Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UB

Bến Tre, ngày 13 tháng 7 năm 1998

 

CHỈ THỊ

V/V XÂY DỰNG TỦ SÁCH PHÁP LUẬT Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRONG TỈNH

Việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở là một việc rất thiết thực để tăng cường phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân, vì tủ sách pháp luật chính là phương tiện giúp cho cán bộ chính quyền cơ sở nắm có hệ thống và cập nhật các văn bản pháp luật để áp dụng, thực hiện đúng pháp luật và giúp nhân dân có điều kiện tìm hiểu pháp luật góp phần xây dựng nền văn hoá pháp luật.

Thời gian qua, xuất phát từ yêu cầu cần thiết này nên nhiều xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng tủ sách pháp luật để phục vụ cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở.

Hiện nay việc xây dựng tủ sách pháp luật đã được Chính phủ quy định cụ thể : Trong kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 (Ban hành kèm theo Quyết định số 03/98/QĐ-TTg ngày 07-01-1998 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra yêu cầu : Phải xây dựng và khai thác tốt tủ sách pháp lý ở các cơ quan, đơn vị, trong đó phải ưu tiên cho chính quyền cơ sở. Trong năm 1998 tất cả các đơn vị phải xây dựng tủ sách pháp luật và từng bước bổ sung cho tủ sách. Trong Quyết định số 69/98/QĐ-TTg ngày 31-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phát hành công báo Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho cấp xã, phường, thị trấn” cũng đã quy định rõ trong điều 2 như sau: “ở mỗi xã, phường, thị trấn cần xây dựng tủ sách riêng gọi là “Tủ sách pháp luật’ để cung cấp tư liệu cho cán bộ chính quyền địa phương nghiên cứu, sử dụng, vừa tạo điều kiện để nhân dân có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước”.

Như vậy việc xây dựng “Tủ sách pháp luật” ở cơ sở là hết sức cần thiết và cấp bách. Để việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn được tiến hành đồng loạt, có chất lượng, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1) Ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh UBND cần khẩn trương xây dựng tủ sách pháp luật trong năm 1998 để đưa tủ sách pháp luật vào hoạt động phục vụ cho việc nghiên cứu, áp dụng của cán bộ chính quyền cơ sở và phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân xã, phường, thị trấn.

- UBND xã cấp kinh phí ban đầu để mua, đóng tủ sách pháp luật và mua một số đầu sách mới cần thiết cho tủ sách. Nếu ngân sách ở cơ sở thật sự có khó khăn, do UBND huyện thị xem xét cụ thể quyết định để cấp kinh phí hỗ trợ cho tủ sách đạt yêu cầu tối thiểu, đồng thời chỉ đạo cho các bộ phận thuộc UBND xã tập hợp tất cả những cuốn công báo, sách, báo Pháp luật, Bản tin Tư pháp, tạp chí, các cuốn hệ thống văn bản pháp luật rời được cấp phát trong các hội nghị hoặc được mua trước đây vào tủ sách pháp luật để tạo nguồn tài liệu ban đầu cho tủ sách.

- Những công báo được Chính phủ phát hành cho cấp xã từ ngày 01-5-1998 phải được lưu giữ, hệ thống đầy đủ.

- Kể từ nay tất cả các tài liệu, sách, báo Pháp luật được cấp trên cấp phát thông qua việc gởi trực tiếp đến cơ sở hoặc phát cho đại biểu cấp xã tại các hội nghị đều phải tập trung vào tủ sách pháp luật, không để tản mạn thất lạc.

- Hàng năm UBND xã, phường, thị trấn cần đầu tư một khoản kinh phí để mua bổ sung thêm những sách, báo pháp luật cần thiết cho tủ sách pháp luật. Trong đó chú trọng đặt mua một số lượng cần thiết Bản tin Tư pháp Bến Tre để lưu trữ tại tủ sách pháp luật để cho các tổ chức nhân dân tự quản mượn sinh hoạt ra nhân dân và nhân dân mượn đọc để góp phần phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân một cách hiệu quả.

2) UBND xã, phường, thị trấn giao trách nhiệm trực tiếp quản lý tủ sách pháp luật cho Ban Tư pháp.

- Ban Tư pháp phải quản lý tủ sách pháp luật chặt chẽ, có hiệu quả, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu nghiên cứu áp dụng của cán bộ chính quyền và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ở địa phương đồng thời phải bảo đảm không để thất lạc, mất mát sách, báo, tài liệu về pháp luật.

- Mỗi tủ sách đều cần mở sổ theo dõi danh mục sách, báo, tài liệu, đồng thời mở sổ theo dõi việc cho mượn sách chặt chẽ vì cán bộ Tư pháp phải kiêm nhiệm việc quản lý tủ sách pháp luật, nên cần lên lịch phục vụ việc mượn sách hợp lý. Đối với cán bộ thì có thể bố trí cho mượn hàng ngày. Đối với nhân dân thì có thể bố trí một thời gian hợp lý trong tuần để phục vụ cho việc mượn đọc tại chỗ hoặc mượn để sao chép lại.

3) Giao cho Sở Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng tủ sách pháp luật ở các xã, phuờng, thị trấn trong tỉnh và thường xuyên liên hệ với các nhà xuất bản và Bộ Tư pháp để nắm được nguồn sách, báo, tài liệu pháp luật mới phát hành để lên danh mục thông báo cho các xã, phuờng, thị trấn biết và đăng ký mua sách cho tủ sách pháp luật cho kịp trong đợt phát hành.

Để đảm bảo việc quản lý, sử dụng tốt tủ sách pháp luật, Sở Tư pháp cần phối hợp với Sở Văn hoá thông tin, với bộ phận lưu trữ của UBND tỉnh để tập huấn nghiệp vụ về quản lý thư viện và nghiệp vụ lưu trữ cho cán bộ tư pháp xã được phân công quản lý tủ sách pháp luật.

Việc xây dựng tủ sách pháp luật có ý nghĩa thiết thực trước mắt và lâu dài trong việc thực hiện pháp luật, đảm bảo dân chủ ở cơ sở và nâng cao dân trí pháp lý, vì vậy chính quyền cơ sở phải có biện pháp thực hiện tốt. Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc đề nghị UBND xã, phường, thị trấn phản ánh về UBND huyện thị để tổng hợp báo cáo và đề xuất lên UBND tỉnh để chỉ đạo uốn nắn kịp thời.

Giám đốc Sở Tư pháp và Chủ tịch UBND các huyện thị có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn nội dung chỉ thị này đến tận xã, phường, thị trấn.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Cam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/CT-UB năm 1998 về xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 18/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/07/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Huỳnh Văn Cam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản