Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

Số: 24/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 7 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÉT GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

Ngày 27 tháng 11 năm 1981 Hội đồng Nhà nước đã ban hành pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân. Ngày 29 tháng 3 năm 1982 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định 58/HĐBT quy định việc thi hành Pháp lệnh ngày 27 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Nhà nước.

Hơn 5 năm thi hành Pháp lệnh và Nghị định nêu trên, các ngành, các cấp của thành phố có nhiều cố gắng, đã giải quyết được nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, phát hiện uốn nắn nhiều sai sót trong quản lý kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó cũng còn nhiều khuyết điểm cần được khắc phục: nhiều vụ khiếu tố để tồn đọng kéo dài quá lâu vi phạm thời gian quy định của Pháp lệnh; cùng một đơn khiếu nại, tố cáo gởi cho nhiều ngành, nhiều cấp, đơn được chuyển qua lại, lên xuống lòng vòng, nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn…

Nhằm khắc phục các tồn tại thiếu sót nêu trên, để chấp hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, xử lý đúng người, đúng việc, đúng thời hạn quy định, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc phân công trách nhiệm các ngành các cấp, các cơ quan, trong việc xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:

I.- TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN:

Nguyên tắc chung: Thủ trưởng các Sở, Ngành thành phố, các tổ chức quản lý cấp trên cơ sở, các đơn vị cơ sở, Ủy ban nhân dân các cấp, quận, huyện, phường, xã có trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi đơn vị, ngành, cấp mình. Ủy ban nhân dân thành phố xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà thủ trưởng các cơ quan, sở ngành thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại, tố cáo.

Phân công cụ thể:

1) Ủy ban nhân dân phường, xã thị trấn có trách nhiệm xét và giải quyết:

- Các đơn khiếu nại, tố cáo của tập thể hoặc cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm của chánh quyền phường, xã.

- Các khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân quận, huyện giao.

- Đôn đốc giúp đỡ Ban kiểm soát Hợp tác xã, tổ sản xuất hoặc tập đoàn sản xuất giải quyết những việc do xã viên, tổ viên khiếu nại trong nội bộ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, theo điều lệ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.

- Xét giải quyết các khiếu nại đối với chủ nhiệm hoặc Ban quản trị hợp tác xã, các khiếu nại đối với tập đoàn trưởng hoặc Ban quản lý tập đoàn sản xuất.

- Xét giải quyết hòa giải các khiếu nại, xích mích tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân ở phường, xã.

2) Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm xét và giải quyết:

- Các khiếu nại hoặc tố cáo đối với thủ trưởng hoặc Ban lãnh đạo của các cơ quan đơn vị thuộc quyền quản lý như: các thành viên của Ủy ban nhân dân phường xã, thị trấn, các trưởng phó phòng chuyên môn thuộc Ủy ban, Giám đốc, Phó Giám đốc các Công ty xí nghiệp thuộc quận, huyện quản lý, Ban quản trị hoặc Ban kiểm soát hợp tác xã TTCN, vận tải mua bán thuộc quận huyện quản lý.

- Các tố cáo đối với Chủ nhiệm hoặc Ban quản trị hợp tác xã, tập đoàn trưởng hoặc Ban quản trị tập đoàn sản xuất do Ủy ban nhân dân phường, xã quản lý.

- Xét lại và giải quyết các khiếu nại tố cáo mà cấp phường, xã hoặc các đơn vị trực thuộc đã giải quyết nhưng đương sự không đồng ý, hoặc phát hiện có sai lầm.

- Các khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân thành phố giao.

3) Thủ trưởng các sở, ban, ngành chuyên môn và đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

- Các khiếu nại về việc thực hiện chính sách, chế độ chuyên môn do Nhà nước quy định cho ngành quản lý.

- Các khiếu nại, tố cáo cán bộ công nhân viên, các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở ban ngành.

- Các khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân thành phố giao hoặc Ủy ban thanh tra, Viện kiểm sát nhân dân đã phát hiện là giải quyết không chính xác yêu cầu các cơ quan hưu quan xem xét, giải quyết lại.

4) Ủy ban nhân dân thành phố xét, giải quyết:

- Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý của ngành đã được Thủ trưởng các cơ quan, sở, ngành thành phố, hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết, nhưng đượng sự còn khiếu nại, tố cáo, hoặc Ủy ban thanh tra thành phố phát hiện giải quyết không chính xác có kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết lại.

- Các khiếu nại, tố cáo đối với Thủ trưởng sở, ngành cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, hoặc đối với các thành viên Ủy ban nhân dân quận, huyện.

5) Cơ quan thanh tra các cấp các ngành ở thành phố có trách nhiệm: giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và Thủ trưởng ngành mình xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong phạm vi ngành, cấp mình; trực tiếp xét giải quyết các khiếu nại tố cáo do Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng sở ngành giao; kiểm tra, kiến nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc Thủ trưởng sở ngành xem xét giải quyết lại các vụ khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan, đơn vị Ủy ban nhân dân cấp dưới giải quyết, nhưng phát hiện có sai lầm.

6) Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ sở phường, xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh hành chánh, sự nghiệp tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân phường, xã hoặc với Thủ trưởng đơn vị cơ sở trong việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức trong phạm vị phường, xã và đơn vị cơ sở.

7) Đại biểu Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân các cấp tham gia công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983.

Các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giúp HĐND thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan chánh quyền cùng cấp trong việc xét giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước.

Ban Thư ký, các Ban chuyên trách và đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn hoặc yêu cầu các thành viên Ủy ban nhân dân, các cơ quan chánh quyền cùng cấp, cán bộ nhân viên Nhà nước và những người hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày những vẫn đề cần thiết liên quan đến khiếu nại, tố cáo của công dân gởi đến Hội đồng nhân dân. Các nơi được chất vấn hoặc tiếp nhận các ý kiến đề nghị phải nghiêm túc ghi nhận, nghiên cứu và trả lời. Nếu xét thấy hợp lý và thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết ngay. Nếu cần thời gian để xem xét thì Thủ trưởng cơ quan hẹn trả lời sau nhưng không quá 1 tháng.

II.- TIẾP NHẬN, NGHIÊN CỨU XEM XÉT GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THEO CHUYÊN ĐỀ, CHUYÊN NGÀNH:

- Để xác định rõ ràng chức trách của các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xem xét giải quyết nhanh chóng mọi khiếu nại, tố cáo của công dân. Ủy ban nhân dân thành phố phân nhiệm việc xét và giải quyết khiếu tố theo chuyên đề chuyên ngành tùy theo nội dung, tính chất vụ việc khiếu tố như sau:

1) Khiếu tố về bắt, tạm giam, thu giữ tài sản, hộ khẩu:

Nên gởi đơn cho công an quận, huyện giải quyết. Trường hợp công an quận, huyện đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại thì chuyển công an thành phố. Trường hợp khiếu nại giam giữ lâu ngày nên gởi đơn cho Viện kiểm sát nhân dân.

- Cán bộ nhân viên chức Nhà nước, cán bộ hưu trí khiếu nại về việc xin nhập hộ khẩu vào thành phố nên gởi đơn cho Ban Tổ chức chánh quyền thành phố.

- Công nhân trực tiếp sản xuất trong biên chế Nhà nước khiếu nại về xin nhập hộ khẩu vào thành phố nên gởi đơn cho Sở Lao động thành phố.

- Khiếu tố về hộ tịch do Ủy ban nhân dân quận, huyện thành phố giải quyết.

2) Các khiếu nại, tố cáo cán bộ, nhân viên Nhà nước ức hiếp, trù dập: Tùy theo tính chất của đơn là khiếu nại hay tố cáo mà chuyển cho Thủ trưởng cơ quan của người bị khiếu nại hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị tố cáo theo quy định mục I chỉ thị này.

Nếu người bị khiếu tố là cán bộ hoặc nhân viên ngành công an thì chuyên Ban thanh tra Công an thành phố xử lý đơn.

Trường hợp nếu thấy việc chuyển đơn khiếu tố cho cơ quan của người bị khiếu nại tố cáo sẽ có hại cho người khiếu tố thì chuyển cho Ban thanh tra quận, huyện hoặc Ủy ban thanh tra thành phố xử lý đơn.

3) Các đơn khiếu nại liên quan đến các chánh sách chế độ về nhà:

- Những khiếu nại liên quan đến việc cơ quan Nhà nước quản lý, điều chỉnh, phân phối nhà, đến việc mua bán xây cất nhà, hoặc liên quan đến trường hợp bị trục xuất ra khỏi nhà, bị người khác chiếm dụng nhà trái phép… thì chuyển cho cơ quan Nhà đất (quận, huyện hoặc thành phố tùy theo phân cấp).

- Những đơn tranh chấp về nhà cửa giữa tư nhân với nhau thuê và cho thuê nhà, thi hành hợp đồng mua bán nhà, phân chia nhà trong các công đồng sở hữu, xâm phạm diện tích ở hoặc chiếm dụng nhà trái phép gởi đến cơ quan nhà đất. Nếu không hòa giải được thì chuyển đến Tòa án nhân dân quận, huyện sở tại xét xử dân sự.

- Những đơn khiếu nại về việc xây dựng nhà cửa trái phép gởi Phòng xây dựng quận, huyện giải quyết. Đương sự còn tiếp tục khiếu tố thì gởi đơn cho Ủy ban Xây dựng cơ bản thành phố xem xét giải quyết.

- Những khiếu nại liên quan đến việc chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân về nhà phố: chuyển cho Tòa án nhân dân quận, huyện nơi chấp hành án hoặc Tòa án nhân dân thành phố.

4) Các khiếu nại về việc thi hành chánh sách lao động tiền lương: tuyển dụng, cho thôi việc, buộc thôi việc, cắt hợp đồng tiền lương, tiền thưởng bảo hiểm xã hội.

- Cán bộ công nhân viên có đơn khiếu nại thuộc các loại trên, phát sinh ở cơ sở nào thì lãnh đạo và công đoàn cơ sở hoặc cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, xét giải quyết, nếu trường hợp giải quyết không được thì xin ý kiến cơ quan chức năng (lao động, tổ chức chánh quyền), và công đoàn cấp thành phố can thiệp giải quyết.

- Nếu người khiếu nại là cán bộ công nhân viên cơ quan hành chánh sự nghiệp của quận, huyện thì chuyển đến Ủy ban nhân dân quận, huyện.

- Nếu người khiếu nại là cán bộ công nhân viên của các đơn vị cấp thành phố chuyển cho Giám đốc các sở ban ngành chủ quản xét và giải quyết, trường hợp đương sự chưa thỏa mãn còn khiếu nại thì chuyển đơn cho Sở Lao động thành phố xử lý đơn.

- Nếu người khiếu nại là cán bộ công nhân viên của các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành ở trung ương thì chuyển cho thủ trưởng cơ quan cấp trên của đơn vị đó.

- Nếu người khiếu nại là lao động sản xuất ở các cơ sở sản xuất hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp, tư nhân thì chuyển đơn đến phòng lao động quận, huyện hoặc Sở Lao động thành phố (tùy theo cấp quản lý là quận, huyện hay thành phố).

- Những khiếu nại: của cán bộ công nhân viên vì bị buộc thôi việc (đã được Sở Lao động giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại), của người học nghề hoặc giáo viên dạy nghề, thực tập sinh sản xuất hoặc của người đi lao động hợp tác với nước ngoài bị buộc phải bồi thường phí tổn cho Nhà nước do vi phạm kỷ luật, vi phạm hợp đồng, những tranh chấp giữa người làm công và chủ tư nhân chuyển đơn cho Tòa án nhân dân nơi cư trú của bị đơn xét, giải quyết, trong thời hạn quy định 1 tháng theo quyết định số 10/HĐBT ngày 14-1-1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 02/TT-LN ngày 02-10-1985 của Tòa án nhân dân Tối cao – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao – Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Bộ Lao động – Tổng cục dạy nghề.

- Những đơn khiếu nại về tiền lương của cán bộ nhân viên thuộc cơ quan đơn vị cấp nào quản lý thì chuyển đơn cho cấp đó xét, giải quyết theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, nếu đã giải quyết rồi mà đương sự còn khiếu nại thì chuyển đơn lên cấp trên 1 cấp của cơ quan đơn vị cấp quản lý cán bộ đó xét, giải quyết.

5) Những khiếu nại liên quan đến ruộng đất: (điều chỉnh, thu hồi diện tích sử dụng) thì chuyển đơn đến Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết, nếu khiếu nại đó do Ủy ban nhân dân phường, xã đã quyết định, hoặc chuyển đơn đến ban quản lý ruộng đất thành phố giải quyết, nếu khiếu nại đó do Ủy ban nhân dân quận, huyện đã giải quyết.

6) Những đơn khiếu nại về khen thưởng các danh hiệu thi đua: Chuyển cho Ủy ban nhân dân phường, xã xét và giải quyết đối với cán bộ nhân viên của phường, xã: chuyển cho Ủy ban nhân dân quận, huyện trường hợp người khiếu nại là cán bộ nhân viên của quận, huyện hay là các bộ nhân viên của phường, xã mà không nhất trí với sự giải quyết của phường, xã. Trường hợp các bộ nhân viên thuộc cơ quan đơn vị ngành cấp thành phố thì chuyển đơn cho Giám đốc các sở ngành chủ quản xét, giải quyết; trường hợp đương sự vẫn còn khiếu nại thì chuyển đơn cho Ban Thi đua khen thương thành phố nghiên cứu xử lý đơn.

7) Các khiếu nại về chế độ nghỉ hưu mất sức, thương binh liệt sĩ, xác nhận người có công cách mạng, chuyển đơn đến phòng thương binh xã hội quận, huyện nếu nơi đây đã giải quyết mà đương sự còn khiếu nại thì chuyển đơn đến Sở Thương binh xã hội thành phố.

8) Những đơn khiếu nại liên quan đến việc khám, trị bệnh của các bệnh viện: Chuyển đơn đến phòng Y tế quận, huyện xét, giải quyết đối với cơ sở do quận, huyện quản lý hoặc chuyển cho Sở Y tế hoặc Bộ Y tế tùy theo trường hợp các bệnh viện do thành phố hoặc Bộ quản lý.

9) Những khiếu nại liên quan đến việc tuyển sinh, thi cử:

Chuyển đơn đến phòng giáo dục quận, huyện, Sở Giáo dục, Ban Giáo dục chuyên nghiệp thành phố hoặc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp theo quy định phân cấp quản lý. Các đơn tố cáo Ban giám hiệu trường phổ thông cơ sở thì chuyển đơn cho Phòng Giáo dục hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, nếu nơi đây đã giải quyết rồi mà đương sự còn khiếu nại thì chuyển cho Ban Thanh tra Sở Giáo dục, nếu đơn tố cao Ban Giám hiệu trường phổ thong trung học thì chuyển đơn cho Ban Giám đốc Sở Giáo dục.

10) Đơn tố cáo việc tiêu cực ở cơ quan, đơn vị làm thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa: chuyển cho Ban thanh tra quận, huyện nếu sự việc xã ra ở cơ quan đơn vị thuộc quận, huyện quản lý; nếu sự việc đã được Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết nhưng đượng sự tiếp tục tố cáo hoặc sự việc tiêu cực xảy ra ở cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý thì chuyển đơn cho Ủy ban thanh tra thành phố. Những sự việc vi phạm có tính chất nghiêm trong chuyển cho công an hoặc Viện kiểm sát để thụ lý điều tra tuy tố theo Bộ luật Hình sự.

11) Đơn tố giác cá nhân, tổ chức phạm pháp hình sự, phản cách mạng, cướp, lừa đảo, đầu cơ, buôn lậu phá rối thị trường… chuyển cho Ban Giám đốc Công an thành phố hoặc hướng dẫn đương sự trực tiếp gặp Ban Giám đốc Công an thành phố.

12) Những đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chánh sách cải tạo công thương nghiệp: chuyển Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có quyết định cải tạo hoặc Ban cải tạo công thương nghiệp thành để nơi này phối hợp xét, giải quyết hoặc trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo sự phân cấp.

13) Khiếu nại về việc đơn khiếu nại, tố cáo đã giải quyết nhưng người có trách nhiệm thi hành lại không thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu tố: chuyển cho Ủy ban nhân dân quận, huyện đối với vụ việc do cơ quan quận, huyện giải quyết; chuyển cho Ủy ban thanh tra thành phố đối với vụ viêc do cơ quan thành phố giải quyết.

14) Đối với dơn có nội dung sau đây thì cần gởi hoặc chuyển đến cơ quan Pháp luật hoặc tổ chức đoàn thể xét và giải quyết theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định:

- Những tranh chấp về dân sự, tài sản thừa kế, về việc thi hành hợp đồng mua bán giữa tư nhân với nhau, vay mượn cầm cố cho thuê, đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về dân sự, các việc liên quan đến hôn nhân gia đình, ly hôn, tiêu hôn, yêu cầu cấp dưỡng, truy nhận cha mẹ, hủy bỏ việc nuôi con nuôi… cần gởi hoặc chuyển đơn cho Tòa án nhân dân.

- Những đơn khiếu tố liên quan đến nguyên tắc sinh hoạt Đảng, khen thưởng kỷ luật Đảng… thì cần gởi hoặc chuyển đơn cho Ủy ban Kiểm tra Đảng giải quyết theo điều lệ Đảng.

- Những khiếu tố của công nhân viên chức liên quan đến nội bộ tổ chức công nhân, liên quan đến việc thực hiện luật công đoàn, điều lệ công đoàn, việc thực hiện chánh sách bảo hiểm xã hội do công đoàn quản lý thì tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn quận, huyện hoặc Liên hiệp Công đoàn thànhp hố xét và giải quyết theo phân cấp trong quy định số 475/KT-TC ngày 25-4-1985 của Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam về trách nhiệm của các cấp công đoàn xét, giải quyết và tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công nhân viên chức.

III.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1) Tổ chức tiếp dân: Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các sở ngành thành phố, cơ quan chánh quyền, quận huyện, các tổ chức phục vụ lợi ích công cộng (điện, nước…) có nhiệm vụ phân công trong lãnh đạo tổ chức việc tiếp dân mỗi tuần 1 lần theo quy định của điều 8 Pháp lệnh ngày 27-11-1981 của Hội đồng Nhà nước và điều 5 của Nghị định 58/HĐBT ngày 29-3-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn số 02/TT-TTr ngày 4-5-1982 của Ủy ban Thanh tra Chánh phủ.

2) Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc tiếp nhận đơn và quản lý đơn khiếu tố đúng theo quy định của Pháp lệnh xét khiếu tố (điều 9) và Nghị định số 58/HĐBT ngày 29-3-1982 (điều 7, điều 8) của Hội đồng Bộ trưởng đồng thời phải giải quyết và xử lý các khiếu nại, tố cáo như sau:

a) Đối với đơn khiếu nại:

Nếu khiếu nại đúng, thì cơ quan đơn vị bị khiếu nại phải có kế hoạch biện pháp sửa sai.

Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị phải chịu trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo mọi tổ chức, cơ quan, cán bộ thuộc quyền mình nghiêm chỉnh chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Nếu khiếu nại sai thì giải thích cho đương sự nhận rõ sự việc và rút kinh nghiệm.

b) Đối với đơn tố cáo, phải điều tra xác minh nghiêm túc vô tư, chính xác. Nếu đúng thì xử lý người có hành động phạm pháp, kỷ luật hành chánh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và có biện pháp rút kinh nghiệm để chấn chỉnh công tác quản lý, tránh sơ hở lỏng lẻo và tái phạm. Nếu đơn có nội dung vừa khiếu nại vừa tố cáo thì được xem xét là đơn khiếu nại, nội dung tố cáo sẽ được cơ quan thanh tra hướng dẫn thêm đối với đương sự.

Trường hợp tố cáo không đúng, thì có kết luận rõ ràng, giải thích phê bình rút kinh nghiệm cho người tố cáo. Trường hợp cố tình vu cáo, có cố ý và có bằng chứng rõ ràng là để hảm hại người khác, vu cáo hoặc phá hoại tổ chức thì tùy theo mức độ mà kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hành chánh hoặc chuyển Viện kiểm sát nhân dân để truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Đối với đơn tố cáo nặc danh: về nguyên tắc là không giải quyết, nhưng nếu xét thấy sự việc nêu ra rõ ràng cụ thể và có hiện tượng đương sự sợ trả thù, trù dập thì thủ trưởng cơ quan cũng phải cho xác minh và xử lý nếu sự việc khiếu tố có sự thật đúng đắn.

3) Trường hợp khiếu nại, tố cáo của công dân được đưa lên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, thông tấn xã sự việc thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào thì thủ trưởng cơ quan đó phải xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và cho đương sự biết. Nếu đưa tin không chính xác thì tổ chức đưa tin, người cung cấp tin đó phải chịu trách nhiệm đính chính và chịu trách nhiệm pháp lý về việc ấy.

4) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng pháp lệnh xét khiếu tố của Hội đồng Nhà nước, quy định của Hội đồng Bộ trưởng và chỉ thị này. Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo thường kỳ trước Hội đồng nhân dân cấp mình về tình hình và kết quả xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong địa phương (theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân).

5) Ban Thanh tra quận, huyện, Ủy ban Thanh tra thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện và Ủy ban nhân dân thành phố quản lý công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo tiến hành thường xuyên việc thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, quận, huyện, phường, xã việc chấp hành Pháp lệnh xét khiếu tố của Hội đồng Nhà nước và chỉ thị này.

Từng quý, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra thành phố báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố và Hội đồng nhân dân thành phố về tình hình thực hiện các quy định về xét giải quyết khiếu tố, tình hình chấp hành các quyết định, kiến nghị xử lý, biện pháp khắc phục, cải tiến, công tác quản lý của cơ quan Nhà nước ở thành phố.

Các cơ quan, tổ chức thuộc các ngành thành phố, quận, huyện, phường, xã có trách nhiệm thi hành chế độ báo cáo lên cấp trên theo hướng dẫn của Ủy ban Thanh tra thành phố.

6) Thành lập Phòng tiếp dân (sinh hoạt trong Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố) để giúp cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc tiếp dân. Phòng tiếp dân có nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

- Chuẩn bị, sắp xếp lịch và tổ chức cho Chủ tịch và thành viên Ủy ban nhân dân, các trưởng, phó các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp dân hàng tuần theo quy định.

- Hướng dẫn nhân dân gởi đơn khiếu nại, tố cáo đúng cơ quan, đúng ngành, đúng cấp có thẩm quyền xét giải quyết.

- Tiếp nhận các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

- Giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo dõi, nhắc nhở, đôn đốc, các ngành các cấp trong việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo của nhân dân và thực hiện các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về giải quyết khiếu tố.

- Hàng tháng tổng hợp tình hình tiếp dân, nhận đơn và các kiến nghị của dân báo cáo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và các Ban của Hội đồng nhân dân có liên quan.

- Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo đã kéo dài thời gian, hoặc phải khẩn cấp giải quyết, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Phòng tiếp dân phối hợp với Ủy ban Thanh tra thành phố, các cơ quan chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân sở tại để tổ chức, điều tra, xác minh tài liệu hồ sơ nghiên cứu đề xuất ý kiến trình Hội đồng xét khiếu tố hoặc Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.

7) Thành lập Hội đồng xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo thành phố để giúp Ủy ban nhân dân thành phố xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.

Thành phần Hội đồng gồm có:

- Chủ tịch UBND thành phố: Chủ tịch Hội đồng

- Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra TP: Phó Chủ tịch HĐ/Thường trực

- Giám đốc Sở Tư pháp: Ủy viên

- Giám đốc Công an thành phố: Ủy viên

- Trường Phòng Tiếp dân của HĐND và UBND/TP: Thư ký/TT

- Mời Trưởng Ban Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố tham gia thành viên thường xuyên Hội đồng.

- Trong phiên họp của Hội đồng xét, giải quyết vụ việc khiếu tố có liên quan đến lĩnh vực của Ban chuyên trách Hội đồng nhân dân hoặc liên quan đến ngành nào cấp nào của Nhà nước hoặc của Mặt trận và các đoàn thể thì mời Trưởng Ban chuyên trách Hội đồng nhân dân và Thủ trưởng của ngành, cấp hoặc đại diện đoàn thể đó tham gia thành viên Hội đồng.

- Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được phân công thay mặt Chủ tịch chủ tọa phiên họp của Hội đồng xét giải quyết những vụ việc khiếu tố thuộc khối phụ trách.

Hội đồng họp định kỳ 2 tuần 1 lần (nếu tồn đọng nhiều vụ việc thì mỗi tuần họp 1 lần).

- Ủy ban Thanh tra thành phố là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng. Những vụ việc đưa ra Hội đồng xét giải quyết do Ủy ban Thanh tra thành phố phối hợp cùng Phòng tiếp dân của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố chuẩn bị, trên cơ sở vụ việc thuộc chức năng ngành nào, ngành đó có trách nhiệm điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng lý chuẩn bị hồ sơ và trực tiếp báo cáo ra phiên họp Hội đồng xét, quyết định.

Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ kết luận của Hội đồng mà ra quyết định giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp khẩn cấp, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng có quyền đề nghị Thủ trưởng các ngành, các cấp ngừng thi hành các vụ việc có đơn khiếu nại, tố cáo và chịu trách nhiệm về sự can thiệp đó trước Ủy ban nhân dân thành phố.

- Ở quận, huyện, nếu xét thấy có yêu cầu, Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định thành lập Hội đồng xét, giải quyết khiếu tố để giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện xét giải quyết các khiếu tố của công dân thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận, huyện.

8) Ủy ban Thanh tra thành phố, Sở Tư pháp và các cơ quan thông tin báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể trong việc hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nâng cao trách nhiệm cơ quan Nhà nước thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh xét khiếu tố và chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/CT-UB năm 1987 về tăng cường công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 24/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/07/1987
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản