Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 12 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GẮN LIỀN VỚI XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ, CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành và UBND các cấp đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh bước đầu đạt được một số kết quả nhất định: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đến các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; đã kết nối, liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng dịch vụ công và một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được triển khai phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; nhiều kế hoạch, dự án, đề án về Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã và đang triển khai. Số lượng người dân và tổ chức đăng ký tài khoản điện tử, hồ sơ giao dịch trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp nhận, trả hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích được nâng lên. Qua đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, những năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử và chuyển đổi số với công tác cải cách hành chính chưa thống nhất, đồng bộ và chưa thực hiện hoàn thành các mục tiêu theo chương trình, kế hoạch xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Một số cơ quan, địa phương chưa hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo yêu cầu; số lượng người dân, tổ chức đăng ký: Tài khoản trực tuyến, hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích còn thấp. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền phục vụ phát triển Chính quyền điện tử chậm được nâng cấp, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh gắn liền với công tác cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Chủ động xây dựng, hoàn thiện và phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số của ngành, đơn vị, địa phương mình trong giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: “4 không” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không tiền mặt) và “một có” (Dữ liệu có chuyển đổi số). Đổi mới phương thức làm việc, phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính.

- Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không gắn với địa giới hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

- Xây dựng Kế hoạch và đẩy mạnh triển khai thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin do Trung ương triển khai; các nhiệm vụ được giao tại các kế hoạch, Đề án của UBND tỉnh: Kế hoạch cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh hàng năm; “Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030” theo Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/7/2020; Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025 theo Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 21/10/2020; Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”; Đề án “Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Phấn đấu Thừa Thiên Huế là một trong năm địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai ứng dụng: Thực hiện bảo hiểm xã hội số, cấp thẻ căn cước công dân, hóa đơn điện tử, xử phạt vi phạm hành chính qua hệ thống giám sát, vận hành cơ sở dữ liệu công dân.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai, hoàn thiện và khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng tiến độ các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh đã và đang được triển khai, gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

- Tập trung triển khai chuyển đổi số trong dịch vụ công, trước hết là áp dụng e-form (biểu mẫu điện tử), đảm bảo tối thiểu 20% thông tin của công dân, tổ chức được tự động nhập vào e-form khi nộp hồ sơ trực tuyến, làm cơ sở để hình thành, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo hướng từ phân tán đến tập trung. Trong quá trình triển khai cần ưu tiên chọn lựa các dịch vụ công phát sinh nhiều, thực hiện từ “điểm đến diện”. Có các giải pháp khuyến khích công dân, tổ chức tham gia nộp hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm chi phí, công sức trong chuyển đổi số.

- Thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số, đô thị thông minh do Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng ban; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, tạo lập dữ liệu, chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp chất lượng, dung lượng đường truyền, hạ tầng cơ sở cấp xã; đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối quý, báo cáo tình hình thực hiện và phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, trình UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ theo quy định tại Khoản 23, Mục V Nghị quyết số 17/NQ- CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tích cực triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử của tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, sử dụng ứng dụng Hue-S kết hợp thanh toán không dùng tiền mặt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp và duy trì, quản lý các hệ thống thông tin dùng chung và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử và chuyển đổi số, đô thị thông minh; phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh hoàn thiện Cổng dịch vụ công tỉnh, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ và hoàn thiện, áp dụng hệ thống e-form đối với các loại giấy tờ phổ biến của công dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính.

- Hoàn thiện Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp bảo đảm có một đầu mối theo dõi, giám sát, tích hợp với các hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương, bảo đảm mọi ý kiến của người dân, doanh nghiệp được gửi, nhận hoàn toàn trên môi trường mạng.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng Chính quyền điện tử.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

3. Sở Nội vụ

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình hành động, kế hoạch về công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 và hàng năm; trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính gắn với xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.

- Hoàn thiện công tác cập nhập dữ liệu hồ sơ công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Liên thông Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức quốc gia.

- Ưu tiên bố trí trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn trình độ, năng lực và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức đảm nhận vị trí việc làm công nghệ thông tin, đảm bảo năng lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế bố trí nguồn kinh phí bảo đảm dịch vụ bưu chính công ích, mua sắm trang thiết bị phù hợp để phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên thực hiện đầu tư, nâng cấp đường truyền, máy tính, thiết bị cho các đơn vị cấp xã.

5. Văn phòng UBND tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh các giải pháp, công nghệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến để đẩy mạnh số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến góp phần vào chuyển đổi số trong dịch vụ công.

- Phối hợp với Bưu điện tỉnh trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm gia tăng số lượng hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng; triển khai thí điểm mô hình thu phí, lệ phí trực tiếp, trực tuyến tại Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin để phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết và tham gia hưởng ứng trong quá trình xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh của tỉnh.

7. Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc BHXH tỉnh, Cục trưởng Cục thuế tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch để thực hiện cấp thẻ căn cước công dân, vận hành cơ sở dữ liệu công dân, chủ trương khám chữa bệnh không mang theo Thẻ BHYT, bảo hiểm xã hội số (VssID), 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trước tháng 6 năm 2021.

8. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ tại Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2020 về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 24/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản