HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01-HĐBT | Hà Nội, ngày 04 tháng 1 năm 1982 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 1-HĐBT NGÀY 4 THÁNG 1 NĂM 1982 VỀ PHÁT TRIỂN DÂU TẰM
Nước ta có điều kiện đất đai, khí hậu, lao động và truyền thống sản xuất tơ tằm để mặc và xuất khẩu.
Để phát huy tiềm năng trên đây, nhằm góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về mặc của nhân dân, Hội đồng Bộ Trưởng quyết định:
1. Phát động phong trào đẩy mạnh trồng dâu nuôi tằm để tự giải quyết nhu cầu về mặc.
Chính quyền các cấp cần động viên và giúp đỡ các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các gia đình tận dụng đất đai, lao động để phát triển trồng dâu, nuôi tằm (kể cả tằm dâu, tằm sắn, tằm thầu dầu), kết hợp trồng bông và cây có sợi khác; tổ chức ươm tơ, dệt lụa, dệt vải để tự giải quyết đến mức cao nhất nhu cầu về mặc.
Mỗi tỉnh, thành phố, mỗi huyện phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể để chỉ đạo, giúp đỡ các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các gia đình thực hiện chủ trương trên đây với tinh thần khẩn trương.
2. Tích cực xây dựng vùng sản xuất tơ tằm tập trung để xuất khẩu.
Trước hết, phải chỉ đạo các vùng đã có tập quán trồng dâu nuôi tằm ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hà Bắc, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đã Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Lâm Đồng, An Giang, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dâu tằm, củng cố và phát triển các cơ sở ươm tơ bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Phải đặc biệt chú ý củng cố và phát triển vùng dâu tằm Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là vùng có tiềm lực lớn.
Đối với các vùng nói trên cần chỉ đạo thâm canh tăng năng suất dâu, kén trên diện tích chuyên canh tập trung hiện có, đồng thời mở thêm diện tích mới để bảo đảm có thêm kén cho các nhà máy ươm tơ; phát triển guồng ươm tơ cải tiến để có khối lượng tơ tập trung ngày càng lớn và có chất lượng tốt.
Hình thức sản xuất chủ yếu ở vùng sản xuất tơ tằm tập trung xuất khẩu là hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và áp dụng rộng rãi việc khoán sản phẩm đến người lao động. Ngoài diện tích tập trung do hợp tác xã, tập đoàn sản xuất quản lý để sản xuất và làm nghĩa vụ kén tằm cho Nhà nước cần khuyến khích mạnh mẽ gia đình tận dụng đất đai để sản xuất kén tằm bán cho Nhà nước.
3. Bổ sung một số chính sách khuyến khích sản xuất tơ tằm.
a) Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và hộ gia đình sản xuất dâu tằm (kể cả tơ tằm xuất khẩu và tơ tằm để tự giải quyết nhu cầu mặc) được Nhà nước cung ứng dâu giống, trứng tằm giống, thuốc phòng trừ sâu bệnh; Nhà nước giúp đỡ các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa.
b) Diện tích đất đai tận dụng (không thuộc diện Nhà nước giao nghĩa vụ nông sản) để sản xuất tơ tằm không phải nộp thuế nông nghiệp và không phải làm nghĩa vụ nông sản cho Nhà nước. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và hộ gia đình tổ chức ươm tơ, dệt lụa để tự giải quyết nhu cầu về mặc tại chỗ của tập thể và gia đình được miễn thuế công thương nghiệp và có thể trao đổi tơ, kén với Nhà nước để lấy vật tư và hàng tiêu dùng, hoặc bán cho nhà nước với giá thoả thuận; ngoài ra thì được bán tự do. Người trồng dâu nuôi tằm trên đất khai hoang, phục hoá, được miễn thuế nông nghiệp và miễn nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước theo Quyết định số 254-CP ngày 16 tháng 6 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ về bổ sung chính sách khuyến khích khai hoang, phục hoá.
c) Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất thuộc vùng tơ tằm tập trung để xuất khẩu, được Nhà nước giao mức nghĩa vụ ổn định kén tằm, cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để xây dựng cơ sở sản xuất tơ tằm, được nộp thuế nông nghiệp bằng tiền trên diện tích trồng dâu.
Nhà nước cung ứng phân hoá học để bón dâu, dầu thắp đèn để chăm tằm, than, nếu thiếu lương thực sẽ được cung cấp lương thực theo chính sách vùng cây công nghiệp; nếu giao nộp tơ kén cho Nhà nước vượt mực chỉ tiêu thì được mua thêm vải để mặc với số lượng và chất lượng cao hơn tiêu chuẩn chung của nhân dân địa phương.
Toàn bộ kén tằm, tơ tằm sản xuất ở vùng tập trung đều bán cho Nhà nước để xuất khẩu theo hợp đồng hai chiều ký kết giữa Nhà nước với hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Trong đó, phần kén giao theo hợp đồng được tính theo giá quy định của Nhà nước, phần kén giao vượt mức hợp đồng được tính theo giá thoả thuận. Nếu Nhà nước không cung ứng đủ vật tư, hàng hoá theo hợp đồng hai chiều, thì phần kén tương ứng với lượng vật tư, hàng hoá Nhà nước thiếu cũng được tính theo giá thoả thuận.
d) Nhà nước bán dâu giống, trứng tằm giống cho cơ sở sản xuất (kể cả hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và gia đình) theo giá thành không tính lãi. Ngân sách Nhà nước sẽ trả lãi cho cơ sở sản xuất dâu giống và trứng tằm giống theo định mức và theo khối lượng giống thực tế đã bán cho các cơ sở sản xuất.
e) Các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có tơ, kén giao nộp cho Trung ương được thu vào ngân sách địa phương một khoản thu điều tiết bằng 10% giá trị tơ kén của địa phương bán cho Công ty thu mua của Trung ương.
Trong quá trình thực hiện, nếu xét thấy cần điều chỉnh, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tơ tằm thì Bộ Nông nghiệp phải kịp thời trình với Hội đồng Bộ trưởng để quyết định.
4. Biện pháp chính và tổ chức thực hiện.
- Bộ Nông nghiệp cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải soát lại khả năng sản xuất của các vùng dâu tằm tập trung chuyên canh xuất khẩu để xây dựng kế hoạch sản xuất và giao mức nghĩa vụ ổn định tơ, kén cho địa phương và cơ sở; đề ra kế hoạch và biện pháp cụ thể để chỉ đạo giúp đỡ các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và gia đình đẩy mạnh sản xuất dâu tằm, kết hợp trong bông và cây có sợi khác để tự giải quyết đến mức cao nhất nhu cầu về mặc tại địa phương.
- Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm bàn với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố việc phân công sản xuất và cung cấp dâu giống và trứng tằm giống trong từng vùng và từng địa phương. Có kế hoạch củng cố các cơ sở giống dâu, giống tằm hiện có, xây dựng thêm cơ sở nhân giống mới, và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cán bộ ... để nhanh chóng bảo đảm có đủ giống tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất.
- Phải nhanh chóng nâng cao chất lượng tơ xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp phối hợp với các Bộ Công nghiệp nhẹ, Cơ khí và luyện kim, Ngoại thương... và các địa phương để giải quyết phụ tùng, thiết bị chế biến; không ngừng đổi mới quy trình kỹ thuật về mặt nông học và công nghệ trong việc sản xuất dâu, kén và tơ tằm để nâng cao chất lượng tơ xuất khẩu. Chú ý việc tổ chức cung ứng công cụ ươm tơ, dệt lụa cho nhân dân; chú ý sử dụng tốt tơ gốc để sản xuất các mặt hàng có giá trị cao.
- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dâu, tằm. Trước hết, tập trung vào các vấn đề tạo giống, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật thâm canh tăng năng suất dâu, kén, tơ và nâng cao chất lượng tơ xuất khẩu... Bộ Nông nghiệp phải tăng cường chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về dâu tằm, công tác thông tin tư liệu và hợp tác quốc tế về sản xuất dâu, tằm và chế biến tơ tằm.
- Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm thống nhất quản lý việc sản xuất tơ tằm từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến tơ phục vụ xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Bộ phải củng cố Cục dâu tằm và các đơn vị cơ sở để giúp Bộ chỉ đạo tốt phong trào sản xuất tơ tằm trong cả nước.
Về thu mua tơ kén phục vụ xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu tơ cho sản xuất trong nước, trước mắt vẫn thực hiện theo quyết định số 273 - TTg ngày 2 tháng 10 năm 1972 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất chỉ đạo và quản lý công tác trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và thu mua tơ. Bộ Nông nghiệp phải chấn chỉnh công tác tổ chức thu mua tơ, kén và làm việc với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ có liên quan để dành đủ khối lượng vật tư, hàng hoá phục vụ thu mua tơ kén. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp bàn thống nhất với các địa phương việc phân công thu mua tơ kén, nhất là việc thu mua tơ kén phục vụ xuất khẩu cho phù hợp với tình hình sản xuất chung và tình hình sản xuất của các địa phương hiện nay.
Các tỉnh, thành phố có sản lượng tơ kén lớn, tập trung có thể lập công ty kinh doanh tơ tằm. Các tỉnh, thành phố, các huyện khác cần có bộ phận chỉ đạo sản xuất tơ tằm, trồng bông và cây có sợi khác trực thuộc Sở, Ty nông nghiệp tỉnh và Ban nông nghiệp huyện.
- Bộ Nông nghiệp phối hợp với các Bộ Tài chính, Nội thương, Công nghiệp nhẹ, Ngoại thương, Mỏ và than, lương thực, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... để hướng dẫn thực hiện tốt quyết định này. Trước hết là hướng dẫn ngay việc thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất.
Các đoàn thể nhân dân, nhất là Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần có kế hoạch vận động hội viên, đoàn viên của mình cùng với động viên các cụ phụ lão tích cực tham gia phong trào trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông và cây có sợi khác để tự giải quyết nhu cầu về mặc.
Bộ Nông nghiệp thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện Quyết định này cho Hội đồng Bộ trưởng để chỉ đạo kịp thời.
| Tố Hữu (Đã ký) |
- 1Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 212-CT năm 1991 về đẩy mạnh phát triển sản xuất dâu tằm tơ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 254-CP năm 1981 bổ sung chính sách khuyến khích khai hoang phục hoá do Hội đồng Chính phủ ban hành
Quyết định 01-HĐBT năm 1982 về việc phát triển ngành dâu tằm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 01-HĐBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/01/1982
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 19/01/1982
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực