Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 72/2011/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25 tháng 12 năm 1998;

Căn cứ Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

Căn cứ Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Chỉ thị số 24/2010/CT-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 5202/TTr-STP ngày 20 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 93/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

QUY ĐỊNH

VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối t­ượng áp dụng

Quyết định này được áp dụng đối với hòa giải viên ở cơ sở được bầu và hoạt động theo quy định của Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 12 năm 1998.

Quyết định này không áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác mà theo quy định của pháp luật phải thực hiện công tác hòa giải.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Các nội dung chi cho công tác hòa giải ở cơ sở

Các nội dung chi cho công tác hòa giải ở cơ sở bao gồm:

1. Chi thù lao cho các Tổ hòa giải khi thực hiện hòa giải các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng dân c­ư đ­ược quy định tại Điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Chi hỗ trợ cho hòa giải viên dự hội nghị tập huấn nghiệp vụ, tập huấn kiến thức pháp luật.

3. Chi hỗ trợ hòa giải viên tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại tổ dân phố, ấp nhân dân.

4. Chi thi đua, khen thưởng hàng năm đối với cá nhân và tập thể thực hiện tốt công tác hòa giải.

5. Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ cho hòa giải viên; chi in ấn các biểu mẫu, sổ sách báo cáo.

6. Chi sơ kết, tổng kết các hoạt động hòa giải.

Điều 4. Chi thù lao hòa giải

1. Đối với các vụ việc hòa giải trong phạm vi được quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở mà hòa giải viên phải tổ chức hòa giải từ 1 đến 2 lần (hòa giải thành hoặc không thành) hoặc các tranh chấp có liên quan đến tài sản có giá trị dưới 1.000.000 đồng thì áp dụng mức chi là 100.000 đồng/vụ việc/tổ.

2. Đối với các vụ việc hòa giải trong phạm vi được quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở mà hòa giải viên phải tổ chức hòa giải từ 3 lần trở lên (hòa giải thành hoặc không thành) hoặc các tranh chấp có liên quan đến tài sản có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên thì áp dụng mức chi là 150.000 đồng/vụ việc/tổ.

Điều 5. Chi hỗ trợ cho hòa giải viên dự hội nghị tập huấn nghiệp vụ, tập huấn kiến thức pháp luật

1. Chi hỗ trợ tiền ăn cho hòa giải viên khi tham gia các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, tập huấn kiến thức pháp luật:

a) Hội nghị tổ chức tại các quận nội thành: tối đa 150.000 đồng/ngày/ người;

b) Hội nghị tổ chức tại các huyện: tối đa không quá 100.000 đồng/ngày/ người;

c) Hội nghị do xã, phường, thị trấn tổ chức (không phân biệt địa điểm tổ chức): tối đa 60.000 đồng/ngày/người.

2. Chi nước uống: tối đa không quá 30.000 đồng/ngày (2 buổi)/người.

3. Chi mua, photo tài liệu phục vụ tập huấn: căn cứ thực tế phát sinh của hội nghị và phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Điều 6. Chi hỗ trợ hòa giải viên tham gia công tác phổ biến pháp luật tại tổ dân phố, ấp nhân dân

Hòa giải viên tham gia phổ biến pháp luật tại tổ dân phố, ấp nhân dân tùy theo nội dung và thời gian phổ biến được hưởng thù lao tối đa là 200.000 đồng/người/buổi.

Điều 7. Chi thi đua, khen thưởng

Chi khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

1. Cá nhân được tặng Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được kèm theo mức tiền thưởng 0,3 lần mức lương tối thiểu chung.

2. Cá nhân được tặng Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được kèm theo mức tiền thưởng 0,15 lần mức lương tối thiểu chung.

3. Tập thể được tặng Giấy khen các cấp được kèm mức tiền thưởng gấp 2 lần mức tiền thưởng đối với cá nhân quy định tại Khoản 1, 2 Điều này.

4. Cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được kèm theo tiền thưởng 1,0 lần mức lương tối thiểu chung.

5. Tập thể được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được kèm theo tiền thưởng gấp 2 lần mức tiền thưởng đối với cá nhân quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 8. Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ cho hòa giải viên; chi in ấn các biểu mẫu, sổ sách báo cáo

Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm, sổ sách... phục vụ công tác hòa giải: mức chi tối đa không quá 100.000 đồng/tháng/tổ hòa giải (căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Điều 9. Chi tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết các hoạt động hòa giải

1. Chi hỗ trợ tiền ăn:

a) Hội nghị tổ chức tại các quận nội thành: tối đa 150.000 đồng/ngày/ người;

b) Hội nghị tổ chức tại các huyện: tối đa không quá 100.000 đồng/ngày/ người;

c) Hội nghị do xã, phường, thị trấn tổ chức (không phân biệt địa điểm tổ chức): tối đa 60.000 đồng/ngày/người.

2. Chi nước uống: tối đa không quá 30.000 đồng/ngày (2 buổi)/người.

3. Chi bồi dưỡng cho người viết báo cáo tham luận trong hội nghị tổng kết: tham luận của hòa giải viên là 200.000 đồng/bài; tham luận của Tổ hòa giải là 300.000 đồng/bài.

4. Các chi phí khác phục vụ hội nghị: thuê hội trường, in sao tài liệu, thuê phục vụ, giữ xe... phải có hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ).

Điều 10. Thủ tục nhận thù lao cho hòa giải viên

1. Sau khi kết thúc việc hòa giải theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP , Tổ hòa giải phải lập Biên bản hòa giải hoặc Báo cáo hòa giải và gửi về Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận, đóng dấu.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận số trường hợp hòa giải và trả thù lao hòa giải đầy đủ, đúng quy định cho Tổ hòa giải.

3. Biên bản hòa giải được lập trong trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu hoặc được các bên tranh chấp đồng ý. Trường hợp các bên tranh chấp không yêu cầu hoặc không đồng ý lập Biên bản hòa giải thì Tổ hòa giải lập Báo cáo hòa giải. Nội dung Biên bản hòa giải hoặc Báo cáo hòa giải gồm:

a) Tên Tổ hòa giải, người tiến hành hòa giải;

b) Ngày, tháng, năm hòa giải;

c) Thành phần tham gia hòa giải;

d) Địa điểm hòa giải;

đ) Nội dung tranh chấp của các bên;

e) Số lần hòa giải;

g) Kết quả hòa giải (trong trường hợp hòa giải không thành thì nêu rõ lý do);

h) Cam kết của các bên tranh chấp sau khi hòa giải.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Tổ trưởng Tổ hòa giải hoặc người tiến hành hòa giải.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở

Kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương được trích từ nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 12. Lập dự toán, quản lý, quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở

1. Hàng năm, căn cứ vào số lượng Tổ hòa giải và số vụ việc hòa giải, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở trong nguồn kinh phí của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.

2. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy định này, thường xuyên kiểm tra, bảo đảm việc sử dụng kinh phí đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 72/2011/QĐ-UBND về Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 72/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/11/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Minh Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 70
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản