Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 58-HĐBT

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 1982

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 58-HĐBT NGÀY 29-3-1982 VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH VIỆC XÉT VÀ GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ vào Điều 34 Pháp lệnh ngày 27 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Nhà nước quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của chính phủ.

NGHỊ ĐỊNH :

I. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG DÂN TRONG VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 1.- Công dân khiếu nại, tố cáo có quyền gửi đơn hoặc trực tiếp trình bày miệng với bất cứ cơ quan nào của Nhà nước từ địa phương đến trung ương về những việc làm trái chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan, tổ chức đó, đã làm thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân.

Không một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được cản trở, đe doạ công dân gửi đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo.

Không ai được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, hoặc gây rối, làm cản trở công việc của cơ quan Nhà nước.

Điều 2.- Những người vì ốm đau hoặc vì đang bị tạm giam, tạm giữ, hoặc vì một lí do nào khác không thể tự mình khiếu nại, tố cáo, có thể nhờ người khác chuyển đơn khiếu nại, tố cáo hoặc trực tiếp trình bày miệng với các cơ quan có thẩm quyền xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Điều 3.- Công dân đưa đơn khiếu nại, tố cáo hoặc trực tiếp trình bày miệng phải trung thực và chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức Nhà nước về nội dung khiếu tố. Trong đơn phải nêu rõ họ, tên, nghề nghiệp, chỗ ở hiện tại hoặc chỗ làm việc của mình; phải nêu rõ sự việc, chứng cứ và các yêu cầu giải quyết.

Điều 4.- Các khiếu nại, tố cáo do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét, giải quyết mà đương sự thấy không đồng ý thì có quyền yêu cầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó xét, giải quyết lại.

II. VIỆC TIẾP DÂN VÀ NHẬN CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 5.- Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhân dân từ trung ương đến địa phương phải tổ chức việc tiếp dân, nhận các khiếu nại, tố cáo; phải công bố công khai cho nhân dân biết lịch tiếp dân, địa điểm, ngày giờ tiếp dân. Ở những vùng xa tỉnh lỵ, nhất là các tỉnh miền núi cần tổ chức các buổi tiếp lưu động.

Điều 6.- Cán bộ tiếp dân đến khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm nhận đơn, hỏi rõ sự việc; nếu người khiếu nại, tố cáo trình bày sự việc thì phải lắng nghe, ghi chép nội dung sự việc và bản ghi phải được đương sự ký xác nhận. Trường hợp cần thiết có thể ghi âm lời khiếu nại, tố cáo.

Sau khi tiếp, nếu sự việc không thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức mình xét và giải quyết, phải hướng dẫn đương sự đến đúng nơi có thẩm quyền xét và giải quyết.

Các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền xét và giải quyết của cơ quan, tổ chức mình mà đương sự giao nộp các tài liệu, chứng cứ thì phải ghi nhận bảo quản chu đáo, không để thất lạc, mất mát. Trường hợp dương sự đến rút đơn và xin lại các tài liệu đó thì trả lại cho họ và yêu cầu ký nhận.

Các khiếu nại, tố cáo có tính chất bức thiết, đe doạ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của công dân và tài sản xã hội chủ nghĩa thì cơ quan nhận đơn phải lập tức báo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Điều 7.- Các cơ quan, tổ chức nhận đơn khiếu nại, tố cáo của công dân phải nghiên cứu, phân loại và ghi tóm tắt nội dung các khiếu nại, tố cáo vào sổ theo dõi.

Nếu thấy việc khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền xét và giải quyết của cơ quan, đơn vị mình thì chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét, giải quyết, đồng thời báo tin cho đương sự biết, trong thời hạn 7 ngày.

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo cũng phải báo cho đương sự và cơ quan chuyển khiếu nại, tố cáo đó biết, theo thời hạn quy định trên.

Điều 8.- Đối với các khiếu nại, tố cáo có nội dung chưa rõ thì cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn hoặc yêu cầu đương sự bổ sung cho rõ hoặc viết lại đơn và gửi đến nơi cơ thẩm quyền xét, giải quyết.

Đơn khiếu nại, tố cáo nhiều lần hoặc đương sự viết tay hay đánh máy nhiều bản, gửi đến nhiều nơi, cần được tập trung chuyển về nơi có thẩm quyền để theo dõi, giải quyết.

Điều 9.- Những đơn tố cáo không kí tên, mạo tên hoặc không rõ địa chỉ nhưng có nội dung nói đến những vi phạm chính sách, pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nhận được đơn đó phải xem xét, giải quyết; hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết như các đơn khiếu tố khác.

Trong trường hợp lời khiếu nại, tố cáo của công dân được đưa lên báo chí, đài phát thanh, nếu sự việc thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào thì Thủ trưởng cơ quan đó phải xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan báo chí, phát thanh hoặc cho đương sự biết.

Điều 10.- Đối với những đơn tố cáo mà đương sự có yêu cầu giữ bí mật người tố cáo thì những người làm các công việc nhận đơn, chuyển đơn, xem xét và giải quyết đều có trách nhiệm giữ bí mật theo yêu cầu của đương sự.

III. THẨM QUYỀN, THỜI HẠN VÀ THỦ TỤC TRONG VIỆC XÉT VÀ GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

Điều 11.- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức khi thấy trong đơn vị mình nảy sinh những hiện tượng vi phạm chính sách, pháp luật thì phải bàn bạc với các bên đương sự, kịp thời giải quyết để khỏi xảy ra việc khiếu nại, tố cáo; nếu xảy ra khiếu nại, tố cáo thì phải giải quyết kịp thời, không được lẩn tránh trách nhiệm, đùn đẩy việc giải quyết cho người khác, khiến đương sự phải đưa lên cấp trên.

Điều 12.- Các khiếu nại, tố cáo do cơ quan, tổ chức cấp dưới đã xét và giải quyết, nhưng đương sự còn khiếu nại, tố cáo thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm thẩm tra lại, nếu thấy việc giải quyết của cấp dưới là đúng thì ra văn bản chuẩn y và thông báo cho đương sự biết; nếu phát hiện có sai lầm thì ra quyết định giải quyết lại và thông báo kết quả cho đương sự biết.

Điều 13.- Các thành viên của Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương theo thẩm quyền của mình, có trách nhiệm xem xét, giải quyết:

- Các khiếu nại, tố cáo của công dân đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp quản lý;

- Các khiếu nại, tố cáo đã được thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại, tố cáo.

Điều 14.- Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ chịu trách nhiệm xem xét trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết:

- Những khiếu nại, tố cáo về việc làm sai trái của thủ trưởng các ngành ở trung ương và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương;

- Những khiếu nại, tố cáo đã được thủ trưởng ngành ở trung ương hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương đã giải quyết nhưng phát hiện có sai lầm.

Điều 15.- Khi xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, các cơ quan, tổ chức phải theo các thủ tục sau đây:

- Trực tiếp hỏi từng đương sự (kể cả người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, tố cáo);

- Cử cán bộ đi điều tra, xác minh tại chỗ đối với các việc chưa rõ;

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan, đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội khác để bàn cách giải quyết;

- Thu thập các tài liệu, chứng cứ, lập thành hồ sơ, kết luận nêu rõ các điều đúng, sai của cả hai bên đương sự, nêu rõ các biện pháp giải quyết và thông báo cho đương sự biết.

Điều 16.- Các việc khiếu nại, tố cáo của đương sự, khi đã có kết luận giải quyết thì phải trả lời cho đương sự; trường hợp cần ra quyết định giải quyết thì quyết định phải nêu rõ các căn cứ, nội dung giải quyết và thời hạn thi hành đối với các bên đương sự.

Điều 17.- Trường hợp giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà phải bồi thường thì sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với từng việc cụ thể, cơ quan có thẩm quyền giải quyết ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân gây ra việc làm sai trái phải khôi phục danh dự hoặc bồi thường bằng tiền hoặc bồi thường bằng hiện vật cho người bị thiệt hại.

Điều 18.- Cơ quan, tổ chức xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo có quyền:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có liên quan thuyết minh việc vi phạm, cung cấp tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc xét và giải quyết;

- Được trực tiếp gặp hoặc mời cán bộ, nhân viên đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan để hỏi ý kiến.

Cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được yêu cầu trách nhiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đó.

Điều 19.- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân phải giải quyết theo thời hạn của pháp lệnh đã quy định; không được kéo dài thời hạn trong khi có điều kiện giải quyết sớm, trường hợp có khó khăn phức tạp không thể giải quyết được đúng thời hạn thì phải được thủ trưởng hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định cho gia hạn.

IV. VIỆC QUẢN LÍ, KIỂM TRA CÔNG TÁC XÉT VÀ GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 20.- Các thành viên Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lí toàn bộ công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc ngành mình, cấp mình và của đơn vị mình.

Điều 21.- Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ được giao trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng thực hiện việc quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước về công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân:

- Tổ chức việc tiếp dân và nhận đơn khiếu nại, tố cáo của công dân trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng;

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và theo dõi việc thi hành chế độ tiếp dân, nhận đơn, xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ở các ngành, các cấp;

- Thực hiện chế độ báo cáo định kì về công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo lên Hội đồng bộ trưởng và kiến nghị các biện pháp cần thiết để thi hành pháp lệnh.

Cơ quan thanh tra các ngành, các cấp chịu trách nhiệm giúp thủ trưởng ngành hoặc cấp mình thực hiện việc quản lý thống nhất công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi ngành và cấp mình.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC XÉT VÀ GIẢI QUYẾT CÁC ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 22.- Ba tháng một lần, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương có trách nhiệm báo cáo cho chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tình hình khiếu nại, tố cáo và việc xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ở ngành, địa phương mình, đồng gửi cho Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ báo cáo đó để theo dõi.

Các cơ quan, tổ chức thuộc các ngành, các địa phương có trách nhiệm thi hành chế độ báo cáo lên cấp trên của mình theo thời hạn do cấp trên quy định.

Điều 23.- Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình và kết quả xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân trong địa phương mình; trả lời các đại biểu Quốc hội, hoặc đại diện Hội đồng nhân dân cấp mình về những đơn do các đại biểu đó chuyển đến yêu cầu giải quyết.

VI. VIỆC XỬ LÍ CÁC VI PHẠM

Điều 24.- Những cán bộ, nhân viên Nhà nước có trách nhiệm nhận, chuyển, xét và giải quyết các khiếu tố mà không chấp hành đầy đủ những điều quy định trong Pháp lệnh và trong Nghị định này thì tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính theo một trong các hình thức sau đây:

- Khiển trách,

- Cảnh cáo,

- Cách chức,

- Buộc thôi việc.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh về xét khiếu nại, tố cáo như huỷ đơn, dìm đơn, cố ý huỷ các tài liệu chứng cứ của đương sự, thông đồng với người làm sai trái để làm hại người tố cáo... hoặc tiết lộ công việc điều tra gây hậu quả nghiêm trọng v.v... sẽ bị truy tố trước toà án để xử lí theo pháp luật.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25.- Các khiếu nại, tố cáo đã gửi trước khi ban hành Pháp lệnh mà chưa được xét và giải quyết xong thì cơ quan, tổ chức đang giữ các khiếu nại, tố cáo đó phải chuyển ngay đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét và giải quyết theo Pháp lệnh quy định.

Điều 26.- Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan thông tin, báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình ở các cấp có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn nhân dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước thực hiện nghiêm túc các điều quy định của Pháp lệnh.

Điều 27.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Nghị định này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Điều 28.- Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 58-HĐBT năm 1982 thi hành Pháp lệnh xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 58-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/03/1982
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 29/03/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản