Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT.UBT.97

Cần Thơ, ngày 06 tháng 11 năm 1997

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG BUÔN LẬU KINH DOANH TRÁI PHÉP TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong 9 tháng đầu năm 1997, công tác đấu tranh chống buôn lậu được các ngành các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức kiêm tra ngăn chặn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cũng còn hạn chế so với những thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi của các tổ chức, cá nhân cố tình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại để trốn thuế.

Để tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, ngày 11-07-1997 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 85/CP.m có nêu một số giải pháp cấp bách về chống buôn lậu; cũng như công điện số 51-V1 ngày 16-07-1997; Chỉ thị số 853/1997/CT.TTg ngày 11-10-1997 tiếp tục đôn đốc nhắc nhở các ngành các cấp khẩn trương chỉ đạo và tổ chức tốt công tác chống buôn lậu gian lận thương mại trên địa bàn.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Cần Thơ yêu cầu các Sở, Ban ngành, UBND thành phố Cần Thơ và các huyện tập trung thực hiện ngay các nội dung sau đây:

1- Kiểm tra rà soát các đơn vị có chức năng xuất nhập khẩu phải đảm bảo thực hiện đúng quy định Nhà nước. Tránh tình trạng gian lận trong việc kê khai hàng xuất nhập khẩu nhằm mục đích trốn thuế và nhập lậu hàng cấm. Thực chất đây là thủ đoạn buôn lậu mới được núp dưới dạng là sai sót kỹ thuật, yêu cầu các đơn vị các cơ quan chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm.

2- Tất cả các loại hàng ngoại nhập không qua cửa khẩu không khai báo hải quan hoặc đang bán tại các cửa hàng hoặc đang lưu giữ trong các kho, hay đang vận chuyển trên đường, nếu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp đều được xem là hàng lậu, phải bị tịch thu. Các phương tiện vận chuyển hàng lậu đều phải được thu giữ và xem như tang vật của vụ án buôn lậu, các chủ phương tiện, thủ trưởng đơn vị có phương tiện vận chuyển hàng lậu cũng bị xử lý. Tiền thu được từ hoạt động chống buôn lậu trừ phần trích thưởng cho các đơn vị, cá nhân theo quy định, được để lại toàn bộ cho ngân sách địa phương sử dụng.

3- Các ngành Nội chính, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế vụ của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Quân khu 9, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để kịp thời xử lý nghiêm minh, đối với các vụ việc buôn lậu, các đơn vị sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu có hành vi gian lận thương mại để trốn lậu thuế. Trước tiên áp dụng ngay việc ngưng làm thủ tục xuất nhập khẩu đối với đơn vị đó. Trình UBND tỉnh xem xét quyết định đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với đơn vị vi phạm.

4- Tình hình buôn lậu thuốc lá ngoại nhập vẫn tiếp tục phát triển bằng cách sử dụng các phương tiện giao thông vận tải thủy bộ với khối lượng nhiều. Để khắc phục nhanh tình trạng trên các ngành chức năng tỉnh kết hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các huyện có kế hoạch tổ chức kiểm tra thu giữ đối với thuốc lá ngoại nhập lậ cả hai đầu: Đầu vào (nhập lậu vào địa bàn tỉnh) và đầu ra (buôn bán trên thị trường nội địa). Vừa qua các ngành chức năng chỉ chống chủ yếu ở đầu vào còn đầu a thì gần như buôn lỏng thả nổi.

5- Công tác phòng chống buôn lậu cần phải gắn với việc đăng ký lại các cơ sở kinh doanh ngoài quốc doanh theo Chỉ thị 657/TTg ngày 13-09-1996 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký và thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định của Nhà nước.

6- Các ngành chức năng phải thường xuyên giáo dục, kiểm tra, kiểm soát đối với cán bộ trực tiếp làm công tác chống buôn lậu tránh tình trạng cán bộ làm công tác chống buôn lậu “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu.

7- Phải xác định và nhận thức đầy đủ, chống buôn lậu hiện nay là một trong những công tác rất phức tạp phải được tiến hành khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ, thường xuyên, liên tục bằng những biện pháp tuyen truyền giáo dục để trong nội bộ va nhân dân hiểu đúng mức tác hại của buôn lậu.

8- Trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan đơn vị có chức năng quản lý Nhà nước cũng như chức năng xuất nhập khẩu phải xem công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thơng mại, kinh doanh trái phép là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đối với tình hình hiện nay.

9- Giao trách nhiệm:

- Đối với Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu của tỉnh:

+ Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh từ nay đến hết quý I - 1998.

+ Tổ chức họp giao ban các ngành chức năng liên quan 10 ngày 1 lần vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng, thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc thực hiện và báo cáo tình hình, kết quả bằng văn bản theo quy định.

+ Tiến hành tổ chức sơ tổng kết công tác chống buôn lậu đối với một số Sở, ngành, địa phương để làm cơ sở cho việc tổ chức tổng kết của tỉnh, đê ra phương hướng nhiệm vụ cho công tác chống buôn lậu từ nay đến hết năm 1998.

- Đối với các Sở, ngành, UBND thành phố Cần Thơ và các huyện:

+ Tổ chức triển khai, làm quán triệt tinh thần và nội dung của Chỉ thị này, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đơn vị sản xuất kinh doanh; đồng thời có kế hoạch chỉ đạo thực hiện ngay một số việc cụ thể bó cáo về Thường trực ban chỉ đạo để báo cáo chính phủ.

+ Củng cố tăng cường bổ sung đối với các lực lượng chống buôn lậu đủ mạnh, đảm bảo các điều kiện và phương tiện để có khả năng phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả.

+ Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, đảm bảo được bí mật, thống nhất cao trong các phương án hành động cụ thể.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc các ngành, các cấp thường xuyên phản ánh về UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.

 

 

CHỦ TỊCH UBND TỈNH CẦN THƠ




Võ Hoàng Xinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UBT-97 về tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu kinh doanh trái phép trong tình hình mới do tỉnh Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 20/CT-UBT-97
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/11/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cần Thơ
  • Người ký: Võ Hoàng Xinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản