Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 180-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 1960 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ ÚNG THỦY MỘT CÁCH KHẨN TRƯƠNG

Từ đầu mùa mưa đến nay theo chỉ thị của Trung ương Đảng và của Hội đồng Chính phủ các địa phương đã xúc tiến công tác phòng, chống lụt, bão và úng thủy và đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Về tổ chức, các Ban chỉ huy chống lụt, chống bão đã tổ chức xong, nhiều nơi đã tập dượt một, hai hoặc ba lần.

Nhiều tỉnh đã kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện và sửa chữa những nơi hư hỏng kịp thời như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn Tây… Ngoài nhiệm vụ đã ghi trong kế hoạch Nhà nước các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định đã tích cực và khẩn trương đắp thêm một khối lượng đất đê mới giao mặc dù sản xuất vụ mùa rất bận rộn.

Đó là những ưu điểm rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác chống lụt, chống bão năm nay thì việc chuẩn bị nói chung còn phải tiếp tục một cách khẩn trương, có nơi còn những thiếu sót cần phải tích cực khắc phục; và trong các kỳ báo động trong tháng 7 và thượng tuần tháng 8 một số đê bối, đê chính và cống cũng đã hư hỏng như ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa. Những thiếu sót chủ yếu hiện nay là:

- Một số địa phương chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của công tác phòng, chống bão, lụt năm nay, nhiều nơi chưa phổ biến đến cán bộ xã chu đáo và chưa đến nhân dân. Trong cán bộ cũng như nhân dân còn tư tưởng chủ quan cho rằng đê điều đã được vững chắc, việc chuẩn bị như thế đã đầy đủ lắm rồi.

- Việc kiểm tra đê chưa được thường xuyên, có nơi thấy hư hỏng nhưng sửa chữa rất chậm hoặc không sửa chữa mặc dù Bộ Thủy lợi và Điện lực đã nhắc nhở nhiều lần, việc nắm tình hình dụng cụ vật liệu để chống lụt, chống bão chưa được chắc chắn.

- Một số khá lớn Ban chỉ huy chống lụt xã hoạt động rất yếu. Các lực lượng hộ đê nói chung còn quá ít so với dân số và so với các năm trước đây. Việc tập dượt lắm nơi còn hình thức, chưa có nội dung thiết thực. Trong các kỳ báo động vẫn có những điếm không người canh, hoặc có người canh thì thiếu dụng cụ, người canh không rõ nhiệm vụ mình phải làm gì, có khi không thấy những hư hỏng ngay ở gần điếm canh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…).

- Một số cơ quan, xí nghiệp vẫn chưa nghiêm chỉnh thi hành công văn số 2066-NL ngày 18-7-1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ đê, vẫn tiếp tục xây dựng nhà cửa ở sát chân đê mặc dù không được sự đồng ý của cơ quan Thủy lợi (Nhà máy gỗ dán cầu Đuống) hoặc không thi hành lệnh của Ban chỉ huy chống lụt tỉnh.

Hiện nay còn có tình hình úng thủy kéo dài ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Hà Đông, Ninh Bình và một số nơi khác, gồm 40.000 ecta ruộng đã cày bị ngập hoặc không cấy được vì nước quá sâu, gây trở ngại cho việc thực hiện vụ mùa, một mặt vì mưa nhiều, nước sông lên cao khó tháo, nhưng mặt khác là do việc quản lý nước chúng ta làm chưa được tốt từ lúc đầu.

Ban chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương đã nhận định rằng kỳ sơ phục vừa qua mực nước lên to và sớm hơn mọi năm, trên triền sông Thái bình nước lên trên báo động 1 đã kéo dài hơn 20 ngày. Chúng ta cần đề phòng con nước trung phục còn có thể cao nhiều hơn nữa vì những ngày 12, 13 và 14-8 vừa rồi mưa nhiều ở hầu khắp các nơi trong lúc nước thủy triều bắt đầu lên làm cho tình hình úng thủy thêm nghiêm trọng và làm cho mực nước lên một cách đột biến ở Thanh Hóa và Phú Thọ.

Vì vậy từ nay cho đến thượng tuần tháng 9 công tác phòng, chống lụt, bão và chống úng thủy đặt thành một vấn đề hết sức cấp bách đối với các tỉnh có đê ở Bắc bộ và Thanh Hóa. Các tỉnh miền núi phải đặc biệt chú ý phòng nước lũ. Từ Nghệ An trở vào phải tích cực chuẩn bị đề phòng lụt, bão bất ngờ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh và các ông thủ trưởng các Bộ, các ngành:

1. Một lần nữa phải nhận thức thực đầy đủ và thực sâu sắc rằng công tác phòng, chống lụt, bão năm nay có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với các mặt chính trị, kinh tế và đời sống quần chúng. Phải nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn với ý thức trách nhiệm cao để đảm bảo cho vụ mùa thắng lợi đúng với chủ trương lấy mùa bù chiêm của Trung ương Đảng và Chính phủ, để đảm bảo cho tính mạng tài sản của nhân dân và thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, để đảm bảo cho những ngày lịch sử của năm 1960 – phát huy những ảnh hưởng vô cùng quan trọng. Vì vậy, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của các Bộ và nhân dân lên một mức độ thực cao, quyết tâm làm cho công tác phòng chống lụt bão năm nay nhất định thành công.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ và nhân dân, khắc phục tư tưởng chủ quan, làm cho mọi người thấy rằng trong lúc chúng ta chưa có những công trình trị thủy một cách căn bản, và để bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển thì việc phòng chống lụt bão không thể nào được xem nhẹ. Do đó vấn đề bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân và công cuộc kiến thiết đặt thành một trách nhiệm rất cao. Chúng ta phải có đầy đủ quyết tâm và chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng chiến thắng lụt, bão có thể xảy ra. Các tỉnh miền Bắc Trung Bộ, không nên vì thời tiết thường chậm hơn Bắc bộ mà thiếu cảnh giác mà phải tích cực chuẩn bị, lụt bão có thể xảy ra một cách bất ngờ, không như thường lệ mọi năm.

3. Tăng cường kiểm tra đê, kè, cống một cách thường xuyên trong suốt mùa mưa. Ủy ban hành chính và Ban chỉ huy, chống lụt, chống bão tỉnh phải trực tiếp đi kiểm tra đê và đôn đốc cấp dưới, đồng thời vận động nhân dân có ý thức tham gia phát hiện những chỗ hư hỏng cho kịp thời. Những chỗ hư hỏng đã phát hiện phải sửa chữa gấp và theo dõi cả sau khi sửa chữa xong. Phải báo cáo về Phủ Thủ tướng và Bộ Thủy lợi và Điện lực những chỗ hư hỏng quan trọng, đồng thời có kế hoạch đối phó ngay, không chờ sự can thiệp của cấp trên, luôn luôn nắm vững tình hình dụng cụ, vật liệu.

4.  Kiện toàn bộ máy chống lụt để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh báo động. Mỗi người trong tổ chức hộ đê phải thông suốt nhiệm vụ và phải có đủ dụng cụ. Mỗi lần tập dượt phải có mục đích yêu cầu và nội dung cụ thể, không nên chỉ nhằm kiểm tra số lượng, hay làm có hình thức mà phải kết hợp để phát hiện những nơi hư hỏng và tu bổ, sửa chữa đê, sửa chữa những thiếu sót và uốn nắn những tư tưởng lệch lạc cho kịp thời. Hết sức chú ý củng cố thông tin liên lạc được kịp thời và chính xác.

5. Kiên quyết và triệt để thi hành công văn số 2066-NL ngày 18-7-1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ đê ở gần xí nghiệp, công trường; những cơ quan, xí nghiệp không thi hành hoặc tái phạm khuyết điểm thì thủ trưởng của những cơ quan và xí nghiệp là người trước hết phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ.

6. Qua những kỳ báo động nếu thấy những đoạn đê còn quá thấp thì tổ chức đắp thêm và nếu vì khối lượng quá to không thể đắp toàn bộ thì ít nhất cũng đắp cao thêm con trạch. Phải lập tức đắp ngay những khoản đê thấp còn chừa lại, vì những khoản này có thể gây thiệt hại vì còn chừa kẽ hở làm cho những phần đã đắp lên cao rồi vẫn bị uy hiếp.

7. Phải giải quyết đúng đắn vấn đề chống lụt kết hợp với chống úng thủy và phòng hạn đúng theo tinh thần thông tư số 162-TTg ngày 25-7-1960. Chủ yếu hiện nay là phải khoanh vùng chắc ăn, giữ nước ở vùng cao, tập trung lực lượng và phương tiện để giải quyết cho từng vùng, kiên quyết bảo vệ những vùng có thể bảo vệ, không phân tán lực lượng. Trong mọi trường hợp có thể dùng máy bơm để chống úng thủy thì phải mạnh dạn dùng, để hỗ trợ việc đấu thủy của nhân dân, tăng thêm sức chiến đấu của nhân dân chứ không làm cho nhân dân ỷ lại không tát nước khoanh vùng để giữ những nơi có thể giữ được. Tranh thủ tháo nước trong mọi trường hợp tháo được, do đó việc quản lý mở, đóng cống phải chặt chẽ và phải bảo đảm an toàn. Những đập nào cần mở để nước rút nhanh thì cũng có thể mở, đồng thời phải chuẩn bị đắp lại khi phòng hạn. Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phải trực tiếp lãnh đạo những việc này để tránh những việc thiếu sót đáng tiếc có thể xảy ra và gây thiệt hại. Chống úng thủy đến đâu vận động nhân dân cấy đến đó. Ngành Nông nghiệp phải hướng dẫn việc cấy tái giá, giảm mạ để tránh mạ quá già và trong điều kiện có thể, lãnh đạo gieo thêm mạ nếu còn có thể cấy nữa, mặc dù năng suất có thể bị ảnh hưởng một phần.

8. Đề cao cảnh giác đề phòng sự xuyên tạc và phá hoại của địch. Ủy ban hành chính giao trách nhiệm cho Công an phối hợp với bộ đội và dân quân có kế hoạch cụ thể để chủ động đề phòng và đối phó. Kế hoạch phải có trọng tâm, trọng đểm.

Thủ tướng Chính phủ mong rằng Ủy ban hành chính các cấp hết sức coi trọng chỉ thị này và tích cực thực hiện các điểm nói trên để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mùa mưa, bão, lụt, bảo vệ vụ mùa thắng lợi và bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thắng lợi.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 

 
 
Phạm Hùng 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 180-TTg năm 1960 về lãnh đạo công tác phòng, chống lụt, bão và úng thủy một cách khẩn trương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 180-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/08/1960
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản