Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-CT

Hà Nội, ngày 06 tháng 2 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, HOÀN THÀNH THẮNG LỢI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1982, LÀM ĐÀ TIẾN LÊN HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM (1981 - 1985).

Năm 1981, năm đầu của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985), phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa của toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát triển tốt; việc tổ chức đợt thi đua mừng Đại hội lần thứ V của Đảng đã thúc đẩy phong trào phát triển vững chắc hơn ở nhiều cơ sở.

Những chuyển biến đó tuy chưa toàn diện và đồng bộ, nhưng đã đưa lại hiệu quả tốt và có thể làm đà cho phong trào thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1982, làm đà cho một cao trào thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V.

Quán triệt và thi hành nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV), Chỉ thị số 91-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong năm 1982, các ngành, các cấp lãnh đạo tổ chức tốt hơn phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa, hướng vào nhiệm vụ và mục tiêu sau đây:

Động viên toàn dân, toàn quân ra sức nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự tực, tự cường, ra sức thi đua vượt mọi khó khăn, sửả lao động, đất đai, tiền vốn và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, tạo ra sự phát triển vượt bậc về nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, thiết lập trật tự mới trên mặt trận phân phối, lưu thông; trên cơ sở đó mà ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, bảo đảm nhu cầu quốc phòng, an ninh, bảo vệ đất nước, tăng cường trật tự, trị an xã hội.

Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu chung trên đây, cần hướng phong trào thi đua đi vào thực hiện tốt những vấn đề lớn sau đây:

1. Tự lực tự cường đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, tự giải quyết đến mức cao nhất nhu cầu lương thực, thực phẩm và đóng góp ngày càng nhiều cho Nhà nước, không ỷ lại vào cấp trên, vào nước ngoài; tìm mọi biện pháp thay thế hàng nhập và tự cân đối thêm những thứ Trung ương còn thiếu; tận dụng lao động, đất đai và cơ sở vật chất - kỹ thuật; thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; Trung ương và địa phương cùng làm trong lĩnh vực xây dựng kinh tế, phát triển sự nghiệp y tế, văn hoá, giáo dục...

2. Tiết kiệm khoảng 10% mức tiêu hao năng lượng, vật tư, nguyên liệu và các khoản chi tiêu so với kế hoạch và Ngân sách Nhà nước đã giao. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cơ sở phải có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về giảm mức tiêu hao vật chất, thực hành tiết kiệm theo tinh thần Nghị quyết về triệt để tiết kiệm của Hội đồng Bộ trưởng. Chấm dứt các hiện tượng xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức.

3. Làm tốt công tác phân phối, lưu thông. Quản lý chặt chẽ hàng hoá, tiền tệ và nguồn thu tài chính, giá cả, thị trường...; bảo đảm tập trung quỹ hàng hoá cho thu mua nông sản và quỹ hàng hoá bán theo tiêu chuẩn và ngoài tiêu chuẩn cho cán bộ, công nhân, viên chức. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu; chấn chỉnh mở rộng và kiểm tra chặt chẽ hoạt động của mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

4. Làm tốt công tác quốc phòng, an ninh và nghĩa vụ quốc tế. Xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Xây dựng công an nhân dân trong sạch vững mạnh, đẩy mạnh phòng trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chống các hoạt động phá hoại của địch, chống các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

Sau đây là những yêu cầu cụ thể để tính toán, kiểm tra mọi cống hiến và thành tích thi đua:

1. Tăng năng suất lao động, tăng sản lượng và chất lượng, hạ giá thành; ngăn chặn, xoá bỏ tình trạng mất mát, lãng phí, hư hỏng.

2. Đạt hiệu quả cuối cùng: làm ăn có lãi, bảo đảm tích luỹ cho Nhà nước, đồng thời tăng phúc lợi tập thể, tăng thu nhập của người lao động; giảm hẳn các hiện tượng tiêu cực.

3. Làm tốt nghĩa vụ giao nộp lương thực, thực phẩm và hàng hoá đúng chất lượng cho Nhà nước; thực hiện tốt kỷ luật quản lý tài chính, tiền tệ và giá cả.

4. Xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; sửa đổi tổ chức, tinh giản bộ máy hành chính, chuyển các cơ quan sự nghiệp có điều kiện sang chế độ kinh doanh hạch toán.

5. Ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, tận dụng lao động và công suất nhà xưởng, thiết bị...

Các lực lượng vũ trang nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc thực hiện 5 mục tiêu của cuộc vận động. Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu, chú trọng nâng cao trách nhiệm của cán bộ; tăng cường kỷ luật của đơn vị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội.

Các lực lượng công an nhân dân thi đưa thực hiện tốt 4 nhiệm vụ cơ bản mà ngành đã đề ra, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống.

Trong khi hướng dẫn nội dung của phong trào thi đua, các ngành, các cấp, các đoàn thể cần căn cứ các mục tiêu và yêu cầu chung trên đây để xác định nội dung cụ thể của phong trào thi đua trong ngành hoặc giới mình.

Về những biện pháp chủ yếu trong tổ chức thi đua năm 1982, cần chú trọng:

1. Thủ trưởng các ngành, các cấp bàn bạc ngay với các đoàn thể kế hoạch thống nhất tổ chức phong trào thi đua năm 1982 và quý I.

Kết thúc tốt việc kiểm điểm thực hiện giao ước thi đua trong năm qua, tổng kết thành tích báo cáo lên Đại hội Đảng. Tổ chức việc ký kết giao ước thi đua năm 1982 từ cơ sở lên; tổ chức việc ký giao ước thi đua giữa công nhân và cán bộ ta với tập thể chuyên gia Liên Xô và chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác trên các công trường, xí nghiệp bạn đang giúp ta.

2. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng và nhân điển hình về quản lý giỏi: đơn vị quản lý giỏi, giám đốc và chủ nhiệm, đội trưởng quản lý giỏi, cán bộ quản lý giỏi.

3. Chú trọng tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo và tổ chức thi đua nhất là về các mặt tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; tổ chức và theo dõi giao ước thi đua; thực hiện các chính sách và chế độ khen thưởng thi đua; tổ chức phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể; kết hợp hoạt động của ban thi đua với các ban khác của Đảng ở các cấp.

4. Xúc tiến xây dựng đề án tổ chức hội đồng thi đua các cấp do thủ trưởng làm Chủ tịch hội đồng; chấn chỉnh tổ chức chuyên trách thi đua - khen thưởng ở các ngành, các cấp; ban thi đua Trung ương phối hợp với Bộ Lao động xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách thi đua - khen thưởng. Xúc tiến xây dựng quy chế mới về các danh hiệu và các hình thức khen thưởng thi đua của Nhà nước; trước mắt, các ngành, các địa phương và cơ sở lựa chọn chặt chẽ các đối tượng được tặng các danh hiệu thi đua năm 1981, chú trọng nêu cao các tiêu chuẩn lao động sản xuất, tiết kiệm, hoàn thành mức nghĩa vụ, tổ chức tốt đời sống. Mức khen thưởng về vật chất cho các danh hiệu thi đua ở cơ sở có thể linh hoạt tuỳ theo khả năng của quỹ thưởng ở cơ sở, không nên hạn chế ở mức quy định cũ.

5. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thi đua. Báo chí, đài phát thanh và truyền hình, truyền thanh tăng thêm phần tin tức thi đua có tính tổng hợp; tăng thêm phần giới thiệu những cá nhân và tập thể tiên tiến có tính phổ biến và thuyết phục cao. Phê phán đúng mức, kịp thời những hiện tượng hình thức chủ nghĩa trong thi đua, loại trừ những trường hợp gian dối thổi phồng thành tích.

6. Cùng với các công tác nói trên, chú trọng xúc tiến việc chuẩn bị đề án và các điều kiện để triệu tập Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ V vào thời gian thích hợp.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 91-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ thị này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp, trước hết là các đồng chí Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xác định rõ việc tổ chức và lãnh đạo thi đua là phần quan trọng trong nhiệm vụ kinh tế của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong việc này, các cấp chính quyền cần phải phối hợp với các đoàn thể nhưng không ỷ lại, khoán trắng cho các đoàn thể trước mắt cần có kế hoạch triển khai ngay Chỉ thị này xuống cơ sở. Ban thi đua Trung ương hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Chỉ thị này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22-CT năm 1982 về tổ chức phong trào thi đua yêu nước XHCN, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1982, làm đà tiến lên hoàn thành kế hoạch Nhà nước 5 năm (1981-1985) do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 22-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/02/1982
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 28/02/1982
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 21/02/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản