Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 23/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 06 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG NHỮNG BIỆN PHÁP QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ CHẶN ĐỨNG NẠN PHÁ RỪNG.

Thi hành Luật bảo vệ, phát triển rừng và Chỉ thị số 90/CT ngày 19/3/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thực hiện những biện pháp cấp bách để chặn đứng nạn phá rừng. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các đơn vị, các ngành thực hiện những công tác cấp bách sau đây :

1- Giao Sở Nông nghiệp thành phố cùng các quận, huyện và các ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra nạn chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến, buôn bán, xuất nhập lâm sản trái phép trên địa bàn thành phố.

2- Sở Nông nghiệp lập phương án quản lý và bảo vệ rừng ở các quận, huyện có nhiều rừng như Cần Giờ, Củ Chi, Thủ Đức... Củng cố tổ chức, bổ sung lực lượng, phương tiện cho lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để kiểm tra, chốt giữ những điểm xung yếu thường xuyên rừng bị chặt phá. Đồng thời nhanh chóng xây dựng mạng lưới bảo vệ rừng, thành 3 lực lượng : kiểm lâm (chuyên trách) ; tổ đội bảo vệ rừng ở các đơn vị (bán chuyên trách), lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ rừng ở các xã (du kích và các hộ dân nhận đất nhận rừng chăm sóc, bảo vệ).

3- Tiếp tục giao đất giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân. Sở Nông nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Củ Chi, Thủ Đức, các đơn vị được giao quản lý đất và rừng phải xây dựng kế hoạch cụ thể trên cơ sở tổng kết những kết quả đã làm được.

4- Sở Nông nghiệp chủ trì cùng huyện Cần Giờ, Ban quản lý rừng phòng hộ tiến hành xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật rừng phòng hộ môi trường thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định 173/HĐBT ngày 29/5/1991 . Trong quý 3/1992 hoàn thành luận chứng kinh tế kỹ thuật rừng phòng hộ Cần Giờ, Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong quý 3/1992.

5- Ủy ban nhân dân các quận huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và các ngành có liên quan kiểm tra việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh cho các đơn vị cơ sở cưa xẻ gỗ, mộc, buôn bán gỗ, than, củi trên quận, huyện mình. Giải tán ngay những cơ sở sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, các cơ sở đang sử dụng cưa vòng CD4, CD mini và các loại cưa vòng khác để cưa xẻ gỗ tròn không nằm trong vùng qui hoạch (theo Chỉ thị 43 ngày 26/10/1988 của Ủy ban nhân dân thành phố ), kiên quyết xử lý thích đáng đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần, cố tình dây dưa, lén lút hoạt động nhất là ở các quận nội thành.

Các nhà máy sản xuất nguyên liệu giấy từ gỗ khi tổ chức thu mua nguyên liệu phải có đủ giấy tờ hợp lệ do Chi cục Kiểm lâm nhân dân hướng dẫn.

6- Sở Kinh tế Đối ngoại, Sở Nông nghiệp, Hải quan, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Đoàn kiểm tra của Bộ Lâm nghiệp kiểm tra việc xuất khẩu lâm sản, lâm đặc sản theo Chỉ thị 90/CT ngày 19/3/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

7- Sở Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền đưa tin về công tác trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, phê phán những hiện tượng tiêu cực làm thiệt hại đến tài nguyên, môi trường thành phố. Tổ chức các lớp tập huấn về Luật bảo vệ phát triển rừng và các văn bản dưới luật. Đẩy mạnh công tác khuyến lâm, in và phổ biến các sách báo, tranh ảnh tài liệu về trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, làm các bảng cấm ở những nơi xung yếu nhắc nhở bảo vệ rừng...

Thủ trưởng các sở ban ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch các quận huyện căn cứ nội dung chỉ thị nầy chỉ đạo thực hiện và phối hợp với Sở Nông nghiệp những việc có liên quan./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/CT-UB năm 1992 về tăng cường những biện pháp quản lý bảo vệ rừng và chặn đứng nạn phá rừng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 23/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/06/1992
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản