Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 725/QĐ-UBND

An Giang, ngày 15 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH NGĂN NGỪA ĐÌNH CÔNG, LÃN CÔNG TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

n cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

n cứ Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Tỉnh ủy An Giang về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp ở An Giang;

t đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 49 /TTr-SLĐTBXH ngày 22 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điu 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ngăn ngừa đình công, lãn công tỉnh An Giang giai đoạn 2014 - 2020 (Đính kèm kế hoạch).

Điu 2. Giao Sở Lao động, Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Điu 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT.UBND tỉnh (để b/c);
- LĐTBXH, CA, TP, TC, KH-ĐT, TT-TT, BHXH tỉnh;
- Liên đoàn lao động tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp;
- Ban QL Khu Kinh tế tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lưu: VT,VHXH,TH,KT.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, LÃN CÔNG TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2014 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 15/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Tỉnh ủy An Giang về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp ở An Giang.

- Ngăn ngừa có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ đình công, lãn công trái pháp luật ở các doanh nghiệp; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh về quan hệ lao động trong các doanh nghiệp không để xảy ra tranh chấp lao động trái pháp luật.

- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng ngừa, giải quyết đình công, lãn công, người làm công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, lãn công trên địa bàn tỉnh.

- Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại đơn vị các vụ đình công, lãn công xảy ra.

II. NỘI DUNG:

1. Thực trạng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang đến ngày 31/12/2013 toàn tỉnh có 5.948 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký là 34.481 tỷ đồng. Trong đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 5.829 doanh nghiệp (chiếm khoảng 98%), chủ yếu là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Tổng số lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp khoảng 43.000 người.

2. Nhiệm vụ và giải pháp:

- Người sử dụng lao động và người lao động có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ những điều kiện cần thiết đã cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã giao kết, không được bắt buộc người lao động làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh lao động.

- Người lao động được trả lương trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định và theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử,

hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng các phúc lợi tập thể; gia nhập hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; có quyền yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy lao động của người sử dụng lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; đình công theo quy định của pháp luật…

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động để tất cả người sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành đúng pháp luật; đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động không để xảy ra tranh chấp lao động.

- Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến pháp luật cho người nước ngoài là quản lý, làm việc trong các doanh nghiệp ở Việt Nam về Bộ luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn và một số văn bản liên quan cần thiết khác…

- Yêu cầu doanh nghiệp quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa để thực hiện tốt mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động và tổ chức công đoàn cơ sở. Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp.

- Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp và tạo mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan chức năng với doanh nghiệp để tư vấn kịp thời cho doanh nghiệp. Thường xuyên sơ kết đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.

- Nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời khi có nguy cơ xảy ra đình công tại doanh nghiệp.

- Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng hòa giải viên lao động cấp huyện.

- Thường xuyên thúc đẩy hoạt động đối thoại trong doanh nghiệp giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa nhà quản lý và nhân viên trong doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa tranh chấp lao động.

- Khi xảy ra đình công, lãn công Hội đồng hòa giải lao động cơ sở tại doanh nghiệp là bộ phận phải đứng ra hòa giải, giải quyết đình công, lãn công; đồng thời thông báo ngay cho Tổ Phòng ngừa và giải quyết đình công, lãn công của tỉnh biết để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu hòa giải không thành thì đại diện người lao động có thể nhờ tòa án giải quyết.

- Trao đổi thông tin kịp thời giữa các ngành chức năng khi xảy ra đình công, lãn công.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và tổ chức sơ, tổng kết kế hoạch.

- Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội và các đối tượng lợi dụng đình công, lãn công để kích động gây mất an ninh trật tự.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Kinh phí thực hiện kế hoạch này được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện nhiệm vụ công tác phòng ngừa và giải quyết đình công, lãn công.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Là cơ quan đầu mối giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các ngành liên quan, chuẩn bị nội dung các kỳ họp sơ tổng kết.

- Khi có phát sinh tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công, lãn công không đúng pháp luật, phải kịp thời báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và địa phương nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Xây dựng phương án phòng ngừa và đề ra các biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với việc đình công, lãn công trái pháp luật ở các doanh nghiệp, các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh:

- Chỉ đạo các cấp công đoàn, tăng cường tuyên truyền Pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn,… tại các doanh nghiệp, thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên mới trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp để công đoàn thực sự là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân lao động.

- Phối hợp với các ngành chức năng nắm tình hình, nguyện vọng của công nhân lao động. Hỗ trợ công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp hoặc đại diện người lao động trong việc đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, chủ động đối thoại, thương lượng trong việc giải quyết các vụ đình công, lãn công.

- Nghiên cứu xây dựng đề án kỹ năng đàm phán, đối thoại của các tổ chức công đoàn và công nhân trong các doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích cho người lao động.

3. Công an tỉnh:

- Tổ chức nắm chắc tình hình và triển khai các mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các doanh nghiệp, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn không để các thế lực thù địch và phần tử xấu kích động, xúi giục hoặc lợi dụng đình công, lãn công gây mất an ninh trật tự. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phòng ngừa và giải quyết các vụ đình công, lãn công.

- Bố trí lực lượng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự khi xảy ra đình công, lãn công. Thu thập, củng cố chứng cứ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

4. Sở Tài chính An Giang:

- Thẩm định tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

5. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh:

- Tăng cường phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu kinh tế.

- Thực hiện tốt chức năng quản lý lao động trong doanh nghiệp theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

- Phối hợp với Ban Quan hệ lao động tỉnh định kỳ tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động trong các khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu.

- Phối hợp với các ngành chức năng giúp các doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không để xảy ra các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công trái pháp luật.

- Chủ trì phối hợp với Tổ Phòng ngừa và giải quyết đình công, lãn công của tỉnh kịp thời xử lý các vụ đình công, lãn công ở các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý.

6. Sở Tư pháp An Giang:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp và người lao động đang cư trú tại địa phương.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế tổ chức định kỳ các cuộc trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư, đặc biệt là với các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hoặc báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Đề xuất hình thức xử lý những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật dẫn đến tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công trái pháp luật.

8. Sở Thông tin và Truyền thông An Giang:

Phối hợp tuyên truyền pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và người lao động bằng nhiều hình thức kể cả ở đài truyền thanh cấp xã nhằm hạn chế tranh chấp lao động tập thể trái pháp pháp luật.

9. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

Thường xuyên phối hợp kiểm tra tình hình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Thực hiện tốt chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp.

10. Hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức các hoạt động đào tạo, tư vấn dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các loại hình đào tạo thích hợp nhằm nâng cao kiến thức về quản lý, khoa học, kỹ thuật, công nghệ và chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên.

- Tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm vận động khuyến khích và hướng dẫn các hội viên xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao,… nhằm tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các doanh nghiệp hội viên.

- Đại diện cho hội viên kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên trong hoạt động kinh doanh; giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp trên địa bàn nắm chắc tình hình và triển khai các mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các doanh nghiệp, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các cuộc đình công, lãn công trên địa bàn.

- Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các các doanh nghiệp trên địa bàn, lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động.

Trong quá trình tổ chức triển khai kế hoạch này, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phản hồi thông tin bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để được hướng dẫn giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp