Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 143-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 1970

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

I

Từ năm 1955, Đảng đã chỉ rõ phải coi trọng tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp vì đó và là nguồn sinh sống cho hàng chục vạn người. Đảng cũng đã chỉ cho những người sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp con đường hợp tác hoá để tiến lên chủ nghĩa xã hội, qua đó mà không ngừng đẩy mạnh sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và đóng góp ngày càng nhiều cho chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn đã chứng minh rằng trong nền kinh tế nước ta, từ sản xuất nhỏ từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, cùng với công nghiệp quốc doanh địa phương, là một bộ phận hợp thành của công nghiệp địa phương, giữ một vị trí quan trọng và lâu dài trong kinh tế địa phương, đặc biệt trong sản xuất hàng tiêu dùng để cung cấp cho nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu, góp phần cân đối hai ngành sản xuất lớn là công nghiệp và nông nghiệp. Sau khi đã hợp tác hoá, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp từ kinh tế cá thể chuyển thành kinh tế tập thể, là thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, có khả năng mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật để không ngừng nâng cao sức sản xuất.

Được sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của kinh tế quốc doanh, với sự nỗ lực của bản thân mình, sức sản xuất của khu vực kinh tế này đã tăng rất nhanh: năm 1969 so với năm 1955 tăng gấp 3 lần, sản phẩm của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp khá phong phú, có hàng vạn mặt hàng phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu. Nhiều hợp tác xã đã được xây dựng và dần dần mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường trang bị từ thủ công tiến lên nửa cơ giới và trở thành những đơn vị kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhận nhiệm vụ sản xuất và cung cấp một khối lượng sản xuất quan trọng, hiện nay, chiếm khoảng 50% tổng giá trị công nghiệp địa phương và khoảng 30% tổng giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là trong thời gian có chiến tranh phá hoại, sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có nhiều biến động, có ngành nghề phát triển ít, nhiều, có ngành nghề giẫm chân tại chỗ, có ngành nghề giảm sút, thậm chí đình đốn. Xu hướng chung là giảm sút, giá trị sản lượng năm 1969 so với 1964 sụt…, mặt hàng kém phong phú, chất lượng xấu hơn. Đến nay tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, trong đó có những nhu cầu rất thông thường.

Mặt khác, quan hệ sản xuất mới trong khu vực sản xuất tập thể bao gồm các hợp tác xã, các tổ sản xuất thủ công nghiệp, trong hợp tác xã nông nghiệp không những không được củng cố, hoàn thiện, mà có phần bị lỏng lẻo, yếu đi, thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa khu vực sản xuất tập thể với Nhà nước và đặc biệt trong mối quan hệ nội bộ của khu vực này. Ở đó còn nhiều chỗ chưa hợp lý, nhiều biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức hợp tác xã, đến đời sống tinh thần, vật chất của xã viên. Trái lại, khu vực sản xuất cá thể đang có chiều hướng phát triển, nhất là ở các thành phố, tác động không tốt đến khu vực sản xuất tập thể, có người trong khu vực tập thể ra làm ăn cá thể. Lao động gia đình thành thị, một nguồn lao động quan trọng cho sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, cũng chưa được tổ chức sử dụng và quản lý thích hợp.

Nguyên nhân của tình hình trên là có phần do ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại, song chủ yếu là do các ngành, các cấp còn chưa thấu suốt và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, chưa có sự chuyển biến sâu sắc, kịp thời trong chỉ đạo sản xuất và tổ chức quản lý đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

II

Trong nhiệm vụ cấp bách về khôi phục và phát triển kinh tế năm nay và trong thời gian tới, đi đôi với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để tăng thêm nguồn lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp, phải ra sức phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, nhằm góp phần nhanh chóng cải thiện đời sống nhân dân đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu về tiêu dùng của nhân dân và tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu. Để đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đi đôi với việc tích cực khôi phục và xây dựng các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, phương hướng quan trọng và cấp bách trước mắt là phải ra sức khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; đồng thời, tiếp tục hoàn thành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Trên cơ sở đó, ra sức tận dụng và phát triển năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, khôi phục các mặt hàng cũ và tăng nhanh các mặt hàng mới, nâng cao phẩm chất, hạ giá thành, có lợi cho Nhà nước, cho hợp tác xã và cho xã viên. Hiện nay, nông nghiệp đang được phát triển theo hướng thâm canh và toàn diện; công nghiệp, nghề rừng, nghề cá đang được đẩy mạnh; tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có thể dựa vào đó, khai thác những điều kiện thuận lợi mới để hoạt động tốt hơn trước. Phương hướng hoạt động chính của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong lúc này là tận dụng mọi nguồn tài nguyên, mọi nguồn lao động, sử dụng các loại công cụ từ thô sơ đến nửa cơ giới và cơ giới để sản xuất nhanh chóng nhiều mặt hàng tiêu dùng cho nhu cầu của nhân dân, của xuất khẩu và một số tư liệu sản xuất cho nhu cầu sản xuất của địa phương.

Theo phương hướng trên, nhiệm vụ của các ngành, các cấp đối với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là :

1. Phải đẩy mạnh sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp theo tốc độ nhanh hơn, với sản lượng cao hơn, mặt hàng nhiều hơn, phẩm chất tốt hơn, giá rẻ hơn. Cần đặc biệt chú trọng khai thác, tận dụng nguồn tài nguyên trong nước về nông sản, thổ sản, lâm sản, khoáng sản, thuỷ sản của các vùng kinh tế (đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển), nguồn phế liệu, phế phẩm của các xí nghiệp và trong nhân dân, kết hợp sử dụng một cách hợp lý phần nguyên liệu nhập khẩu, phát huy truyền thống sản xuất các ngành nghề, tận dụng mọi nguồn lao động để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng từ hàng thiết yếu, hàng thông thường đến một số tư liệu sản xuất và một số mặt hàng cao cấp, mặt hàng mỹ thuật nhằm phục vụ có hiệu lực 3 mục tiêu của nông nghiệp, phục vụ các ngành xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, các ngành kinh tế khác trong nước và xuất khẩu. Yêu cầu cụ thể là :

a) Chế biến lương thực, thực phẩm, trước hết nhằm vào việc chế biến hoa mầu (khoai, sắn) ở các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, để tăng thêm nguồn lương thực, chế biến đường, mật, kẹo, mứt từ các nguồn mía, hoa quả phân tán; ép các loại dầu từ vừng, sở, trẩu, lai, thầu dầu v.v… chế biến nước mắm và các loại mắm từ các nguồn cá, tôm, tép vùng ven biển (ngoài phần thu mua của Nhà nước); chế biến nước chấm, tương, dấm, dưa, rau khô, bột cà chua, v.v… từ các loại đỗ, ngô, mắm cá, ớt, các loại rau, v.v…; chế biến đậu phụ, các loại bánh ngọt v.v… ở thành phố, thị xã.

b) Sản xuất hàng tiêu dùng tập trung vào những mặt hàng mà tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đang giữ vị trí quan trọng trong sản xuất và đời sống: chiếu cói, đồ cói, nón lá, sành gốm, sứ, thuỷ tinh, đồ mộc dân dụng, guốc; đồ đan lát, học cụ; đồ chơi trẻ em v.v… và những mặt hàng mà tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp còn phải đảm nhiệm sản xuất với khối lượng lớn: vải, màn, khăn mặt, mùi xoa, khăn quàng, lụa, tơ, vải bạt, áo sợi, bít tất, đũi và nhiều mặt hàng may mặc sẵn; đồ kim khí tiêu dùng, đồ bằng da, cao su, nhựa, v.v… sản xuất các mặt hàng bằng vải ni-lông, vải giả da, các mặt hàng phải sản xuất hỗ trợ cho các xí nghiệp quốc doanh như giấy viết, giấy bìa, giấy in ro-nê-ô, giấy gói, đồ tôn, sắt tây và một số mặt hàng về kim khí tiêu dùng, v.v… Ngoài ra, tuỳ nhu cầu và khả năng của từng địa phương mà phát triển sản xuất thật nhiều mặt hàng bách hoá rất cần thiết khác kể cả đồ trang trí trong nhà.

c) Sản xuất tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ bản và các ngành kinh tế khác,  như bảo đảm nhu cầu về nông cụ thường với chất lượng tốt, phù hợp với tập quán canh tác từng vùng, một phần nông cụ cải tiến, xe cải tiến, công cụ cho thuỷ lợi, trồng rừng và khai thác lâm sản, công cụ và máy móc đơn giản cho chế biến nông sản, công cụ và phương tiện cho nghề cá (kể cả đánh, bắt và chế biến cá); bảo đảm việc sửa chữa tốt các nông cụ thường và các loại nông cụ khác. Đối với giao thông vận tải, cần sản xuất và sửa chữa các loại phương tiện vận tải thô sơ cải tiến, đặc biệt là thuyền vận chuyển hàng hoá. Đối với xây dựng cơ bản, cần đáp ứng nhu cầu về gạch, ngói, vôi (kể cả phần vôi bón ruộng); phát triển sản xuất các vật liệu xây dựng có thể khai thác và chế biến ở từng vùng như đá ong, đá xây dựng và vật liệu khác: đồ sắt xây dựng, cưa, sứ vệ sinh, ống dẫn nước, dụng cụ dùng cho đào đất, đổ bê-tông, phương tiện vận chuyển, v.v…

d) Sản xuất hàng xuất khẩu ngày càng tốt và nhiều.  là một lĩnh vực hoạt động cần chú trọng phát triển, có tầm quan trọng khá lớn đối với nền kinh tế nước ta, cũng như đối với bản thân tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất hàng mỹ nghệ xí nghiệp, nhằm vào những mặt hàng đang có giá trị xuất khẩu cao như đồ cói, mây, tre, song, bạc, ngà, sơn mài, thêu, lụa tơ, đũi, thổ cẩm, gỗ chạm, mành trúc, thảm v.v… Gia công hàng may mặc: kể cả may mặc kỹ và may mặc phổ thông, đan len, dệt thổ cẩm theo thị hiếu của người đặt hàng; gia công nhiều mặt hàng khác xét có lợi cho nền kinh tế trong nước và đem lại nhiều công ăn việc làm cho đông đảo người lao động.

e) Sửa chữa các đồ dùng và một số loại công cụ, thiết bị máy móc, do bản thân tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp sản xuất ra. Việc này vừa nhằm bổ khuyết những sai sót về chế tạo mà đến khi tiêu dùng mới thấy được, vừa nhằm tăng thêm giá trị sử dụng của các thứ hàng ấy hoặc nhằm cải tiến những mặt hàng ấy cho thích hợp với thị hiếu của từng lúc từng nơi (nhất là đối với các loại đồ gỗ và đồ trang trí trong nhà). Cần tổ chức rộng khắp màng lưới sửa chữa trực tiếp phục vụ cho người tiêu dùng, bao gồm các cửa hàng sửa chữa chuyên nghiệp và các bộ phận sửa chữa đặt tại các cơ sở sản xuất hoặc tại các cửa hàng bán sản phẩm.

2. Coi trọng và đẩy mạnh việc tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Vấn đề này cần được đặt ra cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, gắn chặt hai mặt thúc đẩy sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất với nhau, thường xuyên chú trọng củng cố quan hệ sản xuất mới, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể của hợp tác xã và quan tâm đúng mức đến việc đưa một bộ phận lao động cá thể vào con đường làm ăn tập thể. Kinh tế tập thể phải thực sự mang lại một năng suất lao động cao hơn kinh tế cá thể. Vì lẽ đó, phải chú trọng trước tiên củng cố và phát triển các hợp tác xã thuộc những ngành nghề có yêu cầu phát triển sản xuất mạnh mẽ, có điều kiện tổ chức sản xuất tập trung và phát triển kỹ thuật, tăng năng suất lao động nhanh chóng, tránh lối tổ chức hình thức, máy móc, gò bó.

a) Đối với hợp tác xã sản xuất. Phải tiến hành công tác trên các mặt :

- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã về các mặt: hợp tác xã làm tốt nghĩa vụ bán sản phẩm làm gia công đối với Nhà nước; Nhà nước chỉ đạo sản xuất, thi hành các chính sách về khuyến khích, giúp đỡ cải tiến kỹ thuật, tín dụng, cung cấp nguyên liệu, thiết bị máy móc, tiêu thụ sản phẩm, giá cả, đời sống v.v… và quản lý hành chính công thương; cải tiến quan hệ giữa kinh tế quốc doanh với hợp tác xã trên tinh thần dìu dắt, khuyến khích, giúp đỡ, hợp tác xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống mọi thói hư tật xấu.

- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ trong nội bộ hợp tác xã, xây dựng hợp tác xã thành một đơn vị hạch toán kinh tế, định rõ nội dung quản lý sản xuất phải bao gồm cả số lượng và chất lượng hàng hoá, chế độ thưởng và phạt làm thế nào để khuyến khích lao động giỏi, người có kỹ thuật, và đấu tranh chống thói làm lướt, làm ẩu, chạy theo lợi nhuận đơn thuần v.v… Dưới đây là những mục tiêu cụ thể :

- Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, xã viên, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, tuân thủ chính sách và pháp luật Nhà nước, khắc phục mọi biểu hiện tiêu cực: làm ăn tạm bợ, chân trong, chân ngoài, làm ẩu, khai man, lậu thuế, xoay xở tham ô, móc ngoặc v.v…

- Thực hiện chế độ làm chủ tập thể của xã viên trên nguyên tắc tất cả xã viên đều có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau trong hợp tác xã; khắc phục mọi hiện tượng quản lý theo thói gia trưởng, độc đoán; gạt bỏ những phần tử xấu, biến chất ra khỏi bộ máy lãnh đạo và quản lý hợp tác xã.

- Cải tiến các mặt quản lý kế hoạch, lao động, cung tiêu, kế toán tài vụ, kỹ thuật; chú trọng các khâu quản lý lao động, vật tư, tiền vốn; đẩy mạnh phong trào hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến mặt hàng, sáng chế mặt hàng mới.

- Giải quyết đúng đắn quan hệ phân phối trong nội bộ hợp tác xã, xác định tỷ lệ hợp lý giữa tích luỹ và tiêu dùng, thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động, chống lối phân phối bình quân; xoá bỏ những đặc quyền, đặc lợi.

b) Đối với tổ sản xuất thủ công nghiệp. Tiến hành việc củng cố, cải tiến quản lý như đối với hợp tác xã sản xuất; chuyển lên hợp tác xã những cơ sở xét cần thiết và có điều kiện. Phát hiện và chấn chỉnh gấp các hiện tượng tổ sản xuất biến tướng, trá hình.

c) Đối với thủ công nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp. Đối với những ngành nghề trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân và yêu cầu của Nhà nước, có giá trị hàng hoá lớn, thành một ngành hoạt động sản xuất thường xuyên trong hợp tác xã (dệt chiếu, sản xuất đồ gốm, vôi, gạch, hàng xuất khẩu v.v…) thì hợp tác xã nông nghiệp tổ chức kinh doanh và thống nhất quản lý. Đối với những nghề như đan lát, chế biến không thường xuyên, không ảnh hưởng đến việc quản lý lao động trong nông nghiệp, có giá trị hàng hoá nhỏ, thì coi như nghề phụ gia đình và để cho nhân dân tự làm, tự quản; sản phẩm làm ra thông qua hợp tác xã mua bán để tiêu thụ hoặc để tự sản, tự tiêu. Việc phân phối trong nội bộ hợp tác xã, cần có chính sách đối với ngày công một cách thích hợp để giải quyết giá chênh lệch giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công nghiệp nhằm khuyến khích thích đáng sản xuất cả hai ngành, tăng cường kỷ luật lao động trong nông nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng giằng co có hại đến nông nghiệp lúc thời vụ.

d) Đối với sản xuất cá thể. Đối với những nghề đưa vào làm ăn tập thể mà phát huy được tác dụng tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất, tăng thu nhập thì nói chung cần giáo dục giúp đỡ họ vào hợp tác xã hoặc tổ sản xuất để sản xuất và kinh doanh tập thể.

Đối với những người làm những nghề sửa chữa, phục vụ hoặc những nghề sản xuất không quan trọng, nếu xét thấy họ làm ăn tập thể hay làm ăn cá thể cũng không hơn kém gì, tự mình làm lấy, không cần có sự hợp tác của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xét nên hướng dẫn họ vào các tổ chức tập thể hoặc cho phép họ làm ăn cá thể. Đối với những người làm nghề độc đáo của dân tộc (những nghề mỹ nghệ chỉ sản xuất thủ công cá thể mới bảo đảm chất lượng) thì cần để họ được tiếp tục làm ăn cá thể. Đối với những người già yếu, tàn tật, không có khả năng lao động, nhưng không đủ điều kiện tham gia sản xuất tập thể, thì cũng cho họ đăng ký kinh doanh và giúp cho họ điều kiện sản xuất.

Ngoài những đối tượng trên, đối với một số người bỏ hợp tác xã ra ngoài làm ăn cá thể thì giáo dục, giúp đỡ họ trở về lối làm ăn tập thể.

Nói chung nên tìm mọi cách giúp đỡ khuyến khích và động viên mọi lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn và thành thị tham gia sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Việc đăng ký sản xuất kinh doanh đối với sản xuất cá thể cũng phải làm theo tinh thần đó, làm thế nào không hạn chế tính chủ động, sáng tạo của người sản xuất.

e) Đối với lao động gia đình ở thành thị, và các loại lao động khác tham gia sản xuất thủ công nghiệp: Chính quyền địa phương có trách nhiệm điều tra số người lao động trong từng gia đình ở thành thị, tiến hành đăng ký lao động. Trên cơ sở đó, thu xếp công việc làm cho nhân dân: làm gia công cho các xí nghiệp, cửa hàng quốc doanh, hợp tác xã sản xuất hoặc sản xuất, sửa chữa, làm công việc phục vụ ở đường phố. Tuỳ tính chất từng công việc mà để cho họ làm ở gia đình hay tổ chức họ lại dưới các hình thức: tổ gia công, tổ cung tiêu sản xuất, tổ phục vụ để họ tương trợ lẫn nhau, và thông qua đó, mà quản lý sản xuất kinh doanh của họ, hướng dẫn họ quản lý tốt công việc và phân phối hưởng thụ hợp lý trong nội bộ các tổ chức đó.

Đối với các loại lao động khác như học sinh, sinh viên vừa đi học, vừa lao động … thì tuỳ hoàn cảnh từng nơi, từng loại đối tượng lao động mà động viên họ tham gia sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

3. Xúc tiến việc cải tiến kỹ thuật và trang bị kỹ thuật cho các ngành nghề tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Mục đích của việc đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và trang bị kỹ thuật là nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển với năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. Hướng chung là thực hiện cải tiến công cụ sản xuất một cách phổ biến trong các ngành nghề và cơ sở sản xuất; tiến hành trang bị nửa cơ giới và cơ giới cho các khâu sản xuất thiết yếu. Cũng có thể có công cụ cơ sở sản xuất do yêu cầu phải tập trung đẩy mạnh sản xuất, cần trang bị cơ giới toàn bộ thì nên tiến hành bằng cách kết hợp hai mặt cơ sở sản xuất tự trang, tự chế, Nhà nước giúp đỡ mua sắm thêm máy móc, thiết bị.

Theo phương hướng trên, cần đi sâu vào từng ngành, nghề, từng cơ sở sản xuất, mà xác định yêu cầu cụ thể về cải tiến và trang bị kỹ thuật nằm các mục tiêu sau đây:

- Giải quyết tăng năng suất chung cho một ngành (do trang bị trong toàn ngành còn quá thô sơ, thấp kém), bằng cách cải tiến trang bị kỹ thuật để đưa năng suất ngành đó lên một mức độ nhất định.

- Giải quyết tăng năng suất cho một cơ sở sản xuất (do thực tế việc trang bị kỹ thuật cũ không cho phép đảm nhiệm khối lượng sản xuất ngày càng cao), bằng cách cải tiến trang bị hoặc trang bị thêm để tăng năng lực sản xuất của cơ sở đó.

- Giải quyết tăng năng suất cho một khâu lao động (do công việc quá năng nhọc, có độc hại do trang bị kém, mà không bảo đảm cân đối trong dây chuyển sản xuất), bằng cách tăng cường trang bị để tăng năng suất và cải thiện điều kiện lao động.

- Giải quyết các yêu cầu về cải tiến mặt hàng, sáng chế mặt hàng mới, thay đổi kết cấu nguyên liệu, tổng hợp lợi dụng nguyên liệu v.v… (do thực tế trang bị của ngành hoặc của cơ sở sản xuất không giải quyết được), bằng cách trang bị lại để khắc phục khó khăn về kỹ thuật.

Trong năm nay và những năm tới, dựa vào các mục tiêu trên cần xúc tiến việc cải tiến kỹ thuật cho các ngành nghề một cách có trọng tâm, trọng điểm, trước hết cho các ngành sản xuất quan trọng: chế biến nông sản, thực phẩm, chiếu, cói, và sản xuất đồ cói, sành, sứ, thuỷ tinh, dệt sợi bông tơ, đồ mộc dân dụng, giấy, cơ khí chế tạo và sửa chữa, đóng thuyền, vật liệu xây dựng.

Song song với việc cải tiến kỹ thuật, cần tích cực nâng cao trình độ nghề nghiệp cho thợ thủ công và tiểu công nghiệp, tổ chức học tập nghề nghiệp cho các loại lao động khác tham gia sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Trong từng địa phương, cần tổ chức các trường, lớp và hướng dẫn, kèm cặp, bồi dưỡng nghề nghiệp, đào tạo thợ mới, bổ túc thợ cũ.

III

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong thời gian tới, theo phương hướng và nhiệm vụ nói trên, các ngành, các cấp cần chủ động và tập trung giải quyết một số vấn đề về biện pháp, chính sách cụ thể theo tinh thần chung là: đề cao vai trò lãnh đạo và quản lý của Nhà nước và sự giúp đỡ của kinh tế quốc doanh đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, đồng thời phát huy tinh thần làm chủ tập thể của cơ sở sản xuất tự vươn lên giải quyết các vấn đề thiết thân của mình.

Tinh thần này phải được thể hiện trong công tác của các ban ngành quản lý ở trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương, qua việc giải quyết công tác kế hoạch hoá và việc định ra các chế độ, chính sách cụ thể và cách tổ chức thực hiện các chế độ và chính sách đó, cụ thể là :

1. Tiến hành gấp một bước việc quy hoạch và tăng cường chỉ đạo về kế hoạch đối với sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp :

a) Về quy hoạch. Công tác này rất phức tạp, phải làm từng bước, tránh cầu toàn. Từng địa phương cần chủ động tiến hành làm quy hoạch trong phạm vi địa phương mình. Các Bộ, Tổng cục quản lý ỏ trung ương có trách nhiệm tiến hành làm quy hoạch trong phạm vi ngành toàn quốc và giúp các địa phương điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi ngành toàn quốc và giúp các địa phương điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi địa phương. Yêu cầu trước mắt là: sơ bộ xác định phương hướng phát triển các ngành, nghề của công nghiệp địa phương, trên cơ sở đó, mà phân công hợp lý giữa công nghiệp quốc doanh địa phương với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, và phân bố sản xuất hợp lý trong khu vực tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, nhằm đạt mục đích ổn định nhiệm vụ sản xuất cho từng cơ sở sản xuất, điều kiện mấu chốt để đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, cải tiến quản lý hợp tác xã.

Nguyên tắc về phân công giữa công nghiệp quốc doanh với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp là phải trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế một cách toàn diện. Nói chung, trong những lĩnh vực sản xuất nào mà tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đã hoặc có thể vươn lên đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng thì cần tận dụng, phát triển tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Công nghiệp quốc doanh cần tập trung phát triển ở những lĩnh vực sản xuất có tác dụng kinh tế quan trọng và khối lượng sản xuất lớn, đòi hỏi phải đầu tư vốn nhiều, kỹ thuật phức tạp. Trong những ngành nghề mà công nghiệp quốc doanh và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp cần tồn tại và phát triển thì phải có sự phân công rõ ràng, hợp tác chặt chẽ để tránh việc chèn ép lẫn nhau. Ở đây nên nghiên cứu áp dụng hình thức nhóm sản phẩm  để giải quyết tốt sự phân công hợp tác đó.

Nguyên tắc về phân bố sản xuất trong khu vực tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp là:

Đối với các hợp tác xã sản xuất, nói chung cần được giao nhiệm vụ sản xuất, những sản phẩm thiết yếu với khối lượng lớn theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và những sản phẩm thông thường đòi hỏi chất lượng cao.

Đối với các tổ sản xuất, thì tuỳ trình độ tổ chức và kỹ thuật của các tổ mà giao nhiệm vụ sản xuất thích hợp, có phần sản xuất độc lập, có phần sản xuất bổ trợ cho các hợp tác xã sản xuất.

Thủ công nghiệp trong các hợp tác xã nông nghiệp cần được sử dụng vào việc chế biến lương thực, thực phẩm với kỹ thuật đơn giản, từ nguồn nguyên liệu phân tán trong nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng thuộc các ngành, nghề truyền thống sẵn có trong nông thôn; sản xuất và sửa chữa để trực tiếp phục vụ nông nghiệp (nung gạch, ngói, làm vôi, rèn, mộc, nề, v.v…). Hiện nay nói chung nên để hợp tác xã nông nghiệp quản lý những người làm nghề thủ công trong các hợp tác xã nông nghiệp để tận dụng hợp lý sức lao động và phát triển kinh doanh nhiều ngành, nhiều nghề trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Trường hợp ở nơi ít ruộng đất, có nhiều người làm nghề thủ công và sản xuất tập trung, có sản lượng lớn và có điều kiện phát triển, nếu tách thành hợp tác xã thủ công chuyên nghiệp có lợi hơn cho sản xuất, tăng thêm sản phẩm cho xã hội, có lợi cho Nhà nước, đoàn kết được trong nông thôn thì có thể tách khỏi hợp tác xã nông nghiệp. Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố cần xét cụ thể và quyết định việc tách đó. Những nơi nào vừa qua đã tách thủ công nghiệp ra khỏi nông nghiệp không đúng tinh thần trên thì xem xét và điều chỉnh lại cho hợp lý.

Thủ công nghiệp cá thể, được sử dụng theo yêu cầu, trình độ nghề nghiệp của từng người và được quy định trong đăng ký kinh doanh. Các lực lượng lao động khác như lao động gia đình, lao động trường học, thương bệnh binh v.v… thì tuỳ khả năng từng đối tượng lao động mà sắp xếp vào các công việc sản xuất, chế biến cho thích hợp, công việc tương đối đơn giản, công việc phục vụ sửa chữa v.v…

b) Về công tác kế hoạch và quan hệ thị trường đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Đối với đại bộ phận những ngành nghề quan trọng, đang làm gia công, nhận đặt hàng với kinh tế quốc doanh hay cơ quan Nhà nước, cần tăng cường hơn nữa công tác kế hoạch hoá. Ở cấp kế hoạch trung ương cũng như ở cấp kế hoạch địa phương, trong kế hoạch dài hạn cũng như trong kế hoạch ngắn hạn về phát triển công nghiệp, phải có các chỉ tiêu kế hoạch riêng cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, qua đó mà cân đối các yếu tố vật tư, lao động, tiền vốn để tận dụng khả năng của hợp tác xã vận động sự đóng góp của xã viên và định rõ sự giúp đỡ của Nhà nước. Đối với cơ sở sản xuất, cần thông qua liên hiệp xã để giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể.

Đối với những hoạt động của ngành nghề khác chưa thể dự kiến được đầy đủ trong kế hoạch Nhà nước đề ra từ đầu năm, thì cần khuyến khích tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển sản xuất thông qua việc ký kết hợp đồng kinh tế trực tiếp với các tổ chức đặt hàng để nhận nhiệm vụ sản xuất, từ hợp đồng ngắn hạn đến hợp đồng dài hạn, theo đúng những quy định của Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế.

Ngoài nhiệm vụ sản xuất nêu trên, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có thể phát huy tính tích cực và chủ động của mình để sản xuất thêm những mặt hàng ngoài kế hoạch, nhằm tận dụng năng lực sản xuất của cơ sở trong địa phương, tăng thêm hàng hoá cung cấp cho nhu cầu của nhân dân trong địa phương, tăng thêm thu nhập cho hợp tác xã và xã viên.

Tất cả các trường hợp nêu trên (sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc ngoài kế hoạch) đều thông qua việc ký hợp đồng kinh tế mà thực hiện, trừ những mặt hàng linh tinh sản xuất lẻ tẻ, không có tính chất thường xuyên thì có thể để cho người sản xuất tự sản tự tiêu.

2. Tăng cường và cải tiến một số chính sách cụ thể đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

a) Về nguyên liệu.

Cần giải quyết một cách vững chắc hơn vấn đề này để cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có nguồn nguyên liệu tương đối ổn định. Hướng chính là dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước mà phát triển sản xuất. Trên tinh thần đó, phải hết sức chú ý việc khuyến khích hợp tác xã nuôi trồng và khai thác các nguồn nguyên liệu về nông sản, thổ sản, lâm sản, thuỷ sản và tận dụng các nguồn nguyên liệu từ công nghiệp, kể cả phế liệu, phế phẩm. Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập của nước ngoài, phải có dự trù cho sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Các cấp kế hoạch trung ương và địa phương, trong phạm vi trách nhiệm từng cấp, cần thực hiện việc cân đối nói trên một cách cụ thể và chặt chẽ, cả đối với phần do Nhà nước trực tiếp cung cấp và phần hướng dẫn cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đảm nhiệm lấy.

Cần chỉnh đốn và cải tiến gấp khâu cung cấp vật tư cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Về nguyên tắc, đối với những nguyên, nhiên, vật liệu thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý, thì các cơ quan quản lý vật tư Nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho cơ sở sản xuất; còn đối với nguyên, nhiên vật liệu khác, thì thương nghiệp quốc doanh cố gắng vươn lên để cung cấp theo khả năng của mình. Đối với một số loại vật tư nhất định mà cơ quan quản lý vật tư Nhà nước và thương nghiệp quốc doanh không bảo đảm được việc cung cấp, thì các cơ quan quản lý có trách nhiệm của Nhà nước cùng với liên hiệp xã tích cực hướng dẫn các cơ sở sản xuất tự đảm nhiệm lấy việc cung cấp theo đúng chính sách chế độ quản lý của Nhà nước.

Những vật tư mà Nhà nước thống nhất quản lý, bao gồm những loại vật tư do chính quyền địa phương quản lý, thì các cơ quan quản lý vật tư Nhà nước cần bảo đảm cung cấp cho cơ sở sản xuất, cân đối với chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Trong trường hợp vật tư thiếu cả cho nhu cầu sản xuất của xí nghiệp quốc doanh và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, thì phải căn cứ nhu cầu sản xuất của đôi bên và định tỷ lệ cung cấp cho thích hợp. Cần thực hiện việc cung cấp thẳng cho hợp tác xã theo chỉ tiêu kế hoạch như đối với xí nghiệp quốc doanh, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 184-CP ngày 24 tháng 09 năm 1969 về cung cấp vật tư kỹ thuật của Hội đồng Chính phủ. Ngành nội thương phụ trách cung cấp cho khu vực sản xuất thuộc diện gia công và một phần vật tư cần thiết cho những cơ sở sản xuất ganhg cacuc nhungt thuộc diện đặt hàng của mình và cho một số nhu cầu lẻ tẻ chưa có thể đưa vào diện dự trù trước của kế hoạch Nhà nước được. Đối với vật tư chuyên dùng, do các cơ quan quản lý công nghiệp phụ trách, thì liên hiệp xã tổng hợp dự trù để các cơ quan đó ghi vào kế hoạch cung cấp cho cơ sở sản xuất. Đối với vật tư do cơ quan thương nghiệp kinh doanh, nếu không sử dụng cho gia công, đặt hàng, thì liên hiệp xã tổng hợp dự trù để thương nghiệp quốc doanh cung cấp cho cơ sở sản xuất.

Những vật tư do cơ sở sản xuất tự đảm nhiệm lấy việc cung cấp, từ các nguồn sau đây :

- Một số loại nông sản dùng làm nguyên liệu sản xuất mà Nhà nước không thu mua (danh mục mặt hàng cần được quy định cụ thể). Các cơ sở sản xuất được trực tiếp thu mua những nông sản đó theo đúng những quy định của Nhà nước về quản lý thị trường nông, thổ sản.

- Các loại nguyên liệu lâm sản như: gỗ ngọn, gỗ cành, tre nứa, lá, mây, song dùng vào sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp (danh mục mặt hàng cần được quy định cụ thể) v.v… ngoài phần cơ quan quản lý vật tư Nhà nước có trách nhiệm cung cấp, Liên hiệp xã, tỉnh, thành thay mặt các hợp tác xã ký kết hợp đồng thu mua với cơ quan quản lý lâm nghiệp địa phương. Trên cơ sở đó,hợp tác xã đặt mua trực tiếp với các lâm trường ở những địa điểm thích hợp. Tổng cục lâm nghiệp cùng với Liên hiệp xã trung ương nghiên cứu gấp chế độ này, trên tinh thần vừa tận dụng tài nguyên rừng để tăng thêm khả năng cung cấp cho chất đốt, cho sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, vừa bảo vệ được rừng.

- Các loại phế liệu, phế phẩm của các xí nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương, không sử dụng hoặc không sử dụng hết vào sản xuất, trừ một số loại Nhà nước cần thống nhất quản lý phân phối như: đồng, chì, nhôm, vàng, bạc vải đầu mẩu, những phế liệu được ghi vào tiêu chuẩn cung cấp chất đốt, thì các xí nghiệp quốc doanh cần thông qua Liên hiệp xã, tỉnh, thành để giới thiệu và quản lý kế hoạch phân phối, mà trực tiếp bán cho cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, không được để ứ đọng hoặc hư hỏng. Để sử dụng tốt phế liệu, phế phẩm về một số mặt hàng nào đó, cần có một ít nguyên liệu chính phẩm hoặc nguyên liệu phụ kèm theo, thì ngành vật tư hoặc thương nghiệp quốc doanh bán cho cơ sở sản xuất, theo dự trù của Liên hiệp xã.

Ngoài ra, cần khuyến khích các hợp tác xã tổ chức thu mua đồ nát, đồ cũ trong nhân dân để dùng vào sản xuất, như đồ dùng bằng nhựa, vỏ thuốc đánh răng, đồ dùng bằng kim loại đã cũ hoặc đã hỏng, sách báo cũ không cần dùng nữa v.v… Công ty phế liệu, phế phẩm của ngành nội thương sẽ thôi kinh doanh về mặt hàng này cung cấp cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, trừ một số phế liệu do Nhà nước thống nhất quản lý phân phối.

b) Về tiêu thụ sản phẩm. Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có trách nhiệm và nghĩa vụ làm gia công hoặc bán hàng làm ra cho Nhà nước. Thương nghiệp quốc doanh và cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp vừa tạo điều kiện cho các cơ sở này phát triển sản xuất vừa thực hiện việc nắm chắc nguồn hàng tận gốc để tổ chức cung cấp cho nhân dân theo kế hoạch. Đối với những sản phẩm khác còn lại không thu mua, thương nghiệp quốc doanh hay cơ quan Nhà nước cần có kế hoạch, biện pháp hướng dẫn và giúp đỡ các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp bán thẳng cho người tiêu dùng.

Những sản phẩm do thương nghiệp quốc doanh thu mua gia công tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp bao gồm :

- Những sản phẩm thiết yếu, sản xuất và phân phối theo kế hoạch Nhà nước, trong đó: đối với loại mà các ngành vật tư và thương nghiệp quốc doanh cung cấp toàn bộ nguyên liệu chính và phụ cấu thành sản phẩm, thì thu mua toàn bộ sản phẩm; đối với những loại sản phẩm mà các ngành vật tư và thương nghiệp quốc doanh chỉ cung cấp một phần nguyên liệu chính và phụ, còn một phần nguyên liệu chính và phụ khác do cơ sở sản xuất tự đi khai thác, thu mua, thì thương nghiệp quốc doanh cần thương lượng thu mua trên cơ sở hợp đồng kinh tế hai chiều với giá cả hợp lý đối với cơ sở sản xuất.

- Những sản phẩm có giá trị sử dụng quan trọng nhất là những mặt hàng xuất khẩu (cả chính phẩm và thứ phẩm) thì Nhà nước thu mua toàn bộ.

- Những sản phẩm sử dụng các nguồn nguyên liệu do cơ sở sản xuất tự trồng trọt, thu mua (đã nói ở phần chính sách về nguyên liệu) thương nghiệp quốc doanh có thể bao tiêu, thu mua một phần hoặc hướng dẫn giúp đỡ cơ sở sản xuất tự lo liệu lấy.

Những sản phẩm do cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tự đảm nhiệm lấy việc tiêu thụ bao gồm :

- Những sản phẩm theo đơn đặt hàng riêng lẻ của các đơn vị kinh tế Nhà nước (không qua thương nghiệp quốc doanh, nhưng phải do cơ quan quản lý của Nhà nước hay Liên hiệp xã giới thiệu).

- Những loại sản phẩm khác mà thương nghiệp quốc doanh chỉ mua một phần hoặc không mua. Cơ quan quản lý thương nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn giúp đỡ các cơ sở sản xuất trực tiếp bán cho người tiêu dùng trong địa phương tại các chợ hoặc gửi bán tại các cửa hàng do Liên hiệp xã tổ chức, không được sử dụng tiểu thương làm trung gian. Nghiêm cấm hoạt động đầu cơ có hại đến sản xuất và đời sống chung.

Ngoài ra, còn những nghề linh tinh sản xuất đơn chiếc như: thêu thùa, đan lát lặt vặt, vẽ tranh, truyền hình v.v… thì để cho người sản xuất được hoàn toàn tự sản, tự tiêu.

c) Về giá cả. Cần giải quyết đúng đắn giá thu mua, giá gia công sản phẩm tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, theo những nguyên tắc sau đây :

- Bảo đảm bù đắp các chi phí sản xuất hợp lý và phần lãi thích đáng nhằm bảo đảm mức sống bình thường cho thợ thủ công, với mức tiền công tương đương với công nhân xí nghiệp quốc doanh cùng ngành, cùng nghề, cùng điều kiện lao động; có phần cho tích luỹ để mua sắm thiết bị, mở rộng sản xuất, có phần cho bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể theo hướng dần dần áp dụng như chế độ đối với công nhân xí nghiệp quốc doanh cùng ngành cùng nghề.

- Có phân biệt theo phẩm chất, hàng tốt giá cao, hàng xấu giá thấp; nhằm khuyến khích làm hàng tốt, tiết kiệm nguyên liệu, cải tiến mặt hàng, phát triển mặt hàng mới, khuyến khích sản xuất mặt hàng thiết yếu cho đời sống, cho sản xuất, và mặt hàng xuất khẩu.

Về cách chỉ đạo giá. Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 48-CP ngày 12 tháng 03 năm 1970 về phân cấp quản lý giá.

Căn cứ các nguyên tắc và cách chỉ đạo nêu trên đây, Uỷ ban Vật giá Nhà nước cần nghiên cứu, hướng dẫn thi hành, đồng thời xúc tiến việc phân cấp quản lý giá cho các ngành, các địa phương.

d) Về cải tiến kỹ thuật. Cần giải quyết tốt những vấn đề cần thiết dưới đây để khuyến khích cải tiến kỹ thuật.

- Tổ chức tốt việc cung cấp thiết bị máy móc, những nguyên nhiên, vật liệu cần thiết để trang bị cho cơ sở sản xuất. Chọn trong số thiết bị, máy móc đã nhập hoặc sắp nhập về và có thể có kế hoạch nhập thêm để cung cấp cho các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Chuyển nhượng lại một số thiết bị máy móc không sử dụng hoặc sử dụng không thích hợp của các xí nghiệp quốc doanh để trang bị cho các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có nhu cầu sử dụng theo chính sách giá cả và thủ tục thanh toán chung của Nhà nước. Chấm dứt tình trạng cung cấp cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp thiết bị, máy móc không đồng bộ, thậm chí hư hỏng, đem về không dùng được. Giao nhiệm vụ cho các xí nghiệp cơ khí quốc doanh trung ương, địa phương và hợp tác xã cơ khí sản xuất và cung cấp những thiết bị và máy móc để trang bị cho hợp tác xã; Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Vật tư, các Bộ, Tổng cục quản lý và Liên hiệp xã trung ương có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thi hành việc cung cấp nói trên.

- Các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tự bỏ vốn để mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên, vật liệu để sản xuất là chủ yếu, Nhà nước có thể xét cho vay nếu thấy cần thiết. Cần hoàn chỉnh chế độ cho các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp vay vốn dài hạn; về mức cho vay, về lợi suất, về kỳ hạn cho vay, về thể thức cho vay và thanh toán, ngân hàng Nhà nước cùng với Liên hiệp xã trung ương nghiên cứu và đề nghị Chính phủ ban hành sớm vấn đề này.

- Biệt phái cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề về giúp đỡ cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, giải quyết các vấn đề kỹ thuật quan trọng; cung cấp hẳn và ngày càng nhiều cán bộ kỹ thuật theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất (Bộ Lao động cùng với Liên hiệp xã Trung ương nghiên cứu chế độ áp dụng cho loại cán bộ này); tích cực giúp đõ Liên hiệp xã các cấp mở trường hoặc lớp đào tạo thợ lành nghề cho các tổ chức hợp tác.

- Giúp đỡ các cơ sở sản xuất trong việc thí nghiệm cải tiến mặt hàng và sáng chế mặt hàng mới, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, phương tiện để thí nghiệm, đưa cán bộ kỹ thuật về giúp đỡ việc thí nghiệm; xét trợ cấp một phần kinh phí, nếu việc thí nghiệm đòi hỏi phải có kinh phí nhiều và thuộc chương trình khuyến khích nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Nhà nước. Đối với những cơ sở có những sáng chế, phát minh có giá trị về kinh tế - kỹ thuật cao, thì sẽ được hưởng quyền lợi trực tiếp trong sản xuất kinh doanh. Về vấn đề này Nhà nước sẽ xét và quy định, và sẽ khen thưởng thích đáng. Ủy ban Khoa học Nhà nước cùng với Liên hiệp xã trung ương nghiên cứu và đề nghị về chính sách và chế độ để thực hiện theo hướng đó.

e) Về đời sống của công nhân tiểu công nghiệp và thợ thủ công. Cần quan tâm đúng mức đến vấn đề này nhằm khuyến khích nhiệt tình lao động của công nhân và thợ thủ công trong sản xuất, tăng thêm sự gắn bó của xã viên đối với hợp tác xã. Hợp tác xã phải phấn đấu để tự giải quyết đời sống cho cán bộ và xã viên mình là chính, Nhà nước có giúp đỡ một phần và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tự phấn đấu.

Về phần hợp tác xã. Phải trên cơ sở phát triển sản xuất, cải tiến quản lý mà nâng cao thu nhập và qua đó, mở rộng dần chế độ phúc lợi tập thể như vườn trẻ, bếp ăn tập thể, nhà tắm, nhà vệ sinh, trạm y tế…; phấn đấu nâng dần chế độ bảo hiểm xã hội về chữa bệnh, trợ cấp ốm đau, sinh đẻ, nghỉ phép hàng năm có trả lương; nơi nào có điều kiện thì thi hành chế độ phụ cấp con. Khuyến khích tổ chức tăng gia sản xuất để tự cải thiện trong các hợp tác xã và các gia đình xã viên, để cùng với tiêu chuẩn cấp phát mà giải quyết đời sống được tốt hơn. Liên hiệp xã trung ương cùng với Bộ Lao động nghiên cứu toàn bộ chế độ bảo hiểm xã hội áp dụng cho hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Về phần Nhà nước. Các cơ quan quản lý công nghiệp cùng với Liên hiệp xã có trách nhiệm thông qua việc tăng cường chỉ đạo sản xuất và ổn định nhiệm vụ sản xuất cho các cơ sở, giải quyết đủ công ăn việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động sản xuất. Các cơ quan nội thương, lương thực thực phẩm, lao động cần thi hành các chế độ đã được quy định về cung cấp trang bị để bảo hộ an toàn lao động, cung cấp lương thực, thực phẩm bồi dưỡng hiện vật v.v…; thi hành chế độ ưu tiên, ưu đãi, khen thưởng đối với thợ thủ công có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chú trọng đến các lão nghệ nhân trong các ngành nghề truyền thống.

3. Tăng cường chỉ đạo và quản lý tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

a) Trên tinh thần đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, thực hiện đầy đủ, đúng đắn các chính sách đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp cần xác định rõhinhan,ngga giac trách nhiệm trong việc chỉ đạo và quản lý của các ngành, các cấp đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần xúc tiến việc cải tiến kế hoạch hoá đối với sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp theo nguyên tắc dưới sự lãnh đạo và quản lý thống nhất của Nhà nước, hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp được chủ động xây dựng lấy kế hoạch của mình.

Các bộ quản lý công nghiệp (công nghiệp nhẹ - lương thực thực phẩm - kiến trúc v.v…) có trách nhiệm quản lý tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp về các mặt quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo kỹ thuật, nghiệp vụ, nghiên cứu chính sách; giúp đỡ đào tạo cán bộ kỹ thuật và thợ lành nghề; cung cấp vật tư chuyên dùng v.v…

Bộ Nội thương với chức năng lưu thông phân phối, quản lý thống nhất thị trường xã hội chủ nghĩa và trực tiếp kinh doanh một khối lượng rất lớn sản phẩm của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong việc tham gia làm quy hoạch, tổ chức việc thu mua và gia công cho phù hợp với các quy hoạch sản xuất, tổ chức cung cấp phần nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, phụ tùng lẻ cho sản xuất, hướng dẫn tiêu thụ trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, tổ chức cung cấp vật phẩm tiêu dùng cho đời sống xã viên.

Các ngành quản lý tổng hợp có liên quan (vật giá, vật tư, tài chính, ngân hàng, lao động) có trách nhiệm tăng cường quản lý và thực hiện đúng đắn chính sách đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong phạm vi chức năng từng ngành.

Uỷ ban hành chính tỉnh, thành có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong phạm vi địa phương, theo đúng quyền hạn và trách nhiệm đã được quy định về phân cấp quản lý kinh tế, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho Uỷ ban hành chính huyện, khu phố, thị xã để giúp Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo và quản lý. Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp thuộc công nghiệp địa phương do địa phương quản lý cho nên Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố cần hết sức quan tâm chỉ đạo và quản lý tốt khu vực kinh tế này. Trong phạm vi toàn quốc, Hội đồng Chính phủ chỉ đạo thống nhất đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp thông qua Liên hiệp xã trung ương và các Bộ, các ngành chủ quản và tổng hợp của Nhà nước.

b) Trên tinh thần đề cao quyền làm chủ tập thể, tinh thần tự lực, phấn đấu của thợ thủ công, tinh thần độc lập, tự chủ của tổ chức kinh tế tập thể, kiện toàn gấp hệ thống liên hiệp xã để các ngành, các cấp thông qua tổ chức đó, chỉ đạo và quản lý tốt tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Tất cả các tổ chức hợp tác hoá thuộc các ngành kinh tế công nghiệp đều là thành viên của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp (gọi tắt là Liên hiệp xã). Liên hiệp xã có chức năng quản lý kinh tế trong nội bộ khu vực tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, đồng thời có chức năng là đoàn thể quần chúng của những người lao động thủ công và tiểu công nghiệp. Căn cứ vào hai chức năng đó, Liên hiệp xã có nhiệm vụ như sau:

- Chỉ đạo các tổ chức hợp tác thi hành đường lối, chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, phối hợp với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu các chủ trương, chính sách biện pháp cần ban hành cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

- Tham gia việc lập và thực hiện quy hoạch công nghiệp địa phương (bao gồm tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp); tiếp nhận chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, phân bố cho các tổ chức hợp tác, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện, tổ chức những công việc kinh doanh cần thiết nhằm phục vụ sản xuất của các tổ chức hợp tác.

- Chỉ đạo và tổ chức việc cải tiến kỹ thuật, việc đào tạo cán bộ quản lý, thợ lành nghề cho các hợp tác xã.

- Chỉ đạo việc củng cố và cải tiến quản lý hợp tác xã, quản lý và cải tạo sản xuất cá thể. Kết hợp với Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp để quản lý ngành nghề và thợ thủ công trong hợp tác xã nông nghiệp; giúp Uỷ ban hành chính thành phố, khu phố, thị xã tổ chức và quản lý lao động gia đình ở thành thị tham gia sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

- Tiến hành việc giáo dục chính trị và tư tưởng, chỉ đạo tổ chức cải thiện đời sống cho thợ thủ công trong các tổ chức hợp tác xã.

- Thông qua Bộ Ngoại thương đặt quan hệ hợp tác kinh tế - kỹ thuật trong khuôn khổ phong trào hợp tác hoá với các tổ chức hợp tác xã ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Hệ thống tổ chức Liên hiệp xã các cấp như sau :

- Ở trung ương, có Liên hiệp xã trung ương trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

- Ở tỉnh, thành phố có Liên hiệp xã tỉnh, thành phố trực thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố. Ở những tỉnh và thành phố nào có nhiều cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, Liên hiệp xã tỉnh, thành cần được tách ra khỏi Ty, Cục Công nghiệp, thành một tổ chức hoạt động độc lập. Ở địa phương nào, có nhiều cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp cùng ngành nghề, cần tổ chức Liên hiệp xã ngành để thực hiện việc chỉ đạo và quản lý chuyên ngành.

- Ở huyện, khu phố, thị xã, nơi nào có nhiều cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp chuyên nghiệp, cần thành lập Liên hiệp xã huyện, khu phố, thị xã. Nơi nào có ít cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp chuyên nghiệp, thì chưa nên thành lập Liên hiệp xã, mà Phòng Công nghiệp kiêm chức năng của Ban vận động hợp tác xã, chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban hành chính huyện, khu phố, thị xã và sự hướng dẫn của Liên hiệp xã tỉnh, thành phố.

Ở mỗi cấp Liên hiệp xã có Ban chủ nhiệm, trong đó có thành viên từ cơ sở hoặc cấp dưới giới thiệu lên, có thành viên do Chính phủ Trung ương hoặc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố, huyện, khu phố, thị xã giới thiệu để đại hội đại biểu cấp đó bầu ra. Ban chủ nhiệm bầu ra ở mỗi cấp phải được Ban Liên hiệp cấp xã trên chuẩn y và chính quyền cấp đó ra quyết định công nhận. Ban chủ nhiệm ở mỗi cấp bầu ra Ban thường trực và Ban kiểm tra để thay mặt Ban chủ nhiệm trực tiếp điều khiển công việc hàng ngày. Mỗi cấp Liên hiệp xã cần có tổ chức biên chế gọn nhẹ, để thực hiện đầy đủ chức năng quản lý kinh tế và chức năng đoàn thể quần chúng.

Việc đẩy mạnh phát triển tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có tầm quan trọng lớn trong nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế hiện nay trong sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp và tổ chức Liên hiệp xã đề cao trách nhiệm và quyết tâm chấp hành nghị quyết này. Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng có nhiệm vụ giúp Hội đồng Chính phủ đôn đốc và kiểm tra việc thi hành.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị