Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212-CT | Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT DÂU TẰM TƠ
Trong những năm gần đây, ngành dâu tằm tơ đã có bước phát triển mới, đang mở ra hướng đi lên đúng, có hiệu quả.
Cùng với việc mở rộng nhanh diện tích và thâm canh cây dâu ở những vùng có tập quán, bước đầu phát triển dâu tằm lên một số vùng đồi núi, đã tập trung sức nghiên cứu, lai tạo đưa vào sản xuất một số giống tằm tốt phù hợp với điều kiện của từng vùng, có năng suất, chất lượng tơ khá hơn trước; xây dựng hệ thống giống tằm, các xí nghiệp ươm tơ cải tiến và tự động và bước đầu nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ tơ tằm. Đặc biệt đã hình thành vùng trung tâm dâu tằm tơ Lâm Đồng, gắn quốc doanh với tập thể, gia đình, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, gắn phát triển sản xuất với phân bố lại lao động và dân cư. Quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng, tranh thủ vay vốn đầu tư trồng, đổi mới thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thực tiễn của những năm qua cho thấy ngành sản xuất dâu tằm tơ là một ngành kinh tế có hiệu quả và có khả năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định đẩy mạnh phát triển sản xuất dâu tằm tơ thành một ngành sản xuất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2000, nhằm tăng nhanh hàng tơ tằm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai của các vùng và giải quyết thêm việc làm cho dân.
Mục tiêu phát triển dâu tằm tơ đến năm 2000 của nước ta là phấn đấu đạt từ 70.000 hécta đến 100.000 hécta dâu, chủ yếu ở vùng trung du, miền núi, đạt sản lượng từ 7.000 - 8.000 tấn tơ; nâng nhanh chất lượng tơ và sản xuất các sản phẩm từ tơ tằm để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu; giải quyết thêm việc làm cho khoảng 40-50 vạn lao động.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Xúc tiến nhanh việc quy hoạch và xây dựng các vùng trồng dâu, nuôi tằm, hệ thống cơ sở giống tằm và các xí nghiệp chế biến tơ tằm trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư để nhanh chóng mở rộng và định hình vùng dâu tằm và công nghiệp tơ lụa trọng điểm ở Lâm Đồng.
Mở rộng nhanh và vững chắc một số vùng còn nhiều đất trống, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trồng dâu tằm có hiệu quả ở các tỉnh Trung du, miền núi như Sơn La, Đắc Lắc... Tiếp tục phát triển nhanh ở các vùng có kinh nghiệm và truyền thống trồng dâu, nuôi tằm của đồng băng sông Hồng và ven biển miền Trung. Việc trồng dâu, nuôi tằm ươm tơ phải được tiến hành một cách đồng bộ và vững chắc, trong đó cùng với việc chú trọng thâm canh vườn dâu, phải tập trung nỗ lực để nâng cao chất lượng giống tằm và chất lượng ươm tơ, coi đó là khâu then chốt quyết định hiệu quả kinh tế và tốc độ phát triển của ngành sản xuất này.
2. Trồng dâu, nuôi tằm do dân làm là chính. Các đơn vị kinh tế quốc doanh chủ yếu nắm các vùng dâu tằm trọng điểm, tập trung mở rộng diện tích dâu, làm dịch vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tổ chức công nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Thông qua hợp đồng kinh tế dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, các đơn vị kinh tế quốc doanh phải thông báo giá mua kén, tơ ngay đầu vụ sản xuất, điều chỉnh giá thích hợp khi giá sản phẩm xuất khẩu tăng, bảo đảm nông dân có ích lợi thoả đáng, yên tâm sản xuất lâu dài, đồng thời các đơn vị kinh tế quốc doanh có tích luỹ để tiếp tục mở rộng sản xuất. Từng bước hình thành quỹ bảo hiểm sản xuất để trợ giá cho nông dân khi giá xuất khẩu xuống thấp.
Giữa liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ Việt Nam và các công ty dâu tằm tơ tỉnh phải có sự phân công từ khâu dịch vụ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phải tổ chức lại hệ thống các cơ sở tiêu thụ sản phẩm, xoá bỏ tình trạng tranh mua, tranh bán kén, tơ, gây rối thị trường, làm mất ổn định giá cả, làm thiệt hại cho người sản xuất và cho Nhà nước.
3. Củng cố và tăng cường đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu khoa học dâu tằm tơ và các cơ sở sản xuất giống, bảo đảm tạo ra nhiều loại giống tốt, có năng suất, chất lượng cao và cung cấp đủ giống cho nông dân sản xuất.
Tổ chức lại một cách chặt chẽ hệ thống các cơ sở sản xuất và cung ứng giống đến tay người sản xuất. ở những vùng có điều kiện như Lâm Đồng, khuyến khích và giúp đỡ các hộ nông dân có kinh nghiệm tổ chức sản xuất trứng tằm giống và tằm con cho sản xuất. Mở rộng hợp tác với các nước để nhập nội và thuần hoá những giống tằm tốt phù hợp với điều kiện phát triển của ta.
4. Huy động nguồn vốn trong dân, vay vốn tín dụng, vay vốn nước ngoài v.v... để dầu tư cho sản xuất. Kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm, khai thác khả năng lao động, vốn và kinh nghiệm của dân, trước hết là trong khâu trồng dâu nuôi tằm. Nơi nào nông dân thiếu vốn, Ngân hàng trực tiếp cho nông dân vay đủ vốn để sản xuất theo tinh thần Chỉ thị 202-CT ngày 28 tháng 6 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng thời, Ngân hàng cho Liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ Việt Nam, Công ty dâu tằm tơ tỉnh vay vốn, thông qua hợp đồng kinh tế, các đơn vị này tổ chức dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, mở rộng hợp tác liên doanh sản xuất hoặc vay vốn nước ngoài để đầu tư, trước hết cho khai hoang trồng dâu, nuôi tằm, xây dựng các xí nghiệp ươm tơ, và từng bước xây dựng các xí nghiệp sản xuất các sản phẩm cao cấp từ nguyên liệu tơ tằm. Các đơn vị kinh tế quốc doanh phải tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trả được nợ.
Nhà nước đảm bảo cho các nông trường, xí nghiệp dâu tằm tơ vay bổ sung vốn lưu động đủ cho yêu cầu của sản xuất.
5. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh cùng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan phải có kế hoạch tổ chức tốt việc đưa và nhận dân đến xây dựng các vùng kinh tế dâu tằm và tổ chức tốt đời sống và phúc lợi xã hội như y tế, trường học trong các vùng này. Thực hiện các chính sách Nhà nước quy định về công tác định canh, định cư và chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, tạo điều kiện cho dân sớm ổn định sản xuất và đời sống.
6. Mở rộng việc đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật nuôi tằm, nhất là lao động kỹ thuật nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Tổ chức rộng rãi việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Tiếp tục mở các lớp đại học về dâu tằm ở trường Đại học nông nghiệp I, Hà Nội và trường Đại học Nông nghiệp IV, thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo xuống làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất.
7. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phải có cán bộ chuyên môn giúp Bộ và Uỷ ban thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dâu tằm tơ.
Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và các ngành có liên quan tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác ở vùng dâu tằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Chỉ thị này.
| Đồng Sĩ Nguyên (Đã ký)
|
- 1Nghị quyết số 143-CP về việc đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 202-CT năm 1991 về cho vay vốn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến hộ sản xuất do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 01-HĐBT năm 1982 về việc phát triển ngành dâu tằm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1Nghị quyết số 143-CP về việc đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 202-CT năm 1991 về cho vay vốn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến hộ sản xuất do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 01-HĐBT năm 1982 về việc phát triển ngành dâu tằm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chỉ thị 212-CT năm 1991 về đẩy mạnh phát triển sản xuất dâu tằm tơ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 212-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/07/1991
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Đồng Sĩ Nguyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra