Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 12 năm 2015 |
VỀ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Luật hòa giải ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 01 năm 01 năm 2014. Sau gần hai năm thực hiện, đến nay, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn chưa có những thay đổi rõ rệt, công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại một số quận, huyện chưa hiệu quả, nhiều xã, phường, thị trấn còn lúng túng trong việc xác định số lượng và mô hình hoạt động của tổ hòa giải, làm ảnh hưởng đến việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn Thành phố; việc chi hỗ trợ cho hoạt động hòa giải chưa được thực hiện đầy đủ.
Mặt khác, mặc dù Luật hòa giải ở cơ sở đã quy định rõ chính sách; của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở là phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng hướng dẫn cụ thể các nội dung phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương với chính quyền địa phương các cấp, tuy nhiên, thời gian qua, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn Thành phố trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa được phát huy đúng mức.
Nhằm triển khai thi hành có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, phát huy truyền thống đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị như sau:
Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm:
1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, giới thiệu rộng rãi về hoạt động cụ thể của tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên bằng các hình thức và biện pháp thích hợp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.
2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố) nhằm phát huy vai trò tự nguyện, tự quản của Nhân dân trong hoạt động hòa giải, củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở để chất lượng, hiệu quả công tác này ngày càng được nâng cao, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm củng cố, kiện toàn và phân công công chức Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), Phòng Tư pháp (Ủy ban nhân dân các quận, huyện), công chức Tư pháp - Hộ tịch (Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn) tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.
3. Thực hiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đã lập thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hòa giải ở cơ sở.
1. Sở Tư pháp
a) Chủ động tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện trách nhiệm được quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.
b) Giúp Ủy ban nhân dân Thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN; xây dựng, cung cấp tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng, tập huấn cho báo cáo viên pháp luật để thực hiện công tác phổ biến, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố.
c) Giúp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố có các biện pháp cụ thể để cung cấp thông tin pháp luật cho các tổ hòa giải, hòa giải viên một cách kịp thời, hiệu quả và thiết thực; in ấn, cấp phát và hướng dẫn sử dụng “Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở” theo mẫu và quy định của Bộ Tư pháp cho các tổ hòa giải trên địa bàn Thành phố.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng, trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định một số mức chi cụ thể cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố (sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Tờ trình số 7078/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố) và thay thế Quyết định số 72/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
đ) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thành phố và các đơn vị khác có liên quan hướng dẫn tổ hòa giải phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội Luật gia, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Người cao tuổi trong hoạt động hòa giải, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, phấn đấu nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 80% trở lên theo định hướng của Bộ Tư pháp.
e) Chủ động giúp Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn Thành phố định kỳ 2 năm 1 lần.
g) Chủ động hướng dẫn Phòng Tư pháp quận, huyện thực hiện công tác thống kê, báo cáo về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định, phù hợp với thực tiễn để có cơ sở đánh giá vai trò của hòa giải viên cơ sở trong việc góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo và định hướng cho các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hoạt động hòa giải cơ sở với nội dung và thời lượng thích hợp.
3. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố.
4. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nội dung nêu tại Điểm d, Khoản 1, Mục II Chỉ thị này.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
5. Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Thực hiện tốt trách nhiệm trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP .
b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN.
c) Kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho công chức Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường, xã, thị trấn; tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
d) Chỉ đạo Phòng Tư pháp quận, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên theo Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên ban hành kèm theo Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đưa các thông tin, sự kiện, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên bản tin, cổng/trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân quận, huyện.
đ) Thực hiện tốt việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo đúng quy định pháp luật, trong đó có Quy định một số mức chi cụ thể cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố của Ủy ban nhân dân Thành phố; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
e) Chỉ đạo Phòng Tư pháp hướng dẫn công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện thống kê, báo cáo về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định và hướng dẫn của Sở Tư pháp.
6. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn
a) Thực hiện tốt trách nhiệm trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, xã, thị trấn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN.
b) Kiện toàn tổ hòa giải, hòa giải viên theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm trên địa bàn có số lượng tổ hòa giải và hòa giải viên phù hợp với nhu cầu, tình hình kinh tế - xã hội, quy mô dân số của phường, xã, thị trấn; củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch để thực hiện tốt nhiệm vụ về hòa giải ở cơ sở.
c) Chủ động xây dựng mô hình giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ hòa giải trên địa bàn; cung cấp các thông tin, sự kiện, hoạt động hòa giải ở cơ sở cho Phòng Tư pháp để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động hòa giải cơ sở.
d) Tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải và hòa giải viên theo nội dung quy định tại Điều 13 Nghị định, số 15/2014/NĐ-CP , thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên thực hiện theo đúng quy định pháp luật (thủ tục này đã được Bộ Tư pháp công bố tại Quyết định 3404/QĐ-BTP ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
đ) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp giữa tổ hòa giải với với Ban công tác Mặt trận, Chi hội Luật gia, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Người cao tuổi và các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở lại xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò của người được mời tham gia hòa giải theo quy định tại Điều 19 Luật hòa giải ở cơ sở; bảo đảm các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP đều được tiến hành hòa giải tại các tổ hòa giải, nâng cao số lượng và chất lượng hòa giải thành trên địa bàn, phấn đấu nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 80% trở lên theo định hướng của Bộ Tư pháp.
e) Báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp (nếu có) và Phòng Tư pháp về kết quả thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện thống kê, báo cáo về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định và hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn
a) Tăng cường sự phối hợp với chính quyền cùng cấp ở địa phương trong công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN nhằm đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn.
b) Phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; gắn hoạt động hòa giải với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương, giới thiệu rộng rãi về hoạt động của tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình hòa giải ở cơ sở.
c) Tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân, cơ quan tư pháp cùng cấp trong việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/MQLT-CP-UBTƯMTTQVN,
d) Hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với Tổ trưởng tổ hòa giải, Tổ trưởng tổ dân phố rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ hòa giải; tổ chức bầu, đề nghị công nhận, cho thôi làm Tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.
8. Đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thành phố, Hội Người cao tuổi Thành phố, Thành Đoàn, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố
Đẩy mạnh việc chỉ đạo các tổ chức, đơn vị trực thuộc và các thành viên tích cực phối hợp, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở, tạo mọi điều kiện để thành viên, hội viên tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn, góp phần bảo đảm các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP đều được tiến hành hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
9. Các cơ quan báo chí Thành phố
Các cơ quan báo chí Thành phố chú trọng phổ biến Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng các hình thức và biện pháp thích hợp, giới thiệu rộng rãi về hoạt động cụ thể của tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên để tôn vinh, khuyến khích, góp phần phát huy hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
1. Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh để Sở Tư pháp chủ động hướng dẫn hoặc tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thành phố, Hội Người cao tuổi Thành phố, Thành Đoàn, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị này.
3. Giao Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 354/QĐ-UBND về Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở năm 2015 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở do Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ ban hành
- 3Chỉ thị 19/2015/CT-UBND về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 4Nghị quyết 18/2015/NQ-HĐND về quy định mức chi cụ thể cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 1Quyết định 72/2011/QĐ-UBND về Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013
- 3Quyết định 164/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 4Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở
- 5Nghị quyết liên tịch 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở do Chính phủ - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- 6Quyết định 354/QĐ-UBND về Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở năm 2015 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 7Quyết định 3404/QĐ-BTP năm 2014 công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp
- 8Quyết định 4077/QĐ-BTP năm 2014 ban hành chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho hòa giải viên do Bộ Tư pháp ban hành
- 9Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở do Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ ban hành
- 10Chỉ thị 19/2015/CT-UBND về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 11Nghị quyết 18/2015/NQ-HĐND về quy định mức chi cụ thể cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2015 về tăng cường hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 21/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/12/2015
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Tất Thành Cang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: 09/12/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra