Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2009/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG, ĐÌNH CÔNG, LÃN CÔNG VÀ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 06/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Thông báo số 134/TB-VPCP ngày 29/8/2006 của Văn phòng Chính phủ về cuộc họp bàn biện pháp xử lý vấn đề đình công trong giai đoạn tới;

Từ cuối tháng 12 năm 2008 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các cuộc đình công tự phát tại Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp của tỉnh. Trong quá trình diễn ra đình công tại các doanh nghiệp, đã có những biểu hiện gây mất trật tự công cộng. Các cuộc đình công tự phát đã gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và trật tự an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của người lao động trong khu kinh tế và các khu công nghiệp chưa được đảm bảo; công tác quản lý nhà nước về lao động còn bất cập; nhiều doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn hoặc có thành lập tổ chức công đoàn nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa trở thành người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp; hầu hết các doanh nghiệp dân doanh, có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức đảng, đoàn thanh niên để lãnh đạo, tập hợp, vận động, giáo dục người lao động thực hiện tốt pháp luật lao động; đa số người lao động xuất thân từ nông thôn nên nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật lao động còn hạn chế; quan hệ cung - cầu về lao động trên địa bàn tỉnh còn mất cân đối.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm góp phần ổn định môi trường đầu tư và thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền phù hợp tại doanh nghiệp, khu lưu trú của người lao động nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động, nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Các vấn đề có tính chất chuyên sâu như: Nội quy lao động; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; tiền lương; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và những chính sách mới thì tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người sử dụng lao động và cộng sự trong doanh nghiệp và ủy viên Ban chấp hành Công đoàn của doanh nghiệp.

b) Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp sớm thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đẩy nhanh việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật lao động.

c) Yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng và phân phối thu nhập theo quy định của pháp luật lao động.

d) Yêu cầu doanh nghiệp phải công bố, công khai cho người lao động biết mức lương, mức thưởng, thời gian trả lương, trả thưởng; tránh tình trạng nợ tiền lương, tiền thưởng của người lao động. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện thanh toán tiền lương, tiền thưởng cho người lao động đảm bảo đúng mức lương và thời gian, nhất là thời điểm cuối năm và Tết Âm lịch.

e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động ở doanh nghiệp, đặc biệt ở những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật lao động, cần xử lý kiên quyết, kịp thời những doanh nghiệp cố tình không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật lao động theo quy định của pháp luật và thông báo công khai những doanh nghiệp bị xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

g) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng Trọng tài lao động tỉnh; thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành giải quyết đình công không đúng trình tự pháp luật quy định.

h) Lập đường dây thông tin nóng để doanh nghiệp, người lao động phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật lao động và mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động để có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của Nhà nước.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh rà soát và tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về việc cấp phép đầu tư và giám sát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Định kỳ phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức (hoặc tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức) các cuộc trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách và pháp luật hiện hành.

3. Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất bố trí tăng cường biên chế cán bộ quản lý lao động và thanh tra viên cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố (Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội), nhất là những địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động như Bình Sơn, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi.

4. Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời những mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ doanh nghiệp, chủ động có biện pháp ngăn chặn, kiềm chế và làm thất bại các âm mưu, hành động quá khích lợi dụng đình công, bãi công gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại cho doanh nghiệp; xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật khi có đình công, bãi công; tăng cường công tác kiểm tra an ninh, trật tự an toàn trong các doanh nghiệp và những nơi lưu trú của công nhân theo quy định của Nhà nước; kịp thời ổn định tình hình an ninh, trật tự khi đình công, bãi công xảy ra.

5. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật lao động và thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh.

6. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Ngãi tăng cường thời lượng đưa tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các chính sách về lao động của Nhà nước; thường xuyên đưa tin đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước về tình hình và biện pháp giải quyết của cơ quan có thẩm quyền khi đình công, bãi công xảy ra.

7. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường và đổi mới nội dung, phương pháp hướng dẫn, vận động doanh nghiệp thành lập Công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp; tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động cho người lao động; chỉ đạo công đoàn Khu kinh tế Dung Quất, công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn lao động các huyện, thành phố, Công đoàn cơ sở giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật lao động của chủ doanh nghiệp và phối hợp với các bên liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Lập đường dây thông tin nóng để người lao động phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật lao động và mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động để có biện pháp can thiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

8. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí trong kế hoạch hàng năm trên cơ sở dự toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phục vụ hoạt động của Hội đồng Trọng tài Lao động tỉnh; công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động; công tác giải quyết đình công.

9. Sở Ngoại vụ tổ chức gặp đại diện ngoại giao một số nước, vùng, lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi để trao đổi tình hình và đề nghị hỗ trợ, phối hợp tác động với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc thực hiện đúng các chính sách và quy định về pháp luật lao động nhằm góp phần ổn định môi trường đầu tư của tỉnh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo lợi ích đôi bên, ngăn chặn các sự vụ tranh chấp lao động, đình công, lãn công và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng không tốt trong quan hệ lao động.

10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động và việc chấp hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật lao động; bố trí cán bộ làm công tác hòa giải viên lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế