Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5-LCT/HĐNN7

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1981

 

PHÁP LỆNH

QUY ĐỊNH VIỆC XÉT VÀ GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

Để tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đối với nhân viên các cơ quan, tổ chức và đơn vị đó, nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân;
Để bảo đảm quyền khiếu nại và tố cáo của công dân;
Để xác định nghĩa vụ và nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng và ban lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, và đơn vị vũ trang nhân dân trong việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân;
Căn cứ vào Điều 73 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan nào của Nhà nước về những việc làm trái chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, và đơn vị vũ trang nhân dân (dưới đây gọi tắt là cơ quan và tổ chức), hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan và tổ chức đó làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân.

Điều 2

Các cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ và trách nhiệm xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Các khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan, tổ chức hoặc nhân viên thuộc quyền quản lý của ngành hoặc cấp nào thì ngành hoặc cấp đó có trách nhiệm xét và giải quyết.

Điều 3

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo đúng chính sách, pháp luật, trong thời hạn quy định của Pháp lệnh này; phải xử lý nghiêm minh những người vi phạm; đề ra biện pháp sửa chữa những vi phạm và bảo đảm cho quyết định của mình được thi hành nghiêm chỉnh; phải tìm nguyên nhân gây ra việc khiếu nại, tố cáo để giúp cơ quan, tổ chức hoặc nhân viên thuộc quyền sửa chữa khuyết điểm, sai lầm và cải tiến công tác.

Cơ quan, tổ chức hoặc nhân viên bị khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thi hành kịp thời các biện pháp nhằm sửa chữa những vi phạm, theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4

Người bị thiệt hại có quyền được khôi phục danh dự và được bồi thường. Cơ quan, tổ chức hoặc nhân viên gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 5

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Điều 6

Thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, khi thấy trong đơn vị mình xảy ra những vi phạm chính sách, pháp luật thì phải kịp thời giải quyết, để giảm bớt các khiếu nại, tố cáo.

Điều 7

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc bao che cho người bị khiếu nại, tố cáo.

Chương 2:

VIỆC TIẾP NHẬN CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 8

Công dân có thể gửi đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan Nhà nước hữu quan để khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan này có nhiệm vụ nhận đơn và tiếp đương sự.

Các cơ quan Nhà nước phải có chế độ định kỳ tiếp dân. Ngày, giờ và nơi tiếp phải được niêm yết công khai.

Điều 9

Cơ quan Nhà nước nhận khiếu nại, tố cáo phải ghi vào sổ nhận. Nếu đương sự đến trình bày miệng thì phải ghi đầy đủ nội dung sự việc, và bản ghi đó phải được đương sự ký xác nhận.

Nếu thấy việc khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền xét và giải quyết của mình, thì cơ quan nhận khiếu nại, tố cáo phải chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và báo cho đương sự biết trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận. Trong trường hợp đương sự trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo thì hướng dẫn đương sự đến cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải báo cho đương sự biết khi nhận được khiếu nại, tố cáo chuyển đến.

Điều 10

Các khiếu nại, tố cáo của công dân do các báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình chuyển đến, các tin tức, tài liệu công bố trên báo chí hoặc trên đài có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo của công dân, phải được các cơ quan, tổ chức hữu quan xét và giải quyết theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 11

Cấm tiết lộ hoặc chuyển đơn tố cáo, bản sao đơn tố cáo, bản ghi lời tố cáo của đương sự cho cơ quan, tổ chức hoặc người bị tố cáo.

Không được chuyển các khiếu nại cho cơ quan, tổ chức hoặc người bị khiếu nại, nếu thấy có hại cho người khiếu nại.

Chương 3:

THẨM QUYỀN VÀ THỜI HẠN XÉT VÀ GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 12

Các khiếu nại đối với các nhân viên thuộc cơ quan, tổ chức nào thì thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm xét và giải quyết.

Các khiếu nại đối với thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức nào thì thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm xét và giải quyết.

Các khiếu nại đối với Chủ nhiệm hoặc Ban quản trị hợp tác xã, đối với Tập đoàn trưởng hoặc Ban quản lý tập đoàn sản xuất nào thì Uỷ ban nhân dân trực tiếp quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đó có trách nhiệm xét và giải quyết.

Điều 13

Các tố cáo đối với nhân viên thuộc cơ quan, tổ chức nào thì thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm xét và giải quyết.

Các tố cáo đối với thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức nào thì tuỳ tính chất sự việc, thủ trưởng hoặc ban lãnh đạo cấp trên trực tiếp hoặc cao hơn một cấp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm xét và giải quyết.

Các tố cáo đối với Chủ nhiệm hoặc Ban quản trị hợp tác xã, đối với Tập đoàn trưởng hoặc Ban quản lý tập đoàn sản xuất thì Uỷ ban nhân dân huyện hoặc cấp tương đương có trách nhiệm xét và giải quyết.

Điều 14

Sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã giải quyết, nếu đương sự không đồng ý, thì có thể khiếu nại, tố cáo lên cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó.

Điều 15

Các cơ quan Nhà nước, khi xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp những tài liệu cần thiết. Cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó.

Uỷ ban nhân dân các cấp, trước khi giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác quản lý của cơ quan ngành dọc cấp trên nào, thì phải trao đổi ý kiến với cơ quan đó.

Các cơ quan ngành dọc cấp trên, trước khi giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp dưới nào, thì phải trao đổi ý kiến với Uỷ ban nhân dân đó.

Điều 16

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương có trách nhiệm xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà thủ trưởng cơ quan thuộc quyền hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp đã giải quyết, nhưng đương sự còn khiếu nại, tố cáo.

Điều 17

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng có trách nhiệm xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà thủ trưởng cơ quan thuộc quyền đã giải quyết, nhưng đương sự còn khiếu nại, tố cáo.

Điều 18

Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng có trách nhiệm xét và giải quyết:

a) Các khiếu nại, tố cáo đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương.

b) Các khiếu nại, tố cáo mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương đã xét và giải quyết, nhưng phát hiện có sai lầm.

Điều 19

Chủ nhiệm Uỷ ban thành tra của Chính phủ có trách nhiệm:

a) Xem xét và trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng giải quyết các khiếu nại, tố cáo về việc làm trái chính sách, pháp luật của thủ trưởng các ngành ở trung ương hoặc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương.

b) Xem xét và kiến nghị giải quyết lại hoặc trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương đã giải quyết, những phát hiện có sai lầm.

Chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra các địa phương, Trưởng ban thanh tra các ngành có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, thủ trưởng ngành xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo quy định ở Điều 16Điều 17 của Pháp lệnh này.

Điều 20

Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp có trách nhiệm xét và giải quyết, theo thủ tục do pháp luật quy định, các khiếu nại, tố cáo về những việc thuộc thẩm quyền của mình.

Điều 21

Các đoàn thể nhân dân và tổ chức khác có trách nhiệm xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với thành viên trong đoàn thể hoặc tổ chức, theo quy định của pháp luật và điều lệ hoạt động của mình.

Đối với các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước thì phải kịp thời chuyển đến các cơ quan đó xét và giải quyết.

Điều 22

Các khiếu nại thuộc quyền xét và giải quyết của cấp xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị cơ sở khác phải được xét và giải quyết chậm nhất không quá một tháng kể từ ngày nhận; đối với các cấp khác thì chậm nhất không quá ba tháng.

Điều 23

Các tố cáo thuộc quyền xét và giải quyết của cấp xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị cơ sở khác phải được xét và giải quyết chậm nhất không quá hai tháng kể từ ngày nhận; đối với các cấp khác thì chậm nhất không quá sáu tháng.

Điều 24

Đối với những việc phức tạp phải điều tra lâu thì cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải báo cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp để xin gia hạn, nhưng không được quá gấp đôi thời hạn đã quy định ở Điều 22Điều 23 của Pháp lệnh này, và sau khi được cơ quan cấp trên đồng ý, phải báo cho đương sự biết việc gia hạn đó.

Chương 4:

VIỆC QUẢN LÝ, KIỂM TRA CÔNG TÁC XÉT VÀ GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 25

Hội đồng bộ trưởng quản lý trong phạm vi cả nước công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp trong việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan thuộc quyền trong việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Uỷ ban nhân dân quản lý trong phạm vi địa phương mình việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan thuộc quyền trong việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Điều 26

Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhận được các khiếu nại, tố cáo của công dân có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển đến cơ quan Nhà nước hữu quan, theo dõi việc giải quyết và báo cho đương sự biết kết quả.

Cơ quan Nhà nước hữu quan phải báo cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân biết kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển đến.

Điều 27

Chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra các cấp, Trưởng ban thanh tra các ngành có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thi hành chế độ tiếp nhận, xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ở các cấp, các ngành; có quyền yêu cầu các cơ quan hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết nhằm chấm dứt các vi phạm đã dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Cơ quan được yêu cầu phải trả lời cơ quan thanh tra trong thời hạn mười lăm ngày.

Điều 28

Hội đồng bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo thường kỳ trước Hội đồng Nhà nước về công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân báo cáo thường kỳ trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ở địa phương.

Điều 29

Viện kiểm sát nhân dân các cấp có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức trong công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chương 5:

VIỆC XỬ LÝ CÁC VI PHẠM

Điều 30

Người nào có trách nhiệm nhận, chuyển, xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân mà không chấp hành các quy định của Pháp lệnh này thì bị xử lý theo kỷ luật hành chính.

Điều 31

Người nào phạm một trong những tội sau đây thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo.

b) Có trách nhiệm chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà cố tình không chấp hành, gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.

Điều 32

Người nào có hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo thì bị phạt tù từ sáu tháng đến sáu năm; nếu hành vi trả thù là tội phạm mà pháp luật quy định hình phạt nặng hơn thì bị xử phạt theo pháp luật đó.

Điều 33

Người nào lợi dụng quyền khiếu nại và tố cáo, cố ý xuyên tạc sự thật, vu cáo người khác hoặc vu cáo cơ quan, tổ chức thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 34

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Hội đồng bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Trường Chinh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh Quy định việc xét và giải quyết các khiếu tố, tố cáo của công dân năm 1981 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 5-LCT/HĐNN7
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 27/11/1981
  • Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 03/12/1981
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản