những vùng trũng khi lũ đạt tới mức quy định. Các tỉnh miền núi cần đề phòng lũ quét về nhanh và cao hơn trước, đặc biệt các nông trường, lực lượng bộ đội đóng ở miền núi phải triển khai nghiêm túc công tác phòng chống lũ lụt trước mùa lũ không được chủ quan coi thường. Coi trong việc bảo đảm giao thông thông suốt tuyến đường Bắc Nam (cả đường sắt và đường bộ).
7. Các tỉnh thường xuyên bị lũ, bão đe dọa, các ngành kinh tế và phục vụ công tác phòng, chống bão lụt quan trọng, nhất là khí tượng thuỷ văn, bưu điện, thuỷ lợi, nông nghiệp, điện lực, lâm nghiệp, giao thông vận tải, thủy sản… phải kiện toàn ban chỉ huy chống lụt, chống bão của mình, tổ chức hoạt động có hiệu quả, khi cần thiết phải phối hợp liên kết điều hành có hiệu lực. Nếu cần có thể thành lập phân ban chỉ huy của tỉnh gọn nhẹ ở những vùng cần thiết. Đặc biệt coi trọng kiện toàn ban chỉ huy ở cơ sở và cấp huyện nơi có đê sông và đê biển. Trưởng ban ban chỉ huy chống lụt bão tỉnh, huyện phải là đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân đảm nhiệm. Các thành viên trong ban chỉ huy phòng chống lụt các cấp, các ngành, ngoài trách nhiệm chung phải phụ trách một khu vực nhất định và chịu trách nhiệm kiểm tra đôn đốc các cơ sở thực hiện kế hoạch phòng chống lụt bão và trực tiếp chỉ đạo khi có lũ bão xảy ra.
8. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phải bảo đảm chất lượng dự báo mưa, lũ, bão từ 15/5 đến 30/11, tận dụng mọi phương tiện để truyền tin nhanh nhất đến các cơ quan chỉ đạo và phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Tổng cục Bưu điện bảo đảm việc thông tin thông suốt, bảo đảm sự chỉ đạo của ban chỉ huy chống lụt bão các cấp và liên lạc hàng ngày từ các đài, trạm khí tượng thuỷ văn về trung tâm dự báo kịp thời, chính xác trong mọi tình huống. Các ngành có phương tiện thông tin chuyên dùng, khi cần thiết cũng phải ưư tiên phục vụ cho ban chỉ huy chống lụt bão các cấp sử dụng. Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng có kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và Ban chỉ huy chống lụt bão trung ương bố trí lực lượng bảo vệ các công trình quan trọng và giữ gìn trật tự an ninh. Các Bộ Thủy lợi Nông nghiệp, Thuỷ sản, Lâm nghiệp, Điện lực cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo đối phó với mưa, lũ, bão, úng. Các ngành khác phải làm tốt cả việc phòng chống lụt bão cho ngành mình, tham gia tích cực giải quyết mọi yêu cầu của ban chỉ huy chống lụt bão Trung ương và các tỉnh theo chức năng đã được Nhà nước phân công và các chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành.
Các cơ quan báo chí tuyên truyền cần làm tốt việc giáo dục quần chúng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão và tự giác sẵn sàng tham gia đối phó có hiệu quả với mọi tình huống do mưa, lũ, bão gây ra.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các ngành Trung ương thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị này với Hội đồng Bộ trưởng. Giao cho Ban chỉ huy chống lụt bão Trung ương phối hợp với Ủy ban Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các ngành và thường xuyên báo cáo lên Hội đồng Bộ trưởng.
| KT. CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
- 1Chỉ thị 87-CT năm 1982 về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 180-TTg năm 1960 về lãnh đạo công tác phòng, chống lụt, bão và úng thủy một cách khẩn trương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 3Chỉ thị 142-CT công tác phòng, chống lụt, bão năm 1987 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Chỉ thị 243-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 87-CT năm 1982 về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 180-TTg năm 1960 về lãnh đạo công tác phòng, chống lụt, bão và úng thủy một cách khẩn trương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 3Chỉ thị 142-CT công tác phòng, chống lụt, bão năm 1987 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Chỉ thị 243-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 154-CT về công tác phòng chống lụt, bão năm 1985 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 154-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 30/04/1985
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Vũ Đình Liệu
- Ngày công báo: 15/05/1985
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 30/04/1985
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định