ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/1999/CT-UB | Buôn Ma Thuột, ngày 26 tháng 08 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP.
Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là loại vật tư kỹ thuật đặc biệt, có yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý từ các khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng. Trong những năm vừa qua tại tỉnh Đắk Lắk: tình hình quản lý và sử dụng VLNCN của các đơn vị đã từng bước đi vào nề nếp và tuân thủ các quy định của Pháp luật. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn các tồn tại như sau:
Một số đơn vị doanh nghiệp sử dụng VLNCN chưa có giấy phép. Kho chứa VLNCN, xây dựng chưa đảm bảo theo thiết kế kỹ thuật được duyệt. Việc lập và thực hiện hộ chiếu nổ mìn còn sơ sài chưa đảm bảo theo đúng qui trình, kỹ thuật. Công tác kiểm tra, thực hiện về độ an toàn trong khâu sử dụng VLNCN chưa chặt chẽ. Trong bảo quản còn để xảy ra một số vụ mất cắp kíp điện, thuốc nổ… Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 1995: xảy ra 3 vụ, mất cắp 40kg thuốc nổ và 29278 kíp điện; năm 1996: xảy ra 2 vụ, mất 4650 kíp điện; năm 1997: xảy ra 2 vụ mất 14488 kíp điện… Việc sử dụng trái phép VLNCN để đào giếng nước, đánh cá v.v… còn khá phổ biến, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội thêm phức tạp, đã xảy ra một số tai nạn chết người. Các địa phương, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ tình hình quản lý, sử dụng VLNCN với cơ quan chức năng của tỉnh.
Để thực hiện nghiêm túc Nghị định 27/CP ngày 20/04/1995 về quản lý, cung ứng và sử dụng VLNCN, Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ cũng như các Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Công nghiệp, của liên Bộ Công nghiệp - Công an trên địa bàn của tỉnh: UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ thị:
1. Sở Công nghiệp:
- Chủ trì cùng với các Sở, ngành liên quan thống nhất xây dựng, hướng dẫn cụ thể và bắt buộc các đơn vị thực hiện cung ứng, sử dụng VLNCN phải tuân theo đúng quy định của Pháp luật. Đồng thời phải làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với từng lĩnh vực quản lý, cung ứng và sử dụng VLNCN. Quản lý VLNCN phải chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ kịp thời cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị doanh nghiệp.
- Phối hợp thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất (khi cần thiết) trong công tác quản lý, bảo quản và sử dụng VLNCN của các đơn vị doanh nghiệp; qua kiểm tra phát hiện và có biện pháp xử lý thích hợp, nhanh chóng giúp các đơn vị khắc phục các vi phạm. Trong tháng 9 năm 1999 phải tổ chức đợt kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về thực trạng tình hình quản lý, sử dụng VLNCN của các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.
- Dự báo nhu cầu sử dụng VLNCN; tổng hợp kế hoạch của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng VLNCN hàng năm trên địa bàn của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác đạt hiệu quả.
2. Công an tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch, đổi mới công tác cấp giấy phép vận chuyển, cung ứng, sử dụng VLNCN đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, tránh phiền hà cho các đơn vị doanh nghiệp có chức năng vận chuyển, cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn của tỉnh.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng các kho chứa VLNCN đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật và độ an toàn theo quy định.
- Phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng VLNCN để phòng ngừa phạm tội. Điều tra, làm rõ các vụ án sử dụng vũ khí vật liệu nổ phạm tội và đề nghị xét xử nghiêm minh loại tội phạm này.
3. Sở Địa chính:
- Căn cứ luật đất đai, luật khoáng sản và các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực sử dụng đất; xem xét việc giải quyết thủ tục cho thuê đất đối với các đơn vị doanh nghiệp hoạt động khai thác đá, thăm dò và đào đãi khoáng sản có sử dụng VLNCN; đảm bảo cho việc sản xuất theo giấy phép đã cấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
4. UBND các huyện và Tp. Buôn Ma Thuột:
- Tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng VLNCN trong địa phương mình phụ trách; yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp được phép sử dụng VLNCN phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ sử dụng. Kịp thời kiến nghị đình chỉ các hoạt động vi phạm quy chế hoặc không có giấy phép sử dụng, có biện pháp xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật đối với hành vi sử dụng trái phép VLNCN.
5. Đối với đơn vị sử dụng VLNCN:
- Khẩn trương bổ sung các thủ tục cần thiết để được cấp giấy phép sử dụng VLNCN theo đúng quy định. Sau ngày 31/8/1999; nếu đơn vị nào không có giấy phép vận chuyển, cung ứng và sử dụng VLNCN sẽ bị đình chỉ việc sử dụng VLNCN.
- Trên cơ sở các quy định của pháp luật, tiến hành rà soát và thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng quản lý và sử dụng VLNCN của cơ quan, đơn vị mình; đảm bảo sử dụng an toàn tuyệt đối và hiệu quả VLNCN, không để xảy ra tình trạng thất thoát, mất cắp VLNCN.
- Áp dụng và thực hiện đúng TCVN 4586-1997 trong các khâu bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN; củng cố lại các kho hàng và lực lượng bảo vệ, thực hiện tốt chế độ ghi chép theo dõi sổ nhập, xuất của từng kho; lập và thực hiện hộ chiếu nổ mìn đúng quy định; thực hiện việc kiểm tra điện trở kíp điện trước khi sử dụng. Các tài liệu có liên quan trong quá trình theo dõi việc quản lý, bảo vệ và sử dụng VLNCN của cơ quan, đơn vị doanh nghiệp phải được quản lý và lưu trữ đúng chế độ quy định.
- Hàng năm đơn vị doanh nghiệp phải lập báo cáo tổng kết tình hình quản lý, sử dụng VLNCN và kế hoạch sử dụng VLNCN cho năm sau. Định kỳ 3 tháng một lần làm báo cáo tình hình quản lý sử dụng VLNCN gửi về Sở Công nghiệp để tổng hợp theo dõi và báo cáo cấp trên. Thực hiện chế độ báo cáo được coi là một trong những yếu tố để xem xét cấp hoặc gia hạn giấy phép sử dụng VLNCN của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.
Nhận được Chỉ thị này; Giám đốc các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện - Tp Buôn Ma Thuột, các đơn vị doanh nghiệp có sử dụng VLNCN khẩn trương triển khai, thực hiện.
Quá trình triển khai thực hiện có gì vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo tiếp.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH DAKLAK |
- 1Quyết định 737/QĐ-UBND năm 2011 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hoặc có chứa quy phạm pháp luật đã được rà soát năm 2010 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 2Quyết định 07/2014/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm quản lý, cơ chế phối hợp giữa cơ quan liên quan trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 3Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 4Quyết định 29/2014/QĐ-UBND về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 1Luật Đất đai 1993
- 2Nghị định 27/CP năm 1995 về việc quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
- 3Luật Khoáng sản 1996
- 4Nghị định 47/CP năm 1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
- 5Quyết định 07/2014/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm quản lý, cơ chế phối hợp giữa cơ quan liên quan trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 6Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 7Quyết định 29/2014/QĐ-UBND về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Chỉ thị 23/1999/CT-UB thực hiện biện pháp tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- Số hiệu: 23/1999/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/08/1999
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Người ký: Nguyễn Bá Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/08/1999
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực