Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134/2006/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP BÀN BIỆN PHÁP XỬ LÝ VẤN ĐỀ ĐÌNH CÔNG TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Ngày 17 tháng 8 năm 2006, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để đánh giá tình hình và bàn biện pháp xử lý vấn đề đình công trong giai đoạn tới. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm và đại diện lãnh đạo các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Nội vụ, Văn hóa – Thông tin, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Quảng Ninh.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình và các biện pháp xử lý đình công và các ý kiến của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Tình hình đình công ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn của thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và lan ra một số địa phương từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2006 diễn ra khá phức tạp, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đình công với số đông người tham gia đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và trật tự xã hội trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đình công là tranh chấp trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động kéo dài, không được giải quyết kịp thời về tiền lương, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, đời sống… Tình hình đó còn cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước như: các quy định về pháp lý còn bất cập; công tác tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật chưa thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát chưa tốt dẫn đến nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền và lợi ích của người lao động; việc phân công trách nhiệm, quyền hạn giữa các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc giải quyết vấn đề đình công chưa rõ ràng…

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực hiện một số biện pháp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, ban hành Nghị định số 03/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2006 quy định mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và người nước ngoài tại Việt Nam, ban hành Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 6 tháng 3 năm 2006 về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp; chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có các doanh nghiệp xảy ra đình công khẩn trương thực hiện một số biện pháp giải quyết chấm dứt đình công, ổn định tình hình.

2. Đình công, lãn công là một hiện tượng trong nền kinh tế thị trường, vấn đề quan trọng là phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích quốc gia, bảo đảm ổn định môi trường đầu tư cũng như môi trường xã hội.

Để khắc phục những yếu kém nêu trên và ngăn ngừa tình trạng tranh chấp lao động kéo dài, gây tác động tiêu cực đến sản xuất, môi trường đầu tư và trật tự xã hội, dễ bị kẻ xấu lợi dụng gây bất ổn về chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình hình đình công vừa qua, nghiêm túc thi hành Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 6 tháng 3 năm 2006 về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp và tiếp tục chỉ đạo, làm tốt một số công việc sau đây:

a) Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm đầu mối theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình đình công và giải quyết đình công; chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề xuất các biện pháp xử lý vấn đề đình công theo quy định của pháp luật; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lao động, trong đó cần tập trung:

- Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (về xây dựng thang, bảng lương, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể…); khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong doanh nghiệp và xác định lộ trình thực hiện mức lương tối thiểu thống nhất, trình Chính phủ trong quý IV năm 2006;

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát việc chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật lao động để giảm thiểu tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động;

- Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu thành lập Ủy ban về quan hệ lao động cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đứng đầu; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ thanh tra nhà nước về lao động.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giám sát khi cấp phép đăng ký kinh doanh và trong quá trình hoạt động về việc thực hiện pháp luật đối với các nhà đầu tư.

c) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét tăng biên chế thanh tra lao động cho phù hợp với sự phát triển các doanh nghiệp, trước hết là cấp quận, huyện nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

d) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi tình hình đình công trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập tổ công tác phát hiện và đề xuất kịp thời các biện pháp giải quyết, ngăn ngừa những diễn biến xấu, tác động không tốt đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế và ổn định xã hội; đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về pháp luật lao động đối với người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt đối với công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động địa phương giải quyết kịp thời những tranh chấp lao động tập thể thông qua việc tăng cường tổ chức hòa giải cơ sở.

3. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp; đào tạo, bổ sung cán bộ chuyên trách công đoàn tại Ban quản lý của khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật và giải quyết tranh chấp lao động tập thể trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương biết và phối hợp tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, các PTTg CP;
- Các Bộ: Lao động – TB&XH,
Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nội vụ, Văn hóa – Thông tin,Tư pháp;
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Tổng Liên đoàn Lao động VN;
- VPCP: BTCN, các PCN
Các Vụ KTTH, NC, II, III, TH, Website CP;
- Lưu: VX, VT.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Toản